Hoạt động xây dựng cơ sở, nuôi giấu cán bộ trong lòng địch

Một phần của tài liệu Căn cứ lõm cách mạng ở tỉnh quảng nam trong kháng chiến chống mỹ (1965 1975) 1 (Trang 58 - 64)

8. Bố cục luận văn

2.4.1. Hoạt động xây dựng cơ sở, nuôi giấu cán bộ trong lòng địch

Quá trình chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1972) thực chất là cuộc chiến đấu giành dân và giữ dân giữa ta và địch. Đặc biệt, ở vùng thị xã, thị trấn, khu vực vành đai bảo vệ căn cứ quân sự Chu Lai, cuộc chiến đấu này diễn ra vô cùng khốc liệt, với nhiều khó khăn thử thách. Về phía địch, chúng liên tiếp tổ chức các cuộc càn quét, khủng bố để xúc tát dân vào các khu dồn, ấp chiến lược để dễ bề kiểm soát, tách dân ra khỏi cách mạng. Về phía ta, thấm nhuần quan điểm “lấy dân làm gốc” (Hồ Chí Minh), ta kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu dồn dân lập ấp chiến lược, ra sức bồi dưỡng sức dân, tổ chức móc nối, bồi dưỡng xây dựng nhân dân thành các cơ sở cách mạng phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh chung. Đặc biệt đối với vùng địch kiểm soát, vùng căn cứ lõm, nhiệm vụ xây dựng cơ sở bí mật ngay trong lòng địch là nhiệm vụ cốt tử, quyết định đến sự tồn tại và hoạt động của các căn cứ lõm.

19 Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 1985, quân và dân xã Bình Dương vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Nhận thức tầm quan trọng đó, từ năm 1965, nhiệm vụ xây dựng cơ sở, thực lực cách mạng trong các căn cứ lõm được cấp ủy các cấp đặc biệt chú trọng. Các địa phương trong tỉnh đều thành lập đội công tác vùng sâu, bám sát địa bàn để xây dựng cơ sở, khôi phục lại phong trào cách mạng. Đồng chí bí thư cấp ủy được phân công lãnh đạo công tác vùng địch, đồng chí bí thư chi bộ làm đội trưởng đội công tác; cán bộ, đảng viên trong chi bộ có nhiệm vụ bám sát địa bàn hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng. Nhờ đó, cơ sở cách mạng trong các căn cứ lõm không chỉ được duy trì mà còn liên tục phát triển qua các giai đoạn của cuộc kháng chiến.

Ở các căn cứ lõm trên địa bàn thị xã Tam Kỳ, các đồng chí lãnh đạo Thị ủy, các đội công tác hằng đêm vượt qua các đồn bốt địch về nằm lại trong dân, đột nhập vào các khu dồn, các ấp chiến lược để tuyên truyền, vận động xây dựng cơ sở cách mạng. Tiêu biểu như Phương Hòa (xã Kỳ Hương), ta đã xây dựng được 60 cơ sở cách mạng làm nghề bán bún, vừa làm giao liên, vừa nắm tình hình địch và trở thành đội quân đấu tranh chính trị khi cần. Đánh giá về sự hy sinh quên mình của nhân dân ở căn cứ lõm Phương Hòa đối với cách mạng, đồng chí Trần Phú Ninh, nguyên đội viên Đội công tác nội ô thị xã Tam Kỳ khẳng định: “Lòng dân Phương Hòa là bức tường thép đã bảo vệ cán bộ, đội công tác của chúng tôi trong suốt những năm tháng hoạt động ngay trong lòng địch”. Ở Hòa Hương, ta xây dựng được ông Nguyễn Mai, Nguyễn Hối, Lê Thị Hòe, Trần Nhạc, Nguyễn Thị Khôi, Nguyễn Nhã; ở Tam Ngọc, các gia đình ông, bà Nguyễn Thị Đồng, Trần Nhạc, Nguyễn Hiển, Nguyễn Sự, Huỳnh Phúng, Nguyễn Rạng, Nguyễn Thị Gáo. Đây là những cơ sở trung kiên, trải qua nhiều lần đánh phá của địch, nhiều cơ sở bị địch bắt, tra tấn, tù đày nhưng vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.

