2.4.1. Ảnh hưởng của công việc làm thêm theo năm học
Ngay từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên bắt đầu đi làm thêm không chỉ để kiếm thêm thu nhập, tích lũy kinh nghiệm mà còn khơi dậy các
kỹ năng mềm. Tuy vậy, việc cân bằng thời gian để vừa học vừa làm sinh viên cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Công việc làm thêm cũng đòi hỏi tính hiệu quả rất cao, vì vậy việc cân đối giữa việc học ở trường và việc làm thêm cũng là một khó khăn rất lớn đối với sinh viên. Dù vậy, hầu hết sinh viên của cả hai trường ĐH Văn Hiến và ĐH Tôn Đức Thắng đều có kết quả học tập không thay đổi so với trước khi đi làm thêm (chiếm 70%). Điều này có thể được lý giải, hiện tại sinh viên của cả hai trường ĐH Văn Hiến và ĐH Tôn Đức Thắng đều đào tạo theo hệ thống tín chỉ, nên phần lớn sinh viên đều có thể chủ động trong việc đăng ký lịch học theo thời gian phù hợp với mình. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số sinh viên có kết quả học kém hơn khi đi làm thêm, chủ yếu là nhóm sinh viên năm nhất và năm hai của cả hai trường, ĐH Văn Hiến là 13,3% và ĐH Tôn Đức Thắng là 16,7%. Một số ít sinh viên ở hai trường có kết quả học tập tốt hơn và tỉ lệ này ở nhóm sinh viên hai năm cuối cao hơn so với nhóm sinh viên hai năm đầu. Cụ thể, tỉ lệ sinh viên năm nhất và năm hai có kết quả học tốt hơn sau khi đi làm thêm ở trường ĐH Văn Hiến và ĐH Tôn Đức Thắng lần lượt là 10% và 13,3%, còn tỉ lệ này ở sinh viên năm ba và năm tư ở hai trường lần lượt là 20% và 18,3%.
Một kết quả học tập tương đối tốt, những kinh nghiệm tích lũy dồi dào, điều này tùy thuộc vào khả năng biết sắp xếp, cân đối thời gian học và đi làm của mỗi sinh viên. Vì khi đi làm thêm đồng nghĩa với việc sinh viên phải chấp nhận quỹ thời gian eo hẹp, áp lực cũng như những khó khăn gặp phải trong công việc làm thêm của mình.
Bảng 2.4: Kết quả học tập khi sinh viên đang đi làm thêm
Kết quả học tập khi đi làm thêm
Năm học của sinh viên
SV năm nhất và năm hai SV năm ba và năm tư ĐH Văn Hiến ĐH Tôn Đức Thắng ĐH Văn Hiến ĐH Tôn Đức Thắng N % N % N % N % Kết quả học tập tốt hơn 6 10,0 8 13,3 12 20,0 11 18,3
Không thay đổi 46 76,7 42 70,0 42 70,0 44 73,3
Kết quả học tập kém hơn 8 13,3 10 16,7 6 10,0 5 8,3
Tổng 60 100,0 60 100,0 60 100,0 60 100,0
Thực tế có rất nhiều sinh viên sắp xếp thời gian cho việc học và việc làm hợp lý. Không những họ hạn chế được rất nhiều mặt trái của công việc bán thời gian, mà còn thúc đẩy việc học ngày một tốt hơn. “Từ ngày em đi làm thêm, em giao tiếp tự tin hơn, em làm phục vụ cho nhà hàng nên thường có khách nước ngoài, mới đầu em không tự tin để nói nhưng dần vì công việc em phải cố gắng để có thể giao tiếp ít nhiều với họ. Cho nên bây giờ vốn ngoại ngữ em đã tốt hơn rất nhiều mà ở trong trường không thể thực hành được. Sau một thời gian đi làm thêm kết quả học tập ở trường của em đã tốt hơn so với lúc chưa đi làm vì những giờ học em tự tin phát biểu, những giờ học ngoại ngữ giao tiếp em đều được điểm cộng” (PV sinh viên Phượng, năm 3 ngành Ngôn ngữ Anh, ĐH Văn Hiến). Và một sinh viên năm thứ ba ngành xã hội học, ĐH Tôn Đức Thắng cũng cho biết thêm: “Em đi làm thêm từ khi mới vào thành phố và từ năm nhất đến giờ em luôn là sinh viên khá, em thấy mình đi làm thêm rất bổ ích và hỗ trợ kiến thức thực tế thêm cho môn học và em cũng giao tiếp tự tin hơn”.
