2. Những khuôn hình cuộc đời rạn vỡ
3.1.2. Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật
Theo Hà Minh Đức trong Lí luận văn học thì “Ngoại hình là một khái niệm để chỉ hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong… tóm lại, là toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật” [12, tr.134]. Qua đặc điểm ngoại hình của nhân vật, nhà văn có thể giúp người đọc phân biệt, nhận dạng bề ngoài con người đồng thời góp phần thể hiện tính cách nhân vật cũng như nhận biết quan niệm nghệ thuật của tác giả trong tác phẩm của họ. Không là ngoại lệ, Phan Thị Vàng Anh cũng miêu tả ngoại hình nhân vật của mình thông qua hình dáng, cử chỉ, hành động. Việc miêu tả này giúp
người đọc phần nào hình dung ra bức chân dung đầy đủ và trọn vẹn về suy nghĩ, cuộc sống của thế hệ trẻ trong xã hội hôm nay.
Trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh thường xuất hiện những khuôn mặt của “một đứa con gái ngăm đen, đeo đầy vàng”, “bọn con trai quê đen nhẻm” đối lập với “Mấy thằng lô tô đi nhiều mà trắng thấy ghê há!” [4, tr.113], “Mặt Tường non choẹt, răng khểnh dùng vào việc nhe ra trêu tôi hơn là dùng để cười duyên” [4, tr.17 - 18], những “con mắt mở to trong sáng” [4, tr.5] của những đứa trẻ em, “đôi mắt ướt át” [4, tr.6] của anh bí thư Đoàn phường… Phải công nhận là Phan Thị Vàng Anh đã biết chọn những chi tiết “đắt” để làm nổi bật hình dáng, cử chỉ, hành động của nhân vật. Việc chú trọng khai thác ngoại hình của nhân vật đã góp phần tạo nên diện mạo cho nhân vật đồng thời lột tả phần nào tính cách, số phận của nhân vật trong mỗi câu truyện. Cũng chính nó đã giúp Phan Thị Vàng Anh tạo ra một thế giới nhân vật hết sức thú vị, góp phần không nhỏ vào thành công của chị.
Trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, thế giới nội tâm đầy phức tạp và bí ẩn của nhân vật là đối tượng chính được tác giả quan tâm khám phá. Nhà văn thường để các nhân vật suy nghĩ về cuộc đời nhiều hơn là để cho họ bộc bạch. Và để có thể lột tả một cách sâu sắc những đặc điểm nổi bật trong tính cách nhân vật của mình, Phan Thị Vàng Anh thường sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm ngay sau các đối thoại của các nhân vật.
