Hoang mang về các giá trị truyền thống

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 40 - 44)

2. Những khuôn hình cuộc đời rạn vỡ

2.2.2. Hoang mang về các giá trị truyền thống

Trong một xã hội đang phát triển, những suy nghĩ, cảm xúc của con người có nguy cơ bị nền kinh tế nhào nặn lại. Nhịp sống nhanh, gấp của thời đại công nghiệp khiến con người trở nên quá bận rộn, không còn đủ thời gian để lắng nghe và chia sẻ. Song trong họ lại tồn tại khao khát cháy bỏng, muốn vượt qua những giới hạn cũ mòn để tự khẳng định mình. Chính tất cả những điều này khiến con người hiện đại ngày càng sống thu mình, sống khép kín, bí ẩn và cô đơn đến vô cùng. Nhận thức rõ điều này nên trong truyện ngắn của mình, Phan Thị Vàng Anh rất chú ý tới tâm trạng của con người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, trong sự đổ vỡ các giá trị. Chính vì thế, có thể nhận thấy truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh bàng bạc nỗi day dứt của nhà văn về một thế hệ “những người đang tự đánh mất mình”.

Những người trẻ tuổi trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh luôn cảm thấy tù túng trước những định kiến, ràng buộc của chuẩn mực xã hội. Nhân vật xưng “tôi” trong tác phẩm Người có học đã nhận thấy bên trong “chiếc áo Soie hồng kín cổ, tay phồng, một mái tóc kẹp dài lưng đoan trang, như một nhà đạo đức” [4, tr.80] kia là thói du côn, sự ngổ ngáo của những con người. Bằng sự trẻ trung, linh hoạt, nhạy cảm và nhạy bén của mình, những người trẻ tuổi nhận ra những khuôn mặt khác nhau của cuộc đời. Đằng sau những lộng lẫy, hào nhoáng của vật chất kia nhiều khi chỉ là những “trò diễn”, những điều không thật.

Trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, các nhân vật trẻ tuổi khó tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ, đặc biệt là từ phía người lớn. Mối liên hệ mật thiết giữa các thế hệ càng lúc càng có nguy cơ mờ nhạt, lỏng lẻo dần. Người lớn

lao vào cuộc mưu sinh, có khi là vì say mê vật chất, có khi là bởi sự thúc ép của trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình, con cái. Họ không còn thời gian để quan sát, suy nghĩ nhiều về bản thân, về thế hệ trẻ. Thêm vào đó, khoảng cách giữa các quan niệm, quan điểm sống, cách suy nghĩ ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cũng trở thành rào cản lớn để họ có thể tiến gần đến với lớp trẻ. Chính vì thế, trong mắt những người trẻ tuổi, người lớn thật lạnh lùng, xa cách, thiếu cảm thông. Họ trở nên khó có thể an ủi, động viên lớp trẻ. Mong muốn tìm hiểu quan điểm của người lớn đối với “giới mình” của Hoàn đã gặp phải hoặc là phản ứng gay gắt hoặc là sự thờ ơ của mẹ: “Tôi hỏi mẹ: “Nếu bồ mình lớn tuổi quá thì gọi là ông xưng em hả?”. Mẹ đang đếm tiền nên cáu: “Im đi, tao nhầm bây giờ, mà mày bồ với người lớn làm gì? Để con rể lại là bạn của tao với bố mày hả?” [4, tr.17]… “Tôi hỏi mẹ: “Mẹ này, yêu người nhỏ tuổi hơn thì buồn lắm nhỉ?” - “Không biết, sao chẳng bao giờ mày hỏi yêu người cùng tuổi thì như thế nào, lúc thì đòi chơi với ông già, lúc thì đòi chơi với trẻ con!”-“Không phải con mẹ ạ! Con bạn con”. Mẹ ngủ rồi, tờ báo rơi bên cạnh” [4, tr.20]. Sự thờ ơ đến vô tâm của người lớn đã khiến những người trẻ tuổi bị tổn thương. Họ còn thấy bị coi thường, bị tách biệt. Họ trở nên lạc lõng giữa đám đông, giữa gia đình. Gia đình mất dần giá trị là một tổ ấm, một chỗ dựa tinh thần, nơi nối kết những mối thâm tình, máu thịt. Hơn thế, nó làm nảy sinh bi kịch ngay trong chính gia đình. Nghĩa là, bi kịch trong gia đình không chỉ là những xung đột nảy sinh từ quyền lợi vật chất hay sự mâu thuẫn về tư tưởng mà nó hiện ra từ những vướng mắc mang tính cá nhân, thuộc về cá nhân con người. Nhân vật “tôi” trong truyện ngắn cảm thấy bị tổn thương khi nhận ra thái độ hờ hững của những người trong gia đình về cái chết của Xuyên: “Hai năm rồi, chẳng ai còn nhớ về cô rõ ràng nữa, ngoài bà… Bố tôi kết luận: “Con điên! Điên như nó không chết trước cũng chết sau!”. Mẹ tôi bảo: “Chắc có gì với thằng Vỹ rồi!”… Mẹ tôi lại bảo: “Vớ vẩn,

có đáng gì đâu?... Có đáng gì đâu? Đáng lắm chứ. Tôi bám vào cánh cửa, ngoài vườn mưa như giông. Nếu mẹ tôi hiểu ở cái tuổi này người ta điên đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ!” [4, tr.46 - 47].