Ở căn cứ lõm Kỳ Xuân, Chi bộ xã tập trung công tác tuyên truyền, giác ngộ tư tưởng nên hầu hết quần chúng nhân dân đều tích cực ủng hộ cách mạng, nuôi giấu cán bộ. Hệ thống hầm bí mật, công sự mật được xây dựng trải đều ở các thôn. Nhân dân tích cực nuôi dưỡng, che giấu, bảo vệ cán bộ, cơ sở nên mặc dù trên địa bàn xã có một đại đội quân Mỹ chiếm đóng, ngày đêm tuần tra, lùng sục nhưng mọi sinh hoạt, đi lại của cán bộ, du kích vẫn đảm bảo bí mật, an toàn. Tiểu đoàn đặc công 409 Quân khu, Đội 10 đặc công nước cũng thường xuyên lấy địa bàn xã Kỳ Xuân để ém quân, chuẩn bị chiến trường, tập kết vũ khí, trang bị và làm bàn đạp để tấn công các mục tiêu ở sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà mà địch không hề hay biết [30, tr. 158-159]. Theo đồng chí Võ Chốn (Võ Đăng Thứ), nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ được phân công phụ trách các xã cánh đông của Nam Tam Kỳ, bao gồm xã Kỳ Xuân ghi nhận: “Trong nhiều trận đánh lớn của ta vào căn cứ Chu Lai, cảng Kỳ Hà, phần lớn bộ đội bị thương được đưa về tập kết, trú ẩn tại Kỳ Xuân và được nhân dân che giấu, nuôi dưỡng, thuốc men rất chu đáo trước khi đưa về căn cứ an toàn” [10, tr. 12].

Ở căn cứ lõm Bãi Sậy - Sông Đầm (xã Kỳ Anh, Kỳ Phú), với địa thế là một vùng đầm lầy rộng lớn với diện tích tự nhiên khoảng 180ha, mực nước sâu trung bình 1,6m, lực lượng cách mạng đã lợi dụng căn cứ Bãi Sậy kết hợp với địa đạo Kỳ Anh che giấu cho các đơn vị vũ trang, du kích, quân chủ lực và đơn vị đặc công, là địa điểm tập kết chuẩn bị lực lượng tiến công đánh vào các cứ điểm của địch như An Hà, Núi Cấm, tỉnh đường Quảng Tín. Nhắc về địa thế hiểm yếu của căn cứ lõm này, đồng chí Đỗ Xuân Mỹ, cán bộ Đội đặc công huyện Bắc Tam Kỳ giai đoạn 1969 - 1971 tham gia chiến đấu tại đây kể: “Ngày trước sậy ở đây mọc um tùm, che kín hết cả Sông Đầm, anh em chúng tôi sống sót cũng nhờ những bụi sậy này. Do địa hình phức tạp, đầm lầy bao phủ nên muốn đi vào bên trong Bãi Sậy phải là người am hiểu và thông thạo địa hình. Nếu địch có phát hiện thì cũng khó mà tấn công vào được. Nhân dân xung quanh đây đều là cơ sở của ta nên không thiếu lương thực, thuốc men chuyển vào cung cấp cho cán bộ hoạt động” [35]. Đối với ông Nguyễn Thành Hưng - cán bộ phụ trách 3 Đội công tác vùng đông huyện Bắc Tam Kỳ (Kỳ Anh Đông, Kỳ Anh Tây, Kỳ Phú) giai đoạn 1964 - 1973, Bãi Sậy - Sông Đầm gắn liền với cuộc đời ông, gắn liền với những chiến công oanh liệt của đội quân cách mạng. Ông Hưng kể lại: “nơi đây cũng là căn cứ cách mạng của toàn huyện Bắc Tam Kỳ kể từ kháng chiến chống Pháp rồi đến chống Mỹ. Đặc biệt, đây cũng là nơi tập hợp các cánh quân chủ lực của ta để chuẩn bị lực lượng tiến đánh tỉnh đường Quảng Tín” [35]. Ông Nguyễn Thành Hưng nhớ lại: “Năm 1966, quân du kích từ căn cứ Bãi Sậy - Sông Đầm đã bí mật tấn công vào cơ quan của địch đặt tại núi Cấm diệt gọn một tiểu đoàn cộng hòa. Tiếp đến, vào năm 1968, cũng tại căn cứ này, lực lượng du kích địa phương phối hợp với Đội công tác Huyện đội Bắc Tam Kỳ tổ chức hành quân đánh đồn An Hà tiêu diệt đại đội biệt kích của địch. Từ đó, quân ta liên tiếp mở các đợt phản công địch tiến đến giải phóng Tam Kỳ vào năm 1975” [35]. Trong những năm 1973 - 1974, Ban Thường vụ Huyện Bắc Tam Kỳ củng cố lực lượng đưa 3 đội công tác trở về trụ bám trên Bãi Sậy - Sông Đầm, hạ quyết tâm giành lại chiến trường vùng Đông chuẩn bị phục vụ chiến dịch xuân 1975. Bằng hành động cụ thể, quyết vượt qua khó khăn, ban ngày mỗi người mang theo bên mình một nắm cơm, một bình đông nước lã ngâm mình từ sáng đến tối trong bãi sậy, tối đến lên bờ chia nhau từng tổ, xâm nhập ấp chiến lược, gặp gỡ quần chúng, bắt liên lạc cơ sở, tuyên truyền cách mạng, lần lượt đột nhập hết xóm này đến xóm khác. Nhân dân trong căn cứ tuy sống trong sự kèm kẹp của địch, nhưng họ rất nhiệt tình, tìm mọi cách tiếp tế cơm nước, thuốc men để ta trụ bám dài ngày trong các bãi sậy, dùng thuyền con làm cá để chở cán bộ ta đi công tác qua lại trong vùng, họ còn chia nhau cảnh giới địch, bảo vệ ta đi lại hoạt động ban đêm.

