Đặc điểm về lâm sàng của nhóm suy tim

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến đổi vận động xoắn và chỉ số chức năng thất trái bằng siêu âm tim đánh dấu mô ở bệnh nhân suy tim mạn tính. (Trang 113 - 118)

Các triệu chứng của nhóm bệnh nhân suy tim trong nghiên cứu thể hiện ở bảng 3.4. Các triệu chứng lâm sàng chủ yếu trong suy tim nói chung đã được mô tả khá chi tiết trong nhiều nghiên cứu bao gồm khó thở, hạn chế khả năng gắng sức, phù, trống ngực, nhịp tim nhanh, diện tim to, tĩnh mạch cổ nổi, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính, ral ứ đọng ở phổi… Nghiên cứu của chúng tôi triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là khó thở chiếm 100% bệnh nhân.

Khó thở là triệu chứng điển hình của suy tim. Khi chức năng tim suy giảm, ban đầu là không đủ khả năng đáp ứng với nhu cầu gắng sức của cơ thể, dần dần không đáp ứng được cả khi nghỉ. Ở giai đoạn đầu bệnh nhân sẽ có biểu hiện khó thở khi gắng sức, dần dần khó thở xuất hiện cả khi nghỉ rồi có cơn khó thở về đêm buộc bệnh nhân phải ngồi dậy để thở. Trong nghiên cứu được thực hiện trên 165 bệnh nhân suy năm 2007, Phạm Nguyên Sơn thấy khó thở là triệu chứng gặp ở 100% bệnh nhân suy tim [99] . Quyền Đăng Tuyên cũng thấy khó thở là triệu chứng gặp ở 99% bệnh nhân suy tim. Để đánh giá mức độ khó thở trên lâm sàng chúng ta thường dùng phân độ khó thở NYHA dựa theo phân độ của Hội Tim New York (NYHA) năm 1964 có chỉnh sửa năm 1994 [88]. Nhóm

suy tim của chúng tôi chủ yếu là NYHA II (55,46%) và NYHA III (36,36%), NYHA IV chiếm tỷ lệ thấp chiếm 8,18%. Suy tim NYHA IV gặp chủ yếu ở nhóm suy tim phân số tống máu giảm với EF < 40%. Nhóm suy tim EF ≥ 50% gặp chủ yếu là NYHA II và không có bệnh nhân NYHA IV (bảng 3.6). Trong nghiên cứu của Bleeker và cộng sự thấy tỷ lệ suy tim, NYHA II là 31%, NYHA III là 61% và NYHA IV là 8% [100]. Hay tác giả Quyền Đăng Tuyên cũng thấy nhóm suy tim có tỷ lệ suy tim NYHA II và III là chủ yếu [91].

Ho về đêm là triệu chứng thường ít được các nghiên cứu đề cập đến trong chẩn đoán suy tim và thường xuất hiện cùng với khó thở (khi gắng sức và khi nằm) do ứ trệ ở phổi. Theo Nguyễn Thị Bích Hải và cộng sự, ho về đêm gặp ở 56,9% số bệnh nhân bị suy tim nói chung [101]. Quyền Đăng Tuyên gặp 72,1% bệnh nhân ho về đêm [91]. Chúng tôi gặp triệu chứng này ở 10,91% số bệnh nhân. Có sự khác biệt này là do nhóm suy tim của chúng tôi có bao gồm cả suy tim phân số tống máu bảo tồn (EF ≥ 50%) và chỉ có hơn 1 nửa là suy tim EF giảm với EF <40%. Còn nhóm suy tim của các tác giả trên là các bệnh nhân suy tim EF giảm với mức EF khá thấp.

Hồi hộp trống ngực cũng là một triệu chứng của suy tim, do suy tim có thể gây rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim nhanh hơn bình thường cho người bệnh có cảm giác trống ngực. Theo Quyền Đăng Tuyên, trống ngực gặp ở 34,6% số bệnh nhân bị suy tim. Chúng tôi cũng thấy trống ngực gặp ở 43,64% số bệnh nhân suy tim.

