Ngoài những yếu tố từ môi trường kinh tế vĩ mô thì rủi ro tín dụng cũng có thể hình thành bởi các yếu tố thuộc về đặc điểm ngân hàng. Trong đó, hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thường bị ảnh hưởng và chịu tổn thất không nhỏ bởi nhân tố tăng trưởng tín dụng. Việc mong muốn tăng trưởng tín dụng cao và nhanh tại một số ngân hàng đã gây ra sự sụt giảm chất lượng của các khoản cấp tín dụng, điều này có nghĩa là chính sách cho vay bị nới lỏng, việc đánh giá, thẩm định được thực hiện một cách qua loa, không chính xác và khách quan dẫn đến khả năng xảy ra tình trạng rủi ro tín dụng cao hơn.
Bên cạnh đó, căn cứ vào cách tính RRTD do Basel đề xuất, khi các ngân hàng gia tăng tăng trưởng tín dụng bằng các khoản vay tốt (có hệ số rủi ro thấp) sẽ góp phần làm giảm RRTD trong hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, tùy thuộc vào nguyên nhân của sự tăng trưởng tín dụng mà RRTD có thể gia tăng hoặc giảm thiểu trong quá trình thực hiện cấp tín dụng tại các ngân hàng.
Khi nghiên cứu các yếu tố tác động đến RRTD thì quy mô ngân hàng cũng là một trong những nhân tố nội tại thường được quan tâm và sử dụng. Về mặt lý thuyết, các ngân hàng với quy mô lớn thường tận dụng triệt để và phối hợp các mảnh kinh doanh ngân hàng khác nhau nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư, phân tán rủi ro nhằm giữ mức RRTD ở mức thấp nhất có thể. Ngược lại, các ngân hàng quy mô nhỏ hơn thường khó khăn trong việc phân tán rủi ro do danh mục đầu tư kém phong phú nên mức độ RRTD cũng cao hơn hẳn.
Ngoài ra, khi đề cập đến những yếu tố đặc điểm ngân hàng tác động đến RRTD thì còn các yếu tố khác như cơ chế kiểm soát RRTD, cơ chế đánh giá rủi ro, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiêp của cán bộ tín dụng.