7. Bố cục của luận văn
2.1. Cảm quan Carnaval trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái
2.1.1. Cường điệu hóa những mâu thuẫn trong cuộc sống
Nhà triết học, nghiên cứu văn học người Nga M.M. Bakhtin cho rằng hiện tượng carnaval với ý nghĩa rất rộng, như là tổng thể các lễ hội có nguồn gốc khác nhau mà đặc điểm nổi bật của nó là niềm vui hội hè của nhân dân. Hiện tượng này tạo thành nửa đời sống không chính thức của con người, là sự diễn trò dưới dạng lộn trái thế giới. Đó là “hiện tượng học tinh thần về lễ hội dân gian trong lịch sử văn học và văn hóa châu Âu” [30,189].
Cường điệu là cách trình bày trên mức sự thật một mặt nào đó của sự vật, hiện tượng để làm người khác chú ý. Cường điệu hóa là làm tăng, làm quá mức bình thường cái vốn có nhằm tạo ra một cái mới khác hoàn toàn cái cũ.
Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, những mâu thuẫn trong đời sống được tái hiện thường là các mâu thuẫn mang tính chất phi lý, phản quy luật thông thường. Sự xuất hiện phản logic của chúng thường tạo nên yếu tố bất ngờ, có khả năng gây cười và phản ánh chân thực một số tình huống phi lý trớ trêu, lật tẩy sự ăn may đầy chất nghịch dị.
Và con người cũng phức tạp, đa dạng không kém gì cuộc sống. Các nhân vật trong trong tiểu thuyết của ông có thể là những con người quay cuồng trong vòng xoáy của danh lợi, bỏ qua mọi giá trị đạo đức để chạy theo lối sống thực dụng, ích kỷ và vô tình, tìm mọi cách thỏa mãn nhu cầu của bản thân mà không cần quan tâm đến người khác nhưng họ cũng còn là những con người có ước mơ cao đẹp, dám sống hết mình với tuổi trẻ, với đam mê, khát vọng. Ở tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra, Hồ Anh Thái đã lột tả cả cái tốt, cả cái xấu của cuộc sống thời chiến. Trong Cõi người rung chuông tận thế, Hồ Anh Thái đã tái hiện lại một xã hội, một cuộc sống xấu xa tàn ác đến nghẹt thở. Cái ác không chỉ là sự bạo tàn của chiến tranh trong quá khứ mà nó còn ẩn hiện muôn hình vạn trạng qua cách mà người ta ứng xử với nhau trong đời sống hiện đại. Đó là cuộc đối đầu giữa cái thiện và cái ác, quá khứ và hiện tại, tình yêu và thù hận, những giá trị truyền thống và tư tưởng mới du nhập... những vấn đề mà xã
hội, “cõi người” từng ngày phải đối diện. Nhân vật “tôi” dửng dưng, bàng quan, đồng hành và nhiều khi là đồng phạm với cái ác. Cho đến lúc nhận ra rằng “Phải chứng kiến tận mắt, phải ôm người chết trong tay, phải khâm liệm cho một tử thi... người đó mới xem như thực hiểu đời, hiểu người, hiểu sự sống. Khi đã hiểu cái chết, anh mới bình thản và tự tin để quan sát tất cả những người không hiểu cái chết. Khi ấy, anh thấy mình cần phải sống” [68,157]. Xã hội con người muôn đời đã như vậy. Hồ Anh Thái cònnhìn rõ con người với đầy rẫy cái xấu. Đó là sự ghen ghét đố kỵ, là lòng tham, thói ích kỷ cá nhân, lối sống buông thả dâm ô,… và nhất là sự ác độc mà người ta đối xử với nhau. Toàn trong Người và xe chạy dưới ánh trăng là một chàng trai nhiều mơ ước và luôn khát khao vươn lên. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong đời sống, trong công việc nhưng anh vẫn luôn giữ được tâm hồn trong sáng. Bên cạnh sự trong trẻo, thánh thiện của Toàn, của Mỵ, bên cạnh sự hoàn lương của Khắc là tham vọng thái quá đến mức tàn nhẫn của Khuynh, là sự ích kỷ đến mức độc ác của Diệu, là thói ngổ ngáo vô giáo dục của Sa. Vợ chồng Khuynh – Diệu với đứa con là thằng Sa là những nhân vật tha hoá được Hồ Anh Thái đặt song song. Khuynh là kẻ có năng lực nhưng không thật sự trong sáng, chỉ biết sống cho bản thân mình. Diệu không có cái duyên dáng nhưng lại có thừa cái tinh quái của kẻ lắm mưu mô ác độc, luôn mong muốn chiếm đoạt.
