“Thông tục, suồng sã hóa” ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 68 - 72)

7. Bố cục của luận văn

3.2.2. “Thông tục, suồng sã hóa” ngôn ngữ

Khi tạo ra sự nghịch dị trong ngôn ngữ của người kể chuyện với sự chơi chữ, ngôn ngữ trò chơi và những câu chuyện tán gẫu, tầm phào của thành thị, v.v., nhà văn Gogol đã tạo nên một thế giới ngôn ngữ lai tạp, pha trộn nhiều phong cách nhằm hướng đến sự trào phúng, lệch chuẩn, v.v. Nghịch dị trong trường hợp này là tính không hoàn kết muôn thuở của sinh tồn. Điều này có thể nhận thấy rất rõ trong tiểu thuyết Hố Anh Thái, hệ thống từ loại chỉ các cơ quan sinh sản hoặc bài tiết, các loại chất thải của cơ thể, các hành vi tính dục… xuất hiện khá dày đặc.

Theo Bakhtin, ngôn ngữ quảng trường suồng sã, với lối mắng chửi, nguyền rủa, thề tục là tinh thần của ngôn ngữ nghịch dị. Những hình thức ngôn ngữ này mang đầy đủ tính chất của một xã hội thô nhám, bề bộn. Chính việc xoá bỏ khoảng cách sử thi, miêu tả hiện thực như cái hiện tại đương thời, với cách nhìn nhân vật như những người bình thường, gần gũi cho phép người trần thuật thể hiện được thái độ thân mật, suồng sã với nhân vật trong tiểu thuyết của mình.

Có thể thấy, bên cạnh lớp ngôn ngữ chuẩn mực, cách vận dụng ngôn ngữ dân gian rất tinh tế, khéo léo khiến dù chỉ là một câu chửi bới hay một câu bình phẩm nhưng khi được vận hành dưới dạng thành ngữ, tục ngữ, chúng đều có thể trở nên uyển chuyển, có vần, có điệu. Trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái còn tồn tại hệ thống ngôn ngữ thông tục, suồng sã,… giúp ông phản ánh bộ mặt trần trụi của cuộc sống một cách chân thật, không một chút tô vẽ. Cái dung tục, cái thô nhám của cuộc sống, vì thế, được nhà văn tái hiện nhịp nhàng, sinh động và hấp dẫn. Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái được viết bằng thứ ngôn ngữ hiện đại, nhiều góc cạnh, thô ráp và khó tiếp cận.

Nếu ngôn ngữ dung tục là một minh chứng hiện thực hóa đời sống thường gắn liền với việc tố cáo, đả kích, phủ định thói hư tật xấu của thế thái nhân tình trong những thời buổi mà các thang bậc giá trị đang thay đổi thì trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, ngôn ngữ mang điệu tính chung là sự giản dị, suồng sã, bình dân đã thực sự khiến ngôn ngữ nhân vật trở nên sống động. Có thể thấy trong tiểu thuyết Những đứa con rải rác trên đường, Mười lẻ một đêm, Cõi người rung chuông tận thế…, thế giới của các nhân vật tràn ngập ngôn ngữ đời thường, bao gồm cả ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ vùng miền, ngôn ngữ theo từng thời kỳ lịch sử của dân tộc... hệ thống từ loại chỉ các cơ quan sinh sản hoặc bài tiết, các loại chất thải của cơ thể, các hành vi tính dục cũng xuất hiện dày đặc. Người đọc có thể dễ dàng nhận thấy sắc màu thời hậu chiến với những ngôn ngữ đời thường dung dị trong Người và xe chạy dưới ánh trăng: “Ai cũng giác ngộ như chú thì chúng tôi đỡ mệt. Đằng này họ cứ khăng khăng nếu tầng một chịu khó khóa máy đúng lúc, thì nước cũng chảy lên tầng hai, nên không chịu đóng tiền, họ gọi là gì nhỉ, là “tiêu cực phí”… ” [64,8].

Những cách sử dụng ngôn từ này là biểu hiện của hình thức xã giao mộc mạc thường nhật đã đi vào trong tác phẩm - một trong những yếu tố làm cho văn chương đến gần hơn với bạn đọc. Tiểu thuyết Mười lẻ một đêm có thể nói là một tác phẩm mà khi đọc bất cứ độc giả nào cũng bị chinh phục bởi cách diễn tả tự nhiên như lời nói thường nhưng không gây nhàm chán, không hề phản thẩm mỹ mà ngược lại chất văn

chương mang màu sắc hiện đại cứ hiện lên trên từng trang viết. Với hình thức này các vấn đề được đề cập trở nên đa dạng, đầy chất thời sự, hiện thực cuộc sống hiện lên đầy đủ và rõ ràng như nó vốn có.