Diện tim to trong suy tim sức co bóp của cơ tim giảm nhiều, giãn thất là phản ứng đầu tiên để tránh quá tăng tải áp lực cuối tâm trương. Tăng tiền gánh và hậu gánh kéo dài sẽ kích thích cơ tim tăng sinh làm dày cơ tim. Dày thất và giãn thất làm cho thất sẽ to ra, biểu hiện bằng diện tim to trên lâm sàng. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Loan và cộng sự gặp tỷ lệ diện tim to là 72% [102]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Bích Hải là 87,3% [101]. Quyền Đăng Tuyên thấy tỉ lệ

diện tim to gặp là 57,7% [91]. Chúng tôi cũng gặp dấu hiệu tim to ở 41,82% bệnh nhân.

Ral ứ đọng: Trong suy tim có suy chức năng thất trái do giảm chức năng co bóp cơ tim, giảm đặc tính thư giãn và chun giãn của thất trái nên khả năng co bóp để tống máu đi và khả năng nhận máu về giảm dẫn đến ứ trệ phổi, dịch thoát vào lòng phế nang biểu hiện bằng ral ứ đọng trên lâm sàng. Phạm Nguyên Sơn gặp triệu chứng ở 60,6% số bệnh nhân suy tim [99]. Trong nghiên cứu của Nguyên Thị Bích Hải tỷ lệ này gặp cao hơn 55,7% [101]. Quyền Đăng Tuyên thấy triệu chứng này gặp ở 49% bệnh nhân suy tim. Tỷ lệ bệnh nhân có ral ứ đọng ở phổi trong kết quả của chúng tôi là 12,73%. Sự khác biệt này có thể do nhóm suy tim của chúng tôi đa phần được điều trị khá ổn định và có số lượng lớn là suy tim phân số tống máu bảo tồn và suy tim phân số tống máu giảm nhẹ. Phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính. Khi chức năng thất trái giảm, áp lực và thể tích thất trái ngày càng tăng gây ứ trệ ở tĩnh mạch phổi làm tăng áp lực tĩnh mạch phổi dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi hậu quả gây phì đại thất phải, suy tim phải và tăng áp lực tĩnh mạch trung tâm, biểu hiện suy tim toàn bộ trên lâm sàng [103]. Nhất là ở bệnh nhân suy tim có phân số tống máu thất trái giảm nặng dẫn đến thất trái giãn nhiều sẽ làm hạn chế khả năng giãn ra của thất phải để nhận máu trong thì tâm trương. Do đó, làm ứ trệ ở hệ tĩnh mạch tương tự như tình trạng suy chức năng tâm trương của thất trái gây ứ máu ở mạch máu phổi. Các triệu chứng của suy tim phải như gan to, tĩnh mạch cổ nổi, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính cũng gặp trong suy tim có suy chức năng thất trái và đặc biệt là gặp nhiều ở nhóm suy tim có chức năng tâm thu giảm (EF < 45%), do phần lớn những bệnh nhân này bị suy tim toàn bộ. Gan to là triệu chứng thường gặp và xuất hiện sớm hơn phù trong suy tim phải và suy tim toàn bộ. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Loan và cộng sự gặp tỷ lệ gan to rất cao (97,5%) [102]. Nghiên cứu của Phạm Nguyên Sơn và

nghiên cứu của Nguyễn Thị Bích Hải gặp tỷ lệ gan to là 63,0% và 79,7% [99], [101]. Quyền Đăng Tuyên thấy tỷ lệ gan to là 43,0% [91]. Chúng tôi gặp gan to ở 14,54% bệnh nhân suy tim. Phù ngoại vi là triệu chứng thường gặp của suy tim. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Loan và cộng sự bệnh nhân suy tim gặp triệu chứng này là 86% [102]. Quyền Đăng Tuyên lại chỉ gặp triệu chứng này ở 20% bệnh nhân suy tim [91]. Do đối tượng suy tim khác nhau nên chúng tôi chỉ gặp triệu chứng này ở 17,27% bệnh nhân suy tim.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải thấy tĩnh mạch cổ nổi gặp ở 54,4% bệnh nhân suy tim, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính gặp ở 65,8% bệnh nhân suy tim [101]. Quyền Đăng Tuyên gặp tĩnh mạch cổ nổi ở 76,9% bệnh nhân suy tim và phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính ở 85,6% bệnh nhân suy tim [91]. Chúng tôi gặp dấu hiệu tĩnh mạch cổ nổi ở 34,54% bệnh nhân và dấu hiệu phản hồi gan tĩnh mạch cổ nổi dương tính gặp ở 36,36% số bệnh nhân suy tim. Huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ở nhóm suy tim cao hơn nhóm chứng nhưng không có sự khác biệt, có sự chênh lệch này là do trong nhóm suy tim có tỷ lệ bệnh nhân có bệnh tăng huyết áp chiếm 90%, nhưng đa phần các bệnh nhân đã được điều trị kiểm soát huyết áp cũng khá ổn định. Tần số tim ở nhóm suy tim cao hơn nhóm chứng có ý nghĩa thống kê, đây có thể là phản ứng thích ứng ở bệnh nhân suy tim tăng nhịp tim để đảm bảo duy trì cung lượng tim cho hoạt động của cơ thể.

