- Tiểu sử thể thao
10.3. Phương pháp quan sát
Là phương pháp sử dụng thị giác để đánh giá dấu hiệu bên ngoài về cấu tạo cũng như chức năng của các cơ quan và toàn bộ cơ thể. Phương pháp quan sát: dùng để đánh giá trạng thái da, bộ xương, mức độ phát triển của cơ và lớp mỡ dưới da. Khi quan sát cần phải xác định hình dáng lồng ngực, lưng, bụng và tứ chi. Tất cả các yếu tố nêu trên tạo lên hình thể của người tập.
Muốn quan sát được tốt cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Phòng, nơi quan sát phải có đầy đủ ánh sáng tự nhiên. Nhiệt độ ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.
- Người được kiểm tra phải mặc ít quần áo (giảm tới mức tối đa cho phép). Quan sát từ trên xuống dưới, từ to đến nhỏ, từ trái sang phải. Không bỏ sót bộ phận nào của cơ thể.
- Vừa quan sát vừa phải so sánh bên đối xứng.
Nội dung quan sát thông thường được bắt đầu từ việc xác định đặc điểm thể trạng và trạng thái lớp da niêm mạc.
10.3.1. Quan sát thể trạng
Cần phải nói rằng các dạng thể trạng đặc trưng rất ít gặp, thông thường là các thể trạng hỗn hợp. Thể trạng có ảnh hưởng đến kết quả luyện tập. Ví dụ: chân tay dài, người cao có lợi trong các môn như: bóng chuyền, bóng rổ, ném lao, đua thuyền. Song, nhưng không có lợi với các môn thể thao như: điền kinh nặng, thể dục tự do, trượt băng nghệ thuật, vật... Ngoài ra, nó còn cho biết những nhận xét ban đầu về tình trạng sức khoẻ và bệnh tật.
Ví dụ: Những người béo, lùn, da đỏ thường hay mắc bệnh huyết áp cao, người gầy yếu dễ mắc bệnh lao...
Các dạng thể trạng
- Thể trạng bình thường: Cơ thể phát triển cân đối giữa các chiều dày, rộng, cao, giữa tứ chi và thân mình, lớp mỡ dưới da phân bổ đều độ dày l - 2cm (vùng bụng).
- Thể trạng tăng cường: Cơ thể phát triển không cân đối, chân tay ngắn, béo lùn, lớp mỡ dưới da dày từ 3 - 4m trở lên. Thường gặp ở những người ít vận động.
- Thể trạng suy nhược: Cơ thể phát triển không cân đối, thường gặp ở những người mắc các bệnh tiêu hoá, bệnh lao... Tỷ lệ chiều dài, chiều rộng quá lớn, chân tay dài, ngực lép, lớp mỡ dưới da quá mỏng (dưới 1cm).
10.3.2. Quan sát da và niêm mạc
Cần phải phát hiện sớm các bệnh ngoài da, mụn nhọt, để cho vận động viên nghỉ và điều trị kịp thời.
Lớp niêm mạc trong khoang miệng, khoang mũi bình thường có mầu hồng nhạt, sạch. Một số bệnh về tim mạch và gan thường cho các biểu hiện lâm sàng về niêm mạc và da rất sớm.
10.3.3. Quan sát tư thế thân người
Người bình thường phát triển cân đối. Cột sống - mông - hai gót chân nằm trên mặt phẳng, hai vai nằm trên mặt phẳng ngang. Ngực phần trên mở rộng, phần dưới thon nhỏ.
10.3.4. Quan sát tư thế dáng lưng
Hình dạng lưng có thể bình thường phẳng hoặc cong vẹo. Hình dáng lưng bình thường có những đoạn cong tự nhiên theo chiều trước sau ở đoạn thắt lưng và ngực không quá 3cm so với trục thẳng đứng của cột sống. Lưng cong quá 3cm ra trước gọi là ưỡn và quá 3cm ra sau gọi là gù.
Lưng hình dáng phẳng khi các đường cong tự nhiên không rõ, cột sống như nằm trên một mặt phẳng. Bình thường cột sống không có các đoạn cong theo trục phải, trái, cột sống cong vẹo sang bên phải, bên trái có dạng chữ C (thuận hay ngược), S (thuận hay ngược). Đôi khi có thể bắt gặp đồng thời nhiều loại cong vẹo cột sống theo cả hai trục trước sau và phải trái. Các hình dáng lưng cong vẹo là kết quả của nhiều loại bệnh, trạng thái chức năng chung của cơ thể kém và do thiếu vận động, cũng như học tập, làm việc với tư thế không đúng. Giáo dục thể chất, nhất là tập luyện thể thao là một biện pháp có hiệu quả cao để đề phòng và điều trị cong vẹo cột sống.
