Những tâm hồn yêu sống

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 29 - 31)

5. Bố cục khóa luận

2.1.1. Những tâm hồn yêu sống

Cũng như các nhà văn nữ khác cùng thời, Phan Thị Vàng Anh chú trọng đến con người đời thường trong những mối quan hệ đa dạng của chính nó. Phần lớn các nhân vật này là những người trẻ tuổi, mang trong mình khát vọng yêu, khát vọng sống đúng nghĩa được nhà văn khám phá, phát hiện bằng chính tâm hồn của một người trẻ tuổi. Điều này khiến tác phẩm của chị in đậm dấu ấn của đời sống đương đại.

Trong sự khám phá của nhà văn, họ là những người có nhiệt huyết, đam mê, hoài bão, dám mạo hiểm, đột phá để biến cái không thể thành có thể. Và hơn thế, họ sẵn sàng đương đầu với thử thách, dám chịu trách nhiệm trước cuộc đời. Là những người trẻ tuổi, đang bước những bước chân nhiệt huyết trên đường đời, họ đam mê tận hưởng những cảm giác khác lạ của tuổi trẻ bằng tất cả sự chân thành, cuồng nhiệt với tình yêu, thích sống tự nhiên với những tình cảm hồn nhiên nhất của mình.

Khát vọng sống của các nhân vật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh nhiều khi chỉ hiện ra bằng những điều đơn giản, nhỏ bé đến không ngờ. Nó cũng có thể là một ước mơ giản dị, rất chân thành, xuất phát từ tận sâu lòng yêu nghề, yêu người. Trong Bỏ trường, người đọc không khỏi xúc động khi bắt gặp nỗi khao khát một ngày nào đó được quay lại trường cũ, với những cô cậu học trò đáng yêu, của một cô gái trẻ “Chắc mình không thể bỏ

hẳn đâu!”…, “để khi trở về trường, học trò sẽ thấy mình đã không quên gì cả!” [4, tr.129]. Khát khao ấy thật đáng trân trọng biết bao!

Không chỉ viết về lý tưởng, khát vọng sống của những người trẻ tuổi, Phan Thị Vàng Anh còn dành nhiều trang viết để nói về tình yêu của họ. Các nhân vật trong truyện ngắn của chị “yêu” bằng những quan điểm và cách của riêng mình. Tình yêu hiện hình qua những “cái liếc mắt kín đáo”, những lời bóng gió, những câu nói “vu vơ” khó hiểu (Cuộc du ngoạn ngắn ngủi); qua chờ đợi khắc khoải suốt những ngày Tết đến, Xuân sang tẻ nhạt và vô nghĩa (Mười ngày, Hoa muộn). Hoàn trong Chuyện trẻ con, luôn bối rối, băn khoăn về tình yêu. Với cô gái trẻ trong truyện ngắn Mười ngày thì mười ngày chia xa là mười ngày đau khổ, nhớ thương người yêu. Trong mơ ước, chờ đợi và nhớ thương mỏi mòn “đêm về, ngang quán cũ, tôi nhớ anh thắt ruột” [4, tr. 61], cô cay đắng nhận ra tình yêu trong anh đã dần phai nhòa.

Đọc Khi người ta trẻ Hội chợ, có thể thấy rằng, tình yêu là nỗi ám ảnh và mơ ước chung của tất cả các nhân vật. Có khi đó là nỗi thất vọng rã rời “Thôi thế là hết, chẳng còn gì là bí mật nữa!” [4, tr.19] của Hoàn trong

Chuyện trẻ con khi thấy bàn tay mình bị giữ lại một cách vụng về. Đó cũng là những rung động dần dần để bắt đầu nhen nhóm lên ước mơ về một tương lai: “vậy là cứ tiếp tục nuôi heo đất với nhau tạo cảnh gia đình, rồi lớn lên tự đổi xưng hô, rồi cứ thế, cứ thế...” [4, tr.197]. Với sự nhạy cảm và thấu hiểu tâm lý lớp trẻ, Phan Thị Vàng Anh đã khám phá, miêu tả những cung bậc tình yêu khác nhau của họ. Đó là toàn bộ những khát khao yêu đương, mơ mộng hồn nhiên và già dặn, dù nhiều khi nó gắn liền với cô đơn, bẽ bàng và cay đắng.

Có thể khẳng định, bằng những truyện ngắn giản dị, không màu mè, Phan Thị Vàng Anh đã đem đến cho người đọc những cảm nhận thật sinh

động về thế giới tinh thần phong phú của những tâm hồn trẻ đang yêu, đã yêu thấm đẫm mơ ước và khát vọng.

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)