Động lực làm việc

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của đội ngũ viên chức và người lao động tại trường tiểu học thắng nhì, thành phố vũng tàu (Trang 25 - 27)

Đã có rất nhiều cách tiếp cận và quan niệm khác nhau về động lực làm việc đã được các nhà nghiên cứu cả trong nước lẫn nước ngoài công bố, tiêu biểu là:

Một trong các định nghĩa đầu tiên về động lực làm việc có thể kể đến là định nghĩa của (Robbins, 1993) [26] “Động lực là sự sẵn sàng để phát huy nỗ lực

đạt mục tiêu cao nhất của tổ chức, với điều kiện là tổ chức phải có khả năng đáp ứng một số nhu cầu cá nhân”.

Theo Maier & Lawler (1973) [21], động lực lao động được hiểu sự khát khao và tự nguyện làm việc của mỗi cá nhân.

Một định nghĩa khác, theo giáo trình Quản trị nhân lực của tác giả Nguyễn Vân Điềm và Nguyễn Ngọc Quân [2]: “Động lực lao động là sự khao khát, tự nguyện của người lao động để tăng cường nỗ lực nhằm hướng tới một mục tiêu, kết quả nào đó”.

Nghiên cứu của Pinder (1998) [25] cho rằng động lực làm việc là một tập hợp các yếu tố bên ngoài và bên trong dẫn tới các hành vi liên quan đến việc thiết lập, định hướng hình thức, thời gian và cường độ của hành động. Định nghĩa này xác định ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như tính chất công việc, hệ thống khen thưởng của tổ chức,… và các yếu tố bẩm sinh của một cá nhân như động cơ và nhu cầu của một người … đến các hành vi liên quan đến làm việc.

Từ các khái niệm về động lực làm việc được trình bày bởi các tác giả như: Robbins, Maier & Lawler, Kreitner, Nguyễn Vân Điềm và Nguyễn Ngọc Quân, Pinder có thể khái quát về động lực làm việc như sau: động lực lao động được thúc đẩy bởi các yếu tố bên trong thuộc về bản thân mỗi cá nhân con người. Động lực cũng chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài phát sinh trong quá trình làm việc tới người lao động khiến họ tự nguyện nỗ lực, phấn đấu vì mục tiêu hoàn thành công việc được giao với hiệu quả cao nhất, mà không cần có sự cưỡng chế, bắt buộc nào cả. Vì vậy nên khi xem xét vấn đề động lực và làm thế nào để tạo ra động lực thì cần phải xem xét tác động lên cả hai khía cạnh khách quan là yếu tố công việc, môi trường làm việc; và yếu tố chủ quan chính là bản thân người lao động, đó là hệ thống nhu cầu và các giá trị cá nhân của người lao động.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của đội ngũ viên chức và người lao động tại trường tiểu học thắng nhì, thành phố vũng tàu (Trang 25 - 27)