6. Bố cục đề tài
2.2.1.1. Từ cuộc chiến vương quyền
Thời kỳ vua Lê – chúa Trịnh là một thời kỳ rối ren, đầy những biến động với dồn dập liên tiếp nhiều sự kiện lịch sử, là thời kỳ tập trung những mâu thuẫn cơ bản của chế độ phong kiến. Nổi bật là cuộc xung đột, tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phe phái phong kiến Lê - Trịnh, và trung tâm của các cuộc tranh giành ấy tất yếu là các nhân vật chí tôn vương giả thuộc tầng lớp thống trị mà quyền lợi gắn chặt với những cuộc hãm hại, âm mưu, thủ đoạn chính trị... Dựa vào những nguồn sử liệu xác thực, bằng tài năng của mình, Nguyễn Triệu Luật đã hư cấu, làm cho những nhân vật chí tôn vương giả có thật trong lịch sử trở thành những nhân vật tiểu thuyết có đời sống riêng, số phận riêng.
Trong thời kỳ Lê tàn Trịnh mạt, chúa Trịnh Sâm là người có quyền hành cao nhất, vua Lê chỉ ngồi cho có vị, chỉ biết rủ áo khoanh tay mà thôi. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Triệu Luật đã dành nhiều dung lượng trong tiểu thuyết của mình để phác họa chân dung chúa Trịnh Sâm. Trong con mắt của nhà văn, Trịnh Sâm là một vị chúa mưu lược, quyết đoán, sáng suốt, có tài quân sự, chính vì thế mà xã tắc, bờ cõi trong thời chúa đều được giữ yên, các tướng giặc, đảng phái phản nghịch đều bị chúa dẹp sạch. Thế nhưng Trịnh Sâm lại ôm một tham vọng chính trị to lớn, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để chiếm quyền cai trị đất nước. Trong Loạn Kiêu binh, khi miêu tả thuở niên thiếu của chúa Trịnh, Nguyễn Triệu Luật đã khắc họa một cách rõ nét một Trịnh Sâm mặc dù rất mực thông minh, xuất sắc nhưng đứng trước thái tử Lê Duy Vĩ cũng tài giỏi không kém, lại
ngồi trên vương vị cao quý hơn hẳn, Trịnh Sâm đem lòng đố kỵ, thề quyết không đội chung trời chung: “Ta thề rằng, ta cùng thằng Lê Duy Vĩ hai đứa không thể
cùng sống. Nó chết thì ta còn, nó còn thì ta chết” [27, tr.241]. Cho đến khi lên được
ngôi chúa, Trịnh Sâm ngay lập tức tìm mưu kế hãm hại thái tử, vu hãm cho thái tử tội thông dâm với cung nữ, truất xuống làm dân thường, sau đó lại vu tội liên hệ với các nho sĩ làm loạn, khiến cho “Thái tử bị ghép vào tội thắt cổ”. Việc giết hại thái tử để bớt đi được phần nào nỗi lo quyền lực bị đe dọa của chúa Trịnh thể hiện tham vọng muốn làm bá chủ quá lớn của Trịnh Sâm, để đạt được tham vọng mà không từ một thủ đoạn dã man, tàn bạo nào. Có thể thấy, những gì chúa Trịnh làm đã đi ngược lại với tam cương ngũ thường, khiến chúa Trịnh phạm phải tội bất trung - một trong những tội đại nghịch của chế độ phong kiến ngày xưa.
Tuy nhiên, sau khi trừ được cái gai trong mắt và nắm hết quyền lực trong tay, những tưởng chúa Trịnh sẽ dùng tài năng và trí tuệ của mình để chấn hưng đất nước, thì chúa lại sinh ra kiêu căng, ăn chơi trác táng, đắm chìm trong tửu sắc và dục vọng, chẳng còn thời gian, tâm trí đâu để “an dân, trị quốc”, mang lại thái bình cho thiên hạ. Để truy hoan, hưởng lạc, chúa cho tuyển gái đẹp ở bốn phương về, đến độ “phi tần thị nữ kén vào rất nhiều, mặc sức vui chơi thoả thích”. Cũng chính vì háo sắc mà để cho Đặng Thị Huệ phế con trưởng, lập con thứ, khiến từ đó trong phủ chúa dần dần sinh ra bè nọ cánh kia. Từ đó, hàng loạt mâu thuẫn xuất hiện: mâu thuẫn giữa bè phái Đặng Thị Huệ và Trịnh Khải, giữa Trịnh Tông - con trưởng với con thứ - Trịnh Cán, giữa bá quan văn võ trong triều đình... Những mâu thuẫn đó ngày càng gay gắt, quyết liệt. Nhất là khi Trịnh Sâm trong cơn nguy kịch trên giường bệnh, thì riêng việc lập Trịnh Tông hay Trịnh Cán lên ngôi chúa cũng đã có biết bao thủ đoạn, mưu mô để sát phạt, tàn hại lẫn nhau và khi Trịnh Sâm chết, “loạn Kiêu binh” đã nổ ra, và một cuộc tàn sát, chém giết giữa các phe phái bùng lên dữ dội. Kết quả Trịnh Tông thắng thế, chúa nhỏ Trịnh Cán và tuyên phi họ Đặng cùng những kẻ phò tá đắc lực nhất cho phe cánh này đều không tránh khỏi cái chết. Có thể thấy, từ một vị chúa thông minh, tài giỏi, nắm giữ quyền lực cao nhất, giờ đây chỉ vì dâm đãng quá mức, đam mê tửu sắc đến mù quáng mà đã gây nên bao biến cố, khơi mào cho những cuộc nội chiến đẫm máu giữa các tập đoàn phong kiến sau này.
