Quan niệm nghệ thuật của Hồ Anh Thái

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 27)

7. Bố cục của luận văn

1.3. Quan niệm nghệ thuật của Hồ Anh Thái

1.3.1. Nhà văn “phải là người tử tế”

Mỗi nhà văn thường có những quan niệm khác nhau về nghề viết, lương tâm trách nhiệm của người cầm bút, Hồ Anh Thái cũng vậy. Với ông, “nhà văn đích thực phải là người tử tế”. Hồ Anh Thái luôn trăn trở về điều này trong mỗi sáng tác của mình.

Sự tử tế mà Hồ Anh Thái nhắc đến là lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm với nghề của một nhà văn. Bằng đam mê văn chương, Hồ Anh Thái đã dành nhiều thời gian cho công việc viết lách. Ông duy trì được sức sáng tác đều đặn không chỉ vì đam mê kiếm tìm trò chơi trên con chữ mà còn vì trách nhiệm với nghề, với đời. Ông tạo dựng tình yêu đối với văn chương bằng “một chút mê đắm, một chút thành thực” để hành nghề thuần túy chứ không chỉ là một thứ trải nghiệm đơn thuần. Với Hồ Anh Thái, sự chuyên nghiệp trong việc viết văn được thể hiện bằng ý thức trách nhiệm của một nhà văn với nghề viết. Vì thế, những gì viết ra phải thực sự có giá trị với bạn đọc, với bản thân mình và với xã hội. Chính vì thế, nhà văn phải luôn giữ được lòng yêu nghề và không ngừng nỗ lực tự học để có thể có được những thành công thực sự.

Với quan niệm, tác phẩm văn học phải phản ánh được sự phức tạp của “cõi người”, cõi đời chứ “không thể viết văn mà lời lẽ kềnh càng, rườm rà hoặc cố tỏ ra đao to búa lớn để thu hút sự chú ý của mọi người” bởi đó chỉ là hình thức lao động nghệ thuật “lên gân”, cố hét thật to để người ta biết đến mình. Hồ Anh Thái đã không ngần ngại nhìn thẳng vào những bi kịch nhân sinh mà mổ xẻ nó một cách trung thực nhất. Ông cho rằng, nếu không tin vào trang viết của mọi người và của chính mình thì chẳng nên tự giam mình bên bàn viết làm gì.

Nhà văn phải thành thực với bản thân và trung thực với sự thật nhằm đưa lên trang viết những bi kịch nhân sinh với những nỗi đau, niềm nhức nhối bủa vây cõi người để gióng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh về sự xói mòn nhân tính trong xã hội.Chính vì thế, chân dung của hiện thực trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái được lột tả ở nhiều góc khuất, nhiều trạng thái, nhiều giá trị xấu tốt đan cài chứ không giản đơn, một chiều.

Hồ Anh Thái là nhà văn luôn biết tự răn mình không bị câu thúc bởi tiền bạc. Ông đề cao sự tử tế, tử tế với mọi người và tử tế với chính mình. Sáng tạo nghệ thuật phải gắn liền với những ứng xử tử tế. Với cuộc đời, ai cũng nên sống như có thể đột tử bất cứ lúc nào. Vì thế, đừng tự biến mình thành một cái máy chỉ biết công việc, chỉ biết kiếm tiền, chỉ biết làm công cụ. Nhà văn chân chính không thể là người phụ thuộc vào tiền bạc, danh vọng hay địa vị: “nhà văn đích thực phải là người tử tế” [70,347]. Có lẽ, chính vì cách nhìn nhận này mà Hồ Anh Thái không ảo tưởng, không quá đề cao văn chương. Ông thận trọng với danh hiệu nhà văn, không để mình mắc bệnh ảo tưởng. Ông chủ trương, để thành nhà văn lớn thì phải học, học nhiều. Đã dấn thân vào văn chương thì nhà văn cần phải viết khác, không tô hồng, không ảo tưởng với bức tranh hiện thực. Bởi dù thế nào, người đọc cũng cần được gương mặt trung thực của thời đại.

