7. Bố cục của luận văn
3.2.1. Sử dụng các biệt ngữ xã hội và lớp “thuật ngữ thời đại”
Ngôn ngữ nghệ thuật luôn gắn với chủ thể thẩm mĩ, thể hiện tài năng, cá tính, quan điểm nghệ thuật và phong cách nhà văn, hình thành nên phong cách ngôn ngữ nghệ thuật riêng của nhà văn trong tác phẩm. Trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, đặc biệt là tiểu thuyết từ sau năm 1986, ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ của nhịp sống hối hả thời mở cửa trở thành một phương tiện tu từ từ vựng quan trọng. Với nhà văn Hồ Anh Thái, tiến trình carnaval hóa tư duy tiểu thuyết gắn liền với sự chuyển biến trong quan niệm của nhà văn về chất liệu ngôn từ.
Cùng với Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài,… Hồ Anh Thái đã rất thành công khi sử dụng biệt ngữ xã hội, những từ ngữ có tính chất tiêu biểu, đặc thù được sử dụng trong một tầng lớp xã hội nhất định. Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, biệt ngữ xã hội đã được sử dụng thường xuyên như một thủ pháp nghệ thuật. Cũng như các nhà văn cùng thời, khi viết về giới giang hồ hay kể về những trò giải trí của tầng lớp thượng lưu, Hồ Anh Thái cũng sử những lớp từ ngữ rất tiêu biểu, dành riêng cho họ. Đó là thứ ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ của thị dân hiện đại, nhưng ông còn chú ý thâu nạp nhiều các dạng thức lời nói khác nhau nhằm cá thể hoá cao độ ngôn ngữ nhân vật. Đó là những từ ngữ mà giới thượng lưu, cô chiêu cậu ấm ăn chơi hay con buôn thường dùng quy ước riêng cho sự việc, sự vật theo cách của họ: “Tưởng cậu gồng về Hà Nội lâu rồi? Ông bác cấp tướng của cậu đâu? (…) Khi trở về, ông bảo cứ yên tâm công tác vài năm rồi sẽ xin về Hà Nội. Được hơn một năm thì ông bác tịch.” [65,104], “Khoảng bốn mươi phút sau, anh ta lại bỏ xuống cho tôi một chiếc tất ngoại, như trực thăng thả đồ tiếp viện cho đồng minh đang bị vây hãm. Khi đám sinh viên nữ đi xem ca nhạc về xôn xao một lát rồi leo lên những chiếc giường có ri đô che chắn, thì anh bạn hào phóng ở tầng trên ném xuống cho tôi hai chiếc áo mưa nữa.” [68,115], “Ở chợ giời, ngoài những bọn buôn bán “cứng” và “mềm”, bọn buôn nước bọt, còn một đám bậu xậu gọi là “chân gỗ”. (…) Bọn cuối cùng được kẻ bán chia cho chút “màu”.”[64,70], “Từ lâu, tôi biết Thiết đang háo hức “đánh quả” lớn. Nó đã dám động đến món hang
“xanh đỏ”. Mấy chuyến “vào cầu” làm nó càng ham. Tôi linh cảm thấy cái kết cục “gãy cầu” của chúng nó, nên không nhúng tay vào” [64,70-71]. Thường thì các biệt ngữ xã hội được Hồ Anh Thái chọn lọc kỹ lưỡng nhằm làm nổi bật lối sống ăn chơi, hưởng lạc của lớp “quý tộc” rởm đương đại, những Tú Bà (chủ chứa gái mại dâm), một con bò lạc trinh nguyên (gái bán trinh), mặt hàng tươi sống (gái bán dâm),… Điều khác biệt của Hồ Anh Thái là các biệt ngữ trong tiểu thuyết của ông đều thể hiện được sự mới mẻ ở cách viết trong một hệ thống ngôn từ tinh lọc, ngắn gọn, sắc nét mang chiều sâu tính cách, chiều sâu tri thức, văn hóa. Đó là những biệt ngữ xã hội diễn tả chân thực cuộc sống xô bồ nơi thị thành được kết tạo từ một lớp ngôn ngữ đời thường có khả năng tạo nên những chân dung, tính cách, phong thái của con người cũng như sự đa diện, nhiều chiều của đời sống. Kết hợp chúng với nhau để tạo nên một thứ hợp âm hỗn độn của phố phường. Một trong những biểu hiện quan trọng của phong cách ngôn ngữ trong văn chương là việc sử dụng và phát huy khả năng diễn tả của các phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt.
