Đặc điểm lao động của giáo viên tiểu học

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của đội ngũ viên chức và người lao động tại trường tiểu học thắng nhì, thành phố vũng tàu (Trang 27 - 29)

Đặc điểm lao động của giáo viên tiểu học gắn với chức năng nhiệm vụ giáo dục đào tạo. Giáo viên có những đặc điểm khác biệt với những đối tượng khác qua ba khía cạnh sau: công cụ lao động, đối tượng lao động và kết quả lao động.

2.2.1.1. Đặc điểm về công cụ lao động

Về kiến thức sư phạm: theo điều 17 chương II Điều lệ trường tiểu học (2010) [12] quy định “Mỗi lớp học có một giáo viên chủ nhiệm phụ trách giảng dạy một hoặc nhiều môn học trong chương trình tiểu học”. Chính vì thế, đòi hỏi giáo viên tiểu học phải có kiến thức tổng quát của toàn bộ các bộ môn, kể cả các bộ môn năng khiếu như hát, vẽ, thể dục. Vì vậy kiến thức chuyên môn của giáo viên tiểu học không đòi hỏi sâu nhưng đòi hỏi phải rộng và gắn liền với thực tiễn. Ngoài các yêu cầu về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của bậc học, giáo viên tiểu học còn phải nắm vững kiến thức về tâm lý của học sinh tiểu học – lứa tuổi quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách. Giáo viên tiểu học là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước lĩnh hội kiến thức; và xây dựng, rèn luyện nhân cách cho học sinh. Trong quá trình giảng dạy thì người giáo viên tiểu học không những dạy trẻ biết đọc, viết, làm toán, tìm hiểu về tự nhiên, xã hội và thế giới xung quanh mà thông qua việc dạy chữ để dạy người, góp phần tạo nên nhân cách, đạo đức cho người học sinh.

Về năng lực sư phạm: Năng lực của người giáo viên được chia thành hai nhóm: nhóm năng lực dạy học gồm ngôn ngữ, tri thức, sự hiểu biết của giáo viên; năng lực hiểu học sinh trong quá trình dạy học và giáo dục; lựa chọn và khai thác nội dung học tập phong phú, cách thức tiến hành sáng tạo ở từng tình huống sư phạm. Và nhóm năng lực giáo dục gồm năng lực giao tiếp sư phạm; cảm hóa học sinh; ứng xử phù hợp với mọi tình huống phát sinh; và tư vấn, hướng dẫn, tổ chức hoạt động sư phạm.

Về phương pháp sư phạm: giáo viên tiểu học là những người dạy học ở bậc tiểu học, đối tượng là trẻ em nên phương pháp sư phạm có những đặc điểm riêng. Phương pháp dạy học đa dạng, tích cực, sinh động; phù hợp với trình độ và nhận thức của lứa tuổi học sinh tiểu học; tập trung phát triển tư duy, năng lực sáng tạo; bồi dưỡng khả năng tự học và làm việc nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn của người học. Phương pháp truyền đạt phải nhẹ nhàng, lôi cuốn, hấp dẫn được học sinh giúp các em có hứng thú với việc học vì các em vẫn còn đang ở độ tuổi ham chơi nên chưa ý thức được việc học nên việc đưa các em đi vào nề nếp, tập trung học hành là rất khó.

Về phẩm chất đạo đức: Giáo viên dù ở cấp học nào cũng luôn là tấm gương sáng, hoàn hảo cho mọi học sinh học tập và noi theo. Cấp tiểu học là bậc học nền tảng nơi mà học sinh bắt đầu quá trình tiếp thu kiến thức, kỹ năng cũng như hình thành đạo đức và phẩm chất ở giai đoạn đầu. Do đó, nhân cách của người giáo viên tiểu học có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến việc hình thành nhân cách của học sinh. Chính vì vậy, ngoài việc đòi hỏi giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, cần phải hội tụ những phẩm chất nghề như chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành, địa phương và nhà trường; thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, uy tín của nhà giáo; thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, hành vi, ứng xử, trang phục.

2.2.1.2. Đặc điểm về đối tượng lao động

Khác với những ngành nghề khác, đối tượng lao động của giáo viên tiểu học là học sinh tiểu học trong độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi. Đây là độ tuổi các em chuyển từ mầm non sang tiểu học, một sự chuyển tiếp sang môi trường mới, giai đoạn mới - giai đoạn học tập và nghĩa vụ học tập có kết quả, giúp các em hình thành nhân cách, năng lực trí tuệ và cả thể chất. Học sinh lứa tuổi này ngoài nhu cầu tri thức thì do tính cách, tâm sinh lý còn rất non nớt, ngây thơ, trong sáng nên rất cần sự định hướng đúng đắn ngay từ ban đầu cũng như sự quan tâm, gần gũi của giáo viên.

2.2.1.3. Đặc điểm về kết quả lao động

Kết quả lao động của giáo viên tiểu học được biểu hiện thông qua kết quả, chất lượng học tập; sự phát triển tâm lý, nhân cách của học sinh sau khi kết thúc một quá trình đào tạo chứ không phải bằng sản phẩm vật chất được cân đo đong đếm bằng giá trị thương mại như phần lớn những ngành khác. Đặc biệt bởi kết quả giáo dục của học sinh không chỉ có giá trị trong những ngày học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, mà còn tồn tại mãi trong nhân cách của mỗi người học trò. Bên cạnh đó, kết quả lao động của nhà giáo còn được tính theo giờ lên lớp và theo khối lượng, chất lượng và tính sáng tạo của công việc.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của đội ngũ viên chức và người lao động tại trường tiểu học thắng nhì, thành phố vũng tàu (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)