Máy nghe hay trợ thính cụ (hearing aids) đã được sử dụng từ nhiều ngàn năm.
Cách giản dị nhất là ta cụm bàn tay lại trước vành tai để đón – đưa âm thanh vào ống tai khi ta muốn nghe tiếng nói từ đằng xa vọng tới hoặc khi muốn nghe âm thanh trong đám đông người. Đây là khi tai không bị tổn thương, chứ mà tai bị hư hao thì cách này không công hiệu.
Dụng cụ trợ nghe đầu tiên được sáng chế vào thế kỷ thứ 17, hình dạng giống như một bông hoa kèn gọi là ống loa. Ðầu nhỏ của ống để gần lỗ tai người nghe, đầu to nơi miệng người nói, như vậy âm thanh sẽ được tập trung vào tai.
Phải đợi tới thế kỷ thứ 20 trợ thính cụ điện tử mới được thành hình và mới thực sự giúp cho người bị khiếm khuyết thính giác nghe được, đặc biệt là khi những sợi tóc hoặc dây thần kinh thính giác ở tai trong bị tổn thương.
Nguyên tắc của trợ thính cụ là khuếch đại âm thanh. Máy giúp hầu hết trường hợp mất nghe vì bệnh ở tai ngoài, tai giữa và một số trường hợp do dây thần kinh hư hao, nhưng máy không giúp được gì nếu bị mất thính giác hoàn toàn. Có nhiều loại máy khác nhau nhưng có cùng nguyên tắc: một microphone thu âm thanh, chuyển ra luồng điện, được khuếch thanh để có thể nghe được. Ngoài microphone, máy gồm có một bộ phận khuếch đại, một loa, một bộ phận gắn vào tai và nút điều chỉnh âm thanh cao thấp.
Các máy đều dùng điện năng của một cục pin nhỏ. Máy có thể mang ở ngoài tai hay đặt trong lỗ tai.
Máy đeo ngoài tai (postauricular aid) giá tương đối rẻ hơn, rất đáng tin cậy và khi hư, sửa chữa dễ dàng. Nhược điểm là người ngoài nhìn thấy máy, cho nên nhiều người không thích.
Máy đặt trong tai nhỏ hơn, thông dụng hơn và bắt được đủ loại âm thanh cao thấp nhưng đắt hơn. Nói chung, giá tiền mỗi máy xê xích từ 800 mỹ kim tới 4000 mỹ kim. Thường thường, phải thay trợ thính cụ mỗi năm năm.
Trong khi mang máy trợ nghe, không nên xịt keo ép tóc để tránh hư hại máy. Ðừng để máy nơi quá nóng và thay cục pin theo chỉ dẫn của nhà sản xuất máy.
Nếu dùng trợ thính cụ lần đầu thì cần hợp tác với chuyên viên đo thính giác để điều chỉnh máy cho tới khi nghe không trở ngại rồi hãy mua. Có khi thời gian thử máy kéo dài cả hai, ba tháng. Chuyên viên sẽ giúp ta lựa máy thích hợp với loại khiếm khuyết thính giác của mình.
Người vẫn bị điếc nặng mặc dù đã mang trợ thính cụ có thể được giải phẫu đặt cấy một dụng cụ điện tử nhỏ xíu vào cơ quan xoắn ốc (cochlear). Ðây là bộ phận tham dự vào việc nhận và phân tích âm thanh. Với dụng cụ này, người điếc có thể nghe và phân biệt âm thanh ở chung quanh, thay đổi giọng nói để tiếng nói rõ ràng hơn. Chi phí giải phẫu tốn từ 5000 tới 30,000 mỹ kim, nhưng nhiều bệnh nhân cho là “rất đáng đồng tiền bát gạo”. Vì họ nghe tốt hơn rất nhiều.