Một nhân vật khác được Nguyễn Triệu Luật xây dựng thành công là Bà chúa chè Đặng Thị Huệ. Trong hầu hết các sử sách thì Đặng Thị Huệ được nhắc đến như một nhân vật phản diện, dùng nhan sắc và thủ đoạn để lấy được lòng yêu của chúa. Thế nhưng, dưới con mắt nhân đạo của n h à v ă n thì mọi hành động của Đặng Thị Huệ xuất phát từ khát khao chính đáng của mỗi con người – khát khao được thay đổi vận mệnh bản thân. Ngay từ thuở hàn vi, dẫu mồ côi mẹ, cuộc sống nhọc nhằn, nhưng Đặng Thị Huệ lại rất ham học hỏi. Chỉ vì băn khoăn không hiểu nghĩa của mấy chữ “Nhật mộ đồ viễn” mà nàng thẩn thơ suốt cả buổi
làm, quyết về hỏi cha bằng được. Nhân vật này cũng không còn tính cách cam chịu, nhẫn nhịn như thường thấy mà đã biết ý thức đương đầu với nghịch cảnh số phận, quyết vươn lên bằng mọi giá. Đã nhiều lần, Đặng Thị Huệ tự băn khoăn, chất vấn chính mình: “Mình có kém gì thiên hạ mà chịu khổ mãi, chịu khổ dấm dúi mãi ở sườn đồi này? Nhan sắc mình có, học thức mình có, đức hạnh mình có, mà mình chịu bỏ thân trong hang tối, trong khi những kẻ xấu như ma, ngu như lợn, hư thân
mất nết, được cưỡi đầu cưỡi cổ mình, đạo trời còn có gì là công bằng nữa?” [27,
tr.134]. Và nàng “sẵn lòng làm một điều nào ngược đời, quỷ quyệt để ra khỏi xó tối ấy” [27, tr.135]. Bằng tài năng và nhan sắc của mình, “cộng thêm một chút mưu mô, một chút bản lĩnh”, Đặng Thị Huệ trở thành vương phi được chúa sủng ái nhất trong suốt mười năm. Sau khi hạ sinh được một người con là Trịnh Cán, tham vọng quyền lực trong nàng càng ngày càng lớn hơn. Nàng âm mưu đưa con trai mình là Trịnh Cán lên làm thế tử, phế bỏ Trịnh Khải. Đạt được ý đồ, nàng lại sớm thấy được khó khăn sẽ xảy đến với mình khi mà chúa Trịnh Sâm – chỗ dựa vững chắc của nàng sắp qua đời do bệnh nặng. Lúc này, Đặng Thị Huệ lại câu kết với Huy quận công Hoàng Đình Bảo, lập ra phe cánh để thao túng triều đình. Nhưng rồi vây cánh mới lập nên cũng không thắng nổi lũ Kiêu binh đứng lên nổi loạn. Cuối cùng Đặng Thị Huệ bị đẩy ra chốn Sơn lăng để hương khói cho Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Sau tất cả, nàng đã chọn cách tự vẫn để giữ lại chút kiêu hãnh của mình.
