Giọng hóm hỉnh, giễu cợt

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 67 - 76)

2. Những khuôn hình cuộc đời rạn vỡ

3.3.3. Giọng hóm hỉnh, giễu cợt

Giọng hóm hỉnh, giễu cợt đã được các nhà văn hiện đại sử dụng khi phản ánh hiện thực cuộc sống và đã trở thành đặc điểm nổi bật trong sáng tác của họ. Trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, giọng hóm hỉnh, giễu cợt đã đem đến cho truyện ngắn của tác giả một âm hưởng riêng, thể hiện được cái nhìn trực diện, thẳng thắn, rất tinh tế trước những nghịch lý trớ trêu của hiện thực đời sống.

Có thể thấy, bằng giọng hóm hỉnh, giễu cợt, Phan Thị Vàng Anh đã góp phần lột tả thành công bức tranh hiện thực cuộc sống. Nó không chỉ là sự khám phá về bản chất của một hiện tượng đời sống vật chất giả tạo, ích kỷ, thực dụng... mà còn là sự bày tỏ một cách chân thành sự xót xa về thực trạng các giá trị đang bị rạn vỡ trong đời sống hiện đại. Trong truyện ngắn Nhật ký, khi miêu tả cuộc sống của sinh viên thời nay, một cuộc sống mà nhân vật Khanh phải “tự phân tích cảm giác thật sự của mình” hay “hoàn toàn dửng dưng, sự dửng dưng mà tôi cố đẩy ra mà không được… không thấy có thêm một thay đổi nào về cảm xúc” [4, tr.159], Phan Thị Vàng Anh đã khiến người đọc không khỏi lo ngại về cách sống của những người trẻ. Bằng việc giễu cợt

một thế hệ với “gánh nặng kiến thức đang đè oằn trên sắc đẹp” [4, tr.160], các truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh nhiều khi khiến người đọc phải giật mình mà nhìn lại cuộc sống tẻ nhạt, sa đà trong những cuộc ăn chơi của những người trẻ tuổi. Truyện ngắn Người có học thì lại xoay quanh vấn đề ứng xử của giới trẻ hiện nay. Bằng giọng điệu hài hước, giễu cợt kết hợp với cách đặt vấn đề thẳng thắn, tác giả đã thực sự gây sự tò mò cho người đọc. Những lỗ hổng về văn hóa giao tiếp, ứng xử của con người, đặc biệt là của những người trẻ tuổi được Phan Thị Vàng Anh chỉ ra một cách chân thành, quyết liệt. Cái cảnh “Một lớp ngoại khóa mở ra cho những sinh viên chăm chỉ trong dịp hè. Mỗi người có một phiếu vào lớp với số ghế cố định, có nghĩa là dù đi sớm hay đi muộn, anh vẫn có một chỗ ngồi đàng hoàng. Nhầm to! Ban tổ chức lớp nhầm to, ngày nào cũng có cãi vã đòi chỗ: số người nhiều hơn số ghế và đâu phải chỗ nào cũng dễ nhìn thấy bảng đen” [4, tr.78] với hình ảnh một sinh viên “buồn cười, rút tờ giấy có ghi số ghế đưa anh béo, cảm thấy hành động của mình sao mà khúm núm giống như các gia đình có công đi nộp một tờ giấy chứng nhận thành tích cho cán bộ phường để xin một mảnh đất làm nhà” [4, tr.79] khiến người đọc xót xa. Đau đớn hơn thế, đó là khi cách ứng xử văn hóa ấy gặp phải phản ứng của số đông “Mọi người đã bắt đầu nhìn tôi và tôi ngượng… tự nhiên thấy sợ hãi: “Hay mình mất dạy thật?”… Tôi cảm thấy hình như cái cổ áo mình quá rộng, cái đầu mình quá ngắn, cái quần mình quá to… Tóm lại là không có học tí nào! [4, tr. 80 - 81]. Không lẽ, các giá trị văn hóa của cuộc sống hiện đại đã bị đảo lộn hoàn toàn? Từ những đánh giá về sự lệch lạc trong tư duy văn hóa, về hành vi thiếu văn hóa của con người, sâu xa hơn, tác giả muốn lớp trẻ hãy tự nhận thức lại hành vi của mình trong cách ứng xử hằng ngày.

