Đặc tính sinh miễn dịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc tính sinh miễn dịch của chủng vi rút o FMD AVAC3 để sản xuất vắc xin vô hoạt phòng bệnh lở mồm long móng (Trang 28 - 30)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3.3. Đặc tính sinh miễn dịch

Tính sinh miễn dịch là khả năng một kháng nguyên có thể kích thích cơ thể để tạo ra một đáp ứng miễn dịch. Đáp ứng miễn dịch mạnh hay yếu phụ thuộc vào tính kháng nguyên. Tính mạnh hay yếu của kháng nguyên phụ thuộc:

-Tính lạ của kháng nguyên: Những chất càng lạ đối với cơ thể càng có tính kháng nguyên mạnh.

- Cấu trúc kháng nguyên: Kháng nguyên càng có cấu trúc phân tử phức tạp, phân tử lượng càng lớn, tính kháng nguyên càng cao.

-Phương thức xâm nhập kháng nguyên: Khi đưa kháng nguyên vào cơ thể động vật bằng đường đưa thích hợp và với liều lượng phù hợp thì khả năng đáp ứng miễn dịch mạnh.

Ngoài ra tính sinh miễn dịch còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể (cùng một kháng nguyên như nhau nhưng đáp ứng miễn dịch của cơ thể khác nhau thì khác nhau).

Căn cứ vào thành phần, cơ chế của phản ứng kháng nguyên + kháng thể, miễn dịch được chia thành hai loại: miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào. Đối với vi rút LMLM xâm nhập vào cơ thể động vật, chúng nhân lên, phá huỷ tế bào vật chủ đồng thời kích thích sinh miễn dịch. Đáp ứng miễn dịch của cơ thể có thể là miễn dịch tế bào hay miễn dịch dịch thể.

Miễn dịch trung gian tế bào có vai trò quan trọng trong phòng vệ và hồi phục động vật nhiễm LMLM. Trong miễn dịch tế bào, tế bào T đóng vai trò quan trọng, chúng loại bỏ mầm bệnh, hạn chế đến mức tối thiểu tổn thương do

vi rút gây ra. Sau khi nhận được thông tin kháng nguyên, chúng được hoạt hoá tiết ra các yếu tố miễn dịch hoà tan, đó là cytokine các yếu tố này có vai trò thông tin, kích thích các tế bào khác tham gia miễn dịch. Đáp ứng miễn dịch tế bào thường chỉ xuất hiện khi con vật nhiễm vi rút sống (hoặc vắc xin nhược độc). Trong thực tế, vắc xin LMLM thường ở dạng vô hoạt, chúng chỉ kích thích các tế bào CD4+ (giúp sản sinh ra kháng thể đặc hiệu) mà không kích hoạt các tế bào CD8+ (giúp đáp ứng trung gian tế bào). Tuy nhiên, không rõ bằng cách nào, việc tiêm chủng vẫn thực sự ảnh hưởng đến các tế bào tham gia miễn dịch, mặc dù không phải khi nào cũng đem lại phản ứng tích cực. Các cytokine là yếu tố quyết định hiệu quả của đáp ứng miễn dịch. Có nghiên cứu cho rằng, vắc xin LMLM tái tổ hợp được tiêm cho chuột ngoài việc làm tăng đáp ứng miễn dịch dịch thể (kháng thể trung hoà) còn kích thich các tế bào lympho làm đáp ứng miễn dịch tế bào mạnh hơn so với nhóm chuột tiêm kháng nguyên FMDV vô hoạt thông thường (Zhao & cs., 2010). Theo Mahdy và cộng sự cũng cho rằng vắc xin LMLM vector tái tổ hợp kích thích cả đáp ứng miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Đáp ứng miễn dịch trên chuột đã được phát hiện sớm, đáp ứng miễn dịch IgG tăng mạnh trong vòng 14 ngày sau tiêm chủng và tăng cao với liều nhắc lại. Đối với đáp ứng miễn dịch tế bào, sau 9 ngày đã cho thấy mức độ tăng của cytokine CD4+, CD8+ và tiếp tục tăng sau liều nhắc lại. Đây cũng là kết quả hứa hẹn cho phát triển vắc xin LMLM vector tái tổ hợp trong

tương lai (Mahdy & cs., 2019). Ngày nay, các nhà khoa học cũng đã tiến tới việc lựa chọn và kết hợp chất bổ trợ nhũ dầu + saponin và kết quả thấy đáp ứng miễn dịch liên quan đến tế bào TCD8+ (Cokcaliskan & cs., 2016).

Quá trình đáp ứng miễn dịch dịch thể kháng vi rút LMLM phụ thuộc lớn vào tế bào T, nhóm tế bào CD4+ được hoạt động nhanh chóng, giúp tế bào B tạo ra kháng thể sớm. Kháng thể trung hoà đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể chống lại vi rút LMLM. Kháng thể trung hoà có mối tương quan chặt chẽ đến khả năng bảo hộ của cơ thể. Tuy nhiên, kháng thể trung hòa đơn độc không phải lúc nào cũng có khả năng chống lại sự lây nhiễm bệnh LMLM (Becker, 1994). Một số con vật đã được tiêm vắc xin có rất ít hoặc không có kháng thể trung hòa nhưng vẫn có sức đề kháng với bệnh. Ngược lại, kháng thể được phát hiện bởi ELISA có thể không tương quan chặt chẽ với hiệu giá kháng thể trung hoà và miễn dịch bảo hộ của cơ thể (Cedillo-Barron & cs., 2001). Gia súc nhiễm vi rút LMLM thường sản sinh ra kháng thể IgM đầu tiên sau 3- 5 ngày (nhiễm vi rút hoặc tiêm vắc xin) và đạt mức cao nhất sau 5 -10 ngày; kháng thể IgG1 và IgG2 xuất hiện từ ngày thứ 4 và đạt đỉnh cao lúc 15 - 20 ngày. Lợn được tiêm vắc xin LMLM trong trường hợp khẩn cấp đã có miễn dịch bảo hộ sớm sau 3-5 ngày tiêm.

Gia súc mắc bệnh thường có đáp ứng miễn dịch cao hơn và kéo dài hơn so với đáp ứng miễn dịch do vắc xin . Sau khi con vật lành bệnh, con vật có miễn dịch kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm hay vài năm cũng có khi chỉ vài tuần. Miễn dịch có thể truyền cho con qua sữa đầu và kéo dài 3 tháng. Đối với bò, kháng thể đặc hiệu tồn tại ở mức cao, kéo dài từ 4-6 tháng (hiếm khi hơn 6 tháng); đối với lợn độ dài miễn dịch ngắn hơn, sau đó giảm dần, con vật lại mẫn cảm với bệnh.

2.4. HIỂU BIẾT CHUNG VỀ VẮC XIN2.4.1. Khái quát về vắc xin

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đặc tính sinh miễn dịch của chủng vi rút o FMD AVAC3 để sản xuất vắc xin vô hoạt phòng bệnh lở mồm long móng (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(86 trang)
w