Tối đa hóa giọng giễu nhại

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 72 - 76)

7. Bố cục của luận văn

3.3.1. Tối đa hóa giọng giễu nhại

Giọng điệu nghệ thuật có một vai trò rất quan trọng trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học cũng như với bản thân nhà văn. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, giọng điệu là “thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [24,134]. Mỗi sáng tác văn học có giá trị đều thể hiện một giọng điệu đặc biệt, tiêu biểu cho thái độ, cảm xúc của tác giả. Đây là yếu tố thống nhất các yếu tố khác của hình thức tác phẩm đi đến một chỉnh thể hoàn chỉnh. Như vậy, giọng điệu nghệ thuật là yếu tố giúp nhà văn chuyển tải những dụng ý nghệ thuật, tạo nên nét riêng cho tác phẩm và thể hiện phong cách độc đáo của tác giả đồng thời cũng là phương tiện giúp người đọc cảm nhận được các yếu tố tư tưởng, hình tượng từ đó người đọc thâm nhập vào thế giới tinh thần của tác phẩm.

Trong thực tế sáng tác văn chương, nhiều kiểu giọng điệu nghệ thuật đã xuất hiện như giọng tâm tình cảm thương, giọng châm biếm, giọng hài hước, giọng triết lý, giọng lạnh lùng, tỉnh táo, giọng hoài nghi, giễu nhại,… Giọng điệu nghệ thuật trong văn học Việt Nam đương đại vô cùng phong phú: có giọng tự tin, tự hào; giọng hoài nghi; giọng lạnh lùng tỉnh táo; giọng triết lý; giọng giễu nhại;… Các giọng điệu nghệ thuật xuất hiện linh hoạt đan xen trong tác phẩm nghệ thuật tạo nên sự phong phud, độc đáo cho tác phẩm nghệ thuật.

Hồ Anh Thái là một cây bút đa giọng điệu. Mỗi tiểu thuyết của ông luôn có sự kết hợp hài hoà, đan cài một cách khéo léo giọng điệu vừa thể hiện lối tư duy đa chiều, cách xử lý chi tiết độc đáo của Hồ Anh Thái vừa đem lại sự lôi cuốn riêng cho từng tác phẩm. Sự đa dạng này thể hiện linh hoạt và tài tình ở màu sắc trữ tình, triết lý, có khi mang giọng hoài nghi, ... Song, hầu hết những tiểu thuyết Hồ Anh Thái, tính chất giễu nhại được tối đa hóa một cách vừa linh hoạt vừa uyển chuyển nhiều cấp độ. Hình thức giễu nhại, một trong những đặc trưng nổi bật của phong cách sáng tác hậu hiện đại, đang càng ngày càng phổ biến trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Bởi trong thực tế cuộc sống hiện nay nhiều vấn đề có thể nhại, và văn chương cũng bộc lộ nhiều cách nhại ở cả phương tiện lẫn đối tượng. Giễu nhại có thể được sử dụng như một cách giải thiêng, một cách bác bỏ những gì đang tồn tại, thậm chí cả những điều vốn luôn được mọi người tôn sùng, ca ngợi. Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, bằng cách mỉa mai, giễu nhại không hề dễ chịu đối với con người, nhà văn đã thực hiện vai trò không nhỏ trong việc giúp con người nhìn nhận lại mình, loại bỏ những thói xấu, góp phần hoàn thiện bản thân và làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Ông thường công khai bày tỏ thái độ của mình đối với sự rối ren, phi lý, bất công trong cuộc sống, khai thác đến cùng phương diện gây cười của chúng để châm biếm, mỉa mai những thói hư, tật xấu, những kỳ cục, lạ lùng trong cuộc sống. Chính vì thế, châm biếm, mỉa mai, trào lộng, hài hước là những nhân tố làm tăng sắc thái giễu nhại trong các tiểu thuyết của ông. Với một tư duy mới với cách nhìn mới, Hồ Anh Thái không chỉ nhìn ra con người với thói xấu đáng sợ mà thấy cả những thói xấu đáng cười. Giọng hài hước giễu nhại này đã lột tả những thói xấu đáng cười chê đó một cách tài tình.

Giọng giễu nhại trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái thường được tạo bởi sự đối nghịch giữa hai vế câu, hai mệnh đề hoặc hai câu, hai ý. Đó là sự đối nghịch giữa trang trọng, nghiêm túc và bỡn cợt, châm chích; giữa đánh giá khách quan và giải thích thêm theo cái nhìn chủ quan của người kể. Tiểu thuyết Mười lẻ một đêm được sử dụng dày

