5. Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu
3.2.1. Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
Chiến lược SHTT đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là “Chiến lược”) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2019. Một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược là “Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền SHTT giảm đáng kể”. Chiến lược đặt ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đó, từ các giải pháp về chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy, về nguồn nhân lực… cho đến các hoạt động hỗ trợ.
Thứ nhất, tinh giản đầu mối cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính.
Theo quy định của LSHTT, Tòa án, Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, trong đó, việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp.
Hệ thống các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực SHTT hiện nay bị coi là quá phức tạp, nhiều đầu mối. Có cơ quan được trao thẩm quyền xử phạt hành chính nhưng thực tế không có điều kiện để tổ chức thực hiện (Ủy ban nhân dân cấp huyện); có cơ quan không xác định được trách nhiệm giữa thẩm quyền được trao thêm (thẩm quyền xử phạt hành chính) với nhiệm vụ theo chức năng thường xuyên (nhiệm vụ điều tra, xác minh của cơ quan công an). Trong khi đó, phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan còn có sự trùng lặp, chồng chéo nhau, ví dụ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý quy định tại Điều 12 và Điều 13 nghị định số 99/2013/NĐ-CP thuộc thâm quyền xử phạt của cả 04 cơ quan là Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an; hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nêu tại Điều 14 của Nghị định 99/2013/NĐ_CP
thuộc thẩm quyền xử phạt của 03 cơ quan là Thanh tra Khoa học và Công nghê, Quản lý thị trường, Hải quan. Năng lực của các cơ quan thực thi hành chính về cơ bản còn thiếu và yếu (cơ sở vật chất, kỹ thuật, thông tin và đội ngũ cán bộ); cơ quan thực thi hành chính ở một số địa phương chưa có lực lượng chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Khi giải quyết các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền SHCN, nhiều trường hợp các cơ quan thực thi hành chính không thể chủ động mà còn phụ thuộc vào ý kiến giám định của tổ chức giám định hoặc ý kiến của cơ quan chuyên môn. Điều này khiến hco nhiều vụ việc bị kéo dài thời gian xử lý, chất lượng giải quyết chưa cao.
Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền SHCN, cần thiết phải thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả và sự phù hợp của hệ thống tổ chức và cơ cấu bộ máy bảo vệ quyền SHCN hiện có để làm căn cứ xây dựng và thực hiện phương án sắp xếp, phân công lại trong bộ máy. Việc sắp xếp, phân công lại bộ máy các cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền SHCN bằng biện pháp hành chính cần đảm bảo theo hướng thu gọn đầu mối, phù hợp với tính chất dân sự của quyền SHCN, xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các quan hệ dân sự về SHCN.
Việc thu gọn đầu mối cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền SHCN bằng biện pháp hành chính cần được thực hiện đồng thời với việc phân định rõ thẩm quyền của mỗi cơ quan và tăng cường chất lượng hoạt động trên cơ sở thực hiện chuyên môn hóa về tổ chức và nhân sự trong các cơ quan này.
Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, chuyên môn giữa cơ quan xác lập quyền với các cơ quan bảo vệ quyền SHCN và giữa các cơ quan bảo vệ quyền SHTT với nhau nhằm tạo sự nhất quán trong nhận định và cách thức xử lý các vụ việc có cùng bản chất. Các cơ quan bảo vệ quyền SHCN cũng cần công bố khai thác các vụ việc được xử lý, các trường hợp xâm phạm điển hình, qua đó, rút kinh nghiệm trong hoạt động của mỗi cơ quan.
Thứ hai, Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tự bảo vệ quyền SHCN của mình
Năm 2005 LSHTT được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đăng ký bảo vệ quyền SHCN. Trong thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp bị xâm phạm quyền SHCN như nạn hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa diễn ra ngày càng phổ biến. Hơn nữa, các doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo vệ quyền SHCN. Để bảo vệ quyền SHCN, các doanh nghiệp cần phải chủ động đăng ký quyền SHCN tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, khi các doanh nghiệp nước ta xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài thì việc
bị xâm phạm quyền SHCN rất dễ xảy ra. Ví dụ thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột, Trung Nguyên và nước mắm Phú Quốc bị vi phạm quyền SHCN ở thị trường nước ngoài là những trường hợp điển hình. Do vậy,c ác doanh nghiệp trước khi xuất khẩu hàng hóa cần chủ động đăng ký quyền SHCN đối với hàng hóa tại nước sở tại trước khi xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia đó. Chứng chỉ về quyền SHCN là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nghiệp tiến vào thị trường thế giới.