Chúa Trịnh Khải cũng là một đấng cầm quyền được tác gỉả dành nhiều trang miêu tả để gửi gắm thái độ, tình cảm của mình. Nhân vật này được Nguyễn Triệu Luật mô tả khá sát với Trịnh Khải trong Hoàng Lê nhất thống chí. Đoan Nam Vương Trịnh Khải vốn là một vương tử thất thế không được sự sủng ái của chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Khi mất đi, Trịnh Sâm truyền ngôi cho con trai thứ là Trịnh Cán, còn Khải bị giam lỏng trong phủ chúa như một phạm nhân. Trịnh Khải đã phải cấu kết với quân Tam phủ làm một cuộc binh biến để giành lấy vương vị. Khi ngồi trên muôn người, nắm quyền khuynh bá trong tay rồi thì Trịnh Khải lại bị chính lũ Kiêu binh đã lập mình làm chúa khống chế, phải một mực nghe theo chúng. Thế nhưng Trịnh Khải trong Chúa Trịnh Khải và Loạn Kiêu binh thì không hoàn toàn chỉ có cái bóng nhu nhược mà được Nguyễn Triệu Luật khắc hoạ rất sống động với những nỗi niềm riêng, tâm sự riêng. Từ những dữ liệu lịch sử có thật, nhà văn đã khéo léo thêm thắt những chi tiết nhỏ nhưng là nguyên nhân góp phần dẫn đến số phận bi kịch của Trịnh Khải, khiến người đọc không khỏi xót xa cho cuộc đời đầy thăng trầm của một vị hoàng tôn. Là con trưởng của chúa Trịnh Sâm nhưng vì ra đời ngoài ý muốn của ngài, nên bị ghét bỏ. Cũng bởi vì thế mà Trịnh Khải bị chúa đối xử bất công. Mười tám tuổi lẽ ra Khải phải được dựng làm thế tử nhưng chúa lại “mê man Bà Chúa Chè đến nỗi con đẻ đứt ruột ra mà đuổi ra ngoài phủ, bắt ở với quan A Bảo, mỗi tháng chỉ cho trông mặt có hai lần. Làm con
hoàng là con trưởng của chúa, đã đến tuổi trưởng thành nhưng lại không được dựng theo quy luật thông thường mà phải nhường ngôi vị đó cho người em Trịnh Cán lúc này mới lên 4 tuổi. Rồi từ việc lớn đến việc nhỏ trong phủ, Trịnh Khải đều bị gạt ra ngoài, ngay cả việc cha mình là chúa Trịnh Sâm bị ốm mà Khải cũng không được vào thăm. Những bất công đó cũng chính là lý do khiến Trịnh Khải vẫn luôn mang trong mình một tham vọng lật đổ thế lực của Đặng Thị Huệ và Huy quận công Hoàng Đình Bảo để giành lại vị trí đáng lẽ ra thuộc về mình. Cũng bởi vậy mà bấy lâu nay Khải ấp ủ một ý đồ “phải giết thằng quận Huy cùng con đĩ làng Phù Đổng
mới hả giận” [27, tr.181]. Trong khi Trịnh Sâm đang ốm nặng, Trịnh Khải đã mưu
toan thông đồng với quân Tam phủ đóng cửa cung lại, giết chết Huy quận công và Đặng Thị Huệ rồi kêu gọi binh hai trấn về ủng hộ để cướp ngôi. Nhưng kế hoạch bị bại lộ, hậu quả là vương tử Tông bị giam trong Tam Nhàn đường. Còn tay chân của Tông người thì uống thuốc độc tự tử, người bị giết, người bị đày lên viễn châu.
Sau này, khi được quân Kiêu binh tôn phò lên ngôi chúa, tuy đã nắm quyền bính trong tay nhưng Trịnh Khải rất khổ sở trong việc giữ gìn trật tự đất nước. Ở địa vị này, Trịnh Khải mang tham vọng thao túng quyền lực, một tay che cả bầu trời như bất kì vị chúa nào khác. Tuy nhiên, điều đáng nói là người đứng đầu của phủ chúa này lại không phải một con người sáng suốt, hiền minh và đủ tài để thực hiện tham vọng đó. Trịnh Khải bị hoàn cảnh bức bách, cộng thêm sự bất tài, nhu nhược, khiến cho tình hình đất nước vẫn không có những tiến triển theo chiều hướng tích cực. Chúa không thể điều khiển nổi quân Kiêu binh, để cho chúng làm loạn, tác oai tác quái khắp kinh thành, ức hiếp các quan lại và cả dân thường. Để xoa dịu đám Kiêu binh, Trịnh Khải phải dỗ dành, ban cho vàng bạc, phẩm tước, thậm chí còn ban cho những thẻ “không đầu sắc” để bọn chúng tự điền tên người thân của mình vào. Chính chúa Trịnh đã tự chia sẻ một phần quyền bính của mình cho kẻ khác, để quân Tam phủ được đằng chân lân đằng đầu. Cuối cùng, khi loạn Kiêu binh được dẹp, Khải chưa kịp hưởng thái bình thì đã phải chết trong cuộc chạy loạn sau khi kinh thành thất thủ trước quân Tây Sơn. Có thể thấy, Nguyễn Triệu Luật phân tích một cách kĩ lưỡng cả con người và sự kiện lịch sử, tìm thấy mối quan hệ giữa chúng, từ đó nhìn nhận nhân vật theo cách nhân văn nhất. Xây dựng hình tượng một Trịnh Khải mang trong mình ham muốn quyền uy nhưng lại luôn là kẻ bị động, là nạn nhân của số phận, của lịch sử, khiến cho người đọc đồng cảm với nhân vật hơn, biến một yếu nhân bị lịch sử bài xích trở thành một người đáng thương hơn là đáng trách.
Với việc xây dựng tác phẩm của mình theo tinh thần hiện đại nhưng vẫn mang tính chân thực lịch sử, từ một loạt hình tượng lịch sử có thật vốn bị đóng khung, đại diện cho quyền lực và sức mạnh của vương triều phong kiến, Nguyễn Triệu Luật đã “giải thiêng” họ, khiến họ hiện lên sống động, gần gũi như những người bình thường trong đời sống hằng ngày.