Điều trị táo bón

Một phần của tài liệu Ebook Sổ tay sức khỏe người cao tuổi: Lão hóa chuyện nhỏ - Phần 2 (Trang 61 - 65)

Ngày nay với nhiều loại thuốc trị táo bón trên thị trường nên việc chữa theo triệu chứng, đau đâu đánh đấy, được coi là hấp dẫn, tiện lợi hơn. Cứ không đi cầu là ra tiệm mua mấy viên thuốc nhuận tràng, thật giản dị. Nhưng thực tế

cho thấy như vậy không giải quyết tận gốc vấn đề, đôi khi lại không tốt. Việc trị chứng táo bón cần bao quát hơn, với việc hướng dẫn người bệnh về sự bài tiết chất bã tiêu hóa, sự đi cầu bình thường; tái huấn luyện để có thói quen đi cầu, cũng như thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng vận động cơ thể. Mỗi cá nhân có một cách điều trị riêng tùy theo nguy cơ gây bệnh với mục tiêu là giúp người bệnh đi cầu ít nhất ba lần một tuần và tránh những biến chứng.

Có hai phương thức điều trị hỗ trợ cho nhau là không dùng dược phẩm và dùng dược phẩm.

a. Trị táo bón không dùng dược phẩm

– Trước hết cần loại bỏ một định kiến thường thấy ở một số người là phải đại tiện mỗi ngày mới tốt, mới bình thường. Người cao tuổi đi cầu mỗi hai hoặc ba ngày một lần là tốt rồi.

Điều quan hệ là tạo ra một thói quen về đại tiện. Mỗi ngày dù không mót cũng vào cầu tiêu cùng giờ, nhất là 1/2 giờ sau khi ăn sáng, thức ăn kích thích ruột và bao tử. Phòng vệ sinh tiện nghi và riêng tư để có thoải mái cho nhu cầu. Thói quen này cũng khuyến khích bệnh nhân để ý và đáp ứng tới dấu hiệu mót đi cầu.

Khi mót cầu thì đi ngay vì nếu trì hoãn, phân nằm lâu trong ruột, bị ruột hút hết nước thành khô cứng khó đẩy ra.

Ngồi chồm hổm kiểu ỉa đồng của ta là tốt nhất hoặc ngồi trên bàn cầu, đặt chân lên cái ghế thấp để tăng áp lực trong bụng, người ngả về phía trước, bàn tay đè vào bụng dưới.

– Ngưng lạm dụng thuốc nhuận tràng. Coi lại xem dược phẩm nào đang uống có tác dụng phụ gây táo bón để thay thế thuốc khác hoặc giảm phân lượng, sau khi tham khảo với bác sĩ.

– Nếu không bị các bệnh cần hạn chế tiêu thụ nước như bệnh tim, bệnh thận, nên uống ít nhất một lít rưỡi nước mỗi ngày, để tránh khô nước đặc biệt là

vào mùa hè nóng bức, khi đang uống thuốc thông tiểu tiện, hoặc ăn nhiều chất xơ.

Không nên uống nhiều cà phê, vì nước này làm đi tiểu nhiều. – Giảm ăn chất béo, tăng cường chất xơ.

Quan sát ở Phi châu vào thập niên 70 cho thấy dân chúng ở đây ăn nhiều chất xơ cho nên ít bị táo bón và đi đại tiện nhiều hơn so với dân chúng ít ăn chất xơ.

Lý do là chất xơ không bị tiêu hóa và được sa thải nguyên dạng vào ruột già, nơi đây chất xơ hút nhiều nước trong ruột, phân trở nên mềm và to hơn khiến ruột dễ dàng đẩy ra ngoài.

Mỗi ngày nên dùng từ 20-35gr là đủ vì nhiều quá lại bị tiêu chẩy và đầy hơi trong bao tử. Rau, trái cây, cám, hạt ngũ cốc đều có nhiều chất xơ.

– Vận động cơ thể đều đặn là việc nên khuyến khích ở người cao tuổi còn đi lại được và trong khả năng có thể của họ.

Người nằm bất động cần được đưa ra khỏi giường, đặt ngồi trên ghế nhiều lần trong ngày, giúp đỡ họ cử động chân tay.

Trở mình qua lại cũng giúp ích nhiều cho việc đại tiện, lại còn tránh hủy hoại da ở lưng vì nằm ở một vị thế quá lâu.

b. Trị táo bón bằng dược phẩm

Nói tới dược phẩm là nói tới thuốc nhuận tràng mà nhiều bác sĩ cũng như đa số bệnh nhân coi như phương tiện chính để trị táo bón. Trên thị trường có cả ngàn loại khác nhau với cùng mục đích là làm bớt triệu chứng đi cầu khó khăn đồng thời cũng có khá nhiều tác dụng phụ mà ta cần biết.

Thuốc táo bón được chia ra làm nhiều nhóm:

– Thuốc làm phẩn thu thành khối. Khi gặp nước, các chất này nở, tạo ra khối mềm trơn lỏng ở trong ruột già và kích thích nhu động (peristalsis) của ruột. Thuốc thường có hiệu quả trong thời gian từ 12 đến 24 giờ. Thuốc thường

dùng là bột citrucel, konsyl, fiberall, metamucil; viên fibercon, fiberall; thuốc hạt serutan, perdiem fiber.

– Thuốc làm phẩn mềm. Loại thuốc này làm bề ngoài của phẩn ẩm trơn và có công hiệu sau hai ba ngày dùng. Thuốc thường dùng là docusate sodium (kasof); docusate sodium (colace, corectol, modane soft)

– Thuốc xổ như mineral oil công hiệu 6 giờ sau khi uống.

– Thuốc xổ muối như magnesium citrate, magnesium hydroxide.

– Thụt hậu môn bằng nước lã, nước pha muối, dầu, fleet phosphosoda. – Thuốc viên nhét hậu môn có glycerine hoặc bisacodyl.

Các thuốc này giúp đi cầu dễ dàng nhưng cũng có nhiều nhược điểm nếu lạm dụng.

Khi dùng quá thường, quá độ, thuốc nhuận tràng sẽ đẩy khỏi cơ thể những chất bổ dưỡng, sinh tố trước khi các chất này được ruột hấp thụ; làm tăng sự bài tiết nước, sodium, potassium.

Dùng lâu sẽ thành quen, khiến cơ thịt ở ruột yếu, không hoạt động hữu hiệu cho nên khi ngưng thuốc, táo bón thành trầm trọng hơn.

Dùng nhiều quá có thể bị tiêu chẩy và cũng có thể ảnh hưởng tới công hiệu của các dược phẩm trị bệnh khác.

Sự lựa chọn thuốc chống táo bón cần được sự tham khảo và hướng dẫn của bác sĩ, căn cứ vào nguyên nhân gây táo bón, các bệnh đang có, các thuốc đang uống, phí tổn cũng như tùy theo sở thích của người bệnh.

Lời khuyên chung của các chuyên viên y tế là một đôi khi dùng thì thuốc nhuận tràng sẽ an toàn nhưng thuốc không phải là thay thế lâu dài cho một chế độ ăn uống lành mạnh, một nếp sống chừng mực, có vận động cơ thể.

Một phần của tài liệu Ebook Sổ tay sức khỏe người cao tuổi: Lão hóa chuyện nhỏ - Phần 2 (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)