Cũng như tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương… tiểu thuyết của Hồ Anh Thái tích hợp trong chúng một hệ thống các thuật ngữ thời đại theo những nhân tố tạo nên diện mạo của cuộc sống con người đô thị. Đó là những biệt ngữ thông dụng của giới trẻ và giới thượng lưu như: môbaiphôn, vinaphôn, internét, Sài gòn by night, đô, chân dài (cô gái có vóc dáng như người mẫu), cave (gái làm tiền), cốp, víp (nhân vật quan trọng), ôsin (người giúp việc), sếp (cấp trên), gay, đồng cô (người đồng tính), choice (thuốc tránh thai), OK (bao cao su), sex (giới tính, làm tình). Lớp từ ngữ có gốc nước ngoài được giữ nguyên mẫu hoặc phiên âm kiểu “nghịch dị” xuất hiện khá dày trong tiểu thuyết của nhà văn: good morning, gelơri, gang of four, good bye, The Apocalypse, Captain’s Studio, bupffe, to be or not to be?,... Chúng được nhà văn sử dụng như một phương tiện để diễn đạt cuộc sống xô bồ, hỗn tạp nơi thành thị - nơi đang được mệnh danh là văn minh, hiện đại.
Trong sự gấp gáp của cuộc sống hiện đại, trước sự áp đảo của “ngôn ngữ mạng”, con người dường như đã bỏ qua những hình thức giao tiếp truyền thống. Lối cư xử “đãi bôi” có vẻ đang thay thế dần những mối quan hệ chân thành, tốt đẹp khiến ngôn ngữ cũng bị biến tướng: “May tim cho tao xem lao hoa si trong chuoi o dau, bao no ve ngay. Me no chet” [70,32], “May tim xem Hoa Si Trong Chuoi o dau, bao no ve nha ngay” [70,32], “Tao deo hieu may noi gi tao dang deo mot em den nha hat lon em me xem hat tao thi chieu” [70,32], “Cho tao gui loi chia buon. Tao dang o sai gon di choi
cho lon, khong ra duoc” [70,32], “May khong ra đuoc nhung may co the bao mot thang nao di tim thang Hoa Si Chuoi Hot bao nó ve ngay.” [70,32]. Dường như, ngôn ngữ, kết tinh văn hóa cao nhất của loài người, niềm tự hào của mỗi dân tộc, đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt bởi mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ. Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, có thể nhận thấy rằng nhiều tiếng nói và ngôn ngữ khác nhau ở cả hai lĩnh vực văn học và ngoài văn học đã được nhà văn sử dụng trong tác phẩm của mình. Tất cả được nhà văn gạn lọc, phát triển và “lập trình” chúng lại theo tư duy nghệ thuật tiểu thuyết của mình để trên cái nền của tiếng nói và ngôn ngữ được sáng lập lại ấy, phong cách ngôn ngữ của Hồ Anh Thái được xác lập. Dấu vết thời đại đã ảnh hưởng và qui định cách nói năng, đối đáp của con người. Có thể nhận thấy trong xã hội Việt Nam đương đại, nhiều lớp từ mới đã được hình thành, các quan niệm về lời nói cũng được bổ sung những sắc thái biểu cảm mới.