Cường điệu hóa là thủ pháp nghệ thuật được sử dụng phổ biến trong văn học. Sự cường điệu hóa giúp các tác giả cùng đào sâu thế giới đa chiều kích của cuộc sống, cùng phản ánh những mâu thuẩn cuộc sống. Đặc biệt, trong tiểu thuyết hậu hiện đại, cường điệu hóa giúp nhà văn thể hiện rõ hơn tính chất phức tạp quay cuồng của trật tự đời sống, sự bế tắc không lối thoát của con người, sự băng hoại về nhân cách đạo đức, sự đánh mất bản ngã, sự đau đớn bơ vơ và bất an của số phận con người trước thời cuộc và cả sự đảo lộn giữa thực và hư, giữa siêu nhiên huyền bí và đời thường… Có thể thấy, những mâu thuẫn trong cuộc sống được cường điệu hóa trở nên sống động đã tạo nên những đặc sắc khác lạ trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái. Một người đàn bà dâm đãng, trắc nết là phu nhân ông Vip, Giáo sư hẳn hoi lại bẩn tính, Họa sĩ lại thích khỏa thân trồng chuối… trong Mười lẻ một đêm; hoa khôi sinh viên Yên Thanh trong
Cõi người rung chuông tận thế lại là cô gái đầy dục tính; … Những thói hư tật xấu tồn tại trong xã hội được nhà văn lột trần, không che đậy bởi lớp vở hào nhoáng của danh vọng và địa vị. Tất cả những xấu xa, những nghịch lý của xã hội đang được che đậy đã được phơi bày một cách quyết liệt nhưng không kém phần dí dỏm. Có thể khẳng định rằng, khi tạo ra những tương phản, đối lập giữa các hiện tượng cuộc sống, Hồ Anh
Thái đã gửi vào đó sự mỉa mai, phê phán hàm chứa những gợi nhắc về nhân tính con người. Bằng những thủ pháp cường điệu hóa trong tiểu thuyết của mình, Hồ Anh Thái khắc họa đậm nét những thói hư, tật xấu, những sự đối ngược, phi lý vẫn tồn tại và ngang nhiên tồn tại trong xã hội. Trong tác phẩm Mười lẻ một đêm, cái dâm đãng và tham lam của bà mẹ được cường điệu khiến nhân vật nữ này trở nên dị thường, lệch chuẩn. Đó là người đàn bà có trái tim thiếu nữ ẩn trong dù đã năm mươi tám tuổi: “Thỏa mãn một người đàn ông đấy chắc chắn là năng khiếu bẩm sinh duy nhất của cô nàng. Đấy còn là sự thỏa mãn thói tham lam duy nhất của chính nàng. Nàng bao giờ cũng muốn biến cuộc sống của mình thành bữa đại tiệc lạc thú triền miên” [70, 63]. Nhưng lố bịch, trơ trẽn hơn là hành vi dâm đãng thực hiện mọi lúc, mọi nơi với bất kỳ ai, hễ thấy trai tân là mắt liếc đa tình, tán tỉnh, quyễn rũ và lao vào, khiến con gái nhiều lần “phải chứng kiến bất đắc dĩ. Có khi nửa đêm tỉnh dậy nó còn nghe hai người lớn rên rỉ như đau bụng dưới gầm bàn” [70, 69]. Năm lần lấy chồng, năm lần li dị, mỗi lần li dị được một cái nhà…, người đàn bà mồi chài luôn “người đàn ông đáng trọng duy nhất” [70,104] của con gái mình. Thói dâm đãng của “Người mẹ thèm quà vặt của cô có bao giờ để yên bất cứ món đồ ngon nào bày ra trước mắt mình”… “Giữa năm đời chồng chính thức là bao nhiêu lần quà vặt khai vị điểm tâm lót dạ”… “Người đàn bà tuổi bốn ba, vừa mới qua một cuộc hôn nhân, năm sau mới bắt đầu cuộc hôn nhân mới. Bây giờ đang cần những món ngon lấp chỗ trống” [70,105]. Song hành với thói dâm đãng, mê trai, tính tham lam của bà mẹ được tác giả cường điệu không kém phần độc đáo. Bà ta có thể ngửi ngay ra mùi nhà đất trên thân thể cái người đàn ông bắt đầu dan díu. Rồi những vị giáo sư, những nhà văn hóa lớn được phong hàm giáo sư sau khi “đi học bổ túc công nông về làm giảng viên đại học”, có nhà văn hóa lớn nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa mà cử chỉ và hành động cũng như lối sống lại thiếu văn hóa: hội thảo quốc tế cho phép mỗi đại biểu phát biểu trong 10 phút mà giáo sư Một vô tư rông dài đến 30 phút, làm cho hội thảo kéo dài thêm nửa tiếng buổi chiều, kéo theo việc lùi giờ chiêu đãi sứ quán. Trong lúc chiêu đãi, giáo sư Một lại vục đầu vào ăn khi mọi người chăm chú nghe phát biểu của Phó Thủ tướng. Vị Giáo sư “Nhai chòm chọp, chèm chẹp”, “vung vẩy, công phá” [70,216]. Khủng khiếp hơn là vị giáo sư, nhà văn hoá ấy lại tiểu tiện một bãi mỗi lần đi qua tượng đài, dù bị nhắc nhở lập biên bản nhưng chứng nào vẫn tật đó. Còn Giáo sư Hai lại mang tật xấu lạ kỳ là cứ nữ sinh viên xinh đẹp thì ông thích cầm tay, cầm chân không dứt ra được. Có thể nói, Hồ Anh Thái
đã phản ánh phong phú, sinh động những hình ảnh con người ở các địa vị, hoàn cảnh sống khác nhau qua nghệ thuật cường điệu hóa.
