Hoạt động thu mua lương thực, thực phẩm phục vụ cho kháng chiến

Một phần của tài liệu Căn cứ lõm cách mạng ở tỉnh quảng nam trong kháng chiến chống mỹ (1965 1975) 1 (Trang 72 - 75)

8. Bố cục luận văn

2.4.4. Hoạt động thu mua lương thực, thực phẩm phục vụ cho kháng chiến

Do nằm trong vùng địch kiểm soát nên các căn cứ lõm có nhiều điều kiện để tiếp cận với các nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào trong các thị xã, thị trấn. Vì vậy, một trong những hoạt động quan trọng của các cơ sở cách mạng, các đội du kích là tổ chức móc nối, thu mua lương thực, thực phẩm, thuốc men từ vùng địch để cung cấp cho vùng căn cứ địa, vùng giải phóng. Để thực hiện được nhiệm vụ này, các cấp ủy đảng, các đội công tác thường xuyên vận động, hướng dẫn quần chúng nhân dân, cơ sở hợp pháp đấu tranh với địch bằng hình thức phong phú như biểu tình kéo đến đồn địch, cơ quan xã, quận với các khẩu hiệu mang tính chất đòi dân sinh, dân chủ như không được càn quét, bắn pháo vào làng; không được đốt nhà, phá mùa màng; không được lục soát nhân dân, đập đổ gạo mắm của nhân dân; phải để cho nhân dân đi lại làm ăn, chợ búa… Thực chất là nhằm tạo thế hợp pháp để giữ vững giao lưu buôn bán giữa vùng địch và vùng ta, tạo điều kiện để ta thu mua, vận động nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm, hàng hóa, thuốc mem, từng bước đảm bảo nhu cầu hậu phương tại chỗ cho cuộc kháng chiến.

Ở các căn cứ lõm của thị xã Tam Kỳ, các cơ sở cách mạng lợi dụng nghề làm bún, nghề lái xe thồ, xe xích lô để dễ dàng xâm nhập vào nội ô, vừa để nắm tình hình, vừa tìm cách mua các loại nhu yếu phẩm cung cấp cho cách mạng, đặc biệt là những loại hàng hóa đặc biệt, khó mua như pin, giấy, mực…. Trong thời gian phong trào cách mạng gặp khó khăn, các tuyến hành lang bị phong tỏa, các cơ sở cách mạng tìm cách đào hầm chôn cất lương thực, thuốc men ở những địa điểm thuận lợi để đêm đến lực lượng của ra từ căn cứ xuống đào lên mang đi. Ở căn cứ lõm Tam Ngọc, bằng phương thức “mua gạo đổi quế”25, cơ sở cách mạng của ta đã vận chuyển lúa gạo, thực phẩm lên bán cho các cửa khẩu mậu dịch, cơ quan của Khu ủy Khu 5, Tỉnh ủy. Đặc biệt, ở Tam Ngọc có 04 gia đình sắm mỗi nhà một chiếc ghe làm đầu mối chuyên chở hàng tấn gạo được móc nối, thu mua từ các cơ sở cách mạng, từ các căn cứ lõm trong nội ô Tam Kỳ lên cho lực lượng cách mạng. “Chỉ riêng trong hai năm 1964-

1965, bốn gia đình này đã chuyên chở hơn 3.000 tấn gạo đổi lấy quế cho ta” [25, tr. 5]. Tuy nhiên sau đó bị địch phát hiện, chúng bắn chết anh Tú, anh Toàn và chị Đổng. Trong những giai đoạn cách mạng gặp khó khăn, đường dây liên lạc bị đứt, tuyến hành lang bị địch đóng chốt, đổ quân bịt kín, các cơ sở cách mạng trong các ấp chiến lược ở Tam Ngọc đã có nhiều cách làm sáng tạo để đưa gạo, mắm lên vùng giải phóng để ủng hộ cách mạng, như: mỗi sáng khi lùa trâu, bò ra khỏi ấp chiến lược, các cơ sở cách mạng, quần chúng tốt bỏ gạo vào ống tre rồi treo lên sừng bò để đưa ra đồi Đá Đen (vùng giải phóng của ta), đổ vào các chum đã được đặt sẵn để đội công tác, du kích đến lấy. Có gia đình đào hầm để chôn lúa, gạo, mắm muối sát hàng rào ấp chiến lược để ban đêm cán bộ đến moi lên, mang đi.