Chính vì thế, trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, các lớp ngôn ngữ hội họa, ngôn ngữ âm nhạc cũng mang nhiều sắc thái biểu cảm mới, lạ, đậm dấu ấn tâm lý thời đại góp phần tô đậm chất nghịch dị cho tiểu thuyết của ông. Trong Người đàn bà trên đảo, các hình ảnh được tạo ra từ lớp từ ngữ giàu tính tạo hình kiểu “Mũi và mồm ông ta đều nhô về phía trước, còn cái cằm ngắn củn thu về sau” [65,88], “Một cái mũi và miệng hải cẩu lao về đằng trước như khiêu khích và sẵn sàng gây sự. Nhưng cặp mắt thụt về sau lại đầy hốt hoảng, lo sợ, như sẵn sàng chạy trốn những con số rối mù” [65,88] đã tạo nên bức ký họa quái dị cả về hình dáng lẫn tâm thế vô cùng dí dỏm của Tường, ông tài vụ. Hay trong tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột, ngôn ngữ âm nhạc được Hồ Anh Thái tạo ra bằng sự nhại lời, nhại tiết tấu, nhại giai điệu bất kể đó là ca khúc trữ tình, tiền chiến, nhạc đỏ, thậm chí trích dẫn cả những lời hát cổ. Bằng việc “chế”, “xuyên tạc” lời bài hát kiểu: Hà Nội mùa này phố cũng như song/ Cái rét đầu đông chân em thâm vì ngâm nước lạnh/ Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố/ Ðường Cổ Ngư xưa tràn ngập nước sông Hồng.../ Hà Nội mùa này chiều không có nắng/ Phố vắng nước lên thành con sông/ Quán cóc nước dâng ngập qua mông/ Hồ Tây giờ không thấy bờ/ Hà Nội mùa này long bao đau đớn/ Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay/ Cho đến đêm qua lạnh đôi chân/ Giờ đây, lạnh luôn toàn thân” [71,5-6]. Và một phần cuối lời hai: Hà Nội mùa này người đi đơm cá/ Phố vắng nước lên thành con sông/ Quán cóc nước dâng ngập qua mông/ Hồ Tây tràn ra Mỹ Đình [71,6-7] hay đặt những bài vè tếu táo đả kích bảy cái quyền của giới thượng lưu như: “Nói có người nghe/ Đe có người sợ/ Vợ có người chăm/ Nằm có người bóp/ Họp có người ghi/ Chi
có người bù/ Đi tù có người chạy” [71,124], Hồ Anh Thái đã bước vào cuộc chơi chữ nghĩa trong đó trò chơi không phải chỉ để giải trí mà là để đem lại một tiếng cười châm biếm sâu sắc. Chính những việc sử dụng lối chơi chữ quen thuộc như một cái mẹo dỗ ngon, dỗ ngọt loài chuột để nó đừng phá hoại:“Cốc cốc đánh mỏ vang cót thóc, thử hôm nay chuột có đến hay không?” [71,50] hay xuyên tạc lời ca dao “Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng lăn quay ra vườn”[71,261] đến việc nhại lối nói dân gian, tạo ra những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ mới đầy hài hước như “nuôi ma trong máy tính” đã làm nên một cách chơi chữ nghĩa rất riêng của Hồ Anh Thái.
Bên cạnh đó, Hồ Anh Thái còn triệt để vận dụng các câu nói kiểu thành ngữ, ca dao, câu đối… kiểu: “Ngủ Gia Lâm, đâm Thái Hà”, “chó Nhật Tân, vần Hồ Tây” [70,8]; “chia loan rẽ phượng, chia uyên rẽ thúy, chia sim rẽ dế” [71,61]; “Cái cứt gì cũng phân, phân như cứt” [71,243]; “Con gì ăn lắm nói nhiều, mau già lâu chết miệng kêu tiền tiền?” [73,85]… hoặc biến tấu một cách ngược đời những câu khẩu hiệu đã trở thành quen thuộc trong tinh thần con người đương đại như: “Thi đua lập thành tích chào mừng ba mươi năm thành lập đoàn, mỗi đoàn viên đào ba mươi hố trồng cây” [71,177], “Vợ gã ở nhà rước giai về nhà. Con gái gã ở nhà cũng rước giai về nhà. Bên này giường là mẹ, bên kia giường là con, chúng cùng lúc thi đua lập thành tích chào mừng ngày ông chủ gia đình mang thêm hàng về” [68,118], “Chàng cũng không bị hội chứng của đám trai trẻ muộn vợ, mộng trùng hay tự lực cánh sinh. Không đời nào. Khi cần thì đến chỗ bóc bánh trả tiền” [71,35], “Nhà nhà ăn đất, người người ăn đất” [71,180],… khiến các đặc tính của ngôn ngữ được biểu hiện gắn với tính thời đại một cách rõ nét. Ngôn ngữ tiểu thuyết Hồ Anh Thái, vì thế, phản ánh được bản chất văn hóa của đời sống hiện đại vốn đang ngày càng đậm chất bình dân, có phần trở nên dễ dãi và hàm chứa nhiều sự phi lý.