5. Bố cục khóa luận
2.1.2. Những tâm thế hoài nghi
Trong một xã hội mà các trào lưu, xu hướng mới, lạ đang chi phối rất nhiều đến tâm trạng, tinh thần con người, sự nhìn nhận cuộc sống của những người trẻ tuổi rộng mở hơn, phóng túng hơn với nhiều hoài bão, ước mơ hơn nhưng cũng nhiều hồ nghi, mất phương hướng hơn. Trong sự quan sát của Phan Thị Vàng Anh, tuổi trẻ dường như đang đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Các nhân vật trẻ tuổi của Phan Thị Vàng Anh có tính cách, số phận riêng nhưng họ giống nhau ở tâm hồn nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Dường như, họ cứ hồn nhiên sống đến mức bản năng để rồi không hiểu được bản chất của mọi thứ đang diễn ra, đang xảy ra với mình. Chính vì thế, cảm giác hoang mang, nghi ngờ tất cả luôn thường trực trong đầu họ.
Trong sự thiếu vắng hiểu biết về cuộc đời, những người trẻ tuổi cảm thấy mơ hồ trong tình cảm của mình, hồ nghi cả những điều to lớn như lý tưởng sống, văn hóa đến những điều gần gũi, quen thuộc, của riêng mình. Quen tự do trong thế giới thơ ca và đàn hát, khi quyết định đi làm ở bệnh viện, một nơi mà “mỗi sáng bật dậy đúng giờ không cần đồng hồ” [4, tr.212], Giang “không hiểu mình sẽ gắn với nó được bao lâu” [4, tr.212]. Giang nghi ngờ sự gắn bó với công việc của chính mình, nghi ngờ “cái nhìn của mọi người có vẻ ngờ rằng tôi phải cận lực để lấy lòng cơ quan mới” [4, tr.213]. Ngay cả trong những cuộc vui, Giang cũng nghi ngại “Tôi biết làm gì góp vui đây nhỉ, hay là cũng đọc thơ, mà lâu nay tôi lại không thể làm thơ, khốn thật!” [4, tr.217]. Sự nghi ngờ bản thân mình khiến Giang không thể xác định được những gì đang diễn ra với cuộc đời cô. Tương tự như vậy, trong tâm hồn của nhân vật “em” trong truyện ngắn Si tình, tình yêu là một cái gì đó mông lung,
không xác định. Sau hai năm nhìn lại, nhân vật “em” chợt nhận ra trong những trang nhật ký của mình “Không phải tờ nào cũng viết về anh, em sửng sốt vì thấy rằng mình cũng có lúc đau lòng vì người này, người nọ, khi đã có anh” [4, tr.51]; “Em cũng nghi lắm (kinh thật, sao em có thể chịu đựng được tình trạng phập phồng này trong suốt hai năm nhỉ?)… Rồi cũng như những lần trước, em nằm vật ra, úp mặt vào cái chăn lông vịt, thấy mình như chết lặng đi, em nghĩ: “Hết rồi!” [4, tr.49]. Và không biết, không thể biết mình phải làm gì, nên làm gì với tình yêu ấy.
Có thể thấy, trong tâm hồn của những người trẻ tuổi như Giang (Ngày ong hóa bướm), Mai Hoa (Yêu), mọi thứ đều trở nên mơ hồ, mất dần ý nghĩa. Nhưng họ không chỉ hoài nghi những điều xung quanh. Còn hơn thế, họ nghi ngờ cả sự chân thật của chính mình! Nhưng câu hỏi “Hay mình mất dạy thật?” [4, tr.80], “tôi tự hỏi, những lời chúc của mình có chân thành không?” [4, tr. 62]… xuất hiện trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh là những bằng chứng đầy thuyết phục về tâm thế hoài nghi của những người trẻ tuổi trong truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh nói riêng, con người hiện đại nói chung.
Với khả năng bắt nhịp kịp thời những vấn đề thời sự bộn bề, ngổn ngang của cuộc sống, cùng với sự tinh nhạy trong nhận diện những mâu thuẫn khác nhau trong đời sống và những xung đột trong tâm lý của tuổi trẻ, Phan Thị Vàng Anh đã phản ánh một cách sâu sắc và nổi bật tâm thế hoài nghi của con người. Ngòi bút sắc sảo của chị đã kỹ càng phân tích, chỉ ra nguyên nhân tạo nên trạng thái tâm lý ấy. Tác phẩm của Phan Thị Vàng Anh, vì thế, chứa đựng trong nó những thông điệp nhân văn sâu sắc.
