Không thời gian trò diễn

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 54 - 58)

7. Bố cục của luận văn

2.2.3. Không thời gian trò diễn

Theo Lại Nguyên Ân trong 150 thuật ngữ văn học, “Nguồn gốc của hiện tượng carnaval hóa trong văn học chính là lễ hội cải trang (carnaval) – một loại hình nghi lễ - diễn trò mang tính nguyên hợp (“những trò diễn không có đường biên sân khấu” phân cách người diễn và người xem) với một hệ thống nhất định những hành động (những

“hồi”, “màn” diễn) mang tính tượng trưng, thấm nhuần “cái biện chứng tự phát dưới dạng hình tượng” – đó là chân lý dân gian về thế giới, về tồn tại và thời gian. Văn hóa dân gian gắn liền với hình thức diễn xướng dân gian. Một trong những hình thức diễn xướng dân gian đó là trò diễn, có thể hiểu là một cuộc trình diễn có hóa trang trước mặt người khác, trước đám đông để mua vui. Đây là một số loại hình của văn hóa phi vật thể có giá trị văn hóa được bảo tồn và lưu truyền trong các hoạt động biểu diễn mang tính tập thể.

Khái niệm không - thời gian (chronotope) là khái niệm do Bakhtin đặt ra nhằm chỉ mối quan hệ gắn chặt khó tách rời của thời gian với không gian trên nguyên tắc của tính tương đối Einstein. Nó biểu thị tính liên kết của không gian và thời gian. Do đó, Không – thời gian trò diễn là sự kết hợp giữa không gian và thời gian để không – thời gian trở thành nơi trình diễn cuộc đời.

Có thể thấy rằng, vấn đề “cá nhân hóa”, đồng thời, “tâm linh hóa” mạnh mẽ không - thời gian trong tác phẩm là vấn đề nổi bật trong các tiểu thuyết thời hậu chiến. Soi chiếu lý thuyết về không - thời gian vào các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, chúng ta có thể nhìn thấy tính liên kết của không – thời gian xóa nhòa ranh giới ý thức và tâm linh, hiện thực và huyền ảo, tạo nên một không gian trò diễn đặc biệt cho tác phẩm của ông. Các tác giả thường hướng đến những không – thời gian riêng tư, nhỏ bé của các cá nhân; hơn là những không – thời gian mang tính cộng đồng, tính xã hội rộng lớn. Ở một khía cạnh khác, không - thời gian thực, cụ thể và khắc nghiệt của cuộc mưu sinh đời thường không ngừng “giao tranh” với không - thời gian tâm lý trĩu nặng kỉ niệm và suy tư, buồn đau và thương nhớ. Thế giới được tái hiện ở những góc hẹp, góc lặng, góc khuất, góc tối hơn là những bằng đại cảnh, trường cảnh - vốn là thế mạnh của tiểu thuyết truyền thống. Đặc biệt, phần ký ức, kỷ niệm đan xen trong tác phẩm đã tạo nên một không gian quá khứ mang đậm chất tâm linh và chất cá nhân như hồi ức về những ngày tháng cũ, những khúc đoạn vui buồn đã qua trong cuộc đời của họ.

Hồ Anh Thái không sử dụng bút pháp hiện thực huyền ảo, sự trộn lẫn của thật- hư để mở rộng cõi bờ hiện thực bằng sự tự do tưởng tượng, đưa người đọc đến những bến bờ khác của cuộc đời, để hiểu sâu thêm về chính cuộc đời như Nguyễn Bình Phương mà ông dựa trên những sự kiện lịch sử, những địa danh cụ thể, những câu chuyện đã diễn ra… kết hợp với bút pháp tả thực tạo nên một không gian, một thời điểm và những hình ảnh huyền ảo đưa người đọc gặp gỡ những số phận, những con

người để cảm thông, để mở lòng bao dung với tất cả. Trong cái Không thời gian ấy, nhà văn thường để cái ảo xuất hiện trong dạng thức nghiêm trang, khiến nhân vật bị áp đảo và hoang mang tột độ. Có thể thấy trong Cõi người rung chuông tận thế, tương ứng với sự thoái giảm của tiếng cười và các phương diện carnaval, khi mà bí ẩn của cái siêu nhiên ngày một sáng tỏ thì không khí trang nghiêm cùng hiệu ứng của nó xuất hiện rõ nét. Đó là cảnh nhập đồng tìm mộ - một cảm giác vừa linh thiêng vừa rờn rợn. Hay trong tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo, huyền thoại về khu rừng chôn nghĩa quân Tần Đắc và cha con ông già hái măng, cùng cái chết của nhân vật Nhã, gợi lên một cảm nhận rùng rợn, khủng khiếp. Khu rừng ma mị, không gian quái ảo trước bàn thờ người cha của Toàn trong Người và xe chạy dưới ánh trăng hay cuộc du hành thời gian bất đắc dĩ trong Trong sương hồng hiện ra đều có đặc trưng tương tự. Nhưng chính những điều ấy lại khơi gợi những thổn thức, nghĩ suy về kiếp người, về số phận trong chốn nhân gian.

