Đối với hệ thống thuộc địa của Pháp

Một phần của tài liệu (Trang 39 - 45)

8. Cấu trúc của đề tài

2.2.2.2. Đối với hệ thống thuộc địa của Pháp

Xuất khẩu tư bản luôn là điều kiện cần thiết của chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Pháp nói riêng. Ngoài mục đích tìm lợi nhuận lũng đoạn cao thì xuất khẩu tư bản còn là một bộ phận trong chính sách xâm lược và nô dịch thuộc địa của bọn đế quốc. Thông thường, xuất khẩu tư bản cùng với xuất khẩu hàng hóa làm nhiệm vụ mở đường cho hoạt động xâm lược toàn diện đối với một nước nào đó. Và sau khi đã xâm lược xong thì xuất khẩu tư bản có nhiệm vụ củng cố ách thống trị thực dân và tăng cường bóc lột nhân dân các nước thuộc địa. Chẳng hạn như đối với Việt Nam chúng ta “Sau khi thực dân Pháp hoàn thành xâm chiếm cả Trung, Nam, Bắc, các công ty tư bản Pháp đua nhau bỏ vốn sang khai thác và dần dần nắm lấy vị trí chủ chốt trong nền kinh tế nước ta” [47,145].

Tuy nhiên, so với số tư bản đầu tư vào các nước tư bản có nền kinh tế lạc hậu thì số tư bản Pháp được đầu tư vào hệ thống thuộc địa của nó ít hơn nhiều. “Năm 1914, số vốn xuất cảng lên tới 50 – 60 tỷ, trong đó 13 tỷ được đưa sang nước Nga, chỉ có 2- 3 tỷ được đưa vào các nước thuộc địa” [16; 107].

Hệ thống thuộc địa của Pháp khá rộng lớn và sự đầu tư của Pháp không giới hạn trong một hệ thống thuộc địa ở một khu vực riêng lẻ nào mà đó là sự đầu tư rộng khắp vào hầu hết các châu lục trên thế giới. Kể cả châu lục có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển như châu Âu cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất nên số tư bản của Pháp khi đến hệ thống thuộc địa ở châu Á, Bắc Mĩ, Mĩ Latinh, châu Phi và châu Đại Dương thì tỷ lệ nhỏ dần… “Năm 1914, xuất khẩu tư bản của Pháp ra nước

ngoài chiếm 13% số tư bản đầu tư ở nước ngoài… Về các khu vực đầu tư thì châu Âu chiếm phần lớn nhất (27%), tiếp đó là Bắc Mĩ (24%), Mĩ Latinh (9%) và châu Á (16%), châu Phi chỉ nhận được 9% đầu tư nước ngoài và châu Đại Dương 5%”

[4;240].

Đối với hệ thống thuộc địa Pháp thì số tư bản tài chính Pháp được đưa vào ngày càng nhiều để đầu tư vơ vét, bóc lột thuộc địa. Nguồn tư bản đưa vào thuộc địa bao gồm 2 loại: tư bản tư nhân và tư bản Nhà nước. Nhưng dù là tư bản tư nhân hay là tư bản nhà nước thì khi xuất khẩu sang các nước thuộc địa nó cũng nhằm mục đích kinh tế cao nhất là thu lợi nhuận kếch xù và đều thể hiện đặc trưng cho vay nặng lãi của đế quốc Pháp.

Việc xuất khẩu tư bản của nước Pháp được thực hiện ở tất cả các nước thuộc địa của Pháp ở cả Á, Phi, Mĩ Latinh. Đặc biệt, ở Đông Dương, sự hiện diện của tài chính Pháp được thể hiện rõ và bộc lộ bản chất của đế quốc Pháp.

Trước hết, xét về tư bản tư nhân, khối lượng đầu tư tư nhân của Pháp vào Đông Dương là rất lớn nhưng phân bố không đều trong các khu vực và theo thời gian. “Tổng số vốn do người Pháp đưa vào Đông Dương dành cho các doanh nghiệp tư nhân có thể ước lượng vào đêm trước chiến tranh là 1800 triệu đồng, tính theo đồng bạc năm 1939” [2;46] và theo “sự nghiên cứu của nhà băng phát hành cho thấy tổng số vốn đầu tư công và tư Pháp tại Đông Dương từ 1896 đến 1940 lên đến 5200 triệu đồng tính theo đồng bạc năm 1939” [2;46]

Số vốn đó khi vào Đông Dương đều đem cho bọn tư bản Pháp lợi nhuận cao trong cả quá trình dài. “Từ năm 1885 đến 1940, chính quốc đã đầu tư vào Đông Dương 5 tỷ 200 triệu đồng, giá năm 1939. Không có lúc nào lợi nhuận hàng năm lấy ra từ đó lại vượt trên 79 triệu đồng, không có lúc nào số vốn do chính quốc đầu tư thu được số lãi hằng năm trên 1,52%” [2;47].

Tuy nhiên, số vốn tư nhân ở đây chủ yếu là vốn hợp doanh, chỉ một phần nhỏ của các cá nhân. “Từ 1896 đến 1940, gần toàn bộ vốn tư nhân đầu tư đều từ vốn hợp doanh (89%), phần còn lại 11% là từ các cá nhân” [2;47]. Điều này nó thể hiện khả năng bóc lột vơ vét thuộc địa của tư bản Pháp đạt đến mức độ cao.

Mặc dầu khối lượng vốn của tư bản tư nhân Pháp đưa vào Đông Dương khá lớn nhưng nó phân bố không đều về cả khu vực và thời kì, thời kì sau, số lượng tăng lên dần. “Trong tổng số khối lượng vốn tư nhân Pháp đầu tư vào Đông Dương là 11.644 triệu Francs năm 1940 thì 35,6% đầu tư vào thời kì trước 1924 còn lại 64,4% đầu tư từ giai đoạn sau 1924” [2,49]. Như vậy, từ năm 1924 đến 1939, nghĩa là trong vòng 15 năm, số lượng vốn tư nhân Pháp đầu tư vào Đông Dương đã đạt gấp đôi so với thời gian từ 1888 đến 1923, tức là trên 30 năm. Điều này cho chúng ta thấy được sự chênh lệch về mức độ đầu tư tư bản tư nhân Pháp vào các nước thuộc địa ở các giai đoạn khác nhau là khá lớn.

Và nguồn vốn tư nhân Pháp được xuất khẩu sang Đông Dương đã chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số tư bản tài chính Pháp có mặt ở đây. Riêng năm 1903, khối lượng tư bản tư nhân chiếm tới 30% tư bản tài chính Pháp ở Đông Dương. “Trên tổng số khối lượng được kiểm kê là 42.658.275 Francs thì 126.863.900 tức là 30% của tổng số là vốn thuộc nguồn tư nhân” [2;51].

Như vậy, trước chiến tranh, nguồn vốn tư nhân Pháp được tự do phát triển ở các nước thuộc địa nhưng không tỏ rõ chút năng động nào. “Trong 32 năm từ 1888 – 1920, đầu tư tư bản tư nhân chỉ đạt 500 triệu Fr vàng… và 98,4 triệu Fr đồng, tương đương 492 triệu Fr vàng rải ra trên các lĩnh vực kỹ nghệ - mỏ, vận tải, thương mại, nông nghiệp…” [39;19]. Thế nhưng, sau chiến tranh thì số vốn tư bản tư nhân Pháp đầu tư vào Đông Dương tăng vọt lên trông thấy “trong những năm 20 của thế kỉ XX, các công ty thuộc địa chiếm gần 70% số vốn mà chính quốc đổ ra nước ngoài trong khi vào năm 1913 thì tỉ lệ đó là 25%. Trong đó, Đông Dương chiếm vị trí đa số” [39;19].

Trong giai đoạn từ 1924 đến 1931, tổng số vốn mà các nhà tư bản và các công ty tư bản Pháp đầu tư vào Đông Dương đã lên tới 250 triệu đồng Đông Dương; trong đó, riêng từ năm 1924 đến năm 1930 là 228 triệu chia ra trong các năm như sau: “1924: 15 triệu; 1925: 14 triệu; 1926: 28 triệu; 1927: 55 triệu; 1928: 28 triệu; 1929: 50 triệu; 1930: 38 triệu” [39;19].

Tính theo đồng Fr, cho đến năm 1924, tổng số vốn được các công ty đầu tư vào Đông Dương không vượt quá 2 tỷ Fr nhưng từ 1924 đến 1930, số tiền được các công ty này đổ vào đây đã vượt quá 3 tỷ Fr, cụ thể lả 3.814, 4 triệu Fr. Theo cách tính này thì chỉ trong vòng 7 năm các nhà tư bản chính quốc đã đầu tư vào Đông Dương gấp 6 lần tỷ số tiền mà họ đã bỏ vào đây trong suốt thời gian trước 1924.

Từ năm 1930 trở về sau, tư bản tư nhân Pháp vẫn tiếp tục đầu tư vào Đông Dương. Tuy nhiên, số vốn đầu tư có xu hướng giảm và không đều theo các năm. Cụ thể là:

Năm Tổng số tiền (triệu Francs)

1931 188 1932 130 1933 134 1934 49 1935 41 1936 102 1937 148 [2;62]

Như vậy, qua bảng số liệu trên ta thấy, tư bản tư nhân Pháp đưa vào Đông Dương trong vòng 7 năm từ 1931 đến 1937 thì có đến 5 năm đạt trên 100 triệu Fr, chỉ có 2 năm 1934 và 1935 là dưới 100 triệu Fr. Trong vòng 7 năm đó thì nó cũng phân thành hai giai đoạn khác nhau: từ 1931 đến 1935 giảm từ 188 triệu Fr xuống còn 41 triệu Fr. Nhưng từ 1935 đến 1937 lại tăng từ 41 triệu Fr lên đến 148 triệu Fr và ngay trong giai đoạn 1931 đến 1935 cũng giảm nhưng không đều, trong 2 năm 1932 – 1933 tăng được 4 triệu Fr thì 2 năm 1933 đến 1934 lại giảm mất 89 triệu Fr.

Bên cạnh tư bản tư nhân thì tư bản Nhà nước mà nước Pháp đưa sang các nước thuộc địa của nó chiếm một tỷ lệ khá lớn và giữ vị trí quan trọng, đã tạo ra

“cái phép lạ của Pháp ở Đông Dương được phát hiện từ sự nghiệp kinh tế đã thực hiện chỉ có thể có được nhờ vốn nhà nước của chính quốc đưa sang” [2;45].

Sự đầu tư của tư bản Nhà nước từ chính quốc thường thúc đẩy sự đầu tư tư bản tư nhân. Bởi nó đã thiết lập một hạ tầng cơ sở kinh tế. Theo trình tự thời gian, đầu tư của Nhà nước đi trước đầu tư tư nhân và là công cụ khuyến khích tư bản tư nhân…

Sự hiện diện của tài chính Nhà nước Pháp ở Đông Dương được biểu hiện và phát triển không đều. “Cho đến năm 1914, khối lượng tư bản Nhà nước rất lớn… Từ năm 1915 đến 1931, chậm dần rồi nhờ cuộc khủng hoảng nó trở lại chế độ hiệu suất cao” [2;90]

Trong suốt gần một nửa thế kỉ nước Pháp có mặt ở Đông Dương, số lượng tổng thể của đầu tư nhà nước cũng khá lớn dưới cả hai hình thức là đầu tư trực tiếp và cho vay nặng lãi. Với tỉ lệ 27% tư bản vào Đông Dương dưới hình thức cho vay, chúng ta thấy rằng đây không phải là tỉ lệ nhỏ và nó đã thể hiện được bản chất của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Chúng đã cho Đông Dương vay để “vực dậy” nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhất là trong những năm khủng hoảng để nền kinh tế Đông Dương phụ thuộc chặt chẽ vào Pháp. “Nước Pháp đã ứng trước hay cho vay vốn để giúp đỡ những ngành kinh tế “chủ yếu” gặp khó khăn, nhất là ngành trồng cao su” [2;92]. Hai chữ “chủ yếu” ở đây chúng ta cần lưu ý vì nó không phải là các ngành chủ yếu của nền kinh tế thuộc địa mà chủ yếu là những ngành có khả năng thu hồi vốn nhanh và lãi suất cao mà thực dân Pháp đã đầu tư vào nên buộc chúng phải “giúp đỡ”. Không chỉ áp dụng ở Đông Dương mà chính sách này được đế quốc Pháp áp dụng đối với cả hệ thống thuộc địa của nó ở cả Á, Phi, Mĩ Latinh…

Và trên thực tế, từ năm 1896 đến năm 1914 thì Đông Dương đã vay nợ của Pháp 514 triệu Fr vàng. “Nhà kinh tế học người Mĩ đã ước lượng từ 1896 đến 1914, một tổng số tiền chung 514 triệu Francs vàng, tức 28 triệu mỗi năm được đầu tư dưới hình thức cho vay. Cùng một thời kì, các nguồn chính thức của Pháp đưa ra một tổng số tiền là 426 triệu Francs vàng” [2;92].

Và việc đầu tư bằng hình thức cho vay của tư bản Nhà nước Pháp vào Đông Dương có xu hướng ngày càng tăng. Đến năm 1939, nó đã đạt tới con số 2,2 tỷ Fr và phát hành gần 8 triệu tiền công trái. “Cho đến năm 1939, Đông Dương đã thực hiện trên thị trường Pháp và qua môi giới của chính phủ của mình một khoản thực vay là 2,2 tỷ Francs… Mặt khác, Đông Dương đã phát hành trên thị trường địa phương gần 8 triệu đồng bạc tiền công trái” [2;92]. Và trong thời gian từ 1931 đến 1939 thì tổng số tiền vay đã chiếm tới 80% tổng số tiền tư bản Pháp đầu tư vào Đông Dương.

Để thực hiện cho vay nợ, thực dân Pháp đã xây dựng ngân hàng Đông Dương để thâu tóm toàn bộ nền kinh tế, mạch máu tài chính và thực hiện cho vay nặng lãi ở Đông Dương (xem phụ lục V).

Việc đầu tư tư bản Nhà nước Pháp vào Đông Dương trước cuộc đại khủng hoảng thế giới 1929 – 1933 chủ yếu là do ngân sách của ngân hàng Đông Dương cấp đến 87%. Thời kì sau 1931 thì vốn vay chủ yếu lấy từ chính quốc đến 72% và chủ yếu tài trợ cho trang bị cơ sở hạ tầng kinh tế.

Hai thời kì đánh dấu sự hiện diện của tài chính Pháp ở Đông Dương. “Thời kì thứ nhất, trước cuộc tổng khủng hoảng thế giới, là thời kì ngân sách: 87% tổng khối lượng vốn do ngân sách cấp. Thời kì thứ hai bắt đầu từ năm 1931: vốn vay lấy từ chính quốc, tài trợ 72% tổng số chi phí cho trang bị kinh tế” [2;103].

Số tư bản Nhà nước từ chính quốc cho Đông Dương thuộc địa vay chủ yếu được đầu tư vào xây dựng thiết bị kinh tế. Điều đó được thể hiện qua bảng thống kê sau:

Thời kì Tiền vay

(Tính theo %) Ngân sách chung Ngân sách địa phương Nhân sự 1899-1903 65% 23% 6% 6% 1904-1909 70 19,5 5 5,5 1909-1913 19 24 16 11 1914-1918 17 52,5 21,5 9

1919-1923 9 56 24 11

[2;104]

Qua bảng thống kê đó chúng ta thấy được hầu hết qua thời kì, tiền vay từ nước Pháp luôn chiếm tỉ lệ cao hơn so với ngân sách chung và ngân sách địa phương trang bị cho kinh tế: Ví dụ, thời kì 1899 đến 1903, tiền vay chiếm đến 68% trong khi ngân sách chung chỉ chiếm 23% và ngân sách địa phương chỉ chiếm 6%. Thời kì 1904 đến 1905 tiền vay chiếm đến 70%, các thời kì sau đó có giảm xuống nhưng vẫn chiếm tỉ lệ khá cao.

Trước chiến tranh thế giới thứ nhất thì chi phí trang thiết bị kinh tế chủ yếu do vốn vay thực hiện. Nhưng từ khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Pháp có yêu cầu lớn về tài chính nên ngân sách thuộc địa phải tự chi.

Như vậy, nếu tính tổng tất cả vốn đầu tư từ tư bản Pháp xuất khẩu sang các nước thuộc địa là con số cực kì lớn. Riêng ở Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai “đã lên tới hàng chục tỷ Fr (nhà nước 4 tỷ, các quỹ tín dụng 2 – 3 tỷ, tư nhân 4 tỷ..)” [39;21].

Tóm lại, dù xuất khẩu tư bản tư nhân hay xuất khẩu tư bản nhà nước thì xuất khẩu tư bản vẫn là vũ khí đấu tranh chủ yếu giữa các tổ chức độc quyền nhằm giành thị trường cũng như phạm vi ảnh hưởng trên thế giới. Là thủ đoạn chính dùng để thống trị, cướp bóc các dân tộc thuộc địa của đế quốc Pháp. Đồng thời, xuất khẩu tư bản cũng là hệ quả tất yếu của mâu thuẫn trong quá trình tích lũy tư bản độc quyền, nó là biện pháp để giải quyết mâu thuẫn tạm thời nhưng kết cục càng làm cho các mâu thuẫn sâu sắc thêm. Mặt khác, xuất khẩu tư bản còn là một nhân tố quan trọng bậc nhất làm cho chủ nghĩa đế quốc có đặc tính ăn bám và thối nát. Đặc biệt, đối với đế quốc Pháp, xuất khẩu tư bản còn thể hiện rõ rét đặc trưng cho vay nặng lãi cố hữu của nó.

Một phần của tài liệu (Trang 39 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)