Dáng lưng được quy định chủ yếu do cột sống: Theo trục trước - sau: lưng thành một đường thẳng.
Theo trục phải - trái: lưng có 2 điểm cong. Điểm cong trên tại các đốt sống cổ thứ 5 – 7. Điểm cong dưới tại các đốt sống thắt lưng với độ cong cho phép so với trục thẳng đứng đi qua các điểm đầu - giữa 2 xương bả vai - giữa 2 mông - 2 gót chân không quá 4cm.
Để xác định độ cong của cột sống người ta sử dụng thước đo Pốtđiapônxit hoặc thước đo Mixutốt.
Ngoài hình dáng mức độ cong vẹo cột sống còn được đánh giá theo phân độ nặng nhẹ: dựa theo các trạng thái chức năng, người ta chia cong - vẹo cột sống theo các độ sau:
- Cong vẹo độ I: còn gọi là cong vẹo chức năng, trong trường hợp này khả năng hoạt động bị giảm.
- Cong vẹo độ II: còn gọi là cong vẹo chuyển tiếp, chức năng hoạt động giảm nhiều hơn.
- Cong vẹo độ III hay còn gọi là cong vẹo giải phẫu, khả năng hoạt động bị hạn chế lớn có thể đến mất hẳn.
Trong quá trình tiến hành kiểm tra độ cong vẹo cột sống theo độ, người ta thường sử dụng phương pháp quan sát tư thế dáng lưng kết hợp với động tác vươn người lên cao; hai tay đưa lên cao qua đầu, lòng bàn tay hướng vào nhau trong tư thế này:
- Cong vẹo độ I: Quan sát thấy độ cong vẹo mất hoàn toàn.
- Cong vẹo độ II: độ cong vẹo giảm đi nhiều, song không mất hẳn. - Cong vẹo độ III: độ cong vẹo hầu như không thay đổi.
10.3.5.Quan sát hình dáng ngực
- Hình dáng ngực được quy định bởi khung xương tạo nên, bao gồm: xương sống, xương sườn, xương ức, xương đòn, xương bả vai.
Lồng ngực: Có thể có dạng hình ống, hình phễu và phẳng dẹt. Hình dáng lồng ngực xác định theo vị trí bên dưới của xương sườn, tỷ lệ chiều dày và chiều rộng của lồng ngực.
Người có sự phát triển thể lực tốt lồng ngực thường có hình dạng ống, xương sườn nằm ngang, hai bờ dưới xương sườn kết hợp với xương ức 6 tạo thành một góc gần 90°, tỷ lệ giữa chiều dày và chiều rộng của lồng ngực lớn hơn 70%. Lồng ngực dạng như vậy thường gặp ở cả những người bị phế quản, hen mãn tinh. Người mà sự phát triển thể lực yếu có lồng ngực hình phẳng dẹt, xương sườn sệ xuống, hai bờ xương sườn tạo thành một góc nhọn, ngực nhô ra trước, chiều rộng lồng ngực hẹp, chức năng hô hấp thường thấp.
Ngực bình thường: Hai vai nằm trên mặt phẳng ngang hơi đưa về phía sau, lồng ngực phía trên rộng hơn, dưới hẹp, hai chiều phát triển cân đối.
Các dạng biến dạng thường gặp;
- Ngực gà: Xương ức nhô ra phía trước quá nhiều. - Ngực ống: Hình lồng ngực là hình trụ trên bằng dưới.
- Ngực lép: Độ dày trước - sau của lồng ngực hẹp, xương ức có xu hướng lõm vào phía trong lồng ngực,
10.3.6. Quan sát hình dáng bụng
Phụ thuộc vào sự phát triển của cơ thành bụng và lớp mỡ dưới da ở vùng bụng. Những người có sự phát triển thể lực tốt trên vùng bụng nổi rõ hình các cơ bụng, thành bụng hơi thụt vào, lớp mỡ dưới da mỏng. Những người ít hoạt động thể lực bụng phệ, lớp mỡ dưới da dày, cơ bụng phát triển yếu.
