Thực trạng công tác tổ chức chiến lược tại doanh nghiệp:

Một phần của tài liệu Xây dựng chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp sản xuất thương mại gia đại đến năm 2015 (Trang 81 - 83)

Tổ chức thực hiện chiến lược là việc chuyển giao trách nhiệm từ người xây dựng chiến lược cho các nhân viên, bộ phận dưới quyền để hiện thực hóa các kế hoạch, dự án kinh doanh của công ty.

Hoạch định chiến lược là lý thuyết còn thực hiện chiến lược chính là đưa lý thuyết vào thực tiễn. Nếu một doanh nghiệp đã bỏ nhiều công sức, thời gian, tài chính để xây dựng chiến lược có tính khả thi cao nhưng nếu việc tổ chức thực hiện chiến lược không được tốt thì chiến lược đó trở nên vô nghĩa. Việc xây dựng chiến lược đã khó nhưng thực hiện chiến lược lại càng khó hơn, vì thế giai đoạn thực hiện chiến lược là giai đoạn cần sự nỗ lực, cố gắng nhiều nhất của tất cả các thành viên trong công ty.

Hiện tại doanh nghiệp đang thực hiện khá tốt những định hướng, những biện pháp đã đề ra. Để thực hiện được chiến lược đã đề xuất của mình trước tiên công ty cần phải xây dựng cơ cấu tổ chức doanh nghiệp cho phù hợp với chiến lược đã lựa chọn. Hiện tại cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp là cơ cấu theo chức năng, cơ cấu này được sử dụng một cách linh hoạt và khá phù hợp với tình hình của doanh nghiệp. Xây dựng cơ cấu tổ chức theo chức năng có nhiều ưu điểm, trước tiên cơ cấu này cho phép các quản trị viên trong doanh nghiệp nâng cao hiệu quả công việc, phát huy lợi thế chuyên môn hóa trong hoạt động của các bộ phận chức năng. Xuất phát từ ưu điểm này mà tạo nên ưu điểm thứ hai là việc đào tạo các nhà quản lý, công việc đào tạo, huấn luyện các nhân viên sẽ đơn giản và có hiệu quả hơn. Thứ ba, kết quả hoạt động kinh doanh sẽ gắn chặt với trách nhiệm của mỗi cá nhân. Cuối cùng, nhà quản trị cấp cao mà cụ thể trong doanh nghiệp là giám đốc doanh nghiệp sẽ dễ dàng quản lý các bộ phận chức năng, có thể thực hiện hoạch định, tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá cũng như điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch kinh doanh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Bên cạnh những ưu điểm thì mô hình cơ cấu tổ chức này cũng có những nhược điểm. Đầu tiên, mô hình này sẽ làm

cho khả năng phối hợp giữa các bộ phận không được thực hiện một cách tốt nhất. Thứ hai, việc chuyên môn hóa sẽ làm hạn chế sự phát triển của các nhà quản lý khi các thành viên trong công ty chỉ chú trọng vào công việc, chức năng của mình mà không quan tâm tới những hoạt động của những bộ phận khác. Ba là trong một số trường hợp cần phân tích sự tác động của các yếu tố môi trường tới doanh nghiệp cũng như phân tích các yếu tố nội bộ thì các bộ phận chỉ xem xét được một cách phiến diện và thường đưa ra các giải pháp, đề xuất dựa trên khía cạnh chức năng của bộ phận mà thiếu đi một cái nhìn tổng quan, trên góc độ của toàn doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đặc trưng của doanh nghiệp là một doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, với đa số nhân viên trong công ty là các thành viên trong gia đình nên đã có thể khắc phục được một số hạn chế của mô hình.

Do công tác xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp còn có những hạn chế dẫn đến việc thực hiện chiến lược cũng có nhiều khó khăn. Chính sách kinh doanh mà doanh nghiệp đề xuất còn mang tính chung chung, chưa có sự cụ thể, chi tiết, cũng như chưa rõ ràng về thời gian, chưa lượng hóa được các chỉ tiêu nên việc thực hiện chiến lược không được hiệu quả.

3.1.3. Thực trạng công tác kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh chiến lược tại Gia Đại:

Hiện nay do doanh nghiệp chưa thực sự bước vào việc xây dựng chiến lược mà chỉ có những định hướng, những giải pháp ngắn hạn trong thời gian sắp tới nên công tác kiểm tra đánh giá và điều chỉnh chiến lược của doanh nghiệp vì thế mà cũng không được quan tâm. Những giải pháp định hướng của doanh nghiệp còn mang tính chất định tính, chưa có những chỉ tiêu, những mục đích cụ thể và chưa được lượng hóa chính vì vậy không có một cơ sở để đánh giá, kiểm tra việc thực hiện những mục tiêu, kế hoạch đã đề ra để từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Vì vậy doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh chiến lược để thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ ngắn hạn cũng như đạt được mục đích, sứ mạng lâu dài của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Xây dựng chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp sản xuất thương mại gia đại đến năm 2015 (Trang 81 - 83)