Giọng hóm hỉnh, giễu cợt đã phát huy tác dụng của nó trong các truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh viết về tình yêu. Những xúc cảm hồn nhiên rất

đỗi nhẹ nhàng nhưng không kém phần hài hước được nhà văn diễn tả bằng giọng văn trẻ trung, đầy dí dỏm. Từ niềm ao ước, mơ mộng về thứ tình yêu lãng mạng kiểu “ông” và “em” đến nỗi mong chờ “mỗi sáng tôi mong vào trường gặp lại Tường, nhìn quanh quất giảng đường, tìm cái dáng cao cao quen thuộc” [4, tr.20] để rồi nhận thức được rằng “Giờ đến lượt tôi khổ vì Tường, Tường không chào tôi bằng những cái méo miệng để tôi có thể mắng: “Thằng điên!” được nữa, bây giờ Tường gật đầu như người lớn chào nhau” [4, tr.20] đều được Phan Thị Vàng Anh diễn tả bằng một giọng văn thật trẻ trung, dí dỏm. Trong suốt Chuyện trẻ con, giọng giễu cợt đã giúp Phan Thị Vàng Anh lột tả một cách tinh tế bản chất của tình yêu tuổi trẻ. Nhà văn đã khơi mở, khám phá khá một cách “tinh quái” tâm lý của những người trẻ tuổi “Hoàn ơi, có thằng mết mày lắm đấy. Ở cùng tổ mày, nhà trên đường mày về. Mày đứng, nó ngồi thì cao bằng nhau”… “Tao biết rồi, thằng Tường chứ gì? Nó đáng tuổi em tao!” [4, tr.14]. Xuyên suốt những Cuộc du ngoạn ngắn ngủi

của những người trẻ tuổi trên hành trình tình yêu đương, những sắc thái tình cảm, những biểu hiện vì tình hay cố ý, tự nhiên hay “cố diễn” của những người đang yêu được lột tả sinh động và không kém phần dí dỏm. Giọng hài hước, giễu cợt đã giúp cái nụ cười cùng với vẻ mặt vênh váo, bề trên của Hà hiện ra vừa dễ thương, vừa kỳ cục “Yêu hồi nào? Bả lên khám bệnh, mê ổng, còn ổng có biết chị Hai tao là ai đâu!...” (…) “Chị Hai là “kỷ vật” của mối tình đầu đó, cậu ta lấy về sau này mới vỡ lở, mà quê thật, tưởng cái kỷ vật ấy nó lãng mạn ra làm sao, cuối cùng lại tòi ra cái của này!” [4, tr.101].

Phải công nhận là giọng hài hước, giễu cợt có phần tinh nghịch trong truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh không chỉ khái quát được sắc màu tình yêu của những người trẻ tuổi mà còn đi sâu vào bản chất cụ thể của tình yêu ấy trong những trường hợp cụ thể. Có khi chỉ là những cảm xúc vớ vẩn về những cuộc tình lãng mạn không đi đến đâu của các cô gái mới lớn Hội chợ,

Yêu, Sau những hẹn hò hay thứ tình yêu mà họ phải ôm mộng ảo tưởng Si tình, Mười ngày…; có lúc là sự giận dỗi “căm phẫn nheo mắt nhìn trời rồi liếc anh bí thư vẫn đang thẫn thờ nhổ cỏ” [4, tr.12]; và có lúc lại trở thành những “kinh nghiệm”, những “bài học triết lý” được đúc kết mỗi chặng “đường tình” “Khốn nạn, mất rồi mới biết là đã có!” [4, tr.12]. Điều đặc biệt hơn cả có lẽ là, thông qua giọng hài hước, giễu cợt rất trẻ trung, dí dỏm này, Phan Thị Vàng Anh còn muốn thức tỉnh những cô gái trẻ mù quáng chạy theo tình yêu, hướng họ đến những giá trị của tình yêu đích thực.

