Giọng hoài nghi, bất lực

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 65 - 67)

2. Những khuôn hình cuộc đời rạn vỡ

3.3.2. Giọng hoài nghi, bất lực

Nhà văn là người luôn ý thức được những ngổn ngang, bề bộn của hiện thực cuộc sống để không ngừng trăn trở, suy tư về nó. Khi cuộc sống và các mối quan hệ xã hội càng lúc càng dồn đuổi con người vào trạng thái bất an thì giọng hoài nghi và bất lực được các nhà văn đặc biệt chú tâm sử dụng. Hoài nghi, bất lực là giọng nổi bật trong hai tập truyện Khi người ta trẻ Hội chợ

của Phan Thị Vàng Anh thể hiện rõ thái độ của nhà văn đối với các vấn đề về quan niệm tình yêu, lý tưởng, sự bất an của con người…

Trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, giọng bất lực, buông xuôi được thể hiện rõ nét qua những cảm xúc được các nhân vật tự bộc lộ. Đó là nỗi tuyệt vọng của Chân “Tao muốn chết quách đi cho rồi! Vì sao những người hoàn hảo đều vội đi lấy vợ?” [4, tr.166]; là nỗi thất vọng của Giang khi nhận ra đàn ông không còn “không chấp nhặt và nhút nhát như bọn con trai, họ không kiêu căng và ghen tuông vớ vẩn!” Họ đã mất hết quyền để trở thành hoàn hảo. Họ không thể “làm những việc ấy với bất cứ ai, ngoài các bà vợ!” [4, tr.166]. Có thể nhận thấy trong tâm hồn của hai nhân vật Chân và Giang ngổn ngang những hoài nghi về người đàn ông trong đời họ. Tương tự trong truyện ngắn Khi người ta trẻ, giọng bất lực, hoài nghi cũng hiện rõ trong sự đau đớn, xót xa của các nhân vật khi họ buồn bã nhận ra những bi kịch của hiện thực đời sống. Tuy Xuyên biết rõ Vỹ là “anh “công tử Bạc liêu” đã có

một già nhân ngãi, non vợ chồng dưới Long Xuyên” [4, tr.42] nhưng “Cô không dám đề nghị một sự chọn lựa thẳng thừng ở Vỹ, sợ rồi Vỹ sẽ thẳng thừng chọn Ngân khi bị dồn vào chân tường” [4, tr.43]. Trong tình yêu đối với Vỹ, cô bất lực và chấp nhận “chịu đựng cảnh một gà hai mề” [4, tr.43]. Cô cho rằng đó chỉ là chơi cho vui nhưng cuối cùng, chính thứ tình yêu chỉ để chơi cho vui ấy lại trở thành bi kịch của đời cô.

Giọng hoài nghi, bất lực trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh biểu hiện rất đa dạng. Có khi nó hiện ra bằng những câu hỏi mang tính chất vặn vẹo lại chính mình, có khi qua những từ ngữ không chắc chắn như “hình như”, “dường như”, “có lẽ”,… Đặc biệt, nỗi hoài nghi, bất lực trong lòng của những người trẻ tuổi được Phan Thị Vàng Anh diễn tả bằng rất nhiều câu cảm thán kiểu: “thấy sao ai cũng kinh khủng quá, trơ tráo quá” [4, tr.80] hoặc những câu hỏi chất chứa những hoảng loạn, nghi ngờ về ngay chính bản thân mình “Hay mình mất dạy thật?. Tôi thấy mọi chuyện giống như trong mơ. Một ví von rất tiểu tuyết nhưng đúng là như vậy” [4, tr.80]. Không thể không nhận thấy rằng, chính chất giọng hoài nghi, bất lực này đã báo động với cuộc đời về sự đổ vỡ, băng hoại của các giá trị chuẩn mực trong đời sống. Nỗi băn khoăn, trăn trở, suy tư về trách nhiệm của con người trước cuộc đời, vì thế, được đặt ra, xoáy sâu đầy thao thiết trong các truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh.

Giọng hoài nghi bất lực trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh còn thể hiện rất rõ trong nỗi băn khoăn, hoài nghi của bản thân con người về các giá trị văn hóa dân tộc: “có lẽ, văn hóa truyền từ đời này sang đời khác cũng bị thất thoát như vậy” [4, tr.144], “không hiểu từ nay về sau, những buổi lễ hoài cổ như sáng nay biết tìm ai cho hợp mà rủ theo bây giờ?” [4, tr.148]. Trong sự mù mờ về văn hóa truyền thống, lớp trẻ càng lúc càng cảm thấy lạ lẫm và nhàm chán văn hóa. Nỗi bất lực, hoài nghi của họ hiện rõ trong giọng văn của

Phan Thị Vàng Anh. Bất hạnh gì hơn khi con người, đặc biệt là lớp trẻ không thể hiểu và họ cũng không muốn tìm hiểu văn hóa cội nguồn dân tộc!

Có thể nói, giọng hoài nghi, bất lực trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh đã giúp nhà văn thể hiện sự quan tâm của mình về những vấn đề nhạy cảm của thời đại. Đồng thời, nó cũng góp phần giúp nhà văn có thể làm nổi bật những khúc mắc còn khuất lấp trong quá trình nhận thức cuộc sống, nhận thức lại chính bản thân mình của các nhân vật trong tác phẩm. Qua đó, nhà văn hướng tới khơi mở những trăn trở, suy tư, nhận thức trong tâm hồn mỗi người đọc.

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 65 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)