Sự tử tế trong quan niệm của Hồ Anh Thái còn được thể hiện ở ý thức lan tỏa tri thức của ông trong xã hội. Làm việc ở nhiều lĩnh vực, Hồ Anh Thái luôn thể hiện việc đọc, cho ý kiến chân thành và biên tập cho những tác phẩm của nhiều tác giả trẻ, người quen và cả những người không biết mặt một cách nghiêm cẩn. Ông làm như một nghĩa vụ. Với ông, điều đó thể hiện sự “đáp đền tiếp nối giữa các thế hệ” nhằm làm phong phú hơn, giàu hơn cho văn học nước nhà. Sự trân trọng của ông đối với những cây bút trẻ, đặc biệt là những cây bút trẻ có yếu tố mới và lạ trong cách viết không chỉ thể hiện lòng nhiệt tình rất mực mà còn là cách hành xử đẹp đẽ, sự trân trọng với sức sáng tạo của người viết. Sức lan tỏa tài năng, ý thức nâng đỡ những cây bút triển vọng, sự lao động nghệ thuật bền bỉ và thành quả từ nghề viết của Hồ Anh Thái đã tạo ra các giá trị nhân văn với cộng đồng. 30 năm cày ải trên cánh đồng chữ nghĩa với gần 40 đầu sách có giá trị Hồ Anh Thái đã thực sự trở thành một tấm gương, một mục tiêu phấn đấu của nhiều người cầm bút khác.

1.3.2. Văn chương phải luôn “chung sống với những vấn đề nhạy cảm của xã hội”

Hồ Anh Thái xuất hiện trên văn đàn Việt Nam đương đại với hàng loạt tiểu thuyết mang đậm dấu ấn riêng. Với lối viết táo bạo mới mẻ, cùng một khả năng tư duy nghệ thuật độc đáo, tiểu thuyết Hồ Anh Thái đã phản ánh hiện thực một cách độc đáo bằng việc khai thác và giải quyết những vấn đề mới, nóng của cuộc sống. Có được điều này, có lẽ bởi Hồ Anh Thái luôn có ý thức văn học và đời sống vốn có mối quan hệ qua lại, văn học hình thành từ cuộc sống và quay lại phục vụ cuộc sống. Để văn học có thể bắt rể từ cuộc sống, nhà văn phải sống hết mình với hiện thực phong phú ấy, và hơn thế, phải nhận thức đúng, định hướng đúng các vấn đề quan trọng, thiết yếu của cuộc sống thì mới có thể tạo ra những tác phẩm giá trị.

Cuộc sống vốn vô cùng phức tạp song từ trong vô vàn những vấn đề cuộc sống, Hồ Anh Thái thường hướng sáng tác của mình vào những vấn đề nhạy cảm của xã hội hiện đại. Đó là sự hiện diện của cái ác, cái xấu, sự xáo trộn nền tảng đạo đức xã hội, những chấn thương về thể chất và tinh thần của những người đi qua cuộc chiến. Đa số tiểu thuyết của ông viết về vấn đề này: Người và xe chạy dưới ánh trăng (1987),

Người đàn bà trên đảo (1989),Trong sương hồng hiện ra (1990), Cõi người rung chuông tận thế (2002), Mười lẻ một đêm (2006), SBC là săn bắt chuột (2011), Những đứa con rải rác trên đường (2014).

Trong tiểu thuyết của mình, Hồ Anh Thái đã nói lên khát vọng về lòng người, về tình yêu thương giữa con người với con người. Hồ Anh Thái đã nhận diện được sự thao túng của cái ác trong xã hội hiện đại đầy phức tạp bằng cách tạo ra sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, để cho cái xấu lấn át cái tốt qua đó nhấn mạnh sự trỗi dậy của thiện lương con người. Thông qua Cõi người rung chuông tận thế, ông tái hiện lại một xã hội, một cuộc sống xấu xa, tàn ác đến nghẹt thở với sự hiện diện của cái ác, không chỉ là sự bạo tàn của chiến tranh trong quá khứ, mà nó còn ẩn hiện dưới muôn hình vạn trạng qua cách mà người ta ứng xử với nhau trong đời sống hiện đại hiện ra một cách chân thực trong tiểu thuyết của ông. Sự thao túng của kẻ có tiền có quyền, sự xuống cấp về nhân cách đạo đức của một bộ phận thanh niên trong xã hội hôm nay được ông quyết liệt phơi bày. Và tác giả không chỉ đơn thuần nói về cái ác, cái xấu, hơn thế, ông muốn gửi gắm những thông điệp nhân sinh đến cuộc đời.