Ở căn cứ lõm Bàu Bính, ta đã linh hoạt và kiên trì vận động nhân dân, các cơ sở hợp pháp trong các khu dồn móc nối với bà con Bình Dương ở các nơi Hà Lam, Hương An, Đà Nẵng, Tam Kỳ… gửi tiền về, móc nối thu mua lương thực từ trong vùng địch, rồi qua đường dây từ Xuyên Tân, Phú Phong chuyển về căn cứ an toàn.

Ở căn cứ Ao Lầy, từ năm 1972, ta đã xây dựng được cửa khẩu mậu dịch với 02 địa điểm buôn bán, điểm thứ nhất là gần nhà ông Tý, bà Diễn, bà Tới và đồi gần nhà bà Đốc (thôn Ao Lầy); điểm thứ hai là ở thôn Trung Định. Tại các điểm này diễn ra các hoạt động giao lưu buôn bán giữa bà con vùng giải phóng với bà con trong vùng địch kiểm soát. Mặt hàng trao đổi, buôn bán chủ yếu là gạo, muối, thuốc men, mắm được thu mua từ chợ ngã ba Chiên Đàn, từ vùng đông Tam Kỳ và các xã vùng ven Quốc lộ 1. Hình thức vận chuyển các mặt hàng chủ yếu là bằng buôn gánh. Thời điểm chợ tập trung đông nhất là từ 12 giờ trưa đến khoảng 15 giờ chiều. Từ cửa khẩu mậu này, “có đêm ta thu mua được từ 02 đến 03 tấn gạo” [13, tr. 61]. Sự tồn tại của chợ kháng chiến tại Ao Lầy (Kỳ Thịnh) có ý nghĩa rất quan trọng đối cuộc kháng chiến của ta lúc bấy giờ. Chợ kháng chiến hoạt động ngay trong vùng tranh chấp đã tạo điều kiện duy trì hoạt động buôn bán bình thường giữa vùng ta với vùng địch, giữ quan hệ đi lại, làm ăn trong vùng địch kiểm soát, góp phần duy trì khả năng cung cấp lương thực, vận động tiểu thương các chợ bán lương thực và thực phẩm để chuyển về hậu cứ. Ngoài ra, qua trao đổi buôn bán, người dân Kỳ Thịnh nắm bắt thông tin về địch khá chính xác, kịp thời… để báo cho lực lượng của ta chuẩn bị ứng phó.

Tiểu kết Chƣơng 2

Trong suốt 10 năm 1965-1975, quân Mỹ - Việt Nam cộng hòa liên tiếp thực hiện các chiến lược thực dân mới, từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1972) đã gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất, nhất là phong trào cách mạng ở vùng địch kiểm soát, vùng tranh chấp giữa ta và địch. Nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới, Tỉnh ủy Quảng Nam đã chỉ đạo các cấp ủy đảng đẩy mạnh xây dựng cơ sở cách mạng, hình thành hệ thống các căn cứ lõm ở vùng địch kiểm soát và vùng tranh chấp như Phương Hòa (Kỳ Hương), Hòa Hương (Phường 1), Tam Ngọc (Phường 3) thuộc thị xã Tam Kỳ; Kỳ Xuân (Nam Tam Kỳ), Ao Lầy (Kỳ Thịnh, Bắc Tam Kỳ), Bãi sậy sông Đầm (Kỳ Phú); Bàu Bính (Bình Dương, Thăng Bình). Các căn cứ này được xây dựng trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về căn cứ địa cách mạng; đồng thời đây là sự vận dụng sáng tạo các quan điểm về căn cứ cách mạng vào tình hình thực tiễn của các địa bàn cụ thể. Nhờ sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm của lực lượng vũ trang, đặc biệt là “thế trận lòng dân” được phát huy cao độ đã tạo tiền đề vững chắc để bảo vệ và phát triển các căn cứ lõm, góp phần xứng đáng vào sự lớn mạnh của phong trào cách mạng địa phương, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

CHƢƠNG 3

ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ, BÀI HỌC KINH NGHIỆM VỀ XÂY DỰNG CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG Ở TỈNH QUẢNG NAM

Một phần của tài liệu Căn cứ lõm cách mạng ở tỉnh quảng nam trong kháng chiến chống mỹ (1965 1975) 1 (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)