10.3.7. Quan sát cánh tay
Tư thế quan sát: 2 tay giang ngang, đưa ra trước lòng bàn tay sấp (hoặc ngửa). Khi quan sát cánh tay sấp: Nếu cánh tay và cẳng tay không nằm trên một đường thẳng gọi là tay cong. Thường gặp ở nam, độ cong cho phép không ảnh hưởng tới hoạt động của tay với trục cánh tay không quá 4cm tại điểm cong nhất.
Khi quan sát cánh tay ngửa: Nếu cánh tay và cẳng tay không nằm trên một đường thẳng gọi là cánh tay ưỡn. Trường hợp này thường gặp nhiều hơn ở nữ. Độ cong cho phép không quá 4cm.
10.3.8. Quan sát chân
Ta quan sát 2 nội dung: - Quan sát dáng chân. - Quan sát cung bàn chân.
Hình dáng chân và cung bàn chân:
Hình dáng chân có thể bình thường hoặc hình chữ O, dạng vòng kiềng hay hình chữ X - dạng chữ bát.
Chân có hình dáng bình thường khi đứng thẳng hai chân tiếp xúc với nhau ở các điểm: hai mắt cá chân trong, hai cạnh khớp của khớp gối và cạnh trong của đùi.
Khi chân có hình chữ O, thì hai cạnh khớp gối của chân không tiếp xúc vào với nhau. Nếu khoảng cách đó hơn 5cm thì có thể coi là loại nặng. Chân hình chữ X khi đứng hai mắt cá trong không tiếp xúc với nhau, nhưng hai đầu gối chạm nhau.
Chân hình chữ O và chữ X có thể là kết quả của một số bệnh tật đã mắc phải như còi xương, do cơ bắp phát triển yếu hoặc do khi còn trẻ phải làm việc nặng quá sớm, không tương ứng với mức độ phát triển của bộ xương.
Hình bàn chân có thể bình thường hoặc bàn chân dẹt. Hình dáng bàn chân có thể xác định bằng cách quan sát và in dấu bàn chân. Bình thường mặt dưới bàn chân có độ cong tự nhiên, khi in dấu bàn chân tỷ lệ giữa phần cong so với phần tiếp xúc với mặt đất là 2/1. Nếu vòm bàn chân sụt xuống thì hình bàn chân được gọi là bàn chân dẹt, tỷ lệ giữa phần cong và phần tiếp xúc với đất trên hình in sẽ ít hơn 2/1.
Quan sát dáng chân:
Tư thế quan sát: Đứng thẳng, hai bàn chân chạm sát nhau.
- Dáng chân bình thường: Hai chân tiếp xúc với nhau tại 3 điểm: mặt trong của đùi - mặt trong của khớp gối - hai mắt cá phía trong.
- Các dạng biến dạng thường gặp:
Chân chữ “O”: hai chân tiếp xúc với nhau tại 2 điểm: mặt trong của đùi - 2 mắt cá chân phía trong. Điểm giữa 2 mặt trong khốp gối không tiếp xúc với nhau.
Chân chữ “X” hai chân tiếp xúc với nhau tại 2 điểm: mặt trong của đùi và 2 mặt trong khốp gối. Hai gót chân không tiếp xúc với nhau.
Quan sát cung bàn chân: yêu cầu quan sát đủ 2 nội dung. Quan sát da gan bàn chân:
Tư thế: lưng quay lại phía người quan sát, đứng trên 1 chân, chân kia co gấp ở khớp gối. Bình thường da dày đều và hơi dày hơn ở gót chân. Không có vết rạn, dỗ, trai, mắt cá. Bề mặt da khô, không được ướt.
Quan sát khoảng trống cung bàn chân:
Khoảng trống này có tác dụng đánh giá hệ dây chằng của cung bàn chân, có nhiều phương pháp khác nhau để xác định. Phương pháp thông thường và chuẩn xác là cho in hình bàn chân lên lớp bột khô sau đó đánh giá (phương pháp của U.Xtridin): Sau khi in được hình bàn chân, ta so sánh bề rộng của eo bàn với chiều rộng của cả bàn chân. Có 3 loại dáng bàn chân:
- Loại bàn chân cong (tốt): có tỷ lệ nhỏ hơn 1/3. - Loại bàn chân hơi dẹt: có tỷ lệ nhỏ hơn 2/3. - Loại bàn chân dẹt: có tỷ lệ là 3/3.