Từ kết quả trên của mô hình nghiên cứu, tác giả đưa ra những khuyến nghị nhằm giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu đối với các NHTM tại Việt Nam. Dựa trên các cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm trước đây ở nước ngoài và tại Việt Nam, sự ổn định của các điều kiện kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì vậy khi nền kinh tế xảy ra biến động thì sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nợ xấu. Đối với hầu hết các nền kinh tế, mọi bất ổn của nền kinh tế sẽ được truyền dẫn vào hệ thống ngân hàng, nếu hệ thống ngân hàng không đủ vững chắc sẽ có phản ứng và khuếch đại ngược lại các bất ổn này. Theo Tandon Committe (1998) cho rằng để có một nền kinh tế ổn định, cần thiết phải có những chính sách điều tiết kinh tế phù hợp và nhằm giảm thiểu tính dễ đổ vỡ, khủng hoảng dây truyền của hệ thống ngân hàng trước những cú sốc từ bên ngoài.
Bên cạnh các yếu tố kinh tế vĩ mô, khả năng trả nợ của người đi vay cũng phụ thuộc cao vào các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn, sự thay đổi của các chính sách quản lý kinh tế, sự điều chỉnh quy hoạch vùng, ngành, sự biến động thị trường trong và ngoài nước, sự thay đổi quan hệ cung cầu hàng hóa. Từ đó, khách hàng dù cho có thiện chí nhưng vẫn không thể trả được nợ ngân hàng. Do đó, ngân hàng cần phải có bộ phận theo dõi thường xuyên dự báo các điều kiện này để có những biện pháp hỗ trợ hay khắc phục một cách kịp thời.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng quy mô ngân hàng có ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ nợ xấu ngân hàng. Thực tế có thấy việc các NHTM mở rộng quy mô không phải lúc nào cũng đem lại thế mạnh cho ngân hàng do đó các nhà quản trị ngân hàng cần kiểm soát việc mở rộng quy mô của mình bởi vì quy mô được mở rộng, chất lượng tín dụng thường có khuynh hướng giảm dẫn đến làm tăng RRTD. Do vậy, đối với các nhà quản trị ngân hàng cần quan tâm đến việc nâng cao ý thức thận trọng đối với các khoản cho vay và công tác kiểm soát các khoản vay sau khi giải ngân một cách thiết thực nhằm góp phần giảm thiểu RRTD tại các NHTM. Ngoài ra, trong tình trạng quy mô tài sản ổn định nhưng đòn bẩy tài chính tăng cao cũng có thể báo hiệu những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống. Do đó các NHTM Việt Nam cũng cần phải chú ý đến các vấn đề về quản lý đòn bẩy tài chính trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô xuất hiện bất
ổn. Các NHTM cần thiết phải tăng cường phòng ngừa rủi ro tín dụng bằng cách chủ động thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro đối với từng hạng mục cho vay một cách nghiêm túc và thận trọng.
Ngoài ra, các NHTM cần có kế hoạch phân bổ nguồn vốn từ NHNN hợp lý, tập trung giải ngân vào các lĩnh vực ưu tiên được Chính phủ đưa ra những chính sách kích cầu như tung ra gói hỗ trợ kích thích kinh tế. Khi thực hiện cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, các NHTM cần thẩm định kỹ lưỡng, tránh xảy ra tình trạng khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích hay làm dòng vốn chảy vào lĩnh vực tiêu dùng thay vì vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Các NHTM Việt Nam cũng cần phải có các phương án đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay của khách hàng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp để hai bên tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc vay vốn an toàn và kinh doanh hiệu quả.