Một thực tế còn tồn tại trong các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay là chưa thấy được tầm quan trọng của quyền SHCN trong sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp. Để hạn chế các tranh chấp về quyền SHCN có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, cần tiến hành các giải pháp sau: Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền SHCN trong hoạt động kinh doanh cho người dân nói chung và giới doanh nhân nói riêng, giúp đỡ họ tạo lập, bảo hộ và khai thác các tài sản trí tuệ; Hằng năm, các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh cần chủ động rà soát, kiểm tra tình trạng pháp lý về SHCN đối với các sản phẩm, hàng hóa dự kiến sản xuất và kinh doanh để có kế hoạch đăng ký bảo hộ kịp thời các đối tượng SHCN liên quan nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tránh các vi phạm quyền của chủ văn bằng khác. Các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa phải tự kiểm tra tình trạng pháp lý về SHCN trước khi ký kết hợp đồng, để bảo đảm sản phẩm hàng hóa của đơn vị không vi phạm quyền của chủ thể khác trong nước và nước nhập khẩu; Các doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư (kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) phải chủ động kiểm tra tính hợp pháp của các đối tượng SHCN có liên quan, nhất là nhãn hiệu hàng hóa và tên thương mại. Các doanh nghiệp chủ động phát hiện và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và thực thi để xử lý kịp thời các vi phạm về quyền SHCN. Các doanh nghiệp cần phải thành lập một bộ phận pháp chế với những nhân viên là luật sư hoặc những người có trình độ về pháp luật để có thể chủ động bảo vệ quyền SHCN khi bị xâm phạm.
Thứ ba, thúc đẩy phát triển dịch vụ giám định SHCN, đội ngũ giám định viên SHCN.
Giám định SHCN là một khâu quan trọng để xác định hành vi, tính chất, mức độ xâm phạm và xác định thiệt hại trong quá trình xử lý các vụ xâm phạm quyền SHCN.
Mặc dù các văn bản pháp luật quy định về hoạt động giám định đã tương đối đầy đủ song trên thực tế, hiện nay mới chỉ có 01 tổ chức giám định được thành lập (Viện Khoa học SHTT thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) và cũng chỉ có 04 người được công nhận là giám định viên SHCN, trong đó: 02 người đang “hoạt động trong tổ chức
giám định, dưới danh nghĩa của tổ chức” (Viện Khoa học SHTT), 02 người còn lại “hoạt động độc lập”.
Thực trạng nêu trên xuất phát từ việc tổ chức kiểm tra nghiệp vụ SHCN để cấp thẻ giám định viên, một yêu cầu bắt buộc cho việc thành lập tổ chức giám định, chưa được thực hiện. Các quy định của LSHTT về các chuyên ngành giám định quá rộng, không hoàn toàn phù hợp với các lĩnh vực chuyên môn thực tế của đội ngũ chuyên gia, vì vậy, khó có thể có những chuyên gia đáp ứng được yêu cầu để được cấp thẻ giám định viên.
Để tăng cường hiệu quả của hoạt động giám định, cần nghiên cứu, xây dựng khung chương trình đào tạo và sát hạch nghiệp vụ giám định SHCN; và có cơ chế để huy động những ngươi có trình độ chuyên môn sâu nhờ kinh nghiệm công tác vào đội ngũ giám định viên SHCN, ví dụ , bổ sung điều kiện được đặc cách cấp thẻ giám định viên đối với người đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật về SHTT và lĩnh vực chuyên ngành giám định từ 15 năm trở lên.
Thực tiễn phát triển hệ thống SHCN của Việt Nam nhiều năm qua cho thấy, để bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền SHCN, cần thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất hàng loạt các biện pháp và đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể, từ các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương đến các tổ chức doanh nghiệp và mọi cá nhân trong xã hội. Bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền SHCN đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần đảm bảo một nền thương mại bình đẳng dựa trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.