8. Bố cục luận văn
2.4.3. Phong trào đấu tranh chính trị, binh địch vận tại các căn cứ lõm
Trong quá trình hoạt động tại các căn cứ lõm, các lực lượng vũ trang, cán bộ, du kích đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt phương châm “hai chân ba mũi giáp công” trong đánh địch, làm thất bại những âm mưu thâm độc, các thủ đoạn đánh phá khốc liệt của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn. Bên cạnh mũi đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị, binh địch vận ở các căn cứ lõm cũng đã giành được nhiều thành tích quan trọng. Ở các căn cứ lõm trên địa bàn thị xã Tam Kỳ, các cơ sở cách mạng tích cực tham gia các cuộc đấu tranh chính trị tại chỗ đòi các quyền dân sinh dân chủ; tích cực hưởng ứng cùng đội quân khởi nghĩa từ bên ngoài tiến vào nội ô Tam Kỳ trong cuộc Tổng tiến công và nội dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đặc biệt, với những cơ sở nội tuyến do ta xây dựng trong hàng ngũ địch, các đội công tác ở các căn cứ lõm đã tích cực móc nối, tổ chức được nhiều trận đánh “nở hoa trong lòng địch” vào các mục tiêu quan trọng của địch ngay trong lòng đô thị Tam Kỳ. Qua tác động từ những trận đánh này, nhiều đơn vị nghĩa quân, phòng vệ dân sự của địch ở các khu vực trong thị xã đã tổ chức binh biến, mang súng về với cách mạng, nhiều người tiếp tục tham gia vào lực lượng vũ trang của ta.
Ở các căn cứ lõm Nam Tam Kỳ, từ năm 1965, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Nam Tam Kỳ và Chi bộ xã, sự hướng dẫn của đội công tác, của ban đấu tranh chính trị, binh địch vận của huyện, phong trào đấu tranh chính trị chống địch càn quét, lấn chiếm diễn ra sôi nổi. Tính đến cuối tháng 8-1965, đồng bào các xã Kỳ Hà, Kỳ Xuân
Kỳ Hòa, Kỳ Liên đã 5 lần đấu tranh trực diện với lính Mỹ chống cày ủi ruộng vườn, nhà cửa, với hơn 4.000 lượt người tham gia. Đồng bào Kỳ Xuân có 02 lần đấu tranh trực diện tại chỗ với 180 lượt người tham gia. Ngoài ra, nhân dân còn tổ chức kéo lên quận, xã đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại, đòi đền nhân mạng, chống bắn pháo, cày ủi ruộng vườn, mồ mả, chống phong tỏa, kiểm soát hoạt động trên sông, trên biển với 38 lần, hơn 2.500 lượt người tham gia [28, tr. 6]. Trong các cuộc đấu tranh trực diện hoặc kéo đến đồn địch, các mẹ, các chị bằng nghệ thuật binh vận tài tình đã thuyết phục được nhiều binh lính đồng tình, tạo điều kiện để ta kéo vào đồn, đưa thư cho đồn trưởng, quận trưởng Lý Tín như các cuộc đấu tranh ngày 25-5-1965, 7-1965 hoặc vận động, tranh thủ sự ủng hộ của Phật tử chùa Bình Bửu trong cuộc đấu tranh ngày 9 và 10-9-1966 [45, tr. 4-7]. Trong chiến dịch Thu 1967, xã Kỳ Xuân là một trong những địa phương có phong trào đấu tranh sôi nổi, giành được nhiều thắng lợi nhất của huyện Nam Tam Kỳ [4, tr. 1]. Nhiều tấm gương lãnh đạo đấu tranh chính trị tiêu biểu ở căn cứ lõm Kỳ Xuân như các đồng chí Huỳnh Thị Kim Xuân, Phạm Thị Quy, Võ Thị Đoát, Nguyễn Thị Luật, Võ Thị Giá…
Ở các căn cứ lõm huyện Bắc Tam Kỳ, phát huy những thắng lợi của mặt trận quân sự, ta tiếp tục lãnh đạo quần chúng đưa phong trào đấu tranh chính trị, binh địch vận lên một bước phát triển mới, với nhiều hình thức phong phú như tổ chức học tập chính sách hòa hợp dân tộc cho gia đình binh sĩ; vận động gia đình binh sĩ kêu gọi chồng, con, em mang súng trở về với nhân dân…. Tại căn cứ lõm Ao Lầy, năm 1972, ta đã tổ chức Đại hội gia đình binh sĩ với sự tham gia của hàng ngàn người. Qua đó, ta thuyết phục được các gia đình vận động một số binh sĩ địch bỏ ngũ, mang súng về với cách mạng, hoặc giảm bớt việc gây tội ác trong các đợt càn quét. Sau các trận đánh của ta, chị em phụ nữ thôn Ao Lầy, Trung Định, Gò Miên khiêng xác binh sĩ, thương binh địch lên đồn Gò Miên để đấu tranh buộc bọn chỉ huy phải nhận xác và kêu gọi họ chấm dứt đi càn quét để khỏi thiệt mạng.
Đặc biệt ngay sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, bằng đấu tranh chính trị, binh vận, dưới sự chỉ huy trực tiếp của ban đấu tranh chính trị, binh vận huyện Bắc Tam Kỳ, có sự hỗ trợ của các đơn vị vũ trang, 200 chị em phụ nữ các thôn Ao Lầy, Gò Miên, Trung Định kéo đến đấu tranh trực diện với Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 5 Việt Nam cộng hòa và binh sĩ đồn Gò Miên, buộc chúng hiệp thương với ta, ngừng bắn tại chỗ 3 ngày. Nhân dân tranh thủ tổ chức tết hòa hợp dân tộc, gọi binh sĩ địch vào nhà dân ăn tết. Sau bữa cơm hòa hợp dân tộc, có 40 binh sĩ địch tự nguyện ra vùng giải phóng về quê sinh sống. Chỉ tính riêng trong 04 tháng (tháng 1-5/1973), đội quân đấu tranh chính trị, binh vận ở căn cứ lõm Ao Lầy đã tổ chức được 17 cuộc đấu tranh trực diện với hơn 340 lượt quần chúng tham gia. Quần chúng sử dụng nội dung Hiệp định Pa-ri để xáp vào đấu tranh với địch bằng những lập luận đanh thép như: “Quốc gia đến xâm phạm vùng cộng
sản nên cộng sản đánh các ông chết vì các ông vi phạm hiệp định, chứ cách mạng họ ở vùng họ, các ông ở vùng các ông, mắc gì đi đánh nhau cho chết” [27, tr. 3]. Các đội binh tề vận xáp vào vận động, tuyên truyền như rao loa, thư tay, vận động gia đình binh sĩ và nhân viên chính quyền Sài Gòn kêu gọi chồng, con, em quay về với cách mạng. Qua đấu tranh, quần chúng nhân dân giữ thế hợp pháp, đồng bào không đi làm đồn, không chịu dời nhà vào khu dồn, vào ấp chiến lược mà tiếp tục trài về các thôn để làm ăn, sinh sống, tạo điều kiện để nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, lực lượng vũ trang về đứng chân hoạt động ở địa phương.