8. Cấu trúc của đề tài
2.2.2. Xuất khẩu tư bản
Đặc điểm của chủ nghĩa tư bản trước lũng đoạn là xuất khẩu hàng hóa. Đến giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, việc xuất khẩu hàng hóa vẫn được đẩy mạnh nhưng việc xuất khẩu tư bản trở nên đặc biệt quan trọng hơn. Vì “xuất khẩu tư bản trở thành công cụ chủ yếu của bọn tư bản tài chính dùng để áp bức và bóc lột các dân tộc khác trên thế giới” [47;143]
Đối với chủ nghĩa đế quốc, xuất khẩu tư bản là điều tất yếu, là điều kiện sống còn của nó vì sự thống trị của tư bản lũng đoạn đã tạo nên tình trạng thừa tư bản trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Mục đích kinh tế của việc xuất khẩu tư bản không gì khác là tìm lợi nhuận lũng đoạn cao. Từ lâu, C.Mác đã vạch rõ thực chất của xuất khẩu tư bản là “Nếu như người ta xuất khẩu tư bản thì không
phải là vì người ta tuyệt đối không thể dùng tư bản ấy để kinh doanh ở trong nước được. Đó là vì tư bản ấy ở nước ngoài có thể đầu tư với một tỉ suất lợi nhuận cao hơn” [24;373]. Vì vậy mà các nước đế quốc đua nhau xuất khẩu tư bản (xem phụ lục III).
Xuất khẩu tư bản có hai hình thức: Một là cho vay; tức là cho Chính phủ hoặc công ty tư bản nước ngoài vay tiền. Hai là đầu tư trực tiếp; tức là đem vốn ra xây dựng nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đường sắt, kinh doanh đồn điền ở nước ngoài… Cũng bằng hai hình thức ấy, tư bản tài chính Pháp không chỉ xuất khẩu tư bản sang các nước tư bản có nền kinh tế lạc hậu hơn mà còn xuất khẩu sang cả hệ thống thuộc địa của nó.