Trong tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng, những chi tiết, những mảnh đời, quá khứ và hiện tại đan xen trong không gian là khu tập thể và nơi làm việc. Ở tiểu thuyết Những đứa con rãi rác trên đường, sự việc theo chuỗi được kể trên chặng đường đi trong quá khứ và chặng đường tìm về ở hiện tại. Hai lần đi, nhưng lần đi trên con đường hiện tại luôn xuất hiện những sự kiện của quá khứ. Với sự đan xen, lắp ghép thường xuyên các không - thời gian khác nhau, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái cho nhân vật của mình được tồn tại ở nhiều bình diện, nhiều bối cảnh khác nhau. Đó là một sự tồn tại lập thể, đa chiều, cũng phức tạp như chính cuộc sống hiện thực của con người vậy. Còn ở Những đứa con rải rác trên đường, Hồ Anh Thái đã xóa nhòa những ranh giới về không gian, thời gian, ranh giới thể loại, cùng những lằn ranh khác để từ đó hiện thực đa chiều được soi chiếu. Song song giữa cuộc đời cha và cuộc đời con đó cuộc hành trình du học - những hiện thực liên quan đến đứa con ở xứ người với cuộc hành trình dọc miền đất nước của người cha - ông Kễnh. Hiện thực được nói đến đã xóa nhòa cái ranh giới quá khứ thời chiến. Thời hậu chiến với non cao, biển rộng, đường dài và lòng người đều được tác giả khái quát cùng hang tá chiến tích và tặng phẩm trong cuộc đời ông ta. Rồi hiện thực thời chiến được tái hiện với những phát sinh tình cảm, nhu cầu sống và cả nhu cầu về tâm sinh lý người lính… Hồ Anh Thái đã gắn kết số phận con người từ quá khứ đến hiện tại bằng câu chuyện cuộc đời chinh chiến của ông Kễnh. Từ đó đề cập đến vấn đề chính là nhân cách con người. Và ông lật tẩy những thứ thuộc về thời chiến mà lâu nay chẳng ai dám nhắc đến, đó là những

nỗi đau, những nỗi mất mát, những hệ lụy thuộc về chiến tranh. Những điều tác giả đề cập đến là hành trình chinh chiến yêu đương của anh lính lái trong thời chiến với trên con đường lái xe xuyên Việt của ông Kễnh. Đằng sau cuộc đời đầy xáo trộn của ông Kễnh là sự xáo trộn, vô trật tự của xã hội. Đằng sau hành trình tìm lại những đứa con rải rác của ông Kễnh là hành trình tìm lại những mất mát, những trật tự, những giá trị thật “đã từng có” của cả một dân tộc. Có thể thấy từ bi kịch của một cá nhân, tác giả hướng người đọc đến bi kịch của một thế hệ, một thời đại. Như vậy, bên cạnh cái nhìn sâu sắc về quá khứ là cái nhìn vô cùng sắc sảo về hiện tại. Tác phẩm đã đưa người đọc đứng trên bậc cao nhất của những bậc thang để có cái nhìn khái quát nhất đối với hiện thực.

Có thể thấy, việc sử dụng hình tượng nghệ thuật Không - thời gian trò diễn của Hồ Anh Thái đã giúp ông tái hiện tính cách cũng như số phận nhân vật, phản ánh chân thật bản chất con người và cuộc đời. Thông qua không thời gian trò diễn, nhà văn đi sâu vào đời sống nội tâm, khám phá phần khuất, mở của ý thức con người để miêu tả, lý giải con người sâu rộng hơn. Từ đó cho thấy, tác giả có một niềm tin lớn vào những gì tốt đẹp của con người và xã hội hôm nay.

Tiểu kết

Cảm quan carnaval đã chi phối sự sáng tạo của Hồ Anh Thái đồng thời tác động đến tác phẩm của ông. Có thể nói, Hồ Anh Thái đã tạo lập được một phong cách riêng trong việc kế thừa và phát huy tiếng cười trào tiếu dân gian khiến tác phẩm của ông có được những thành công nhất định qua những thái độ, tình cảm cũng như cách thức thể hiện riêng biệt. Bằng việc cường điệu hóa những mâu thuẫn trong cuộc sống, sáng tạo những tương phản kỳ quặc và luôn nhìn đời, nhìn người với tâm hồn trào lộng…, Hồ Anh Thái đã thổi vào tiểu thuyết của ông những hình tượng nghịch dị thể hiện được quan điểm, tư tưởng, tình cảm của mình với hiện thực cuộc sống không ranh giới đầy ắp những mâu thuẫn và những điều kỳ quặc.

Có thể nói, cảm quan carnaval của Hồ Anh Thái cùng với sự hiện thực hóa cảm quan ấy thành nghệ thuật trong tác phẩm Hồ Anh Thái đã giúp ông thể hiện được chiều sâu triết lý nhân sinh đồng thời giúp con người có dịp sống thực hơn với bản năng cùng với những dằn xé nội tâm đầy nhân tính trên con đường hướng thiện.

CHƢƠNG 3

NGHỆ THUẬT NGHỊCH DỊ TRONG TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI QUA CÁC THỦ PHÁP BIỂU HIỆN

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)