Chương 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN CHUNG
2.2 Phong tục tập quán, tín ngưỡng-tôn giáo
2.2.2.1 Tín ngưỡng thờ tự nhiên (thờ cá ông)
Từ bao đời nay, dọc theo mảnh đất miền Trung, tín ngưỡng thờ cá Ông có lẽ đã quá quen thuộc với những cư dân chuyên làm nghề đánh bắt trên biển khơi. Thần được xác nhận là “Một vị phúc thần rất linh thiêng ở biển miền Nam”; Thần báo mộng cho dân đánh cá thờ cúng, nói rằng mình là “thần nước Nam” – giống như “nước Nam của thần Thiên Y Hậu Thổ”[18;tr.177], vì vậy mà thần còn mang tên gọi “Nam Hải”. Đây là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, thờ động vật xem đó là một vị thần thiêng liêng. Thực ra, có những công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, tín ngưỡng dân gian này xuất phát từ quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa Chăm: “Từ năm 1558 đến năm 1777 là thời kỳ hình thành lịch sử xứ Đàng Trong. Đại bộ phận ngư dân Chăm vốn có truyền thống lễ bái ngư thần Nam Hải. Dân Việt theo đà nam tiến sống cạnh cư dân Chăm, trong cuộc sống hòa hợp cộng đồng, dân Việt miền biển đã biết vận dụng óc sáng tạo một cách khéo léo nhuần nhã, đã khai sinh lễ hội làng cá” [11,tr.522]. Người Chăm xưa kia đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đi biển, tiếp thu những điều ấy và cùng với niềm tin vào vị thần tự nhiên, về sau có sự thay đổi, cư dân cho rằng, cá ông là Nam Hải Bồ Tát sẽ ra tay cứu giúp, ảnh hưởng
từ Phật giáo, khiến cho tín ngưỡng này bám rễ sâu hơn trong tâm thức người dân đi biển. “Ông” là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thần thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả. Cá voi luôn là người bạn thân thuộc với những ngư dân, có không ít truyền thuyết về việc cứu vớt người đưa vào bờ, giúp tàu thuyền vượt qua hoạn nạn trên biển, vì thế mà sự sùng bái tôn kính càng tăng lên gấp bội.
Là một đặc trưng văn hóa tâm linh của làng biển Nại Hiên Đông, được xây dựng vào khoảng năm 1930, về sau những dự án giải tỏa được thực hiện. Năm 2010, Chính quyền cấp lại một mảnh đất mới, sát nơi neo đậu thuyền của cư dân ở Vũng Thùng, tại tổ 163 Nại Hiên Đông, đối diện khu chung cư vịnh Mân Quang. Về kiến trúc, lăng ông được xây khá đơn giản, với hai gian nhà thờ nằm đối xứng nhau, gồm một gian chính và hai gian phụ, ở giữa là một khoảng sân rộng hướng về phía Tây sông Hàn. Ở ngay cổng chính lăng ông có dòng chữ lớn “Đền thờ Đức thân Nam Hải cửa khẩu sông Hàn”. Từ đây có thể bao quát cả một vùng nước mênh mông, không gian thoáng đãng vị trí rất thuận lợi khi nhìn ra biển cả. Để xây dựng được khuôn viên khang trang, là cả đóng góp nhiệt tình của ngư dân làng cá, đó không chỉ là nghĩa vụ, mà có cả ý thức về những điều phải gìn giữ. Lăng được chia là hai gian, một bên là bàn thờ cá ông với mô hình cá voi bằng gỗ (dài khoảng 0,6m x 50cm) bàn thờ được trang trí, hương khói cẩn thận, hai gian phụ kề bên là nơi chứa xương của cá Ông, bằng tất cả sự thành kính, xương ông được cất vào tủ gương. Khó lòng biết được có bao nhiêu cá Ông đã trôi dạt vào bờ, thông qua những bộ xương, thấy rằng số lượng rất nhiều, rất lớn, chưa kể những chum mộ chôn sau gian thờ, phải chờ đến 3 năm mới lấy lên. Những bộ xương được phân loại, cất theo từng ngăn, phía trước mỗi tủ sẽ là bàn thờ thắp nhang dâng rượu. Mỗi khi cá ông dạt vào bờ đều phải làm chôn cất, làm tang lễ hết sức thành kính, bởi theo dân gian quan niệm: "Thấy ông vào làng như vàng vào tủ". Họ tin rằng mỗi khi ông dạt vào đều báo hiệu cho một năm được mùa no ấm, vì thế dân làng thường chuẩn bị cờ lễ chôn cất khá trang nghiêm. Ngoài lễ hội rước cá Ông, mỗi năm sẽ tổ chức cúng tế hai lần, dâng trái cây, rượu thịt. Đặc biệt vào mỗi ngày rằm, hay trước
đợt ra khơi cư dân ở đây đều cúng bái thường xuyên, dâng trái cây, đốt vàng mã, đến khi lên thuyền ra khơi người ta cúng ở bến một lần và ra đến cửa biển lại phải cúng thêm một lần nữa.
Hiện nay ban quản lí lăng cá ông do ông Nguyễn Bốn, năm nay 62 tuổi làm quản lí, theo lời ông nói: “ Cá ông thiêng lắm, cư dân tụi tui mỗi khi đi biển đều phải ghé vào lăng ông cúng bái, xin phù hộ rồi mới xuất hành, việc đi biển nhiều rủi ro, chúng tôi chỉ biết tin vào sự phù hộ của ngài.” Lăng cá ông luôn mở cửa, để cư dân nơi này có thể thuận tiện thể hiện lòng thành kính đến thần linh. Có thể thấy rằng, niềm tin vào vị thần Nam Hải đã ăn sâu vào trong tâm thức của cư dân nơi đây, cá Ông không chỉ là một thực thể sống mà đặt vào đó là hi vọng giúp con người vượt qua sóng dữ, tạo dựng cuộc sống yên lành. Qua việc xây dựng, giữ gìn xương cá ông và tuân theo truyền thống bao đời nay, cho thấy rằng người dân làng Nại Hiên Đông luôn có ý thức bảo vệ gìn giữ ý nghĩa tốt đẹp của hình thức tín ngưỡng tâm linh này.