2.1.3. Những khát khao phục thiện
Mặc dù những người trẻ tuổi trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh là những con người có tính cách thất thường “chơi rất nhiều và học cũng rất
nhiều, không bao giờ làm việc gì đến nơi đến chốn,… thích đấy rồi lại chán đấy” [4, tr.42] nhưng ở họ cũng luôn tồn tại một ý chí vươn lên trong cuộc đời. Trong họ những quyết tâm “kể từ mai phải học”, “phải làm lại từ đầu”, “tôi sẽ “phục thiện”… vẫn thường xuyên hiện diện.
Cuộc sống hiện đại đã ảnh hưởng rất lớn đến lớp trẻ, từ suy nghĩ đến hành động, lối sống, cách cư xử… Chỉ có đối diện trực tiếp với cuộc sống, va chạm, cọ xát với nó, con người mới có thể tìm lại được chính bản thân mình để có thể hiện diện giữa cuộc đời trong tư thế của một con người đúng nghĩa. Chính vì vậy, trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, có thể nhận thấy, đằng sau những câu chuyện buồn về cuộc sống, sự bi quan, chán nản của con người về các vấn đề mà họ đang phải đối mặt và cố gắng lý giải… là một tinh thần hướng thiện rất đáng trân trọng của những người trẻ tuổi. Phan Thị Vàng Anh không chỉ chú ý tìm tòi, lột tả và thể hiện đầy đủ, nguyên vẹn cuộc sống của những người trẻ tuổi trong xã hội đương đại, chỉ ra nguyên nhân tạo ra thái độ dửng dưng, trạng thái cô đơn,… của họ mà còn bày tỏ một cách quyết liệt quan điểm của mình trước thực trạng ấy. Nghĩa là, những người trẻ tuổi cần phải tìm cho mình những con đường, những cách thức để sống đúng nghĩa, làm cho cuộc đời trở nên đẹp đẽ, giàu ý nghĩa.
Tuy nhiên, hành trình để đến với cái thiện, để có thể hướng đạt chân- thiện-mỹ trong cuộc đời không hề đơn giản. Bằng chứng là sự thức nhận bản thân, suy tư, trăn trở về giá trị cuộc đời mình của các nhân vật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh đã khiến người đọc cảm thấy xót xa. “Một năm nữa tôi sẽ ra trường và vốn ngoại ngữ bao nhiêu năm được một người lái xe tóm tắt bằng mấy chữ. Và tôi đã khóc, nhớ rằng lâu lắm rồi tôi không khóc cũng như lâu lắm rồi không học cho ra học” [4, tr. 162].
Những người trẻ tuổi sau sự phung phí thời gian của mình vào những trò vui chơi đã có lúc giật mình thảng thốt nhận ra mình đã “chơi rất nhiều”
và đã đi gần hết đời người: “Trời ơi, tôi nghĩ, người ta không thể “chết là hết” được. Từ khi cha mất, ý nghĩ “chết là hết” này đeo đuổi tôi. Tôi sợ lắm…Một lần…một đứa bạn giờ cũng đã xa tôi chỉ một căn nhà trước mắt… “V.A nhìn kìa, cái nhà ấy cũng giống như cái chết, chúng mình ai cũng phải đi đến đấy. Trên đường đi làm đủ việc: yêu, ghét, bon chen, kinh thật! Trước sau cũng phải chết… Thế nên Ng. cố học thật nhiều, cố làm thật nhiều… Tôi sực tỉnh. Ờ, tôi đã chơi rất nhiều, chủ yếu là lơ vơ ngồi nơi quán, đầu trống không, về đến nhà là vật ra ngủ. Tôi đã hai mươi hai, đi hết một phần ba đời người (nếu trời cho tôi sống đến sáu mươi sáu)” [4, tr.27].
Trong thế giới nhân vật của truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh thường xuất hiện một kiểu nhân vật thuộc về cái tôi mới lớn với tâm hồn và thể xác bất ổn, luôn dao động và thực thi những trò tinh quái (trong Con trộm) song họ cũng luôn trăn trở với lẽ đời, với thực tại, quá khứ và tương lai (trong Đi thăm cha). Trong từng ngóc ngách sâu khuất của tâm hồn, họ mong muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn (trong Phục Thiện). Điều này, lý giải tại sao trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh lại xuất hiện kiểu nhân vật mang những nét tính cách lưỡng diện. Thực chất đó là những mảnh ghép của con người “nửa hướng thiện và nửa hướng ác”, khuôn mặt khác của cái tôi khát khao phục thiện.
