Ngôn ngữ đậm chất đời thường

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 60 - 62)

2. Những khuôn hình cuộc đời rạn vỡ

3.2.2. Ngôn ngữ đậm chất đời thường

Tư duy nghệ thuật hướng vào đời tư, bám sát hiện thực đời sống của các tác giả, từ sau năm 1986, đã đẩy ngôn ngữ văn học phát triển theo một

hướng mới. Trong đó, nổi bật nhất là sự gia tăng tính đời thường trong ngôn ngữ văn chương. Trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, đời sống hiện thực được tác giả tinh nhạy nắm bắt và lột tả bằng một thứ ngôn ngữ nghệ thuật thấm đẫm chất đời thường, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

Trong văn học Việt Nam đương đại nói chung, truyện ngắn của các nhà văn nữ đương đại nói riêng đã xuất hiện nhiều lối nói mới mẻ với ngôn ngữ cập nhật sắc màu đời sống cụ thể. Nếu Lý Lan đã gây ấn tượng với người đọc bằng những cụm từ “cát xê”, “cao ốc”, “thư điện tử”… trong các truyện ngắn

Lắp ghép hạnh phúc, Tháng chạp, Công tử vườn…, Nguyễn Thị Thu Huệ với “chat”, “nối mạng”, “Tôi bán cái cát-xét lấy tiền bồi dưỡng cho bà” trong 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ… thì Phan Thị Vàng Anh cũng không xa lạ gì với lớp ngôn từ này. Có thể thấy trong truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, ngôn ngữ đời thường có khi hiện ra khá suồng sã. Các từ ngữ kiểu “nói trắng ra”, “biến đi”, “nằm thẳng cẳng”, “cáu tiết”, “nhớ đến phát điên”… xuất hiện với tần số khá dày trong các truyện ngắn viết về thế giới tình cảm của những người trẻ tuổi khiến người đọc thấy chúng rất gần với mình. Đặc biệt, ngôn ngữ đời thường đã phát huy tác dụng rất lớn khi nó được nhà văn sử dụng để miêu tả tính cách nhân vật. Rất nhiều các mẩu đối thoại của các nhân vật khi tức giận như “Chị đừng có ăn nói du côn như thế!” [4, tr.80], “Sao mày không cho cái con đạo đức giả ấy một bợp… “Không biết làm sao! Tụi này phải để tao xử luật rừng. Mẹ, đồ vô học!” [4, tr.83] hay khi bộc lộ những suy nghĩ cảm xúc kiểu “Con Thảo sắp về chuồng rồi, bỏ mẹ rồi!” [4, tr.99], “tôi ngượng nghịu nhìn quanh rồi cũng chuồn thẳng” [4, tr.56]… không chỉ làm cho diễn biến tính cách, những vấn đề của đời sống được lột tả một cách rõ nét mà còn tạo ra sự thân mật, rất đỗi tự nhiên cho những nội dung, ý tưởng được chuyển tải trong đó. Hơn thế, ngôn ngữ đời thường còn khiến tác phẩm của Phan Thị Vàng Anh trở nên dí dỏm, sinh động hơn hẳn. Như trong truyện

ngắn Đất đỏ, sự hào hứng của đám trẻ con và Hà hiện ra rất sinh động “Rồi rình rập nhau, trẻ con cay cú hờn dỗi, người lớn mưu mô, rồi la hét ầm ĩ, giường chiếu run bần bật” [4, tr.99]. Cả một không gian sống với đầy ắp những xôn xao, rộn rã của cuộc đời đã được miêu tả một cách khá nghệ thuật, góp phần không nhỏ vào sự thành công cho truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh.

Không khó để nhận thấy là, trong truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh cũng xuất hiện khá nhiều từ ngữ được phiên âm từ tiếng nước ngoài như “đèn nê-ông ” [4, tr.100], “list băng nhạc” [4, tr.72], “bọc ny-lông” [4, tr.111], “giấy ca-rô trắng muốt (…) cái băng-đô to bản” [4, tr.114], “Micro liến thoắng” [4, tr.114], “cổ xe mi-ni” [4, tr.115]… Việc sử dụng lớp từ này góp phần không nhỏ làm tăng tính đời thường, hiện đại cho ngôn ngữ truyện ngắn của nhà văn, khi mà tác phẩm của chị chủ yếu xoáy sâu vào thực trạng cuộc sống và con người đương đại.

Sự thật là, ẩn sau những đời thường mộc mạc, giản dị ấy là tiếng lòng, những khát khao được sống cuộc sống chân thành được Phan Thị Vàng Anh chọn lọc và gởi gắm. Việc sử dụng hợp lý, có giới hạn lớp ngôn ngữ này đã làm truyện ngắn được tận dụng tối đa khả năng phản ánh hiện thực. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ này, Phan Thị Vàng Anh không chỉ làm đa dạng, phong phú thêm ngôn ngữ nghệ thuật cho tác phẩm của mình, thu hẹp được khoảng cách giữa tác phẩm của mình với người đọc mà còn tô đậm thêm mối quan hệ gắn bó giữa văn chương và cuộc đời.

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 60 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)