Trong Chị em họ, có thể nhận thấy thủ pháp độc thoại nội tâm xuất hiện sau đối thoại khiến người đọc phần nào hiểu được tính cách của nhân vật Thùy. Khi về giỗ ông, “Hà đứng xa xa, hỏi: “Chị Thùy có cần gì không, em phụ?” Thùy bảo: “Không! Xong hết rồi!” Hà lên nhà trên, các dì, chú lại khen Hà giỏi, nghe đâu lại mới đi thi gì đó cho trường. Thùy đổ chậu nước, nó nghĩ: “Không ai biết rõ nó bằng mình. Nếu mình kể ra nó ích kỷ, nó không có bạn chơi, mọi người sẽ nói là mình ganh nó giỏi!” [4, tr.140]. Thủ pháp độc
thoại nội tâm dưới dạng tự bạch còn được Phan Thị Vàng Anh sử dụng để các nhân vật tự kể chuyện, bộc bạch những nỗi niềm, mong muốn của họ. Điều này thể hiện rõ khi nhà văn miêu tả nỗi tuyệt vọng của người con gái trong truyện ngắn Si tình khi nghĩ về tình yêu của mình “Em cũng nghi lắm (kinh thật, sao em có thể chịu đựng được tình trạng phập phồng này trong suốt hai năm nhỉ?)… Rồi cũng như những lần trước, em nằm vật ra, úp mặt vào cái chăn lông vịt, thấy mình như chết lặng đi, em nghĩ: “Hết rồi” [4, tr.49]. Hay trong truyện ngắn Kịch câm, khi những suy nghĩ, cảm xúc khác nhau liên tục xuất hiện, đan xen trong tâm hồn của nhân vật có người cha ngoại tình. Có lúc “nó nghĩ: Hay thật, mình bây giờ lại còn đạo đức hơn bố mình! Bây giờ, mà đi chơi nhiều, đàn đúm nhiều thì lại hư hỏng bằng nhiều. Mình càng nghiêm, ông cụ càng hãi, như vậy đã hơn… Có khi nó cười thầm “Đi giảng đạo đức đấy!” [4, tr.107 - 108]. Nhưng rồi, nó nhận ra rằng “Chẳng cần có bố cũng sống được!”, “cái đám mắt lồi chúng mình đây được yêu thương chẳng qua vì chúng mình là sản phẩm của ông bố này. Mẹ yêu bố gấp đôi tụi mình. Nếu bây giờ có một đám cháy, cho mẹ cứu một người duy nhất, hẳn là mẹ sẽ cứu bố” [4, tr.108]. Nó cũng cảm thấy thương hại mẹ: “Thôi giấu đi là vừa., mẹ hiểu quá chắc cũng chẳng làm gì được, và ngây ngô quá, chưa chắc đã khổ, chuyện lớn sẽ thành trò đùa, bố sẽ quen đi, rồi sẽ không ai sợ ai trong cái nhà này cả” [4, tr.108]. Và sau tất cả, nó “cảm thấy mình giống một tên “thừa nước đục thả câu”, nó cụt hứng, ngồi lặng lẽ bên đám bạn ồn ào, nó nhìn hàng dầu gió bên đường thả quả như những cái trực thăng tí hon và nghĩ: “Khốn nạn thật, nếu không có chuyện bẩn thỉu kia thì bây giờ phải đạp bán sống bán chết về nhà rồi!” [4, tr.109]. Tất cả những suy tư, trăn trở và day dứt của nhân vật được Phan Thị Vàng Anh lột tả một cách hết sức tự nhiên khiến nỗi cô đơn ẩn sâu trong tâm hồn nhân vật được bộc lộ khá sâu sắc, khơi gợi được sự đồng cảm trong người đọc. Tương tự, sau khi nói chuyện với ngoại, nhân vật
Nữ (Con trộm) “đã nghĩ cái câu: “Tại mình” như thế đến cả chục lần, mỗi khi ngoại đưa ra một biện pháp mới để phòng trộm” [4, tr.23].