Giọng hóm hỉnh, giễu cợt cũng xuất hiện trong các truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh viết về cuộc sống vợ chồng, về sự truyền đạt văn hóa cổ cho thế hệ trẻ bằng sự lẩm cẩm của những người lớn. Hình ảnh Phương, người đàn ông ngoại tình thấy “vợ xấu kinh khủng và cô ta ngày càng giống mẹ, cũng lắm lời, đùa nhạt, sống từ năm này qua năm khác, tíc tắc, tíc tắc, đơn điệu như đồng hồ” [4, tr.208] chỉ có thể tìm được điều an ủi duy nhất cho mình là “đến phút cuối, anh vẫn nói dối được là mình chưa có vợ. Thế rồi lại băn khoăn, lại không hiểu điều đó có giá trị gì với cái con người lang bạt ấy không mà lấy làm an ủi?” [4, tr.208] thực sự khiến người đọc lo ngại. Bởi điều này không chỉ vạch rõ cho người đọc nhìn thấy nhân cách kệch cỡm của nhân vật mà còn khiến người ta buồn cười, chua chát cho sự ấu trĩ, lố bịch và băng hoại của thói đạo đức giả đang tồn tại trong cuộc sống hiện tại. Cũng chính giọng hài hước, giễu cợt này đã biến buổi lễ cúng đình theo nghi thức cổ trong truyện ngắn Hoài cổ trở thành trò cười. Cách sắp đặt liên tiếp những đối thoại, giảng giải của người mẹ, của những bậc cha chú, lúc thì “Mẹ tôi chỉ một nhóm người xúng xính: “Mặc thế kia là kiểu quan hoạn đấy!” rồi cau mày: “Sao lại mặc như thế ở đây, ông này là quan chứ đâu phải là vua?” [4, tr.144], lúc thì “Mẹ tôi ngửa ra sau giảng: “Ngũ hành đó!” rồi chỉ người mặc áo vàng đứng giữa: “Đây là kim!”, ngay lập tức lại lẩm bẩm: “Không biết có

đúng không, hay là Thổ?” [4, tr.146] khiến những người trẻ tuổi hoang mang đến độ: “Chịu thôi! Đến các cụ còn bất nhất thế” [4, tr.146]. Sự hài hước, giễu cợt nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, nhiều suy ngẫm của chất giọng này trong truyện ngắn Hoài cổ đã đem đến cho người đọc cái cười thú vị nhưng cũng đầy lo lắng, chua xót. Phải chăng, người mẹ và các cụ đã khiến thế hệ trẻ như nhân vật “tôi”, Lữ thêm mơ hồ về văn hóa truyền thống? Vấn đề ý thức, trách nhiệm của con người đối với văn hóa truyền thống được đặt ra, rất khoa học, quyết tâm song cũng đầy tinh thần nhân văn, rất đáng được trân trọng.

KẾT LUẬN

Với sự thành công của những truyện ngắn độc đáo, đầy cá tính sáng tạo. Phan Thị Vàng Anh đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại.

Để có thể làm nổi bật những khuôn mặt cuộc đời, qua hai tập Khi người ta trẻ Hội chợ, Phan Thị Vàng Anh đã không ngần ngại miêu tả một cách chân thực chân dung những người trẻ tuổi. Đó là những con người với những tâm hồn yêu sống, những tâm thế hoài nghi, những khát khao phục thiện. Bên cạnh những khát khao yêu đương, hồn nhiên, mơ mộng, những nhân vật của

chị cũng hiện ra cùng với cô đơn, cay đắng, những đổ vỡ, mất mát niềm tin đối với cuộc sống. Với sự ý thức về giá trị của tinh thần, nhân cách con người, Phan Thị Vàng Anh đã rất trân trọng những khát khao hướng thiện của họ. Nhờ đó, người đọc có thể hình dung ra được khuôn mặt tinh thần của lớp trẻ trong hôm nay.

