Thực trạng phát triển kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu 26534 (Trang 41 - 45)

4.1.1 .Điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường

4.1.2. Thực trạng phát triển kinh tế xã hội

4.1.2.1. Thực trạng phát triển kinh tế

Khái quát tăng trưởng kinh tế

Huyện Yên Dũng đã nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nắm bắt thời cơ thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Đến nay nền kinh tế của huyện đã có sự chuyển biến rõ nét, dần dần thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Chính vì vậy nền kinh tế Yên Dũng tăng trưởng với tốc độ khá cao.

Tổng giá trị sản xuất năm 2008 đạt 613,43 tỷ đồng, tăng 215,649 tỷ đồng so với năm 2003 (tính theo giá cố định năm 1994). Diện tích đất gieo trồng tăng 623 ha. [15, 40]

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng, nhóm ngành nông lâm thuỷ sản giảm tỷ trọng trong GDP từ 70% năm 2003 xuống 57,00% năm 2008, công nghiệp và xây dựng cơ bản tăng từ 19,00% lên 29,5%, thương mại dịch vụ tăng từ 11,00% lên 13,5%.

Như vậy, nông nghiệp tuy vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất nhưng vai trò đã giảm nhanh, trong khi đó công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản đã có bước tiến rất nhanh. [15, 40]

Thực trạng phát triển các ngành kinh tế [15, 40]

a. Nông nghiệp

Hiện tại huyện Yên Dũng đang sử dụng 10.119,24 ha đất trồng cây hàng năm chiếm 47,19% tổng diện tích tự nhiên. Ngoài ra còn có 330,88 ha đất cây lâu năm và 827,43 ha đất nuôi trồng thuỷ sản.

Về cơ cấu cây trồng toàn huyện thì cây lương thực vẫn là chủ yếu chiếm 97,72% diện tích đất trồng cây hàng năm. Diện tích đất trồng ngô, đậu, đỗ các loại có xu hướng giảm, thay vào đó là diện tích đất trồng rau các loại và cây ăn quả (ớt xanh, ớt đỏ và dưa hấu). Trong các loại cây ăn quả (cam, quýt, chanh, xoài, hồng, na, nhãn, vải...) thì nhãn, vải là cây được trồng với diện tích lớn nhất.

Nhìn chung năng suất cây ngắn ngày tăng lên đáng kể, trong khi đó năng suất cây trồng lâu năm lại có xu hướng giảm. Năm 2008 năng suất lúa tăng hơn 6 tạ/ha so với năm 2003.

Tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 2008 đạt 95.727 tấn, tăng 17.331 tấn so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 4,63%. Bình quân lương thực trên một nhân khẩu đạt 585 kg/năm (năm 2008) là huyện đạt chỉ tiêu tương đối khá so với toàn tỉnh.

Tuy vậy, có thể nói năng suất cây trồng hiện nay vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều diện tích đất lúa có thể cải tạo để tăng vụ. Trong tương lai Yên Dũng có khả năng tăng sản lượng cây trồng lên nhiều hơn nữa nếu như xây dựng được một cơ cấu sử dụng đất hợp lý.

Ngành chăn nuôi của huyện cũng tăng trưởng khá. Đàn bò có xu hướng tăng rất nhanh, từ 10.763 con năm 2003 lên 13.800 con năm 2008, (tăng 34,89%); đàn trâu có xu hướng giảm dần qua các năm, từ năm 2003 đến năm 2008 giảm 530 con. Đàn lợn tăng từ 71.500 con năm 2003 lên 80.458 con năm 2008. Đàn gia cầm tăng 287.113 con so với năm 2003.

b. Ngành lâm nghiệp

hiện có 2.132,95 ha đất lâm nghiệp, hàng triệu cây phân tán, hàng trăm ngàn khóm song, mây, tre, nứa....

Cây lâm nghiệp chủ yếu là rừng trồng, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp là 5.584 triệu đồng, chiếm 0,91% tổng giá trị sản xuất toàn huyện.

c. Nuôi trồng thuỷ sản

Ngành nuôi trồng thuỷ sản chiếm 2,21% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, sử dụng 827,43 ha mặt nước. Sản lượng cá là 1.051 tấn/năm.

d. Ngành công nghiệp và xây dựng

Năm 2008 tổng giá trị sản xuất của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đạt 180,96 tỷ đồng. Tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2003-2008 tăng từ 19,0% lên 29,5%.

e. Ngành thương mại, dịch vụ

Ngành thương mại, dịch vụ và du lịch của huyện Yên Dũng có quy mô còn nhỏ bé. Tổng giá trị sản xuất của ngành năm 2008 mới đạt 82,81 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,5% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