đặc ngôn ngữ đời thường mang màu sắc thị dân hiện đại. Các thủ pháp nghệ thuật độc đáo với nhiều yếu tố ngôn từ đầy chất giễu cợt, cách nói thơ phú, kiểu cấu trúc câu phá cách, ngôn ngữ nhân vật ngang hàng với ngôn ngữ người trần thuật,... đã tạo nên chất giọng hài hước, giễu nhại đặc biệt, rất riêng trong tiểu thuyết của ông: “Tượng gì mà tượng thế kia (…). Bốn người mũi vừa to vừa tẹt môi vừa quăn vừa dày. Mùa xuân hát nụ hoa thơm ngát nở trên môi dày” [70,260], “Đang là thời của sinh học ngắn ngày và nhân bản vô tính. Bốn tháng đẻ con coi như giống ngắn ngày” [70,87], … Cách Hồ Anh Thái nhại thuật ngữ sinh học (sinh học ngắn ngày, nhân bản vô tính, giống ngắn ngày); nhại lời bài hát có cải biên từ ngữ (Mùa xuân hát nụ hoa thơm ngát nở trên môi dày nhại lời hát: Mùa xuân hát nụ hoa thơm ngát nở trên môi hồng) khiến thủ pháp này tự bản thân nó đã mang giọng giễu nhại rất rõ.

Giọng giễu nhại trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái còn được tạo bởi việc cố tình vi phạm phương châm hội thoại. Cách thức “ông nói gà bà nói vịt” của truyện cười dân gian hay sự kết hợp hổ lốn các kiểu diễn đạt ngôn ngữ Tây – ta đã tạo được hiệu quả đặc biệt cho việc thể hiện thái độ của nhà văn đối với những trái nghịch của cuộc đời. Đó là khi đôi tình nhân đang cố mọi cách tìm họa sĩ Trồng Chuối: “Tìm cho tớ xem ông trồng chuối hột ở đâu? Nộm hoa chuối à, tớ biết một nơi nhậu có nộm hoa chuối đậm đà khó quên, đến nhà hàng ở Láng Hạ nhé. (…) không phải nộm hoa chuối, lão hoạ sĩ trồng chuối hột ấy. Cái gì? Thằng chuối hột nó làm sao? Nó nợ nần gì mày? Sao nói năng gì mà ọt ẹt như kẹt băng thế? Phía bên kia hỏi lại đúng bốn câu rồi… phựt” [70,30-31]. Hay cách lập luận giải thích trong một cuộc trà dư tửu hậu: “Chả có gì khác ngoài chuyện món ăn. Ngon không? Chỉ tay vào đĩa thịt chó. Hồng Kông hiểu ngay. Ô gút gút. Bốn ông Việt Nam rộ theo gút gút. Đấy hiểu nhau rồi, dễ thế. Hồng Kông khen thêm một tiếng ngon đilisớt. Nó bảo sốt sốt cái gì? Thịt chó không chấm sốt, đồ ngu. Cứ thế mà không thông ngôn không đầu sỏ vẫn vui. Nhưng rồi Hồng Kông không thể chờ mãi. Hồng Kông rút bản hợp đồng ra, rút bút ra bảo một gã ký. Xai xai. Tay chỉ chính xác vào chỗ cần ký. Cả bốn gã đều ngớ cả ra. Nó bảo sai sai cái gì. Hợp đồng sai thì bố đứa nào dám ký. Thôi thì mày ký đi. Điên à, nhỡ nó ghi tao nợ nó triệu đô tao cũng ký à. Còn tao không sợ triệu đô nhưng cái hợp đồng dài ngoằng nội dung Việt gian phản động diễn biến hòa bình thì sao. Thôi đợi họa sỹ cởi mở về. Mà lão biến đâu nhanh thế nhỉ” [70,44-45].

Hồ Anh Thái còn tạo ra giọng giễu nhại bằng việc gây ra sự hiểu lầm liên tiếp. Sự bất đồng ngôn ngữ giữa mấy hoạ sĩ trong nhóm Ngũ Hổ với đối tác là người nước

ngoài trong Mười lẻ một đêm gây ra sự hiểu lầm liên tiếp khiến sự thú vị, gây cười: “Chả có gì khác ngoài chuyện món ăn. Ngon không? Chỉ tay vào đĩa thịt chó. Hồng Kông hiểu ngay. Ô gút gút. Bốn ông Việt Nam rộ theo gút gút. Đấy hiểu nhau rồi, dễ thế. Hồng Kông khen thêm một tiếng ngon đilisớt. Nó bảo sốt sốt cái gì? Thịt chó không chấm sốt, đồ ngu.” [70,44]. Tính giễu nhại còn được tác giả gia tăng tiếp tục bằng cách đẩy cuộc giao tiếp lên đến cao trào của sự hài hước. Sau cuộc nhậu thịt chó, mắm tôm, “không thông ngôn không đầu sỏ”, ông Hồng Kông rút bản hợp đồng ra, rút bút ra bảo một gã ký: “Xai xai. Tay chỉ chính xác vào chỗ cần ký. Cả bốn gã đều ngớ cả ra. Nó bảo sai sai cái gì. Hợp đồng sai thì bố đứa nào dám ký. Thôi thì mày ký đi. Điên à, nhỡ nó ghi tao nợ nó triệu đô tao cũng ký à. Còn tao không sợ triệu đô nhưng cái hợp đồng dài ngoằng nội dung Việt gian phản động diễn biến hòa bình thì sao. Thôi đợi họa sỹ cởi mở về. Mà lão biến đâu nhanh thế nhỉ” [70,44-45]. Giọng hài hước, mỉa mai nhắm vào tầng lớp thị dân lột tả được sự kỳ khôi, lố bịch của họ đã tạo được cảm giác chân thực đến bất ngờ.