Nhờ củng cố kịp thời căn cứ vùng Đông, sau 2 tháng phát động quần chúng, thông qua đấu tranh chính trị, binh vận, ta giành lại quyền làm chủ trên chiến trường vùng

Đông. Riêng căn cứ vùng Đông ta giải phóng đưa lên thế làm chủ hai mặt hơn một ngàn dân. Bên ngoài vẫn còn chính quyền địch, nhưng ta đưa người của ta vào điều khiển. Bên trong căn cứ ta có chi bộ Đảng, chi đoàn thanh niên cách mạng, có du kích B, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ. Tính riêng trong 48 ngày nổi dậy bằng đấu tranh chính trị, binh vận vào giữa năm 1974 , các đội công tác 3 xã vùng Đông đã vực dậy phong trào, khôi phục và phát triển 120 cơ sở, xóa vùng trắng, làm chủ toàn bộ chiến trường vùng Đông, tạo thuận lợi cho chiến dịch xuân 1975 giành thắng lợi hoàn toàn [14, tr. 77]. Đồng chí Lê Đức Dũng, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Bắc Tam Kỳ (1973-1974) nhận định: “Bài học kinh nghiệm giữ được căn cứ vùng Đông xuyên suốt từ đầu đến cuối cuộc kháng chiến năm 1954 -1975 là nhờ ta biết dựa vào dân, kiên trì trụ bám, dũng cảm chiến đấu, vận dụng tốt phương châm ba mũi giáp công, lần lượt đẩy địch thất bại từng phần, nhanh chóng tổ chức lực lượng, chuyển ít thành nhiều chuyển yếu thành mạnh để đánh thắng địch” [14, tr. 78].