Điều đặc biệt là bên cạnh những lời văn tràn đầy yêu thương những khi sử dụng thủ pháp cường điệu hóa để viết về những mâu thuẩn trong cuộc sống, Hồ Anh Thái đã ý thức rõ việc kế thừa nghệ thuật trào phúng dân gian. Những điều bất ổn, phức tạp và ẩn chứa nhiều cái xấu và đáng cười của hiện thực cuộc sống bề bộn, đầy rẫy những mâu thuẫn được nhà văn tập hợp lại trở thành bức tranh hiện thực cuộc sống đương đại. Chúng đang len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống làm biến đổi nhiều giá trị trong đó có truyền thống văn hóa. Hát quan họ, văn hóa truyền thống của Kinh Bắc giờ đã trở thành dịch vụ: “Các anh, các chị nếu có lòng yêu quan họ, xin cứ gọi điện, sau ba mươi phút, các cháu sẽ đến phục vụ ngay tại nhà. Phục vụ bất cứ ai có nhu cầu. Phục vụ ngay cả chốn rượu thịt như thế này vẫn xưng vì văn hóa quê hương. Thực khách mồm mép bóng mỡ, sực nức mắm tôm thịt chó đi quá đà cầm tay cầm chân từ A đến Z thì quan họ bảo sao?” [70,135]. Quan họ trở thành một món hàng, người hát quan họ bổng như thành kẻ hát rong: “Chị hai nhắc, năm nghìn ạ. Khách sộp bo mười nghìn luôn. Khách ki bỏ vài ba nghìn coi như cũng xong. Thuyền dùng dằng đi, người hát rong quanh cái bờ ao toen hoẻn ấy ba ngày hội thu nhập cũng kha khá” [70,136]. Chợ tình Sa Pa, Lào Cai, chợ văn hóa Bắc Hà, nơi trai gái hẹn hò, trao duyên nhưng nay chỉ còn là nơi “Cô gái Mèo thì giơ tay che mặt,… mỗi người phải đưa năm nghìn thì mới được chụp” [70,142], vải thổ cẩm được dệt bằng chỉ pha nilông Trung Quốc, nhưng “Không bán đâu. Để bán cho Tây thôi. Khinh khỉnh” [70,143],… Qua cách nhìn của Hồ Anh Thái, cuộc sống hiện đại đang bộc lộ những mặt trái với nhiều mâu thuẫn, tiêu cực.Chính sự kế thừa đầy sáng tạo này mà những mâu thuẫn trong đời sống được tác giả đưa vào trang viết một cách nhẹ nhàng, dí dỏm, đầy tiếng cười nhưng cũng hết sức sâu sắc. Từ những mâu thuẫn trong cuộc sống được cường điệu hóa mà người đọc có thể khám phá những khía cạnh nhân văn của xã hội và đời sống con người, để đồng cảm với sự đau đớn của những số phận trong thế giới nhộn nhạo những điều không thể chấp nhận.