4.1.2.2. Dân số và lao động

Tình hình biến động dân số

Theo kết quả điều tra dân số, tính đến cuối năm 2008, tổng số nhân khẩu của huyện Yên Dũng là 164.453 người, tăng 1.916 người so với năm 2003. Mật độ dân số chung toàn huyện năm 2008 là 767 người/km2.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của huyện thời kỳ 2003-2007 đều dưới 1,00%, riêng năm 2008 là 1,02%. Đây là mức tăng tương đối thấp so với bình quân chung cả nước và của tỉnh Bắc Giang. [15, 40]

Lực lượng lao động và việc làm

Về cơ cấu dân số và lao động của huyện Yên Dũng năm 2008 tổng số dân toàn huyện là 164.453 người, trong đó có 159.299 nhân khẩu nông nghiệp, chiếm 96,87%; khẩu phi nông nghiệp có 5.154 người, chiếm 3,13%. Tổng số lao động là 79.775 người, chiếm 48,5% dân số, trong đó lao động nông nghiệp có 69.148 người, chiếm 86,68%; lao động phi nông nghiệp có

10.627 người.

Bình quân đất sản xuất nông nghiệp trên đầu người là 656,01 m2/khẩu nông nghiệp; trên một lao động nông nghiệp có 1.511,27 m2/lao động, tỉ lệ này là thấp. Tuy nhiên, đây là nguồn lực để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. [15, 40]

Thu nhập và mức sống

Trong những năm gần đấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện tương đối cao, tổng giá trị sản xuất giai đoạn 2003-2008 đạt mức tăng hàng năm trung bình là 10,7%.

Thu nhập bình quân trên nhân khẩu năm 2008 đạt 3,73 triệu đồng/năm. Đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. [15, 40]

4.1.2.3. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng

Giao thông

Hệ thống giao thông của huyện gồm các tuyến chính sau: Đường quốc lộ 1A chạy qua phần Tây Bắc của huyện; đường Hà Nội - Lạng Sơn; đường tỉnh lộ 398; đường tỉnh lộ 299; tỉnh lộ 299B từ Tân An đi Chùa Đức La (Trí Yên). Ngoài ra còn có hơn 60 tuyến đường huyện lộ với tổng chiều dài 180 km và khoảng 45 km đê sông Thương, sông Cầu.

Huyện có 3 tuyến giao thông đường thuỷ là sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam, là các hợp lưu của hệ thống Lục đầu giang. Tổng chiều dài của cả 3 con sông trên phần lãnh thổ của huyện là 65,7 km.

Nhìn chung, hệ thống giao thông của huyện thuận tiện cho việc thông thương hàng hóa.

Thuỷ lợi

Huyện Yên Dũng có nhiều trạm bơm lớn với quy mô cấp nước cho khu vực (cụm xã) và trạm bơm nhỏ cấp nước cho cánh đồng ở tại các xã.

Hệ thống kênh mương các cấp của huyện khá dày và hợp lý. Tuy nhiên do công tác tu bổ bảo dưỡng hệ thống thuỷ lợi hàng năm chưa tốt, kênh mương không được nạo vét thường xuyên, một số tuyến đê bối còn thấp và

yếu nên hàng năm vẫn còn nhiều diện tích tưới tiêu chưa chủ động, bị hạn hoặc ngập úng, sản xuất không ổn định.

Điện

Huyện Yên Dũng đã sử dụng điện lưới quốc gia từ 40 năm nay. Hiện nay có 24/24 xã trong huyện đã có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu, lại không được đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên nên hệ thống đường dây 35KV của huyện đã xuống cấp nghiêm trọng, hay bị sự cố kỹ thuật, hoạt động không đảm bảo cho sản xuất.

Tình hình phát triển văn hoá, xã hội

Trong những năm qua sự nghiệp giáo dục của huyện được quan tâm đúng mực, ngoài giáo dục cho con em trong huyện về văn hóa còn tổ chức các lớp học, các trung tâm học tập cộng đồng (đến nay huyện có 24 trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn) cho chính người dân trong xã nhằm đạt được mục đích nâng cao dân trí, phổ biến khoa học, kỹ thuật và ứng dụng những tiến bộ vào trong sản xuất.

Mạng lưới y tế của huyện đảm bảo phục vụ cho nhu cầu của nhân dân. Huyện đã có nhiều biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động, khuyến khích, hướng dẫn các hộ nông dân mở thêm nghề phụ để thu hút số lao động nhàn rỗi, phát triển kinh tế nhiều thành phần, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm.

4.2. Tình hình sử dụng đất đai, thực trạng sản xuất nông nghiệp

và phân bố hệ thống cây trồng

Một phần của tài liệu 26534 (Trang 41 - 45)