Lời tả và lời bình của Vũ Trọng Phụng trong phần tái hiện nội dung

Một phần của tài liệu (Trang 55 - 57)

6. Bố cục của khóa luận

2.3.1Lời tả và lời bình của Vũ Trọng Phụng trong phần tái hiện nội dung

sự việc

Miêu tả là một thủ pháp được sử dụng rất lâu đời trong thi ca. Thơ ca xưa xem trọng nghệ thuật “thi trung hữu họa” cũng chính là xem trọng việc miêu tả những hình ảnh, đường nét của cuộc sống vào trong thơ. Nhưng đâu chỉ trong thơ, việc tái hiện lại bức tranh tươi đẹp của thiên nhiên, hình ảnh sống động lẫn nội tâm sâu kín của con người trong văn xuôi cũng cần đến lời tả của người nghệ sĩ. Cùng một hiện thực khách quan, nhưng thông qua nhãn quan của người nghệ sĩ, thông qua cách xếp đặt ngôn từ mà hiện thực cuộc sống được tái hiện một cách đa dạng, độc đáo. Tạo nên phong cách riêng của

người nghệ sĩ thông qua lời tả, lời bình trong việc tái hiện nội dung sự việc. Tiểu thuyết Số đỏ là một thiên tiểu thuyết hoạt kê mà Vũ Trọng Phụng đã sử dụng kính hiển vi để nhìn sâu vào tận bên trong cái xã hội lộn trái đang tồn tại. Đồng thời lại dùng kính lồi để phóng to ra tất cả những chi tiết ấy trước mặt người đọc về hình ảnh con người và các mối quan hệ xã hội. Vũ Trọng Phụng có miêu tả đến thiên nhiên quang cảnh chung quanh con người. Nhưng cái mà người kể chuyện chú ý đặc tả chính là hình ảnh con người thấy mình bình thường nhưng thực sự rất bất thường. “Cửa xe mở, một bà trạc ngoại tứ tuần mà y phục còn trai lơ hơn của các thiếu nữ, mặt bự ra những son và phấn, tóc đen lay láy nhưng mà quăn quăn, cả người nặng ít ra cũng bẩy mươi cân, nhưng cái khăn vành dây đúng mốt hết sức thì lại nhỏ xíu và ngắn ngủi có một mẩu, một tay cầm một cái dù thật tí hon và một cái ví da khổng lồ, tay kia ôm một con chó bé trông kì dị như một con kỳ lân, bước xuống đất một cách nặng nề, vất vả” [15, tr.607]. Ngay từ cái nhìn đầu tiên sự tồn tại của bà Phó Đoan - sản phẩm của xã hội lưu manh, bịp bợp, giả dối lúc bấy giờ đã nằm trong một sự đối lập , kệch cỡm, bất cân xứng. Lời tả của người kể chuyện đặc biệt ở chỗ là đã chơi trò chơi các cặp đối lập của ngôn từ: ngoại tứ tuần >< trang phục trai lơ, bẩy mươi cân >< vành dây nhỏ xíu, cái dù tí hon >< ví da khổng lồ...để tạo nên những mâu thuẫn nhỏ ở bên trong. Những mâu thuẫn nhỏ này kết hợp lại làm bùng lên những tiếng cười mỉa mai trước sự việc đang diễn ra trước mắt. Qua lời tả của người kể chuyện, hình ảnh bà Phó Đoan hiện ra rõ ràng là một bức tranh chân dung châm biếm méo mó, kì dị.

Không dừng lại ở việc tả hình ảnh, sự việc, nhiều khi Vũ Trọng Phụng còn thêm vào đó lời bình của người kể chuyện. Lời tả chi tiết, tỉ mỉ, lời bình không kém phần châm biếm, sâu cay. Tả cảnh đưa đám: “Với một đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc

soảng và bú dích, và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa, lại có cậu Tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ”. Sau đó là lời bình: “Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu...!”[15, tr. 719].

Phần lớn, ngôn ngữ của người kể chuyện là những lời kể tài tình xen lẫn những lời tả chi tiết qua cách sắp xếp ngôn từ độc đáo. Và cứ sau mỗi lời kể xen lời tả như vậy, lại xuất hiện những lời bình của người kể chuyện: Trước âm mưu hại hai quán quân Hải, Thụ là lời bình: “Thế, thật là có tài mà cậy chi tài”[15, tr. 745].

Sau lời đỡ hộ của Xuân Tóc Đỏ cho thầy số, không để cụ cố Hồng trả lời, người kể chuyện trực tiếp bộc lộ lời bình:“Nhưng cụ cố Hồng còn cần gì cậy thầy xem số nữa? Cũng như người đời, cụ thấy sung sướng đầy đủ thì thôi chứ? Hai nữa cụ đương bực một nỗi chưa có ai đấm vào mặt mình” [15, tr. 763].

Lời tả giúp người đọc có thể nhìn thấy hình ảnh được tái hiện, thậm chí như được tham dự vào sự việc đang diễn ra. Lời bình giúp người đọc hiểu được suy nghĩ, thái độ của người kể chuyện đối với đối tượng được tái hiện. TrongSố đỏ, chính những lời bình của người kể chuyện đã góp một phần lớn vào việc tạo nên một tiểu thuyếtSố đỏ mang tính trào phúng, hài hước.

Một phần của tài liệu (Trang 55 - 57)