Sinh viên ngày nay rất chú trọng đến kiến thức thực tế và tìm cách tiếp cận từ những công việc làm thêm nên cũng chủ động được trong việc sắp xếp giữa việc học và làm, điều này không làm ảnh hưởng đến kết quả học tập chung của sinh viên của cả hai trường. Tuy nhiên, cũng có một số sinh viên kết quả học tập kém hơn so với trước khi đi làm thêm.
2.4.2. Ảnh hưởng của công việc làm thêm đến kết quả học tập theo giới
Biểu đồ 2.4: Kết quả học tập giữa nam và nữ của SV hai trường Nguồn: Kết quả điều tra thực địa của đề tài năm 2017
Hầu hết kết quả học tập không thay đổi so với trước khi đi làm thêm và đang đi làm thêm giữa nam và nữ của hai trường: Ở nam ĐH Văn Hiến là 72% và ĐH Tôn Đức Thắng là 67%, còn ở nữ thì ĐH Văn Hiến 74% và ĐH Tôn Đức Thắng là 77%. Song song với kết quả học tập không thay đổi thì cũng có một số ít sinh viên có kết quả học tập kém hơn so với khi chưa đi làm: sinh viên nam ở ĐH Văn Hiến là 13% và ở ĐH Tôn Đức Thắng là 11%; sinh viên nữ ĐH Văn Hiến là 8% và ĐH Tôn Đức Thắng là 11%. Điều này cho thấy rằng ảnh hưởng từ việc làm thêm đến kết quả học tập giữa nam và nữ của cả sinh viên hai trường đều không có sự chênh lệch nhiều. Sinh viên Hòa, năm 2 ngành kỹ thuật điện, điện tử ĐH Tôn Đức Thắng cho biết: “Công việc làm thêm của em và các bạn rất áp lực vì bán hàng tính lương dựa trên doanh số nên nam và nữ đều như nhau, ai bán được nhiều hơn thì lương cao hơn. Sáng đi học, chiều làm thêm đến tối về đến nhà không còn sức coi bài học được nên kết quả học tập của em có giảm đi so với trước một chút”.
Có một ít sinh viên có kết quả học tập kém hơn so với trước khi đi làm thêm giữa nam và nữ của cả hai trường. Vì với thời gian và áp lực từ công việc làm thêm như hiện nay nếu sinh viên không cân đối được việc học và việc làm sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe. Sinh viên Mai Anh, năm ba ĐH Văn Hiến bộc bạch: “Em đi làm từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, về chỉ mua vội hộp cơm và mang đến trường rồi vào lớp từ một giờ nên đợi giải lao em mới ăn trưa, khi học xong tới 5 giờ chiều thì đi học thêm tiếng anh đến 9 giờ tối nên khi về tới nhà chỉ muốn nằm và không còn muốn ăn hay nghiên cứu bài trước cho ngày mai nữa”.
Thực tế hiện nay cho thấy rằng sinh viên hầu như rất coi trọng công việc làm thêm, phần lớn thời gian ngoài việc học là họ dành hết thời gian tập trung cho công việc làm thêm, vì khi thị trường lao động đòi hỏi họ phải tích lũy kinh nghiệm nên việc xác định lựa chọn công việc làm thêm là dường như bắt buộc không còn một sự lựa chọn nào khác để có thể tìm một cộng việc ổn định sau khi ra trường.