Sự tồn tại, duy trì hoạt động của căn cứ lõm Bãi Sậy-Sông Đầm gắn liền với địa đạo Kỳ Anh được xây dựng từ năm 1965-1967. Địa đạo được đào bí mật với hình dạng như ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách và có chiều dài khác nhau. Có thôn đào khoảng 2km như thôn Mỹ Cang, có thôn đào quanh co từ 8 - 10km như Thạch Tân, Vĩnh Bình, rộng từ 0,8 - 1m, cao từ 1,2 - 1,5m, cứ 10m thì có một lỗ thông hơi [36, tr. 161]. Trong địa đạo còn có giếng nước và nhiều hầm bí mật rộng để chứa lương thực, thực phẩm, cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ thương binh, có số hầm nằm ngay trong nhà dân. Hệ thống địa đạo tập trung nhiều nhất tại thôn Thạch Tân và Vĩnh Bình với hai địa điểm cực kỳ trọng yếu là ngôi đình cổ làng Thạch Tân và giếng nước nhà ông Hồ Kỳ. Phía dưới ngôi đình Thạch Tân, ta đã đào 2 căn hầm bí mật làm nơi chứa lương thực, thuốc mem và sơ cứu, nuôi dưỡng thương, bệnh binh. Giếng vuông của nhà ông Hồ Kỳ có 4 ngách thông ra các ngã địa đạo, cách thức thả gàu múc nước là ám hiệu ông Hồ Kỳ thông báo quân địch tiến đến hay rút lui. Quá trình xây dựng địa đạo gặp không ít khó khăn, một số thôn như Thạch Tân, Thái Nam, Vĩnh Bình bị địch nhiều lần tập kích đánh phá vào địa bàn, làm hàng chục chiến sỹ, cán bộ cách mạng bị thương và hy sinh. Các thôn Ngọc Mỹ, Tỉnh Thủy, Mỹ Cang, Thạch Tân thường xuyên bị địch uy hiếp ban ngày, nên ban đêm cán bộ và nhân dân phải tập trung đào địa đạo, dùng đèn sáp thắp sáng chui vào địa đạo, dùng các phương tiện chuyển đất đưa lên dời đi nơi khác hoặc đắp nền nhà, đắp mộ giả để tránh địch phát hiện. Nhờ tinh thần tích cực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh, qua hai năm vừa chiến đấu giữ làng, vừa đào địa đạo, hệ thống địa đạo của xã cơ bản hoàn thành, với lực lượng lao động cả ngày lẫn đêm trên 5 vạn ngày công của nhân dân, cán bộ và lực lượng vũ trang. Đến năm 1967, địa đạo Kỳ Anh được xây dựng thành công, thôn nào cũng có một đường hầm dài, nhiều ngõ ngách, có sức chứa cả

một tiểu đoàn. Từ năm 1967-1975, địa đạo Kỳ Anh trở thành căn cứ vững chắc trong lòng đất giúp các đơn vị vũ trang của huyện, của tỉnh và quân dân xã Kỳ Anh trụ bám đánh địch mỗi khi chúng càn quét, bảo tồn lực lượng, tổ chức phản công, tập kích địch bất ngờ. Địa đạo là còn nơi trú ẩn của các cán bộ bất hợp pháp bám trụ sát dân, nắm chắc từng địa bàn được phân công phụ trách, đáp ứng được yêu cầu đánh địch, bảo tồn lực lượng, giữ thế hợp pháp giúp hai lực lượng hợp pháp và bất hợp pháp song song tồn tại hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, địa đạo Kỳ Anh là nơi tổ chức sơ cấp cứu thương binh, kho chứa lương thực để tiếp tế cho lực lượng vũ trang quân khu, lực lượng vũ trang tỉnh khi về hoạt động ở vùng đông.

