Đặc điểm nhân chắc, nhóm bệnh và bệnh nền

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến đổi vận động xoắn và chỉ số chức năng thất trái bằng siêu âm tim đánh dấu mô ở bệnh nhân suy tim mạn tính. (Trang 111 - 113)

Tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân suy tim là 65,82 ± 11,77 trong đó tỷ lệ nam giới chiếm 66,4 %, nữ là 33,6% và tuổi trung bình của nhóm chứng là 65,16

± 10,24, nam giới chiếm 68%, nữ chiếm 32% sự khác biệt giữa hai nhóm là không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05 (Bảng 3.1). Như vậy là đạt yêu cầu đặt ra về tính phù hợp giữa nhóm bệnh và nhóm chứng trong nghiên cứu mô tả bệnh – chứng.

Về phân bố tuổi theo nhóm suy tim thấy bệnh nhân suy tim chủ yếu ở lứa tuổi trên 60 tuổi. Trong đó có tới 43,6% bệnh nhân trên 70 tuổi. Số bệnh nhân dưới 50 chiếm tỷ lệ thấp khoảng 10,9% (Biểu đồ 3.1). Nghiên cứu của tác giả Quyền Đăng Tuyên (2010) [91] cũng cho thấy tuổi trung bình của nhóm suy tim là 67,71 ± 12,43, chủ yếu là bệnh nhân trên 50 tuổi. Yusuf (2003) nghiên cứu trên 3032 bệnh nhân suy tim có tuổi trung bình 67,2 ± 11,1, trong đó có 26,9% bệnh nhân trên 75 tuổi [92]. Bursi (2006) thấy có hơn 90% bệnh nhân suy tim phân số tống máu bảo tồn có tuổi ≥ 60 tuổi tại thời điểm chẩn đoán [5]. Wilbert S. Aronow (2006) ở Mỹ thấy số bệnh nhân suy tim phải nhập viện có tuổi trên 65 chiếm tới 80% [93]. Như vậy, tuổi trung bình và nhóm tuổi của bệnh nhân suy tim trong nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đương với các nghiên cứu của các tác giả khác.

Ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, chất lượng cuộc sống ngày càng đi lên thì tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp, chuyển hóa, động mạch vành ngày càng gia tăng và đó là những nguyên nhân lớn làm tổn thương cơ tim, ảnh

hưởng đến khả năng co bóp của tim và gây suy giảm chức năng tim. Tăng huyết áp, đái tháo đường là những yếu tố nguy cơ tim mạch thường gặp nhất của suy tim, liên quan đến tổn thương vi mạch, tình trạng viêm, thoái hóa và xơ hóa cơ tim từ đó làm ảnh hưởng đến khả năng co bóp của các lớp cơ. Bendiab và cộng sự phát hiện có 46% bệnh nhân tăng huyết áp có GLS < 17% mặc dù EF bình thường và tác giả thấy GLS giảm liên quan đến việc không kiểm soát huyết áp kéo dài [94]. Nakai et và cộng sự ghi nhận có 43% bệnh nhân đái tháo đường có GLS < 17% mặc dù EF bình thường [95]. Nghiên cứu ảnh hưởng của đái tháo đường với vận động xoắn của thất trái, Chung và cộng sự thấy rằng ở giai đoạn đầu khi EF chưa biến đổi thì vận động xoắn tăng cao hơn so với người cùng tuổi và cùng giới. Các tác giả kết luận rằng, tăng vận động xoắn như là một yếu tố dự báo rối loạn chức năng tim ở bệnh nhân đái tháo đường [96]. Nhóm tác giả Ahmed và cộng sự đánh giá ở bệnh nhân tăng huyết áp ở giai đoạn đầu, thấy sự tái cấu trúc thất trái, phì đại thất trái làm giảm sức căng trục dọc, sức căng chu vi nhưng làm tăng vận động xoắn. Điều này là do sự phì đại thất làm tăng chênh lệch bán kính giữa lớp nội mạc và ngoại mạc, từ đó làm giảm sự đối kháng động lực giữa hai lớp này nên làm tăng vận động xoắn [97]. Khi hiện tượng tái cấu trúc tiếp tục tiến triển làm tổn thương nhiều lớp cơ tim sẽ dẫn đến sự giảm co bóp cơ tim theo các hướng và giảm vận động xoắn của thất trái. Cơ chế tổn thương ở bệnh nhân động mạch vành có sự khác biệt giữa nhồi máu cơ tim xuyên thành và không xuyên thành. Abet và cộng sự nghiên cứu vận động xoắn của thất trái thấy nếu nhồi máu cơ tim dưới nội tâm mạc thì vận động xoắn của lớp nội tâm mạc và sức căng trục dọc giảm nhưng vận động xoắn của lớp ngoại mạc bình thường. Khi có nhồi máu cơ tim xuyên thành, vận động xoắn của lớp nội mạc và ngoại mạc đều giảm. Các tác giả thấy vận động xoắn của lớp nội mạc là yếu tố dự báo tái cấu trúc thất trái sau 6 tháng [98]. Nghiên cứu sức căng thất trái và vận động xoắn thất trái cho chúng ta cái nhìn

sâu về cơ chế bệnh sinh của suy tim.

Trong nhóm suy tim của chúng tôi, bệnh nền thường gặp nhất ở bệnh nhân suy tim là THA chiếm 74,5%, tiếp đó là động mạch vành 49,1% và đái tháo đường là 33,6%. Khi phân tích ở nhóm suy tim EF ≥ 50%, chúng tôi thấy có 90% bệnh nhân suy tim có tăng huyết áp và 73,3% bệnh nhân có bệnh động mạch vành và 40,0% bệnh nhân có đái tháo đường (Bảng 3.3). Như vậy tăng huyết áp và bệnh động mạch vành là hai hình thái bệnh nền chiếm tỷ lệ đại đa số trong nhóm suy tim của chúng tôi. Ngoài ra, 50% nhóm suy tim EF ≥ 50% có kết hợp từ hai trong số các bệnh nền hay gặp: THA, ĐTĐ, ĐMV và 26,7% bệnh nhân nhóm này có kết hợp cả 3 bệnh trên.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến đổi vận động xoắn và chỉ số chức năng thất trái bằng siêu âm tim đánh dấu mô ở bệnh nhân suy tim mạn tính. (Trang 111 - 113)