“Tiểu thuyết là một giấc mơ dài”

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 31 - 33)

7. Bố cục của luận văn

1.3.3. “Tiểu thuyết là một giấc mơ dài”

Tiểu thuyết là phần quan trọng nhất trong sáng tác của Hồ Anh Thái. Nhà văn đã theo đuổi, dành trọn tinh thần và tài năng cho tiểu thuyết. Với ông, “tiểu thuyết là một giấc mơ dài, gấp sách lại người ta vừa mừng rơn vừa thoát khỏi cơn ác mộng, lại vừa nuối tiếc vì phải chia tay với những điều mà đời thực không có” [68,253]. Trong lúc văn chương vẫn còn bị quy định bởi những khuôn phép, sáo mòn thì tiểu thuyết của ông đã làm cho dư luận ngạc nhiên bởi thế giới nghệ thuật phong phú. Trong những tiểu thuyết được viết khi còn trẻ, Hồ Anh Thái đã tạo ra thế giới nghệ thuật mới mẻ, có khả năng trở thành “những nhân vật của tương lai”. Nhà văn Lê Minh Khuê đã nhận định khi đọc xong tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng: “…tác giả sẽ là người tỉnh táo để có thể sáng tạo những cuốn sách mang vác các vấn đề quan trọng của văn học.”; “Đây là người còn đi dài với văn chương” [64,267].

Cuộc sống trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái là một cõi người không bình yên. Phản ánh hiện thực đời sống ấy, được ông tìm tòi, mổ xẻ, phơi bày bằng tất cả tâm huyết, sự thông minh và nhạy bén của mình. Cùng với sự dịch chuyển từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết, từ cảm hứng sử thi sang thế sự đời tư, Hồ Anh Thái đã tạo ra trong tiểu thuyết lối tư duy, giọng điệu và cách ứng xử đầy văn hóa mang dấu ấn hiện đại. Chính sự nỗ lực đã khiến Hồ Anh Thái chuyển tải được trong tiểu thuyết của mình

những quan niệm, những cách nhìn, những chiêm nghiệm về cuộc đời, về nhân tình thế thái, không buông tha bất cứ một thứ gì trong cõi người nhốn nháo và đầy nghịch lý. Hồ Anh Thái đã không chỉ phản ánh hiện thực một cách đơn giản mà còn mạnh dạn kiến tạo hiện thực, sáng tạo một thế giới nghệ thuật chân thực, kì ảo và huyễn hoặc, đồng thời với khát khao hướng độc giả đến những điều tốt đẹp. Bằng cách này, Hồ Anh Thái đã thực hiện được tâm nguyện của mình, làm cho tiểu thuyết trở thành một giấc mơ dài không chỉ với mình mà cả với độc giả. Ông đã bằng tất cả sự tinh tế của tâm hồn, khát vọng tình yêu cuộc đời mà phản ánh cuộc sống con người với tất cả sự đa diện, đa chiều của nó. Với cách tiếp cận hiện thực và phương pháp sáng tác mới mẻ, Hồ Anh Thái đã quan tâm, lý giải một cách đầy đủ, chi tiết hiện thực trần trụi, ám ảnh của cuộc sống bằng tất cả nỗ lực của tài năng.

Tiểu kết

Quá trình cách tân của tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986 diễn ra trên mọi phương diện từ quan niệm về hiện thực, quan niệm về con người, quan niệm về thể loại đến thi pháp. Nghịch dị với tinh thần hạt nhân là tiếng nói tự do dân chủ, đã lớn dậy theo mạch nguồn lịch sử văn học dân tộc, đang hồi sinh mạnh mẽ cùng những thăng trầm của đời sống văn học. Và nghịch dị có thể được coi là một trong những yếu tố làm nên sự mới mẻ cho tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết Hồ Anh Thái nói riêng.

Trong sự nỗ lực đã đổi mới tư duy tiểu thuyết, cố gắng tìm cho mình một hướng đi riêng và mới lạ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, Hồ Anh Thái đã khai thác và thể hiện một cách mới mẻ thủ pháp nghịch dị để nó trở thành tư duy nghệ thuật chi phối quan niệm nghệ thuật của chính mình. Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái có thể được coi là sự thành công đặc biệt, làm nên sự độc đáo cho tiểu thuyết trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông.

CHƢƠNG 2

CẢM QUAN CARNAVAL VÀ HÌNH TƢỢNG NGHỆ THUẬT NGHỊCH DỊ

TRONG TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)