Phan Thị Vàng Anh cũng đặc biệt chú ý đến những khuôn hình cuộc đời rạn vỡ. Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh đã đặt những người trẻ tuổi đang rạn vỡ niềm tin, lý tưởng; hoang mang trước các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống trước những thử thách mới. Chính vì thế nó mang đến cho người đọc những cái nhìn chân xác về hiện thực cuộc sống, về con người và các giá trị truyền thống của dân tộc, cảnh tỉnh, hướng con người đến ý thức trách nhiệm bảo vệ những giá trị tốt đẹp ấy.

Không chỉ thành công về nội dung phản ánh, truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh còn gây ấn tượng với người đọc bởi các phương thức nghệ thuật mà nhà văn sử dụng khi làm nên nó. Thông qua các dạng nhân vật tiêu biểu như nhân vật bi kịch, nhân vật trải nghiệm, nhân vật cá tính, Phan Thị Vàng Anh đã khiến người đọc có thể cảm nhận được những khuất lấp trong tâm hồn con người, gởi gắm những thông điệp của nhà văn về cuộc sống đồng thời bộc lộ rõ quan niệm nghệ thuật về con người cá nhân của mình.

Bằng nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật khá sâu sắc, Phan Thị Vàng Anh đã từ ngoại hình để đào sâu mọi ngõ ngách tâm tư, tính cách nhân vật, qua đó, làm nổi bật những vấn đề thuộc đời sống tinh thần của con người. Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh còn hấp dẫn người đọc bởi ngôn ngữ nghệ thuật của nó. Thông qua những cảm xúc và cảm giác tinh tế được chuyển tải trong ngôn ngữ, nhà văn đã diễn tả được đầy đủ những cung bậc khác nhau của đời sống nội tâm con người. Bên cạnh đó, lối nói mới mẻ và

sắc màu đời sống cụ thể được cập nhập nhanh nhạy đã tạo nên thứ ngôn ngữ đời thường rất trẻ trung, hiện đại cho tác phẩm.

Nếu ngôn ngữ nghệ thuật là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ vào sự thành công của truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh thì giọng điệu lại chính là yếu tố làm nên sắc thái riêng cho truyện ngắn của tác giả. Sự kết hợp của giọng triết lý, giọng hoài nghi, bất lực, giọng hóm hỉnh, giễu cợt đã giúp người đọc có thể cảm nhận các ý nghĩa, các giá trị nhân văn quan trọng được chuyển tải trong đó, khơi gợi trăn trở của con người, đặc biệt là lớp trẻ đối với những vấn đề của cuộc sống, xã hội.

Có thể khẳng định, truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh là sự thể hiện của một cái nhìn riêng hết sức tinh tế của nhà văn về cuộc đời, về con người. Nó đồng thời là tiếng nói chân thật, thẳng thắn về những gì đang xảy ra trong đời sống xã hội đương đại. Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh đã góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới văn học Việt Nam đặc biệt là đổi mới truyện ngắn đương đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Huỳnh Phan Anh, (1999), Không gian và khoảnh khắc văn chương, NXB Hội Nhà Văn.

2. Phan Thị Vàng Anh, (1993), Tập truyện ngắn Khi người ta trẻ, NXB Hội nhà văn Việt Nam.

3. Phan Thị Vàng Anh, (1995), Tập truyện ngắn Hội chợ,NXB Trẻ.

5. Nguyễn Thị Bình, (2003), “Một vài nhận xét về quan niệm hiện thực trong văn xuôi nước ta từ sau 1975”, Tạp chí Văn học, Số 4.