Đọc truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, thấm cái nỗi băn khoăn “Không hiểu từ nay về sau, những buổi lễ hoài cổ như sáng nay biết tìm ai cho hợp mà rủ theo bây giờ?” [4, tr.148] sau khi rời buổi tế đình trong Hoài cổ của những người trẻ tuổi khiến người ta tin rằng, tình yêu, sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc vẫn còn in đậm trong tâm não lớp trẻ. Đây chính là một câu hỏi mang tính phản biện sâu sắc mà Phan Thị Vàng Anh muốn chuyển tải trong truyện ngắn của mình. Tương tự như thế, lời thúc giục của con gái “thế thì những người biết đúng về chiến tranh như mẹ viết đi…” [4,
tr.236] là một thức động khiến những bậc cha chú cảm thấy cần phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình với cuộc sống. Vấn đề là họ cần được sát lại, hiểu biết, gắn bó để mà trân trọng, ngưỡng vọng nó.
Phan Thị Vàng Anh không hề đơn giản hóa cách nhìn nhận, khám phá quá trình phục thiện của con người. Việc chuyển trường của Thái Anh trong
Phục thiện, chứng tỏ khao khát phục thiện của cô: “tôi thấy mình cần phải làm lại từ đầu, phải trở thành một người khác, một người khác như thế nào tôi chưa rõ, nhưng phải khác!...” [4, tr.29]. Chuyển trường là để quên đi “quá khứ” nghịch ngợm của mình: “Và tôi mơ, ở một ngôi trường hoàn toàn lạ, không ai biết tôi là ai, tôi sẽ phục thiện mà không bị ai giám sát” [4, tr30]. Nhưng ở trường mới Thái Anh lại vỡ ra nhiều điều. Đó là lúc Mỹ, người bạn mới “trổ hết tài nghệ của đôi tay xoa xoa, giật giật trên trán, trên thái dương, được vài phút cũng kêu lên: “Trời ơi! Gió quá trời! (Tôi lấy làm lạ, sao Mỹ lại có thể tìm được “gió” từ một con bệnh không phải tại “gió” như tôi?” [4, tr.32]. Cái nhìn và cách bày tỏ cái nhìn của Phan Thị Vàng Anh về quá trình phục thiện của con người thật là độc đáo. Từ trong câu chuyện nhỏ, một vấn đề lớn của con người được khám phá: hành trình hướng thiện của con người không hề giản đơn, khi trên con đường tìm về cái thiện ấy, rào cản là bao nhiêu gian dối, tồi tàn vẫn hằng hiện hữu.
Khi tái hiện một cách sâu sắc kiểu nhân vật bi kịch này, Phan Thị Vàng Anh còn phát hiện trong sâu thẳm tâm hồn những con người ấy nỗi khát khao được thấu hiểu và được sống đúng với chính mình.
2.2. Những khuôn hình cuộc đời rạn vỡ
2.2.1. Rạn vỡ niềm tin, lý tưởng
Trong truyện ngắn của mình, Phan Thị Vàng Anh đã đặc biệt chú ý diễn tả những cảm nhận rất riêng về sự lẻ loi, hời hợt của tình cảm, những
đứt gãy các giá trị cuộc sống và sự mong manh của các mối liên hệ của con người trong đời sống hiện đại. Để có thể bóc tách những khía cạnh đời sống hiện đại một cách bản chất nhất, Phan Thị Vàng Anh đã tạo ra trong tác phẩm của mình những nhân vật là những thanh niên mới lớn với trạng thái tâm lý bất ổn. Đó là những con người đời thường mang tính cách lưỡng diện, vừa hành động có ý thức, vừa sống rất bản năng. Các nhân vật trong Con trộm, Đi thăm cha… chính là dáng dấp, hình ảnh của con người đời thường với những trạng thái tâm lý không đồng nhất, luôn trăn trở với lẽ đời, với thực tại, quá khứ và tương lai.
Nếu truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ hầu như chỉ gói gọn vấn đề trong quan niệm về hạnh phúc, tình yêu thì các tác phẩm truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh lại mở ra nhiều khía cạnh khác nhau với một sức gợi sâu và rộng. Chúng chứa đựng nỗi băn khoăn, day dứt của nhà văn về sự khác biệt lối sống, nhân cách, tình cảm và lý tưởng của con người với nhau.
Cuộc sống hiện đại mở ra trước mắt những người trẻ tuổi bao nhiêu điều mới lạ. Đó là một sân chơi hấp dẫn và nhiều thử thách mà ở đó mỗi con người đang thực hiện cuộc chơi, say mê, hết mình nhằm thỏa mãn bản thân. Nhưng cái Hội chợ cuộc đời đầy mời gọi ấy đã làm nản lòng bao người. Tất cả những gì vốn rất gần gũi, quen thuộc nhiều khi bỗng trở nên lạ lẫm, khác biệt không ngờ. Những quan hệ ràng buộc, những biến cố cuộc đời, những tình yêu trai gái, tình bạn, tình người… đã quấn riết lấy họ, khiến cho họ trở nên mất phương hướng, loay hoay, bế tắc.