Ở căn cứ Ao Lầy-Kỳ Thịnh, hệ thống địa đạo được xây dựng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp với mục đích ban đầu để sơ tán cán bộ của tỉnh, huyện, bảo vệ thương bệnh binh, nơi trú ẩn cho bộ đội Hạ Lào về dưỡng quân tại đây20. Từ năm 1965, để đối phó với các cuộc càn quét, đánh phá của quân Mỹ-Việt Nam cộng hòa, nhất là cường độ ném bom, phi pháo ngày càng ác liệt, nhân dân Kỳ Thịnh kế thừa và tiếp tục xây dựng thành hệ thống địa đạo hoàn chỉnh. Hệ thống địa đạo Ao Lầy xuất phát từ đồi Quân y kéo dài đến gò Nông dân, được mở làm hai miệng. Một miệng vào từ suối La Gà (là miệng dùng để cảnh giới ở hướng đông trước cánh đồng Ao Lầy) và một miệng vào ở hướng Tây. Tính toàn tuyến địa đạo dài gần 3km, với độ sâu khoảng 3,5m so với mặt đất, lòng địa đạo rộng 1,2m, cao 1,6m. Địa đạo quanh co, uốn khúc theo hình chữ Z và chữ T, có nhiều ngõ ngách với hơn 40 lỗ thông gió được ngụy trang kín đáo. Trong lòng có những nơi rất hẹp nhằm đề phòng khi địch phát hiện miệng địa đạo, dùng hơi cay hay lựu đạn ném xuống, ta dễ dàng bịt kín ngăn đoạn còn lại để tránh thương vong. Tận dụng tầng đất đỏ (feralit) ở đây rất cứng nên đảm bảo không sạt lở, trong lòng địa đạo được đào thêm giếng nước để sử dụng tại chỗ cho cán bộ, bộ đội khi chiến sự diễn ra dài ngày, xây dựng trạm phẫu dã chiến, hầm chứa lương thực, ngoài ra còn xây dựng hội trường rộng khoảng 4m2 để làm nơi hội họp. Theo mô tả của ông Nguyễn Văn Tư (Tư Lựu) - nguyên Huyện ủy viên, Huyện đội trưởng Bắc Tam Kỳ thì ông là người chỉ huy lực lượng vũ trang huyện bám trụ tại Ao Lầy chống địch càn quét vào căn cứ. Có lần ông từ cơ sở về đến Ao Lầy thì bị địch phát hiện, đuổi rát theo đến tận khu vực Đá Rồng, suối La Nga. Ông vội nhảy xuống suối lặn một hơi sâu vào bờ tre dưới nước rồi nhanh chóng leo vào địa đạo. Quân Mỹ lùng sục, xăm khắp nơi ở khu vực này nhưng vẫn không phát hiện được miệng địa đạo. Chúng bắn đạn xối xả xuống nước, vào bờ suối rồi bỏ đi [26, tr. 40].

Từ khi địa đạo hình thành, nơi đây trở thành nơi trú ẩn của cán bộ, các đội công tác

20

Từ năm 1949, xã Tam An (trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là xã Kỳ Thịnh, Kỳ Mỹ, Kỳ Lý) được Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng lựa chọn làm nơi đứng chân hoạt động của cơ quan Tỉnh ủy, chính quyền và các đoàn thể cách mạng tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

bất hợp pháp bám trụ sát dân, nắm chắc từng địa bàn được phân công phụ trách, các lực lượng vũ trang như Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 72 Tỉnh đội Quảng Nam, V12 Huyện đội Bắc Tam Kỳ về đứng chân ít bị tổn thất trước sự càn quét, đánh phá ác liệt bằng bom, đạn và phi pháo của kẻ thù. Địa đạo hoàn thành đã tạo nên một sức mạnh mới cho bộ đội ta làm nên những trận đánh lớn tại mặt trận Ao Lầy, tiêu hao sinh lực địch. Từ lòng địa đạo, bộ đội, du kích lúc ẩn, lúc hiện, men theo chiến hào, dựa vào các ụ chiến đấu tấn công địch bất ngờ khi chúng càn quét vào căn cứ. Đồng thời địa đạo Ao Lầy trở thành địa điểm tổ chức sơ cấp cứu thương binh, nơi tiếp tế lương thực cho lực lượng vũ trang của huyện

Một phần của tài liệu Căn cứ lõm cách mạng ở tỉnh quảng nam trong kháng chiến chống mỹ (1965 1975) 1 (Trang 58 - 64)