Đánh giá sức căng cơ tim bằng kỹ thuật siêu âm tim đánh dấu mô 2D

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến đổi vận động xoắn và chỉ số chức năng thất trái bằng siêu âm tim đánh dấu mô ở bệnh nhân suy tim mạn tính. (Trang 42 - 44)

Kỹ thuật siêu âm tim đánh dấu mô (STE) 2D cho phép đo lường các thông số về cơ học của tim bằng cách theo dõi sự chuyển động của các đốm (mô cơ tim) được gọi là sự biến dạng cơ tim (biến dạng và tốc độ biến dạng) trong mặt phẳng hình ảnh. Các thông số đo được bằng STE đã được chứng minh tính giá trị khi so sánh với cộng hưởng từ.

Nguyên lý: Nguyên lý siêu âm đánh dấu mô 2D dựa trên hình ảnh một đoạn mô cơ tim thể hiện trên hình ảnh siêu âm như một mô hình đốm, gồm các đốm nhỏ (speckle). Các đốm nhỏ này được hình thành do sự tương tác của chùm tia siêu âm với mô cơ tim. Siêu âm đánh dấu mô 2D dựa trên giả định rằng các đốm sáng đang di chuyển trong mặt phẳng quét của hình ảnh 2D trong các khung hình liên tiếp của chu kỳ tim. Theo dõi sự chuyển động của các đốm này, chúng ta cũng biết được sự chuyển động của mô cơ tim. Từ đó chúng ta biết độ dài của cơ tim thay đổi trong chu kỳ tâm thu và tâm trương. Khi máy dựng hình ảnh siêu âm thì cũng cần phải có rất nhiều khung hình, thường gọi

là tốc độ khung hình. Vậy biết được quãng đường đi, biết được tốc độ khung hình, từ đó chúng ta có thể tính được vận tốc của đốm hay vận tốc của mô cơ tim, tính được các thông số biến dạng từng vùng hay toàn bộ mô cơ tim [61].

Cách ghi:

Tốc độ khung hình trung bình là 40- 80 khung hình/giây. Khi nhịp tim nhanh tốc độ khung hình có thể cao hơn. Vùng cần thăm khám nên được đặt ở độ sâu trung gian để tối ưu hóa hình và độ rộng của vùng nên điều chỉnh vừa đủ. Bất kỳ hình ảnh giả nào tương tự như mẫu hình đốm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của các đánh dấu mô, do đó cần tránh. Mặt cắt trục dọc phải đi qua mỏm tim hoặc với mặt cắt trục ngắn lấy ảnh thất trái phải tròn thì kết quả sự biến dạng theo trục ngang và xoắn mới chính xác [42], [61].

Ưu điểm và nhược điểm của siêu âm đánh dấu mô 2D

Ưu điểm:

- Siêu âm đánh dấu mô 2D có thể phân tích sức căng cơ tim theo nhiều hướng khác nhau chiều dọc, chu vi và bán kính, xoắn của tất cả các buồng tim trong mặt phẳng ảnh. Vì vậy, sự biến dạng, tốc độ biến dạng và sự xoay của thất trái có thể được tính toán dễ dàng.

- Siêu âm đánh dấu mô 2D có tính tái lập lại cao và khả năng phân tích ngoại tuyến (offline), trong khi TDI phải phân tích trực tuyến (online).

Nhược điểm:

- Phương pháp này là phụ thuộc vào tốc độ khung hình, tỷ lệ khung hình tối ưu cho STE là 50- 70 hình/giây. Tỷ lệ khung hình quá thấp sẽ dẫn đến những thay đổi quá lớn từ hình này sang hình khác, cho kết quả theo dõi kém chính xác. Tỷ lệ khung hình cao sẽ cho kết quả thấp hơn bình thường. Do đó, hạn chế sử dụng trong nhịp tim cao.

- STE cần chất lượng hình ảnh siêu âm tốt bởi vì phân định bờ nội mạc kém sẽ cho bờ nội mạc không đúng, dẫn đến đánh giá kết quả không chính xác [61].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến đổi vận động xoắn và chỉ số chức năng thất trái bằng siêu âm tim đánh dấu mô ở bệnh nhân suy tim mạn tính. (Trang 42 - 44)