Đặc điểm về cận lâm sàng của nhóm suy tim

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến đổi vận động xoắn và chỉ số chức năng thất trái bằng siêu âm tim đánh dấu mô ở bệnh nhân suy tim mạn tính. (Trang 118 - 120)

Chỉ số tim - ngực là hình ảnh đặc trưng của suy tim phân số tống máu giảm có giãn buồng tim. Trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ số tim – ngực của nhóm suy tim lớn hơn hẳn so với nhóm chứng với p < 0,001 (Bảng 3.10). Trong đó có 50,9% bệnh nhân có chỉ số tim – ngực > 50%. Tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng này trên lâm sàng thay đổi tùy theo đối tượng nghiên cứu, theo mức độ suy tim và loại hình suy tim. Theo Nguyễn Thị Bích Hải có 87,3% bệnh nhân có chỉ số tim ngực > 50% [101]. Nghiên cứu của Quyền Đăng Tuyên cũng thấy chỉ số tim - ngực của nhóm suy tim cao hơn hẳn nhóm chứng và có 92,4% bệnh nhân có chỉ số tim – ngực > 50% [91].

Bệnh nhân suy tim không có biểu hiện đặc trưng trên điện tâm đồ. Các biến đổi điện tâm đồ trong suy tim nói chung phụ thuộc nhiều vào bệnh chính gây suy tim hơn là loại hình suy tim. Các dấu hiệu thường gặp trên điện tâm đồ của bệnh nhân suy tim đó là: tăng gánh thất trái, tăng gánh nhĩ trái, hình ảnh sóng Q (dấu hiệu của sẹo nhồi máu cơ tim), blốc nhánh… Thomas và cộng sự nghiên cứu trên bệnh nhân suy tim thấy có biểu hiện tăng gánh thất trái trên điện tâm đồ là 42%, tăng gánh nhĩ trái là 52%, tỷ lệ blốc nhánh trái 18,3% [113]. Nghiên cứu của tác giả Quyền Đăng Tuyên tỷ lệ tăng gánh thất trái 51,0%, tăng gánh nhĩ trái 49,0%, sóng Q trên điện tâm đồ 11,5%, tỷ lệ blốc nhánh trái 18,3% [91]. Nghiên cứu của chúng tôi thấy tỷ lệ tăng gánh thất trái là 33,64%, tăng gánh nhĩ trái là 18,18%, sóng Q bệnh lý là 33,64% và blốc nhánh trái là 6,36%. Như vậy, tỷ lệ sẹo nhồi máu cơ tim trong nhóm bệnh cũng chiếm tỷ lệ khá cao.

Nhóm suy tim có kích thước buồng thất trái, buồng nhĩ trái, thể tích cuối tâm trương thất trái, thể tích cuối tâm thu thất trái, bề dày thành thất, khối lượng cơ thất trái, chỉ số khối lượng cơ thất trái, áp lực động mạch phổi, lớn hơn nhóm chứng một cách rõ rệt với p< 0,001. Ngược lại, phân suất co ngắn sợi cơ, phân

số tống máu thất giảm hơn hẳn nhóm chứng với p < 0,001 (bảng 3.12). Nhóm suy tim EF ≥ 50% có kích thước, thể tích buồng thất trái, phân số tống máu thất trái không khác biệt so với nhóm chứng nhưng khối lượng cơ thất trái, bề dày thành thất trái cuối tâm thu và cuối tâm trương, áp lực đổ đầy thất trái, chỉ số thể tích nhĩ trái lớn hơn nhóm chứng có ý nghĩa thống kê. Vận tốc sóng e’ của vách và thành bên nhỏ hơn nhóm chứng (Bảng 3.13 và 3.15).

Nhóm suy tim có biên độ sóng e’ vách và thành bên đều nhỏ hơn nhóm chứng. Tốc độ vận tốc dòng hở van 3 lá lớn hơn nhóm chứng, thời gian co đẳng tích và thời giãn giãn đẳng tích ở nhóm suy tim kéo dài hơn nhóm chứng với p

< 0,001 (Bảng 3.14). Khi sử dụng các tiêu chuẩn đánh giá rối loạn chức năng tâm trương theo khuyến cáo của Hội Siêu âm tim Hoa Kỳ và Hội Hình ảnh tim mạch Châu Âu [15], trong 110 bệnh nhân suy tim của chúng tôi đều có rối loạn chức năng tâm trương. Trong đó, rối loạn chức năng tâm trương độ I là 58,2%, rối loạn chức năng tâm trương độ II là 25,4%, rối loạn chức năng tâm trương độ III là 16,4%. Tác giả Quyền Đăng Tuyên cũng thấy rối loạn chức năng tâm trương ở 100% bệnh nhân suy tim tham gia nghiên cứu, trong đó rối loạn chức năng tâm trương độ I là 51,9%, rối loạn chức năng tâm trương độ II là 34,6% và rối loạn chức năng tâm trương độ III là 13,5%. Tác giả Bursi và cộng sự lại thấy rối loạn chức năng tâm trương gặp ở 82% nhóm suy tim phân số tống máu giảm và 79% ở nhóm suy tim phân số tống máu bảo tồn [5].

Với sự phát triển của kỹ thuật và các phần mềm siêu âm tim, ngày nay siêu âm tim 3D đang ngày cảng tỏ rõ những ưu điểm của mình. Đặc biệt trong đánh giá thể tích và kích thước buồng tim, siêu âm tim 3D có khả năng đánh giá khá chính xác kích thước và thể tích buồng thất trái. Trong nghiên cứu của chúng tôi đều thấy thể tích buồng thất trái trên siêu âm 3D nhóm suy tim lớn hơn nhóm chứng với sự khác biệt rất có ý nghĩa thống kê.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến đổi vận động xoắn và chỉ số chức năng thất trái bằng siêu âm tim đánh dấu mô ở bệnh nhân suy tim mạn tính. (Trang 118 - 120)