Bằng tâm hồn của người trẻ tuổi, thấu hiểu, đồng cảm với những người đồng trang lứa, Phan Thị Vàng Anh đã sâu sắc chỉ ra những đổ vỡ trong tâm hồn lớp trẻ. Ở cái tuổi bắt đầu trưởng thành, những người trẻ tuổi cần được cảm thông, thấu hiểu. Những mâu thuẫn chồng chéo, những đối lập trong suy nghĩ của họ khiến họ trở nên dễ dàng mất phương hướng, lầm lạc. Sự nông nổi của tuổi trẻ càng trở nên nặng nề hơn khi hơi ấm của gia đình không còn làm cho họ bớt lạnh lẽo.

Khi cuộc sống mỗi ngày đều mang chuyển những nguy cơ, dẫu lớn hay nhỏ, có khả năng làm gục ngã những bức tường thành đạo lý, đạo đức vốn tưởng vô cùng bền vững thì sức mạnh tinh thần, thái độ trân quí đối với những điều tốt đẹp sẽ là tấm linh khiên giúp che đỡ, củng cố các giá trị tốt đẹp của con người. Sai lầm là có thể sửa chữa một khi mỗi thành viên, mỗi cá nhân trong gia đình, ý thức sâu sắc về danh dự, niềm tin và hạnh phúc của gia đình cũng như của chính mình. Sự thay đổi suy nghĩ và lối sống của mỗi con người trong xã hội hiện đại, vì thế, là một vấn đề quan trọng, cần được thấu hiểu.

Vẫn biết con người cần được thức tỉnh, tích cực giành cho mình những giá trị của cuộc đời. Những trải nghiệm từ thực tại, từ những ngổn ngang cuộc đời, từ cách sống, tình yêu, bản chất con người… khiến các giá trị truyền thống càng được nhận thức sâu sắc hơn. Nhưng càng nhận thức sâu sắc bao nhiêu, con người càng đau đớn khi phát hiện ra các giá trị ấy đang từng ngày rạn nứt và đổ vỡ.

Phan Thị Vàng Anh đã chỉ ra sự khác biệt rõ nét trong suy nghĩ và cách nhìn nhận giữa hai thế hệ. Người lớn thì nghi ngờ và tỏ ra không tin tưởng lớp trẻ. Với họ, ngưởi trẻ đã lãng quên và không am hiểu về chiến tranh. Còn người trẻ thì xa lạ với thế giới của người lớn và luôn muốn giễu cợt nó: “Mưa chắc sẽ rất to, tôi cản mẹ thôi đừng đi họp hưu trí. Mẹ bảo: “Không được đâu, một tháng có một lần!” Tôi cười: “Một lần! Các cụ họp chỉ bàn chuyện chôn nhau sao cho tình nghĩa!” Mẹ có vẻ giận, bảo tôi bớt ác độc đi. Tôi nói con không muốn mẹ đi, mẹ chưa đến nỗi quá già thế mà lần nào mẹ về con cũng thấy sọm lại, lần nào hỏi họp gì, mẹ cũng cười nhạo ông trưởng ấp toàn chuyện ma chay, hậu sự… Mẹ vẫn thay áo, bảo, con chưa hiểu, đó là thế giới người già” [4, tr.239]. Những quan niệm khác nhau giữa người lớn và thế hệ trẻ khiến cho khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng bị nới rộng. Điều này, là một trong những nguyên nhân làm gia tăng những nứt vỡ của các giá trị văn hóa, đời sống và những mối quan hệ của con người trong xã hội.

Không những thế, nhân vật An trong Mười ngày còn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi trước những quy tắc về những tập tục, thói quen truyền thống của cha ông … “Tôi thấy, hình như suốt mấy ngày qua, tôi chuẩn bị Tết không phải để cho gia đình tôi, tôi chuẩn bị cho những người khách chưa rõ mặt, cho một phong tục rắc rối không theo không được… [4, tr.58]. Dường như những giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị phai nhòa, không còn hấp dẫn đối với giới trẻ. Đây là một vấn đề gây đau đớn cho những người biết quan tâm đối với các giá trị văn hóa dân tộc. Phan Thị Vàng Anh đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh đối với con người, mong muốn mọi người biết bảo vệ những giá trị truyền thống mà ông cha ta đã xây dựng nên.

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH

QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ

Một phần của tài liệu ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN PHAN THỊ VÀNG ANH QUA HAI TẬP KHI NGƯỜI TA TRẺ VÀ HỘI CHỢ 10600949 (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)