Rất nhiều từ ngữ thường dùng trong lối nói năng suồng sã, tỏ vẻ hiểu đời, chịu chơi của không ít người trong xã hội đã được Hồ Anh Thái đưa vào tác phẩm nhằm dựng lại một số chân dung, tính cách, phong thái con người cũng như những đa diện, nhiều chiều của đời sống xã hội: “Mày đi đằng ngược mày chết đằng ngược, mày đi đằng xuôi mày chết đằng xuôi, chết đâm ô tô, chết xô tàu hỏa…” [64,30] “Mày chết đông chết tây, chết đêm không ai hay, chết ngày không ai biết, chết không kẻ tiếc người thương, chết cho chó càm da, chết cho quạ càm xương… Mày lấy búa đập nhà bà, thì kiếp sau mày phải làm thân con bò cho người ta lấy búa tạ đập đầu lâu hoa cái, cho người ta chọc tiết mày…” [64,32], “con cá rô đực kia, con đu đủ đực kia, không có việc đứng đắn để làm nữa hay sao mà đàn đúm với bọn nạ dòng. Ghê” [70,16]. Một lớp ngôn ngữ đời thường đem lại khả năng gọi dậy được sắp xếp thành những lời chửi, bài chửi có nhạc điệu, có vần vè hẳn hoi đã giúp tác giả chuyển tải một cách tự nhiên thái độ của ông đối với những những vấn đề thuộc về nhân cách, phẩm chất con người và bản chất xã hội.

Cách nói tỉa tót, thơ phú thường xuất hiện ở bất cứ đường phố, vỉa hè nào, thậm chí cả nơi công sở, giờ lại được Hồ Anh Thái đặt vào trong các trang văn tạo nên một sắc thái đời thường đặc biệt. Khi miêu miêu tả hội Lim thời mở cửa, tác giả viết: “Ngay bên đường là cái ao con. Bờ ao kè xi măng. Không còn bờ cỏ tự nhiên. Mấy con thuyền bằng sắt tây chen nhau đi vòng quanh bờ ao. Anh hai đi giày Tây, chị hai đi giày khủng bố. Anh hai khăn đóng áo dài, chị hai tứ thân mớ ba mớ bảy. Mỗi người cầm một cái micơzô. Còn duyên ngồi gốc cây thông, Hết duyên ngồi gốc cây hồng hái hoa” [70,136]. Miêu tả một phần phía sau không gian thương mại thành thị thời tem phiếu, ông viết: “Tôn Đản là chợ vua quan/ Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần/ Đồng Xuân là chợ thương nhân/ Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng” [71,226]. Đó còn là cái thời mà cái gì cũng thiếu, cái gì cũng phân, Hồ Anh Thái còn dí dỏm viết: “Một ông nhà thơ còn ra vế đối: cái cứt gì cũng phân, phân như cứt” [71,243]. Ngôn ngữ ở đây cấu tạo thành câu đầy hàm ý giễu nhại. Chất giễu nhại kiểu grotesque, chất trào tiếu dân gian làm nổi rõ sự va đập giữa hai mảng sáng tối: một thế giới của văn hóa và một thế giới lộn nhào mọi giá trị, lố bịch và kệch cỡm.

Thành ngữ và tiếng lóng cũng được sử dụng trong việc làm mới các cách diễn tả quen thuộc trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái. Ở các tác phẩm Mười lẻ một đêm, Tranh Van gogh mua để đốt, những lời nói thông dụng trong cuộc sống như “tấc đất tấc vàng”, “nhanh như chớp”, “vui như Tết”, “khách sạn nhà nghỉ mọc lên như nấm”, “đầu lúc lắc như bò đội nón”, “đất dưới chân họ rùng rùng như động đất”, “mảnh ruộng bằng bàn tay”, “mồ hôi vã ra như tắm”, “công ty phất lên như diều gặp gió”, “sắc như dao”, “uống bia như nước”, “bốn tám cái xuân xanh”, “nhà bà không phải cái bến mà con kia không phải là con thuyền. Chẳng có đứa nào chịu neo lại”; “tức nước vỡ bờ”, “thằng đầu đất”, “kẻ có đầu, vừa đọc vừa “bịt mũi”, “hái” ra tiền, bỏ bùa, cái máy đẻ; gã làm đầu sỏ cái nhóm này, bao giờ cho chúng tôi ăn kẹo, taynào nhanh mắt nhanh tay, có bệnh thì vái tứ phương…