Trong suốt chiều dài phát triển của văn học, không ít nhà văn đã có cái nhìn khách quan, chân thực và phản ánh một cách chân thực về cuộc sống để làm nổi bật lên những mảng màu sáng, tối; thiện, ác; đẹp, xấu; hay, dở…, những mâu thuẩn vốn có của xã hội, của những mối quan hệ giữa người với người. Hồ Anh Thái cũng vậy. Trong tiểu thuyết của mình, ông đã làm nổi bật những mẫu thuẫn bên trong con người,
những mâu thuẫn trong lòng xã hội phát triển bằng thủ pháp cường điệu hóa một cách sáng tạo. Bằng cách này, nhà văn đã chế tác chân dung hiện thực với nhiều góc khuất, nhiều trạng thái, nhiều giá trị xấu tốt đan cài một cách không đơn điệu. Một hiện thực đầy góc cạnh, nhiều chiều có phần tồn tại trong mâu thuẩn lẫn nhau. Những mâu thuẫn giữa cái thiện với cái ác, giữa cái thấp hèn với cái sang trọng, giữa cái phàm tục và cái cao cả, giữa cái thú vật và cái nhân tính được phơi bày trong sự thường trực trăn trở về cuộc sống của nhà văn. Từ đó, con người trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái trở nên rất thực, luôn tồn tại trong sự đấu tranh bản thể. Có thể nói, với cái nhìn toàn diện, sắc sảo đa chiều về con người và cuộc sống, với thái độ thẳng thắn, quyết liệt khi chỉ rõ những mặt trái của cuộc sống đang tác động mạnh mẽ đến đời sống con người trong xã hội, bằng tất cả nỗi lo lắng, đau đớn về cuộc sống, con người ở Hồ Anh Thái đã thể hiện được lương tâm và trách nhiệm cao cả của một nhà văn với cuộc đời, với xã hội.
2.1.2. Sáng tạo những tương phản kỳ quặc
Thủ pháp nghịch dị chính là một trong những chìa khóa quan trọng của tư duy hiện đại/ chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật. Bởi nó tập trung nhấn mạnh tính đối lập, chú ý trình bày một thế giới dị thường, trái tự nhiên, ở chỗ kháng cự lại những sự nghiêm túc thái quá, các tính chất mô phỏng một cách cực đoan, trộn lẫn cả hai cực đối lập của tồn tại như cái cũ và mới, chết và sinh ra, v.v. tạo ra tính lưỡng trị đồng thời phô bày tính đối kháng, sự tương phản, phi lí, v.v. và quan trọng là thông qua đó nó mở ra một cách nhìn khác về thế giới. Trong tiểu thuyết của mình, Hồ Anh Thái không chỉ cường điệu hóa những mâu thuẩn trong cuộc sống mà ông còn sắp xếp đầy dụng ý những mảng màu đối kháng của bức tranh xã hội kỳ lạ đến mức trái hẳn lẽ thường, khó hiểu đầy tinh tế. Đó là cách ông tạo ra những tương phản kỳ quặc giữa cái thiện và cái ác, giữa quá khứ và hiện tại, giữa tình yêu và thù hận, giữa những giá trị truyền thống và tư tưởng ngoại lai...
Không khó phát hiện sự tương phản trong sáng tác của nhiều nhà văn. Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ đã tạo tiếng cười sâu cay bằng sự tương phản đối lập giữa các bình diện quan sát, miêu tả. Ông vạch trần bản chất xấu xa của xã hội thượng lưu tư sản thành thị băng hoại đạo đức, khô héo tình người, chạy theo lối sống văn minh rởm, vô cùng đồi bại, lố lăng. Trong Giã biệt bóng tối, nhà văn Tạ Duy Anh với những trang văn miêu tả một hiện thực đen tối, nhầy nhụa, những xấu xa, tàn độc nhưng bên cạnh không gian ngột ngạt, bốc mùi thù hận của sự tha hóa ấy vẫn le lói những tia hi vọng, mở ra một niềm tin với sự sám hối cùng bóng dáng của thiên thần. Với Hồ Anh
Thái, do có sự ảnh hưởng lớn của cảm quan carnaval nên ông đã sáng tạo trong tiểu thuyết của mình những tương phản thật kỳ quặc. Đó có thể là những tương phản trong sự đảo lộn vai trò và thiên chức của con người trong một gia đình nhỏ trong Mười lẻ một đêm.Bà mẹ thì: “Đa dạng hoá và đa phương hoá. Đấy là phương châm của người đàn bà lấy chồng không biết mệt này” trong khi đó, cô con gái 34 tuổi vẫn chưa một lần lấy chồng, luôn bị xem là gái già. Khách khứa đến nhà hỏi bao giờ lập gia đình, mẹ đều tranh quyền trả lời hết. “Mẹ cười khúc khích như thiếu nữ mười lăm” [70,54]. Sự tương phản giữa bà mẹ và cô con gái lớn tuổi chưa chồng khiến gia đình trở nên thật buồn cười, “con gái luôn nghiêm túc chín chắn bao dung. Bà mẹ luôn tươi trẻ hiếu động nông nổi lầm lỡ. Con là mẹ và mẹ là con” [70,55-56]. Sự tương phản còn trở nên vô cùng kỳ quặc được thể hiện bằng hành vi đối kháng của họ trong cùng một hoàn