Bên cạnh thủ pháp độc thoại nội tâm, Phan Thị Vàng Anh còn sử dụng hình thức nhật ký để làm nổi bật tính cách nhân vật. Thực ra, đây cũng là một dạng của độc thoại nội tâm. Tuy nhiên, hình thức nhật ký này có khả năng chi tiết hóa một cách hiệu quả những diễn biến cảm xúc của nhân vật. Từng mốc thời gian cụ thể cùng với những vận động, chuyển dời của mưa, nắng, còn, mất, tấm lòng, tình cảm… của người con được bộc lộ thật xúc động. “Chủ nhật, ngày mười lăm tháng sau âm lịch. Hôm nay rằm tháng sáu, mưa rồi tạnh, mưa rồi tạnh, tôi và Châu lên chùa. Cha tôi, bà của Châu, cháu tôi… nằm ở đây” [4, tr.25], “Chiều nay tôi lên chùa Vĩnh Nghiêm thăm cha. Một nắm tro lặng lẽ. Trời ơi, tôi nghĩ, người ta không thể “chết là hết” được. Từ khi cha mất, ý nghĩ “chết là hết” này theo đuổi tôi” [4, tr.27]. Những suy ngẫm về sự sống, chết của nhân vật, vì thế, có điều kiện để được khám phá một cách độc đáo. Tương tự, ở truyện ngắn Mười ngày, những suy nghĩ về người yêu và cảm xúc của An được ghi lại từng ngày từ 26 cho đến mùng Năm Tết âm lịch với những trạng thái, cung bậc tình cảm khác nhau. 26 Tết “Anh bảo: “Chiều nay về quê, mùng Năm anh lên”. Tôi làm tính nhẩm: Mười ngày. Mười ngày vừa Tết, vừa đợi bằng một ngàn ngày thường” [4, tr.55]. 27 Tết “Tôi bước vào bưu điện thành phố để bỏ lá thư đầu tiên cho anh. Khi phong bì chui tọt vào thùng thư “các tỉnh”, tôi bỗng thấy hụt hẫng” [4, tr.56]. 29 Tết “Tôi gửi cái thư thứ hai, hy vọng bưu điện làm việc đến 30 Tết, đủ kịp cho cái thư đầu tới tay anh”. 30 Tết “Con mèo đủng đỉnh ra chọn một khoảng đất sạch sẽ đầy nắng… Tôi nghĩ, nó hạnh phúc hơn tôi, nó không phải chờ đợi điều gì. Còn tôi, tôi đợi thư anh, sao đến giờ này vẫn chưa có” [4, tr.58]. Mùng một Tết, “Hàng xóm sang chúc Tết, như những người xa lạ vì những lời văn hoa. Tôi nghĩ, may mà mùng Một anh không đến, nếu đến chắc anh
cũng thành người lạ” [4, tr.60]. Rồi cuối cùng, đến mùng Năm “Thôi đủ rồi” [4, tr.63]. Rõ ràng, những cung bậc cảm xúc của người thiếu nữ đang yêu đã được Phan Thị Vàng Anh nhẹ nhàng làm bật nổi. Thông qua những cảm xúc ấy, tính cách nhân vật được khắc họa rõ nét. Từ trong những bước đi của thời gian cùng nỗi nhớ nhung, hình ảnh người phụ nữ với tình yêu mãnh liệt, sâu sắc, trẻ trung, vừa kiên định vừa thoáng chút dỗi hờn đã được bộc lộ. Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh tạo được ấn tượng cho người đọc cũng bởi trong nó thường xuất hiện những đoạn khúc miêu tả tính cách nhân vật đặc sắc như vậy.
Bên cạnh đó, Phan Thị Vàng Anh còn sử dụng biện pháp đối thoại trong độc thoại nội tâm nhằm thể hiện quan niệm nghệ thuật của mình và góp phần đi sâu hơn vào những khoảnh khắc tâm trạng của con người. Đây là những đối thoại trong độc thoại nội tâm ở truyện ngắn Si tình:“có lẽ em cảm thấy anh tốt quá, phần “nghĩa” của em đè nặng lên vai anh quá, nếu nói trắng ra: “Thôi nhé, tôi không yêu nữa”, thì có vẻ hơi kinh, nên anh chọn cách nhân đạo hơn, anh làm những việc không ra gì để em tự quyết định…” [4, tr.50]; “Đến lúc này, em đã có người yêu mới, một người làm em thanh thản đến mức có thể ngủ quên đến tận giờ hẹn mỗi tối thứ bảy, nghe tiếng gọi cửa, em bật dậy cười thầm: “thế này sao gọi là yêu?” Một người thật đến độ em không nỡ nói dối. Anh sẽ hỏi: “Còn nhớ không?” nhớ lắm chứ, nhớ đến phát điên” [4, tr.53]. Những suy ngẫm, trăn trở về tình yêu của nhân vật cứ miên man không ngừng, không sao dứt nổi. Nó tạo thành sự lôi cuốn, ám ảnh, thể hiện sự đồng cảm của Phan Thị Vàng Anh, đồng thời khơi gợi sự chia sẻ từ tâm hồn người đọc. Không chỉ khám phá tầng sâu kín của nội tâm nhân vật, việc khai thác triệt để ngôn ngữ độc thoại nội tâm còn giúp Phan Thị Vàng Anh tạo nên hiệu quả nghệ thuật, sự tự nhiên, giàu cảm xúc và màu sắc triết lí cho tác phẩm của mình.
