Giọng triết lý

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 62 - 65)

2. Những khuôn hình cuộc đời rạn vỡ

3.3.1. Giọng triết lý

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “Giọng điệu là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học. Nó đòi hỏi người trần thuật, kể chuyện hay nhà thơ trữ tình phải có khẩu khí, có giọng điệu. Giọng điệu trong tác phẩm gắn với cái

giọng “trời phú” của mỗi tác giả, nhưng mang nội dung khái quát nghệ thuật, phù hợp với đối tượng thể hiện” [16, tr.135].

Trong văn học, giọng triết lý thường xuất hiện nhằm góp phần phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống và thông qua đó hình thành lên triết lý trong tác phẩm. Đọc truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, có thể nhận thấy hầu hết giọng triết lý ở trong đó đều khá giản dị, sâu sắc mang tính phổ quát về cuộc sống con người và mang màu sắc nhân văn. Bằng những chiêm nghiệm đúc kết từ thực tế cuộc sống của bản thân, các tác giả đã phổ vào mỗi câu chuyện một bài học một triết lý sống góp thêm cho cuộc đời những quan điểm, kinh nghiệm sống đầy giá trị.

Cũng như các nhà văn khác cùng thời, Phan Thị Vàng Anh nhận thức rõ về tầm quan trọng của giọng điệu nghệ thuật trong tác phẩm. Chị quan tâm đến việc tạo ra cho truyện ngắn của mình một giọng điệu, thứ giọng điệu có khả năng khiến người đọc có thể “Làm quen với cái thế giới vốn rất gần gũi và cũng rất xa lạ của những tâm hồn trai gái, những ưu tư, những quan hệ ràng buộc, những biến cố không ngoài cuộc sống đời thực, thường ngày trong những không gian rất đỗi quen thuộc” [2, tr.5].

Nếu giọng triết lý trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư mang đậm tình người về cuộc sống, con người Nam Bộ kiểu như: “Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn” [28, tr.213] thì với Phan Thị Vàng Anh, giọng triết lý trong truyện ngắn của chị lại có xu hướng gần gũi với đời thường bằng sự chuyển tải cách sống, cách yêu, cách thể hiện bản chất… của con người trong từng tác phẩm. Giọng triết lý trong truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh thường đúc rút những chiêm nghiệm về cuộc đời đủ để thấm sâu vào tâm hồn người đọc. Nó chứa đựng cách suy ngẫm riêng của tác giả về lẽ đời, về con người. Nó là sự nhận thức sâu sắc về

bản chất cuộc sống, con người trong sự đa dạng nhiều chiều để giúp con người, trong chừng mực nào đó, có thể tự hoàn thiện mình.

Giọng triết lý trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh đã phát huy tác dụng của nó khi thể hiện những suy tư, trăn trở về cuộc sống, con người, tình yêu và hạnh phúc của những cô gái mới lớn. Đó có thể là sự mãn nguyện của Thái Anh trong Phục thiện về cuộc sống khác hẳn so với trước đây của mình “tôi hài lòng vì mình đã không bắt nạt ai và cũng không ai bắt nạt mình, và theo cái lẽ thường tình, khi anh lùn không thể mặc những bộ quần áo dài, anh ta sẽ thèm thuồng ngắm nhìn những người cao diện chúng. Tôi cũng vậy, vì quyết tâm trở thành một “người khác”, tôi phải vứt đi những ý thích bốc đồng cùng vô vàn trò bạt mạng” [4, tr.54]; Đó cũng có thể là sự am hiểu trẻ con của chị Hoa trong Bỏ trường “đâu phải ai chủ nhiệm cũng được bọn nó rủ đi chơi, thật ra, thẳng thắn và nhạy cảm nhất là trẻ con, chúng nó chọn ra trong đám người lớn, ai bạn, ai thù, không bao giờ lầm cả” [4, tr.127]; Từ sự mâu thuẫn trong tâm hồn của các cô gái mười chín, đôi mươi “Ở cái tuổi này người ta điên đến mức nào, ngông cuồng đến mức nào và cần có bạn bè an ủi biết bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ” [4, tr.47], “chuyện nào cũng quay về chuyện tình yêu” [4, tr.14]. Giọng triết lý ấy khiến người đọc nhận ra được những cung bậc cảm xúc vừa rất chín chắn vừa đẫm ắp nông nổi của những người trẻ tuổi. Mỗi nhân vật, mỗi con người, cứ thế “Cuối cùng, những tình cảm vui buồn đến mấy cũng chỉ có thể trở thành kỷ niệm chứ không thể trở thành kinh nghiệm. Vậy thôi” [4, tr.87]. Thông qua giọng triết lý, truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh đã làm rõ những nét tâm lý đặc trưng của một lớp người trẻ tuổi đang loay hoay tìm kiếm những chân lý cuộc đời và rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình.

Giọng triết lý sắc sảo trong truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh là kết quả của những tìm tòi, đúc kết, những bài học, những kinh nghiệm mà nhà

văn thu hoạch được từ cuộc đời. Nó cũng chứng minh sự am hiểu, linh hoạt của nhà văn trong quá trình khám phá, phát hiện những biểu biện, diễn biến của tâm lý lứa tuổi, giới tính, tâm hồn nhân vật. Trong hai tập truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, tính cách của những người trẻ tuổi đặc biệt là các cô gái đã được khám phá một cách vô cùng sâu sắc. Giọng triết lý của tác phẩm, vì thế, mang chứa được trong nó nhiều ý nghĩa, giá trị nhân văn quan trọng.

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)