Hồ Anh Thái tỏ ra tinh nhạy trong việc phát hiện những thói xấu đáng cười, đáng chê của con người. Ông xây dựng nhiều nhân vật mang nhiều thói xấu đáng cười

để sau tiếng cười ấy có thể giúp người đọc ngẫm ra một bi kịch, một thân phận. Đó là họa sỹ Chuối Hột trong Mười lẻ một đêm vừa dị hợm, lố bịch, buồn cười với sở thích quái đản là trồng cây chuối trong tình trạng khỏa thân “người bóng nhẫy, trắng lôm lốp như cây chuối. Tất nhiên là chuối hột trổ hoa ở quãng lưng chừng trời” [70,24]. Đó là bà mẹ dị hợm, thích phiêu lưu tình ái, ham tiền bạc: “Người chồng thứ năm khá nhất, giáo sư viện trưởng, căn hộ chung cư chất lượng cao” [70,64] – người đàn bà “ngửi thấy mùi đàn ông và mùi đất đều chén được”. Và, đó còn là vị giáo sư mắc chứng: “chỉ bật lên tiếng cười thôi thì cứ thế cười mãi. Không sao hãm lại được. Hơ hơ hơ. Mãi. Chập dây thần kinh cười” [70,93]. Người đọc có thể thấy, sau những cái cười trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái là những thương xót, ưu tư.

Hồ Anh Thái nói rằng: “Tôi không đặt văn chương vào tháp ngà mà để nó chung sống với những vấn đề nhạy cảm của xã hội” [91]. Chính vì thế, trong tiểu thuyết của mình, ông còn luôn có tham vọng lật mặt những hạng người điển hình làm xáo trộn nền tảng đạo đức xã hội. Những vấn đề nhạy cảm được nhắc đến rất thực tế, vừa cũng rất bi hài. Có thể nhận rõ điều này trong “SBC là săn bắt chuột”, một tiểu thuyết phản ánh những trò đời của một bộ phận trí thức diễn trò của một ông chính khách đầy quan cách, một Thư ký như cái hàng rào ngăn không cho sếp đến với dân, một Luật sư lợi dụng kẽ hở của luật pháp để giúp sếp tách nhập tỉnh thành, hưởng lợi, một Giáo sư sa đọa và làm suy đồi giáo dục... nhà văn phơi bày một hiện thực đang diễn ra quanh ta bằng các chân dung. Có thể thấy những gì Hồ Anh Thái đề cập trong tiểu thuyết của ông đều là vấn đề thời sự của xã hội.

Ngay khi viết Người đàn bà trên đảo, dù còn rất trẻ nhưng Hồ Anh Thái đã đề cập vấn đề về tình dục, về bản năng con người và nhu cầu làm tròn thiên chức của những người phụ nữ đi qua cuộc chiến tranh, trở thành quá lứa, lỡ thì bị chấn thương về thể chất và tinh thần. Với đề tài thực sự táo bạo này, ông thẳng thắn nói đến cái giá ghê gớm mà những nữ cựu chiến binh phải trả trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cuộc sống không phải lúc nào cũng như mong muốn. Sau chiến tranh, vượt qua đạn bom tàn khốc, những nữ cựu chiến binh lại tiếp tục cuộc chiến đấu mới, đau đớn chống lại những ham muốn nhục dục thường tình và nhẫn nhục thèm khát có một chút con làm nơi nương tựa lúc cuối đời. Một cuộc sống lý tưởng mà vẫn chỉ tồn tại trong ước mơ của họ. Những ám ảnh về cuộc chiến tranh chống Mỹ, kể lại những câu chuyện chiến tranh, Hồ Anh Thái còn đặt ra những vấn đề bức thiết của cuộc sống hiện tại. Con người vào đời với đôi tay sạch sẽ và tâm hồn thánh thiện dẫu sắc dục, sự vô lương và

những xô dập của cuộc đời vẫn khiến họ phải vật lộn với số phận trên con đường mưu cầu sự sống.

Hồ Anh Thái đã nhạy bén nhìn thẳng vào những bi kịch nhân sinh, mổ xẻ nó bằng cái nhìn trung thực, táo bạo để lột tả sự đan xen của cái ác với cái thiện, cái cao cả với cái thấp hèn, cái sang trọng với cái nhếch nhác, cái trong suốt xen lẫn cái phàm tục. Điều mới lạ và độc đáo là Hồ Anh Thái không bao giờ cho phép mình quay lưng với cuộc đời, luôn nhìn thẳng những vấn đề nhức nhối bủa vây cõi người để trong cái hiện thực "phân mảnh" đầy những vấn đề nhạy cảm ấy, có thể luôn phản ánh hiện thực đời sống nhân sinh bằng nụ cười chua chát mà vẫn muốn đánh thức lòng vị tha, sự bao dung của con người. Với một thái độ nghiêm cẩn đối với bản thân, với nghề viết, Hồ Anh Thái đã thực sự lăn xả vào cuộc sống và chạm ngòi bút của mình đến những vấn đề nhạy cảm của xã hội, phản ánh được một cách sắc nét sự phức tạp của cõi đời, cõi người hiện hữu. Khi khẳng định rằng không đặt văn chương vào tháp ngà mà để nó chung sống với những vấn đề nhạy cảm của xã hội là nhà văn đã thể hiện tư tưởng khám phá về hiện thực mang màu sắc nhân văn trên trang viết của mình.

