Cũng như các bệnh nghiện ở các tuổi khác, để việc điều trị hữu hiệu người bệnh phải có ý thức cao về vấn nạn của mình. Họ cần hiểu rõ ảnh hướng xấu của rượu trên cơ thể, trong nếp sống hàng ngày cũng như triển vọng có thể trở thành bệnh hoạn, tàn phế vào cuối cuộc đời, nếu không nói là còn rút
ngắn tuổi thọ.
Ngoài ra, sự tận tâm của bác sĩ gia đình trong việc phối hợp các chương trình, phương thức trị liệu, sự hết lòng thông cảm, hỗ trợ của thân nhân là những yếu tố cần thiết cho việc phục hồi người bệnh.
Cần phá vỡ sự phủ nhận bệnh tật của người già, giải thích các hậu quả xấu của rượu, nêu ra những khó khăn về cá nhân, về gia đình, xã hội do rượu gây ra mà họ đang gánh chịu.
Bệnh nhân sẽ qua thời kỳ “nhớ rượu” rất khó chịu trong mấy ngày đầu cai rượu. Họ trở nên quá linh động, run rẩy tứ chi, mất ngủ, ói mửa, có những ảo tưởng, ảo giác, bồn chồn lo sợ, đôi khi lên cơn kinh phong. Các trường hợp này cần được theo dõi điều trị khẩn cấp trong các trung tâm y khoa chuyên biệt.
Khi đã ổn định qua cơn ghiền, bệnh nhân sẽ tham dự các nhóm thảo luận, cố vấn, hỗ trợ, sinh hoạt để chia sẻ tâm tư, học cách thức đối phó với thúc bách đòi hỏi rượu.
Có rất nhiều tổ chức công, tư ở mỗi địa phương tham dự tích cực vào những chương trình phục hồi người nghiện rượu này như alcoholics anonymous, al- anon.
Hội thân hữu AA được thành lập từ năm 1935 quy tụ những người nghiện rượu đã được phục hồi, muốn hoàn toàn bỏ rượu. Họ ngồi lại với nhau để nghe và chia sẻ những kinh nghiệm về đời sống, để thấy rằng họ không cô đơn. Hội viên không phải đóng lệ phí, chỉ cần có ý nguyện muốn cai là đủ. Được lập năm 1950, Al-Anon là hội của những người không ghiền rượu nhưng bị ảnh hưởng lây vì hậu quả uống rượu của thân nhân. Họ chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn do người khác gây ra và hỗ trợ lẫn nhau.