Hồ Anh Thái đã không ngại ngần phô bày trực diện những sự việc liên quan đến lối sống “vượt ngưỡng” của một bộ phận con người thời hiện đại với ngôn ngữ và lối diễn đạt suồng sã. Nhiều khi ngôn từ trong đời sống kết hợp với tâm trạng nhân vật khiến Hồ Anh Thái đã có những lựa chọn từ thật đắt. Để thông báo cho sự xuất hiện của một quan chức – vip, ông không ngần ngại cho: “Chàng nhìn thấy xe cảnh sát đèn màu quay đảo”; hay cái cách thể hiện quá trình viết tiểu thuyết của nhân vật, có cái gì khinh bạc, phớt đời: “Đề tài lớn ít khi đi cùng ông lớn. Chàng đã biết tìm những đề tài dung dị. Nhỏ mà không nhỏ. Chàng đến đây khi vừa hoàn tất cuốn tiểu thuyết mới. Ý tưởng ban đầu đến từ nhiều năm trước, rồi phôi thai, rồi to dần ra, lớn dần lên. Người mẹ thai nghén chín tháng. Người viết thai nghén mười lần chín tháng, có khi chín năm, có khi mười chín năm. Chưa viết ra được như mang bệnh trong người. Ăn không ngon, ngủ không yên. Nhân vật đi lại nói cười, yêu nhau, chém giết nhau trong đầu mình. Trong ấy từ con chuột cho đến ông cốp, từ tình ái cho đến báo thù. Nhắm mắt ngủ thì cả thế giới tiểu thuyết hiện ra. Ám. Hành. Tơi bời phờ phạc. Chưa viết được như mang thai mà không đẻ được. Như dục vọng chín mà không thoát ra được. Viết được thì trút được cái bụng bầu. Cả một khối sơn hà xẹp xuống biến đi. Hết bệnh. Nhẹ đến trống cả ra rỗng cả đi. Bao nhiêu ý tưởng khác tạm thời lắng dịu, tạm thời không bồn chồn, thôi thúc, giục giã” [71,106-107]. Có thể thấy, ngôn ngữ thông tục, suồng sã được đặt trong lối diễn đạt có phần bất cần đời, có phần quá giản đơn trong quan niệm của nhân vật: “Cô không giống đàn bà châu Âu ở cái cười. Cô cũng không giống đàn bà châu Âu ở cái sợ đẻ. Cô không sợ. Lấy nhau chín năm cô đã đẻ tuồn tuột ra ba đứa con gái, sắp sửa đứa thứ tư, siêu âm rồi, cũng con gái nốt. Đúng hệt một mẹ sề ở vùng cầu tõm quê anh. Như một cái máy đẻ. Lại còn triết lý đúng kiểu Á Đông rằng trời sinh voi sinh cỏ. Lại còn triết lý đúng

kiểu châu Âu ngoan đạo rằng nạo thai là có tội” [73,84]. Đặc biệt, Hồ Anh Thái mạnh dạn đưa vào trang viết của mình những ngôn từ gợi yếu tố xác thịt trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi thông qua những cuộc mây mưa liên tiếp, với đủ các thế của nàng công chúa Ấn Độ cổ đại Savitri: “Bandhura. Prenkha. Dadhyataka. Mausala. Chàng xướng lên mỗi lần chuyển đổi. Những là thắt nút. Những là chơi đu. Những là khuấy sữa. Những là giã gạo. Naga. Hadavaka. Hastika. Harina. Bhamara. Ta thì thầm vào tai chàng mỗi lần một nguyện vọng. Những là rắn. Những là ngựa. Những là voi là huơu những là ong đất. Chúng ta quấn vào nhau triền miên không có điểm dừng” [69,120]. Chất đời thường, sự thông tục suồng sã và màu sắc thị dân hiện đại của ngôn ngữ tiểu thuyết Hồ Anh Thái không chỉ thể hiện trong ngôn ngữ nhân vật mà còn xuất hiện linh hoạt và khéo léo trong lời kể, lời tả, lời bình của người kể chuyện. Việc thông tục, suồng sã hóa ngôn ngữ trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái đã tô đậm hơn bản chất đời sống thực tại, làm nổi bật tính cách con người thị dân trong tác phẩm của ông.

Có thể thấy, trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, mọi vấn đề gai góc, hỗn tạp, trắng đen của đời sống xã hội đương đại được truyền tải trọn vẹn, hoàn chỉnh và độc đáo kèm theo với thái độ của người trần thuật. Việc sử dụng lớp ngôn ngữ mang điệu tính chung là sự giản dị, suồng sã, bình dân khiến lời nói nhân vật trở nên sống động, nhân vật hiện lên chân thực, mọi vấn đề gai góc, hỗn tạp, trắng đen của đời sống xã hội đương đại được truyền tải trọn vẹn, hoàn chỉnh và độc đáo.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)