1.3.3. “Tiểu thuyết là một giấc mơ dài”

Tiểu thuyết là phần quan trọng nhất trong sáng tác của Hồ Anh Thái. Nhà văn đã theo đuổi, dành trọn tinh thần và tài năng cho tiểu thuyết. Với ông, “tiểu thuyết là một giấc mơ dài, gấp sách lại người ta vừa mừng rơn vừa thoát khỏi cơn ác mộng, lại vừa nuối tiếc vì phải chia tay với những điều mà đời thực không có” [68,253]. Trong lúc văn chương vẫn còn bị quy định bởi những khuôn phép, sáo mòn thì tiểu thuyết của ông đã làm cho dư luận ngạc nhiên bởi thế giới nghệ thuật phong phú. Trong những tiểu thuyết được viết khi còn trẻ, Hồ Anh Thái đã tạo ra thế giới nghệ thuật mới mẻ, có khả năng trở thành “những nhân vật của tương lai”. Nhà văn Lê Minh Khuê đã nhận định khi đọc xong tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng: “…tác giả sẽ là người tỉnh táo để có thể sáng tạo những cuốn sách mang vác các vấn đề quan trọng của văn học.”; “Đây là người còn đi dài với văn chương” [64,267].

Cuộc sống trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái là một cõi người không bình yên. Phản ánh hiện thực đời sống ấy, được ông tìm tòi, mổ xẻ, phơi bày bằng tất cả tâm huyết, sự thông minh và nhạy bén của mình. Cùng với sự dịch chuyển từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết, từ cảm hứng sử thi sang thế sự đời tư, Hồ Anh Thái đã tạo ra trong tiểu thuyết lối tư duy, giọng điệu và cách ứng xử đầy văn hóa mang dấu ấn hiện đại. Chính sự nỗ lực đã khiến Hồ Anh Thái chuyển tải được trong tiểu thuyết của mình

những quan niệm, những cách nhìn, những chiêm nghiệm về cuộc đời, về nhân tình thế thái, không buông tha bất cứ một thứ gì trong cõi người nhốn nháo và đầy nghịch lý. Hồ Anh Thái đã không chỉ phản ánh hiện thực một cách đơn giản mà còn mạnh dạn kiến tạo hiện thực, sáng tạo một thế giới nghệ thuật chân thực, kì ảo và huyễn hoặc, đồng thời với khát khao hướng độc giả đến những điều tốt đẹp. Bằng cách này, Hồ Anh Thái đã thực hiện được tâm nguyện của mình, làm cho tiểu thuyết trở thành một giấc mơ dài không chỉ với mình mà cả với độc giả. Ông đã bằng tất cả sự tinh tế của tâm hồn, khát vọng tình yêu cuộc đời mà phản ánh cuộc sống con người với tất cả sự đa diện, đa chiều của nó. Với cách tiếp cận hiện thực và phương pháp sáng tác mới mẻ, Hồ Anh Thái đã quan tâm, lý giải một cách đầy đủ, chi tiết hiện thực trần trụi, ám ảnh của cuộc sống bằng tất cả nỗ lực của tài năng.

Tiểu kết

Quá trình cách tân của tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986 diễn ra trên mọi phương diện từ quan niệm về hiện thực, quan niệm về con người, quan niệm về thể loại đến thi pháp. Nghịch dị với tinh thần hạt nhân là tiếng nói tự do dân chủ, đã lớn dậy theo mạch nguồn lịch sử văn học dân tộc, đang hồi sinh mạnh mẽ cùng những thăng trầm của đời sống văn học. Và nghịch dị có thể được coi là một trong những yếu tố làm nên sự mới mẻ cho tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết Hồ Anh Thái nói riêng.

Trong sự nỗ lực đã đổi mới tư duy tiểu thuyết, cố gắng tìm cho mình một hướng đi riêng và mới lạ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, Hồ Anh Thái đã khai thác và thể hiện một cách mới mẻ thủ pháp nghịch dị để nó trở thành tư duy nghệ thuật chi phối quan niệm nghệ thuật của chính mình. Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái có thể được coi là sự thành công đặc biệt, làm nên sự độc đáo cho tiểu thuyết trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông.

CHƢƠNG 2

CẢM QUAN CARNAVAL VÀ HÌNH TƢỢNG NGHỆ THUẬT NGHỊCH DỊ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)