Khi không còn ước mơ hoài bão, không màng tương lai, hạnh phúc, sống thờ ơ, lãnh đạm trước cuộc đời, con người dần trở nên nhạt nhòa. Sự tồn tại với họ, bỗng trở nên thật vô nghĩa với những hoàn cảnh sống, lối sống riêng biệt, rời rạc, không thể kết nối được với nhau. Trong họ, những giá trị tinh thần đang bị đảo lộn. Tình yêu vốn được coi là tình cảm thiêng liêng
bỗng chốc bị đem ra làm trò đùa, tình cảm gia đình bị xem nhẹ, đạo lý của dân tộc bị làm cho hoen ố. Nhân vật Khanh trong truyện ngắn Nhật ký chỉ thấy dửng dưng khi đối diện với cuộc sống. Cô cảm thấy “Hoàn toàn trống rỗng trong đầu”, “không thấy nẩy ra câu hỏi nào, băn khoăn nào về bài học” [4, tr.158], “hoàn toàn dửng dưng, sự dửng dưng mà tôi cố đẩy ra mà không được…” [4, tr.159]. Với Khanh, cuộc sống lặng lờ như một vở kịch không cao trào để nếu “Bây giờ mà chết cũng không có gì để tiếc!” [4, tr.162]. Khanh không hề cảm thấy rung động trước một sự vật hay sự việc gì, không vui cũng chẳng buồn. Cô đang chết dần ngay trong khi còn sống.
Cuộc sống càng văn minh hiện đại, càng náo nhiệt, sôi động bao nhiêu thì con người càng cô đơn, lạnh lẽo bấy nhiêu. Trong các nhân vật truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, nỗi “cô đơn giữa chốn đông người” [4, tr.11], “sự cô độc giữa đám người quen” [4, tr.11] trở thành yếu tố lớn chi phối cuộc đời họ. Họ “không nhận ra được ai quen, ai lạ trong đám đó” [4, tr.80], và trong thẳm sâu tâm hồn của mình, họ “tự nhiên thấy sợ hãi” [4, tr.80], tự nhiên ngờ vực chính mình: “Hay mình mất dạy thật?” [4, tr.80].
Có thể nói, truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh là những cảm xúc được viết nên từ sự trải nghiệm. Ở đó, tồn tại những con người mang trong mình trái tim cô đơn, buồn bã, không thể chia sẻ cùng ai. Họ tồn tại một cách mờ nhạt, xa lạ với cuộc sống xung quanh. Sự “tồn tại” mà chưa “sống”. Chính cách ứng xử của họ với cuộc đời khiến cuộc sống của họ càng lúc càng trở nên “u ám” hơn. Và chính cách ứng xử của họ với sự nhàm chán, vô vị của cuộc sống đã làm cho cá tính của họ thui chột dần. Điều này có thể lý giải được. Bởi khi con người được quan niệm như một ý thức, một tiếng nói, một chủ thể độc lập, những trải nghiệm khiến họ trưởng thành dần lên về mọi mặt nhưng khả năng đối thoại cùng nhau càng ngày càng giảm sút, con người sẽ lùi dần vào thế giới riêng của mình. Họ trở nên cô đơn, lạc lõng, mất phương
hướng giữa cuộc đời. Nhân vật Khanh trong Nhật ký luôn ở trong trạng thái không rõ vui hay buồn và không hề có cảm giác có thể được coi là một minh chứng: “Nguyện hỏi: “Uống gì đây Khanh?” - “Gì cũng được!”; “sao Khanh có vẻ buồn vậy?” Tôi cười: “Có buồn gì đâu!”; “Khanh đang nghĩ gì trong đầu?” Tôi thật thà “Chẳng nghĩ cái gì cụ thể cả!”; “Vì sao Khanh không bao giờ nói cho Nguyện nghe, Khanh đang vui cái gì, buồn cái gì?” Tôi cười: “Vì Khanh không rõ mình đang vui hay đang buồn!” [4, tr.158 - 159]... Có thể nói, chính những suy nghĩ thật nhất được nhân vật trực tiếp phát ngôn mà không hề che giấu này đã làm nổi rõ bản chất của con người. Rõ ràng, cuộc sống đã u ám, buồn tẻ hẳn đi khi con người đang ngày càng có xu hướng bị co cụm, không thể kiếm tìm bất kỳ sự đồng cảm, chia sẻ nào.
Trong truyện ngắn Kịch câm, khi miêu tả tâm trạng của người cha phản bội gia đình, Phan Thị Vàng Anh đã không hề lên án người đàn ông ấy mà tỏ ra thấu hiểu nỗi đau khổ, sự ân hận, day dứt đến tột cùng của ông ta. Tác giả đã diễn tả cảm xúc của người đàn ông ấy bằng những cung bậc rất khác nhau.