6. Nguyễn Thị Bình, (2001), “Cảm hứng trào lộng trong văn xuôi sau 1975”,

Tạp chí Văn học, Số 4.

7. Nguyễn Trọng Bình, “Đặc trưng ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư”, nguồn: http://www.viet-studies.info/NNTu/NNT_NguyenTrongBinh_3.htm, truy cập ngày 12/03/2016.

8. Mạc Can, (2010), Tuyển tập Mạc Can, NXB Thanh Niên.

9. Nguyễn Minh Châu, (1987), “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, Báo Văn nghệ.

10.Đỗ Duy, “45 câu chuyện và một bức tường”, nguồn:

http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx/Index.aspx?ArticleID=461819 &ChannelID=61, truy cập ngày 9/3/2016.

11. Đỗ Hoàng Diệu, “Tôi chưa bao giờ có ý định viết về sex”, nguồn: http://www.thotre.com/luutru/index.php?menu=detail&mid=48&nid=190, truy cập ngày 11/03/2016.

12.Hà Minh Đức (chủ biên), (2003), Lí luận văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

13.Nhiều tác giả, (2001), Truyện ngắn bốn cây bút nữ, NXB Văn học. 14.Nhiều tác giả, (2004), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, NXB. Giáo dục, H. 15.Nhiều tác giả, (2000), Nghệ thuật truyện ngắn và ký, NXB Thanh niên, Hà Nội.

16.Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục.

17.Nguyễn Chí Hoan, (2004), “Bơ vơ trong cái đời thường (Đọc truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh - Nguyễn Trọng Nghĩa)”, Người Hà Nội Nguyệt san, Số 4.

18.Nguyễn Thị Thu Huệ, (2004), 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, NXB Hội nhà văn.

19.Nguyễn Kiên, (1992), “Truyện ngắn làm gì cho cuộc sống hôm nay”, Tạp chí Tác phẩm mới, Số 2.

20.Mai Khanh, “35 năm “Mèo con đi học”, nguồn:

http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/35-nam-meo-con-di-hoc- n20110119162331107.htm, truy cập ngày 7/3/2016.

21.Lý Lan, Một thằng nhỏ, nguồn:

http://lmvn.com/truyen/?func=viewpost&id=AHlrLcsP2ynUDwfQIXlfrgxBR t8AdhOe, truy cập ngày 7/3/2016.

22.Nguyễn Danh Lam, “Các nhân vật của tôi đều vô danh”, nguồn:

http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nguyen-danh-lam-cac-nhan-vat-cua- toi-deu-vo-danh-n20100407092248154.htm, truy cập ngày 7/3/2016.

23.Tuyết Ngân, (2001), “Phan Thị Vàng Anh và Trần Thanh hà, hai phong cách truyện ngắn trẻ”, Báo Văn nghệ trẻ, Số 8.

24.Vương Trí Nhàn, “Phan Thị Vàng Anh”, nguồn:

http://vuongdangbi.blogspot.com/2008/10/phan-th-vng-anh.html, truy cập ngày 7/3/2016.

25.Vương Trí Nhàn, (1998), Sổ tay truyện ngắn, NXB Hội nhà văn, H. 26.Nguyễn Trương Quý, “Sự quyết liệt có “mác” Vàng Anh”, nguồn:

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20111024/su-quyet-liet-co- mac-vang-anh/461819.html, truy cập ngày 7/3/2016.

27.Lê Dục Tú, “Đội ngũ nhà văn viết truyện ngắn đương đại”, nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/Phe-binh-van-nghe/Doi-ngu-nha-van-Viet- Nam-viet-truyen-ngan-duong-dai-1506.html, truy cập ngày 7/3/2016. 28.Nguyễn Ngọc Tư, (2005), Cánh đồng bất tận, NXB Trẻ.

29.Bùi Việt Thắng, (1999), Bình luận truyện ngắn, NXB Văn học, Hà Nội, tr.169.

30.Bích Thu, (1996) “Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975”, Tạp chí

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 67 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)