Đa số truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh là những truyện không có chuyện. Vì thế, các biến cố của đời sống thường được làm mờ đi để tập trung vào những cảm nghĩ và suy tưởng của nhân vật. Điều này cũng hiện ra tương tự trong truyện ngắn của Y Ban. Nhưng nếu các nhân vật của Y Ban thường là những người phụ nữ già dặn, trưởng thành trong cuộc sống gia đình, luôn phải giằng co giữa một bên là bổn phận, một bên là khát khao của mình thì trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, các nhân vật thường là những người trẻ tuổi đang băn khoăn trước ngưỡng cửa cuộc đời. Sử dụng cách khơi sâu vào sự suy tư, trăn trở về cuộc đời, về tâm tư của con người trong thời gian trần thuật không trùng khít với thời gian lịch sử mà có sự đan xen, đồng hiện, có khi đảo ngược trật tự thông qua sự hồi tưởng của nhân vật, Phan Thị Vàng Anh đã không chỉ làm cho tác phẩm của mình trở nên ấn tượng mà còn lôi cuốn người đọc vào câu chuyện, cùng đồng hành với nhận vật trong mỗi tác phẩm.
Nhân vật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh thường được đặt trong những tình huống để trạng thái tâm lý “va chạm bình thường hàng ngày, những tình thế giao tiếp bình thường hàng ngày ai cũng nhiều lần trải qua và cái tình thế xảy ra truyện lại nằm trong tâm trạng, tính cách của nhân vật” [29, tr.43] được làm nổi bật. Thông qua đó, nhà văn có thể gợi ra cho nhân vật những suy ngẫm, phán xét, chiêm nghiệm về những gì đang diễn ra. Nhà văn đã tỏ ra rất linh hoạt khi làm nổi bật tính cách nhân vật. Trong tác phẩm của chị, có khi tính cách nhân vật được hiện ra bằng sự am hiểu về đời sống tâm lý trẻ con: “Trẻ con có một đặc điểm hơn hẳn người lớn là có thể nhanh chóng thay đổi những hành động của mình mà hoàn toàn không tự ái” [4, tr.29]; có khi lại có mặt bằng chính những rung động của tâm hồn mà phát hiện, đánh giá con người, cuộc sống. Điều này lý giải tại sao nhân vật Giang trong Sau những hẹn hò lại có thể tinh tế khẳng định: “những người đàn ông đã có vợ luôn luôn nói ra miệng những tình cảm yêu thương không có trong lòng, còn
các anh con trai chưa vợ luôn nói ra miệng những tình cảm hờ hững cũng vốn không có trong lòng” [4, tr.168 - 169].
Là những con người hiện đại, luôn vận động với khát vọng của chính mình các nhân vật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh không bao giờ bằng lòng với thực tại mình đang sống. Họ luôn ý thức làm thay đổi cuộc sống của mình. Để có thể làm nổi bật tâm lý tính cách của họ, Phan Thị Vàng Anh đã đào sâu mọi ngõ ngách, tâm tư, tình cảm phức tạp của họ, lật trở, khám phá những gì khó nắm bắt nhất xảy ra bên trong tâm lý con người, đặt họ trước những khó khăn, thử thách của cuộc đời để họ được trải nghiệm mà từ đó biết trân trọng hơn những gì đạt được. Cách làm này đã phát huy hiệu quả tốt trong việc khám phá tâm lý tích cách của con người trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh