Đối với nước Pháp

Một phần của tài liệu (Trang 54 - 56)

8. Cấu trúc của đề tài

2.3.1. Đối với nước Pháp

2.3.1.1. Về kinh tế

Điểm nổi bật đối với nước Pháp là sự tập trung tư bản ngân hàng, “trước đại chiến, 2/3 tư bản tập trung trong tay năm nhà băng lớn” [16;107] là: Crê-đi Li- on-ne, Công-toa-rơ na-xi-ô-nan, Xô-xi-ê-tê giê-nê-ran, Crê-đi-anh-đuy-xtơ-ri-en, Ban-cơ l,uy-ni-ông Pa-ri-đi-ên. Đây đáng lẽ ra là điều kiện cực kì thuận lợi để nước Pháp tập trung vốn phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp trong nước để đưa nước Pháp phát triển đi lên như Anh, Mĩ… Nhưng do tính chất cho vay nặng lãi của đế quốc Pháp là thuộc tính cố hữu của nó nên phần lớn tư bản tập trung được đó không được giới tư bản Pháp đầu tư phát triển công nghiệp trong nước mà đưa ra nước ngoài để cho vay nặng lãi. “Năm 1908, 38 tỷ Fr được xuất cảng trong khi chỉ có 9,5 tỷ đầu tư vào công nghiệp trong nước” [16;107], tức là số vốn đầu tư phát triển công nghiệp trong nước chỉ bằng ¼ số vốn dùng cho vay nặng lãi ở nước ngoài. Chính điều đó đã làm hạn chế khả năng phát triển công nghiệp trong nước của nước Pháp. Vì “một số lớn tư bản được đem ra nước ngoài nên đã gây ra một sự ngừng trệ nhất định của tình hình kinh tế trong nước vì khả năng thêm vốn để mở rộng tái sản xuất bị hạn chế” [47;147]. Chính vì vậy, nền kinh tế Pháp bị tụt hậu hơn so với Đức, Mĩ, Nga và ưu thế của Pháp dần dần bị mất trước sự vươn lên của Đức và Mĩ. Đến cuối thế kỉ XIX, “nó bị tụt hậu xuống hàng thứ tư và trong một số ngành sản xuất thì nó xuống hàng thứ sáu, thứ bảy. Tốc độ phát triển công nghiệp của Pháp lạc hậu rõ rệt so với Đức, Mĩ, Nga và nhiều nước tư bản trẻ tuổi khác” [16;103]. Như vậy, chế độ cho vay nặng lãi Pháp là một trong những nguyên nhân làm cho tốc độ phát triển công nghiệp của Pháp lạc hậu hơn hẳn so với các nước tư bản khác trên thế giới. Và nếu như không có đặc trưng cho vay nặng lãi thì nước Pháp đã có thể tập trung vốn phát triển công nghiệp thì tốc độ phát triển công nghiệp có lẽ đã khác hơn rất nhiều và nước Pháp có thể sẽ không bị mất vị thế đến như vậy.

Mặt khác, đối tượng vay nặng lãi của bọn tư bản tài chính Pháp không chỉ có tư bản nước ngoài và thuộc địa mà còn là chủ của những doanh nghiệp nhỏ trong nước vay để sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó là số tư bản chủ yếu dùng để xuất bản ra nước ngoài để thực hiện cho vay nặng lãi nên chỉ còn số ít vốn được dùng đầu tư phát triển công nghiệp trong nước nên số vốn không đủ lớn để phát triển sản xuất đại công nghiệp mà chỉ đủ để phát triển sản xuất công nghiệp loại vừa và nhỏ. Điều đó làm cho chủ nghĩa đế quốc chuyên cho vay nặng lãi Pháp vốn là kết quả tất yếu của lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản Pháp lại trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển sức sản xuất của nước Pháp khiến cho nước Pháp rơi vào tình trạng lạc hậu kéo dài. “Nó duy trì tình trạng nửa công nghiệp, tiếp sức cho sự tồn tại của sản xuất công nghiệp loại vừa và nhỏ khiến cho nước Pháp rơi vào tình trạng lạc hậu” [16;107].

Trong nông nghiệp, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là tầng lớp cho vay nặng lãi đã dẫn tới hiện tượng nông dân bị mất đất và bị phân hóa. Tuy tác động của tầng lớp cho vay nặng lãi làm cho kinh tế đại điền trang phát triển nhưng chế độ chiếm hữu ruộng đất nhỏ vẫn chiếm ưu thế và bị đè nặng dưới ách nợ nần và bị phụ thuộc chặt chẽ vào bọn chủ nợ chuyên cho vay nặng lãi. Điều này làm cho người nông dân chán nản vì sản xuất được bao nhiêu chủ yếu phải trả nợ cho bọn cho vay nặng lãi nên nông dân không hứng thú sản xuất, làm cho sản xuất nông nghiệp Pháp cũng bị trì trệ. Do đó, “nó không đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp về mặt lương thực, nguyên liệu và hạn chế sức mua ở trong nước”

[16;105].

Về thương nghiệp, đặc trưng cho vay nặng lãi của đế quốc Pháp lại chủ yếu có tác dụng tích cực, thức đẩy nhanh quá trình phát triển ngoại thương, tăng tỉ lệ xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu tư bản. Bởi vì, mặc dầu lạc hậu hơn các nước tư bản khác trên thế giới về sản xuất công nghiệp nhưng nước Pháp vẫn đứng hàng đầu thế giới về tập trung tư bản, mà số tư bản đó không được dùng đầu tư phát triển kinh tế trong nước mà chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài. “Từ 1869 đến 1890, số tư bản xuất cảng tăng từ 10 tỷ lên 20 tỷ Fr dưới hình thức cho vay” [16;105]”.

Chính điều này đã tạo điều kiện cho thương nghiệp nước Pháp phát triển. Vì “về xuất khẩu tư bản, nước Pháp đứng hàng thứ hai thế giới sau Anh” [16;105]. Mà đi cùng với việc xuất khẩu tư bản là xuất khẩu hàng hóa. Bởi bản chất cho vay nặng lãi của đế quốc Pháp không chỉ thể hiện ở việc xuất khẩu tư bản đơn thuần mà còn thể hiện ở những điều kiện đi kèm mới số tư bản cho vay nặng lãi mà nước đi vay phải thực hiện. Mà thông thường điều kiện đi kèm là các nước đi vay phải dùng tiền vay được để mua hàng hóa của nước Pháp, mở cửa thông thương, đặt các công ty trên lãnh thổ nước đi vay nợ, khai thác nguồn tài nguyên, nhân công với giả rẻ… Chính đặc trưng cho vay nặng lãi đó không chỉ đem lại cho tư bản Pháp nguồn lợi nhuận kếch xù “tổng số lãi xuất cảng năm 1913 lên tới 2.300 triệu Fr”

[16;107] mà nó còn tạo điều kiện cho thương nghiệp Pháp phát triển.

Như vậy, đặc trưng cho vay nặng lãi của đế quốc Pháp đã tác động rất lớn đến nền kinh tế nước Pháp cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX. Nó đã giúp cho quá trình tập trung tư bản diễn ra nhanh hơn, khả năng tập trung vốn nhanh hơn để đầu tư phát triển kinh tế, nó cũng mở đường cho thương nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nó lại kìm hãm sức sản xuất của nước Pháp. Duy trì tình trạng nửa công nghiệp, tiếp sức cho sự tồn tại của sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ khiến cho nước Pháp rơi vào tình trạng lạc hậu kéo dài…

Một phần của tài liệu (Trang 54 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)