Ngôn ngữ đậm chất trữ tình

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 58 - 60)

2. Những khuôn hình cuộc đời rạn vỡ

3.2.1. Ngôn ngữ đậm chất trữ tình

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, ngôn ngữ nghệ thuật là “Ngôn ngữ mang tính nghệ thuật được dùng trong văn học. Trong ngôn ngữ học, thuật ngữ này có ý nghĩa rộng hơn, nhằm chỉ một cách bao quát các hiện tượng ngôn ngữ được dùng một cách chuẩn mực trong các văn bản nhà nước, trên báo chí, đài phát thanh, trong văn học và khoa học” [4, tr.215].

Một tác phẩm văn học chỉ có thể để lại dấu ấn trong lòng người đọc nhờ vào ngôn từ khi nó được tổ chức một cách nghệ thuật. Thông qua ngôn từ nghệ thuật, tác giả có thể tạo nên sự đa dạng, phong phú, độc đáo cho tác phẩm của mình, giúp người đọc có thể gần gũi hơn với tác phẩm, hiểu hơn tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm.

Truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh không chỉ hướng về vấn đề thế sự mà còn chứa đựng trong nó những cảm xúc về thiên nhiên cùng với những

rung động tinh tế của tâm hồn con người. Trong một không gian hoàn toàn yên bình, tĩnh lặng. Nhân vật trong Hồng ngủ “cảm động nhìn lại đường phố của nó, mặt hồ mờ mịt sương khói, rồi cúi xuống cẩn thận mà vụng về, tôi ru lũ hoa hồng ngủ tiếp, tưởng tượng về đến thành phố, tụi nó sẽ thức dậy, nở ra, khi ấy hẳn đẹp lắm” [4, tr.95]. Lời văn mượt mà và ngòi bút trữ tình tinh tế của Phan Thị Vàng Anh đã miêu tả vận động của nội tâm nhân vật cùng với sự biến chuyển nhẹ nhàng của thiên nhiên một cách sinh động, giàu cảm xúc.

Nếu truyện ngắn của những cây bút nữ cùng thời như Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Hảo… thường có cốt truyện rõ ràng với nhiều nhân vật, diễn biến, sự kiện, mâu thuẫn phức tạp, thì truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh phần lớn không có cốt truyện. Chính vì cốt truyện, sự kiện, biến cố có xu hướng bị nhòa đi, thay vào đó là sự tăng cường nhiều chi tiết vụn vặt nên trong truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, tính tự sự giảm đi và chất trữ tình được gia tăng. Trong truyện ngắn Khi người ta trẻ, với sự xuất hiện của dày đặc các từ tượng hình kết hợp với các thán từ “than ôi”, điệp từ “lắm”, Phan Thị Vàng Anh đã tạo nên một câu chuyện buồn đến nao lòng được nhân vật “tôi” kể lại về cuộc đời ngắn ngủi của cô Xuyên. Nỗi buồn bã, xót xa toát ra từ những con chữ gợi thấm, lay động, làm nhói buốt trái tim người đọc. Hình ảnh những trang nhật kí u uẩn “không ghi cái gì cụ thể chỉ thấy u ám. Mưa hay nắng cũng u ám, đi học cũng u ám, cái gì cũng có vẻ như không có lối thoát” [4, tr.46 - 47] cùng điệp ngữ “Vui lắm và nắng lắm!” [4, tr.47] diễn tả tâm trạng Vỹ khi tắm biển trong ngày đám tang cô Xuyên đã thực sự khiến người đọc bàng hoàng, đau đớn. Quả thật, ngôn ngữ truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh có một sức ám ảnh thật sự, bởi nó đủ sức len lỏi, đánh động tâm hồn con người, khiến người ta trăn trở, dằn vặt, thức tỉnh bằng chính sự nhẹ nhàng và kín đáo, giúp người ta sáng suốt để lựa chọn cho mình lối đi đẹp nhất cho cuộc đời.

Trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh cũng xuất hiện khá nhiều từ chỉ trạng thái tâm lý của con người. Những từ ngữ này cùng với cách diễn đạt linh hoạt, thông minh của nhà văn đã làm nổi bật được tâm lý, cảm xúc của con người trong những trường hợp cụ thể một cách chân thực nhất. Đó có khi là những cảm xúc tuổi của mới lớn thật ngây ngô: “mở những bức thư cũ ra xem, vẫn thấy ngọt ngào, vẫn thấy vui” [4, tr.116]. Cũng có lúc lại là những mệt mỏi, rỗng không trong trí óc của những cô cậu học trò trong một lớp học buồn tẻ “Cả lớp uể oải buông bút xuống... hoàn toàn trống rỗng trong đầu, tôi không thấy nẩy ra câu hỏi nào, băn khoăn nào về bài học”, “tôi cũng chán nản ngả lưng vào ghế, tôi chợt căm ghét cái cảm giác lửng lơ” [4, tr.158 - 159] và cả những bâng khuâng, ngọt ngào của một tâm hồn thiếu nữ “Hình như tôi đã có tình cảm gì đó giành cho Tường. Rất dịu dàng, mơ hồ… không thể hiểu nổi” [4, tr.17].

Điều thể hiện rất rõ là ngôn ngữ truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh tràn đầy cảm xúc. Để miêu tả cụ thể và sinh động hình dáng, cử chỉ, hành động của nhân vật, Phan Thị Vàng Anh đã vận dụng triệt để giá trị của từ láy. Các từ ngữ “thoăn thoắt dựng sạp”, “lô nhô dưới ruộng… chồm hổm trên bờ đất” [4, tr.112], “chó lem nhem, lom khom dưới gầm bàn” [4, tr.112]; “già lụ khụ”, “bốn bề im phăng phắc”, “nhang khói vòng vèo”, “cười nho nhỏ”, “nghe chông chênh và rù rì như thổi nhẹ bên tai” [4, tr.132]… không chỉ làm nổi bật tình cảm, cảm xúc của con người mà còn góp phần tạo màu sắc sinh động cho các hình ảnh, sự cân đối nhịp nhàng cho lời văn. Với những từ láy tượng thanh, tượng hình mang sắc thái giảm dần, tác giả đã gợi lên trước mắt người đọc những cảnh tượng thú vị.

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)