Giọng giễu nhại trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái thường xuất hiện ở câu có nhiều từ “hình tượng”, từ mang sắc thái biểu cảm. Có thể thấy được tính chất giễu nhại qua cách Hồ Anh Thái miêu tả lời diễn thuyết đều đều rỉ rả đầy ngán ngẩm với chất giọng địa phương đặc quánh của Giáo sư: “Đúng phóc, tôi đang nói dở đến chổ ảnh hưởng của zăng mưn phương Tây. Tui xin tiếp tục zới ảnh hưởng của zăng hóa Nga, Mỹ ở ziệc Nam nửa cuối thế kỷ hai mươi[70,215]. Hay cách tác giả mô tả thái độ, hành vi của “nhà văn hóa lớn”: “Đường công danh của chị trở thành đường cao tốc. Loại đường vận tốc tự do, không có cảnh sát đứng bên đường bắn tốc độ” [70,203]; giễu nhại “sự ăn” của bậc đại trí thức - ngán ngẩm hơn cho một nhà văn hóa với những hành vi trong bữa “Tiệc đứng.”: “Thình lình. Có tiếng lanh canh. Có tiếng lách cách. Lục cục. Tiếng ly va vào đĩa, tiếng thìa, dĩa chạm, tiếng thìa kim loại sê sết trên đĩa sứ, tiếng dao trượt trên miếng thịt bập xuống đĩa ăn. Cạch một cái. Chị quay lại nhìn. Kinh khủng. Không còn lạ gì mà vẫn thấy khủng khiếp. Nhà văn hóa lớn đang vục đầu vào ăn. Nhai chòm chọp, chèm chẹp. Những cái đĩa to đựng thức ăn chung cho bao nhiêu người, giờ chỉ có một mình ông vung vẩy, công phá” [70,216].

Một đặc điểm nổi bật của giọng giễu nhại trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái là việc ông thường nhại nhạc thơ thành nhạc chế và thơ chế. Lời bài hát Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa được nhại ngay từ những trang đầu tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột

rét, nước ngập mênh mông: “Hà Nội mùa này, phố cũng như song/ Cái rét đầu đông, chân em thâm vì ngâm nước lạnh/ Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố/ Đường Cổ Ngư xưa ngập tràn nước sông Hồng/ Hà Nội mùa này chiều không có nắng/ Phố vắng nước lên thành con sông/ Quán cóc nước dâng ngập qua mông/ Hồ Tây giờ không thấy bờ” [71,5]

Hay như việc sử dụng và cải biên ca dao để thể hiện thái độ cười cợt vủa mình về cái chết đầy nghi vấn của bà mẹ nhân vật Luật Sư: “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng lăn quay ra vườn” [71,260]

Thơ chế về cô thư ký Đại hội Câu lạc bộ nữ quyền: “Thân này ví xẻ làm trăm được/ Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu”, “Sáu mươi thì mới trưởng thành/ Bảy mươi thì mới tập tành ăn chơi/ Tám mươi mới bước vào đời/ Chín mươi thì mới tìm nơi dạt vòm” [71,284].

Chế bài hát: “Sống trong đời sống cần có một cái vòng/ Để làm gì, em biết không?/ Để tránh có thai/ Để tránh bế con/ Tránh có thai nên ai ai đều vui/ Nhiều người vui và chào đón nơi nơi/ Tránh có thai nên ai ai đều mong/ Làm sung sướng cho muôn người biết không?” [71,201].

Việc đái bậy của Giáo sư Hai cũng được ông chế từ thơ Xuân Diệu: “Mau với chứ vội vàng lên với chứ. Mau lên thật may là đã nhớ ra. Ông bước lên ốp vào bệ quần tượng. Thoáng làm sao mát làm sao” [70,264].

Có thể nói, Hồ Anh Thái sử dụng một cách hiệu quả giọng giễu nhại để bày tỏ thái độ bông đùa, cười cợt thậm chí cả cay đắng của mình đối với con người và cuộc sống đương đại. Tính chất giễu nhại trong giọng điệu tiểu thuyết Hồ Anh Thái không đơn thuần chỉ nhằm mục đích gây cười, mỉa mai, hay đả kích mà quan trọng hơn, nhà văn muốn phản ánh bao vấn đề nhức nhối trong xã hội một cách chân thực, phản ánh sự sa đọa xuống cấp trầm trọng của một lớp người, phơi bày một khuôn mặt khác của xã hội hiện đại, với mong muốn cái xấu, cái ác, cái tiêu cực ngày một ít đi nhường chỗ cho một cuộc sống lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)