2.3.1. Số công việc làm thêm của sinh viên
Phần lớn sinh viên đều đảm nhận một công việc trong cùng một thời điểm, ở sinh viên Đại học Văn Hiến và Đại học Tôn Đức Thắng cùng chiếm khoảng 70%. Một số ít sinh viên của hai trường cùng một lúc đảm nhận từ hai đến ba công việc. Điều này một phần cho thấy làm thêm hiện nay không chỉ đơn thuần là làm cho biết mà thị trường lao động ngày nay cũng đòi hỏi những yêu cầu nhất định đối với người làm thêm. Sinh viên Nguyên, năm hai ngành Quản trị kinh doanh cho biết
“Em làm cộng tác viên bán hàng online, lúc đầu em tính tranh thủ dạy thêm một cua nữa, nhưng rồi không thể đủ sức vì chủ cửa hàng yêu cầu hiệc quả công việc rất cụ thể, nếu em làm không được họ sẽ đổi người ngay. Em muốn cố gắng làm tốt một việc này trước, để có kinh nghiệm sau này em muốn kinh doanh riêng và phải lo học để ra trường sớm”.
Biểu đồ 2.1: Số công việc làm thêm của sinh viên hai trường Nguồn: Kết quả điều tra thực địa của đề tài năm 2017
Với yêu cầu tính hiệu quả của công việc làm thêm như hiện nay thì hầu hết sinh viên chỉ thực hiện một công việc để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
2.3.2. Khoảng thời gian làm thêm của sinh viên
Biểu đồ 2.2: Thời gian làm thêm của sinh viên hai trường Nguồn: Kết quả điều tra thực địa của đề tài năm 2017
Công việc được sinh viên lựa chọn theo từng thời điểm năm học khác nhau nên khoảng thời gian dành cho công việc đang làm thêm là không lâu. Hầu hết công việc sinh viên đang làm thêm đều dưới 6 tháng, sinh viên ĐH Văn Hiến là 58,3%, ĐH Tôn Đức Thắng là 50,8%, và với khoảng thời gian làm từ 6 tháng đến một năm của sinh viên hai trường từ 27,5% đến 30,0%. Sinh viên Phúc, năm ba ĐH Văn Hiến chia sẻ: “Em bắt đầu đi làm thêm từ học kỳ một của năm nhất và đến bây giờ em chuyển chỗ làm hơn mười lần vì năm nhất em có nhiều thời gian nên làm công việc gì cũng được chủ yếu nơi nào có lương cao là em làm, nhưng giờ em đang làm cộng tác viên cho báo online được hơn 6 tháng rồi và em thấy nó khá thú vị và phù hợp với ngành văn học của em nên em không có ý định đổi nơi làm nữa để có cơ hội xin việc làm nhanh sau khi ra trường”. Cũng như một bạn sinh viên năm thứ tư ĐH Tôn Đức Thắng thông tin thêm: “Tìm một công việc phù hợp rất khó, khi em đang học năm hai có lúc em tìm công việc phù hợp với thời gian ở lớp nhưng quá xa với chỗ trọ, có khi em tìm được công việc thuận lợi hết rồi, em làm được 3 tháng thì nhà trường đổi lịch học nên em đành bỏ việc chứ không dám nghỉ học. Giờ em đang làm nhân viên kinh doanh cho ngân hàng được 7 tháng rồi, hiện tại cũng trùng với lịch học một môn ở trường nhưng
em sẽ đăng ký học môn này với khóa sau vì không đơn giản để em tìm công việc đúng với chuyên ngành tài chính ngân hàng em đang học”.
Điều này phần nào cũng cho thấy tính chất công việc làm thêm của sinh viên hiện nay chưa mang tính ổn định lâu dài vì nhiều yếu tố khác nhau. Về phía sinh viên, các bạn thường thay đổi công việc theo điều kiện học tập, khả năng của bản thân, thị trường lao động, vì rất khó để tìm một công việc làm thêm mang tính ổn định. Mặt khác, nhóm sinh viên năm nhất và năm hai khi họ chưa học sâu vào chuyên ngành thì có thể lựa chọn công việc làm thêm theo sở thích, tiền lương, hoặc đi làm cho biết nên họ gắn bó với công việc thường trong khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng đối với nhóm sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư, phần lớn sinh viên xác định được nhu cầu của thị trường lao động nên xu hướng tìm công việc cũng rõ ràng và mang tính chất lâu dài hơn nhóm sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai.
Bảng 2.3: Số ngày làm thêm/tuần của sinh viên hai trường
Số ngày làm thêm/tuần
Trường
Đại học Văn Hiến Đại học Tôn Đức Thắng
N % N %
Hai ngày cuối tuần 21 17,5 18 15,0
Ba ngày 38 31,7 56 46,7
Tất cả các ngày trong tuần 41 34,2 37 30,8
Khác 20 16,7 9 7,5
Tổng 120 100 120 100
Nguồn: Kết quả điều tra thực địa của đề tài năm 2017
Sinh viên của cả hai trường rất chú trọng đến công việc làm thêm, phần lớn sinh viên đều làm tất cả các ngày trong tuần ở ĐH Văn Hiến là 34,2%, ĐH Tôn Đức Thắng là 30,8% và 3 ngày trong một tuần cũng là giải pháp cân đối giữa thời gian học ở lớp và đi làm.
Biểu đồ 2. 3: Số giờ/ngày làm thêm của sinh viên hai trường Nguồn: Kết quả điều tra thực địa của đề tài năm 2017
Số giờ dành cho một ngày làm thêm cũng khá cao: từ 4 giờ đến 8 giờ chiếm 65,0% ở ĐH Tôn Đức Thắng và 51,7% ở ĐH Văn Hiến. Điều này cũng thấy được rằng sinh viên dành nhiều thời gian trong ngày cho công việc làm thêm. Sinh viên Thịnh, năm tư ngành Công nghệ thông tin ĐH Văn Hiến cho rằng:“Bây giờ mà không đi làm thêm là sẽ không tìm được việc làm ổn định cho sau này, em đi làm thêm không phải vì kiếm tiền mà em đi làm thêm là vì tương lai muốn tìm được việc làm ổn định sau khi ra trường, nên ngoài giờ học ở lớp là em đến chỗ làm thêm, một tuần công việc chính của em là 3 buổi nhưng nếu không có lịch học em vẫn đến chỗ làm để phụ thêm mà không cần tính lương, em thấy mình học được rất nhiều thứ từ công việc đang làm”.
Nhiều sinh viên xác định lợi ích không nhỏ của việc làm thêm, vì đa số sinh viên nhận thấy ở môi trường làm việc đã giúp họ trau dồi được các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, mở rộng mối quan hệ xã hội. Thêm vào đó, họ đã tận dụng được tối đa thời gian rảnh rỗi của mình và có thể làm thêm để sử dụng hết quỹ thời gian 24 giờ thật ý nghĩa.