Giảm khả năng gắng sức và khả năng chịu gắng sức ở bệnh nhân suy tim có liên quan đến chất lượng cuộc sống kém và tiên lượng xấu hơn. Nghiệm pháp đi bộ 6 phút (6MWT) là một thử nghiệm phổ biến rộng rãi và được dung nạp tốt để đánh giá khả năng hoạt động của bệnh nhân suy tim, 6MWT có thể cung cấp thông tin đáng tin cậy về hoạt động hàng ngày của bệnh nhân. Hướng dẫn 6MWT được Hội Lồng ngực Mỹ đưa ra năm 2002, được mô tả phương pháp, chỉ định và chống chỉ định của phương pháp [104]. Năm 2014, 6MWT

được cập nhật lại bởi Hội Lồng ngực Mỹ và Hội Phổi Châu Âu [105]. Khoảng đi bộ 6 phút là nghiệm pháp đơn giản, có thể lặp lại nhiều lần, đánh giá khả năng gắng sức của bệnh nhân suy tim. Nghiệm pháp đi bộ 6 phút giảm trong nhiều bệnh như bệnh phổi, bệnh tim mạch, bệnh khớp và bệnh thần kinh cơ. Các nghiên cứu thấy quãng đường đi bộ 6 phút của người khỏe mạnh từ 400- 700m [106]. Theo Enright PL và cộng sự thấy khoảng đi bộ 6 phút ở 117 nam khỏe mạnh là 576 m và 173 nữ khỏe mạnh là 494m [107]. Bittner và cộng sự trong nghiên cứu SOLVD đánh giá trên 898 bệnh nhân suy tim có EF < 45% thấy khoảng đi bộ trung bình trong 6 phút là 374 ± 117mm và nhận định khoảng đi bộ 6 phút là một nghiệm pháp đơn giản, an toàn trong lâm sàng, là yếu tố độc lập tiên lượng tỷ lệ nằm viện và tỷ lệ tử vong trong suy tim [108]. Quyền Đăng Tuyên thấy quãng đường đi bộ 6 phút của bệnh nhân suy tim trung bình là 242,66m thấp hơn nhiều so với bệnh nhân không suy tim 536,12m [91]. Kết quả của chúng tôi cũng tương tự như kết quả của các tác giả trên, quãng đường đi bộ 6 phút của bệnh nhân suy tim là 318,67 ± 88,59 m, thấp hơn nhiều so với nhóm chứng 534,54 ± 31,30 với p < 0,001. Chúng tôi cũng thấy quãng đường đi bộ càng giảm khi chức năng tâm thu càng giảm (Bảng 3.8). Nghiên cứu của Berisha và cộng sự ở Thụy Điển cũng cho thấy quãng đường đi bộ 6 phút của bệnh nhân suy tim có tương quan với phân số tống máu thất trái [109]. Nhưng một số tác giả khác lại thấy không có mối liên quan giữa quãng đường đi bộ 6 phút với bất kỳ thông số đánh giá về chức năng tâm thu thất trái [110], [111]. Có sự khác biệt này có thể do cách thu thập và đánh giá khác nhau. Mouneme và Ospatin cho bệnh nhân dừng nghiệm pháp khi bệnh nhân có bất kỳ khó chịu nào. Trong khi đó nghiệm pháp đi bộ 6 phút không chỉ phụ thuộc vào chức năng tâm thu mà còn phụ thuộc vào chức năng tâm trương, bệnh cơ xương khớp, bệnh phổi, bệnh mạch máu chi dưới [112].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến đổi vận động xoắn và chỉ số chức năng thất trái bằng siêu âm tim đánh dấu mô ở bệnh nhân suy tim mạn tính. (Trang 113 - 118)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(180 trang)
w