7. Bố cục của luận văn
1.2.2. Tiểu thuyết nghịch dị của Hồ Anh Thái sự kiếm tìm sáng tạo
Văn học Việt Nam từ sau 1986 đến nay đã có những chuyển biến đáng ghi nhận ở hầu hết các thể loại, trong đó có tiểu thuyết. Trong sự vận động chung của nền văn học, tiểu thuyết - một loại hình tự sự cỡ lớn đã và đang nỗ lực chuyển mình, đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại, của đời sống văn học và của đông đảo độc giả đương đại. Nhiều cây bút tiểu thuyết đã có ý thức cách tân trong cách nhìn và trong lối viết, có những tác phẩm thành công hoặc đang trên đường tìm tòi, thể nghiệm, song điều đáng nói ở đây là tất cả đều hướng tới hệ quả: làm mới, làm hấp dẫn văn chương nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Hồ Anh Thái miệt mài trên từng con chữ, không ngừng tìm tòi với ý thức làm mới tư tưởng của mình với mục tiêu mỗi con chữ viết ra phải là những con “chữ sáng tạo”, mỗi tác phẩm phải chứa đựng trong nó những điều mới lạ và khác thường.Trong suốt hành trình của giấc mơ dài về tiểu thuyết, Hồ Anh Thái dần thể hiện rõ tư duy, quan niệm và dụng ý nghệ thuật của mình qua thủ pháp nghịch dị. Nghịch dị đã trở thành phương thức làm mới nghệ thuật viết tiểu thuyết để ông trở thành một gương mặt văn học nhiều cá tính của Văn xuôi Việt Nam từ sau Đổi Mới (1986). Chính nền tảng học vấn vững chắc, kinh nghiệm từ công việc của một nhà ngoại giao và tài năng xuất sắc đã giúp Hồ Anh Thái có điều kiện tích lũy vốn sống và sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị. Ông đã tạo cho mình một lối đi riêng không giống ai. Mỗi sáng tác của ông có thể được coi là một cuộc tìm kiếm mới cho cả nội dung và hình thức biểu hiện của tác phẩm bằng cái nhìn nhân văn, cấp tiến về cuộc đời, con người và cuộc chiến của dân tộc. Nhà văn đã phơi bày trên từng trang viết của mình tất cả sự lố bịch, quái gở, kệch cỡm một cách chân thực, sống động.
Nếu Phía sau vòm trời và Vẫn chưa tới mùa đông được viết năm 1982 và 1984, khi đất nước chưa đi vào công cuộc đổi mới, nghịch dị đã xuất hiện với các mức độ đậm nhạt khác nhau, được thể hiện bằng sự phát triển dần từ chỉ là những yếu tố đến trở thành một phương thức nghệ thuật, chưa có nhiều yếu tố nghịch dị thì đến Cõi người rung chuông tận thế đã xuất hiện những nhân vật đậm chất nghịch dị, ấn tượng
và đầy ám ảnh. Chính tác phẩm này đã xác lập vị trí mới và định hình phong cách Hồ Anh Thái trong sự tích hợp chất huyền ảo, tính nghịch dị quyện trong giọng văn trào lộng, giễu nhại, châm biếm đến tột cùng. Đến Mười lẻ một đêm, SBC là săn bắt chuột, Dấu về gió xóa, Những đứa con rải rác trên đường…. Hồ Anh Thái càng ngày càng định hình rõ giọng văn hài hước, trào lộng, châm biếm của mình. Tuy mỗi cuốn sách là một câu chuyện khác với bối cảnh khác, không gian khác và các vấn đề khác nhưng văn phong của Hồ Anh Thái càng ngày càng nhuần nhuyễn hơn, tự nhiên hơn. Và nghịch dị, đến đây, đã trở thành một phương thức nghệ thuật quan trọng trong sáng tác tiểu thuyết của Hồ Anh Thái.
Luôn mong muốn được đọc và viết “những tác phẩm của sức tưởng tượng phi thường, tạo dựng được những tình huống khác lạ, những cảm xúc mê đắm, những nhân vật không chịu mặc đồng phục” [67,10], Hồ Anh Thái không “tự làm nghèo trang viết của mình” bằng việc chấp nhận sự độc tôn của phương pháp hiện thực thuần tuý. Chính vì thế, ông quan tâm đến cái khác lạ, cái kì ảo, bất ngờ... tận dụng chúng như một thủ pháp đắc địa để tạo ra sự lôi cuốn đặc biệt trong những tác phẩm của mình.Ý thức về nghịch dị như một kiểu tổ chức hình tượng nghệ thuật dựa vào huyễn tưởng, tiếng cười, sự phóng đại, Hồ Anh Thái đã ý thức sử dụng nghịch dị như một phương thức nghệ thuật để tạo ra những sự kết hợp và tương phản một cách kì quặc cái huyễn hoặc với cái thực, cái đẹp với cái xấu, cái bi với cái hài. Ông hòa trộn cái hài với cái kinh dị, cái giống như thực với cái biếm họa, bình thường với bất thường, lạ lùng, kì quặc để trình bày một thế giới dị thường, trái tự nhiên, từ đó đưa ra những cách lý giải cuộc sống tinh tế và sâu sắc với cả tấm lòng vị tha, đầy dung thứ. Có thể nói, nghịch dị là phương thức nghệ thuật đáp ứng được ý đồ sáng tác của Hồ Anh Thái. Bởi cùng với các phương thức biểu hiện khác, thủ pháp nghịch dị đã giúp ông từ những chi tiết nhỏ nhất của đời sống hỗn tạp tạo dựng một hiện thực ngập đầy những biểu tượng trong tác phẩm của mình, gửi vào đó những thông điệp sống độc đáo, đẫm nhân văn.
Cùng các khuynh hướng tiểu thuyết tân lịch sử, tiểu thuyết hiện sinh, tiểu thuyết tính dục, tiểu thuyết nữ quyền, tiểu thuyết nghịch dị là một khuynh hướng khá nổi bật trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Có thể thấy, sau năm 1986, nghịch dị đã được nhiều nhà văn sử dụng thành công và để lại dấu ấn riêng. Song đối với Hồ Anh Thái, nghịch dị đã trở thành một phương thức nghệ thuật đánh dấu sự linh hoạt, đa dạng và tài tình của nhà văn với cách sử dụng dày đặc, càng ngày càng đậm nét ngôn ngữ,
giọng điệu, nhân vật, các biểu tượng nghệ thuật… mang đậm chất nghịch dị, Hồ Anh Thái không chỉ làm mới cách thức thể hiện nghệ thuật nghịch dị qua các tiểu thuyết mà còn làm mới mình qua từng trang viết.
Dày công kiếm tìm và sáng tạo nghệ thuật nghịch dị, Hồ Anh Thái đã thành công trong hành trình làm mới phong cách nghệ thuật tiểu thuyết của mình. Ông luôn hướng tới mục đích là chỉ viết những gì mà mình thực sự cho là chín về mặt cảm xúc. Mà khi viết về cái đời thực quá nhỏ bé, quá chật chội này, ông đã thêm vào một chút tưởng tượng, một chút ước mơ và khao khát thông qua nghệ thuật nghịch dị. Nhà văn đã góp phần làm mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại.