Sau khi xác định bệnh, bác sĩ sẽ phác họa một vài phương thức điều trị và thảo luận với bệnh nhân để lựa chọn. Phương thức tùy thuộc vào loại ung thư, kích thước lớn hay nhỏ của u bướu, vị trí của bướu ở phổi, giai đoạn bệnh, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Ung thư thường được điều trị bằng giải phẫu, hóa trị liệu hoặc xạ trị liệu.
a. Giải phẫu khi có thể cắt bỏ toàn bộ u bướu bằng cách cắt một phần phổi, một thùy phổi hoặc toàn bộ một bên phổi.
Sau giải phẫu, người bệnh cần nhiều tháng để hồi phục. Bệnh nhân thường thấy đau ngực, khó thở vì không khí và chất lỏng tích tụ ở lồng ngực.
b. Hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư với dược phẩm. Dược phẩm theo máu đi khắp cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư.
Hóa trị tác động lên cả tế bào ung thư lẫn tế bào lành. Bệnh nhân thường hay bị buồn nôn, ói mửa, đau lở miệng, rụng tóc, mệt mỏi.
c. Xạ trị là dùng tia phóng xạ để tiêu diệt và ngăn chặn sự tăng trưởng tế bào ung thư. Xạ được đưa tới vùng có u ung thư. Sau giải phẫu, xạ trị cũng được dùng để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại
Tác dụng phụ gồm có: đau khô cuống họng, nuốt khó khăn, mệt mỏi, thay đổi trên da nơi nhận tia phóng xạ, ăn mất ngon.
Ðôi khi, cần phối hợp các phương pháp kể trên, tùy theo tình trạng bệnh. Ngoài ra, liệu pháp photodynamic cũng đang được một số nhà chuyên môn áp dụng. Trong liệu pháp này, một hóa chất đặc biệt được chích vào mạch máu. Hóa chất xâm nhập cả tế bào lành lẫn ung thư, nhưng rời bỏ tế bào lành ngay. Một loại tia laser được rọi vào, kích thích để hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư.
Mắt và da của người nhận trị liệu này có thể bị quá mẫn cảm với ánh sáng trong vòng 6 tuần lễ, vì thế khi ra nắng nên mang kính dâm và mặc quần áo kín thân thể. Bệnh nhân cũng có thể bị khó thở, khó nuốt, ho.