2.5.1. Yêu cầu đối với việc làm thêm theo nhóm năm học
Biểu đồ 2.5: Yêu cầu kinh nghiệm khi đi làm thêm Nguồn: Kết quả điều tra thực địa của đề tài năm 2017
Khó đáp ứng được những yêu cầu của thị trường lao động, nên phần lớn sinh viên tìm kiếm những công việc phù hợp với khả năng hiện tại về chuyên môn. Nhóm sinh viên năm nhất và năm hai chủ yếu chọn công việc làm không yêu cầu có kinh nghiệm chiếm 61,3% “Em đang làm phục vụ quán cà phê theo ca và làm hai quán vì lịch học một tuần có 4 buổi nên đi làm kiếm thêm thu nhập và công việc này đơn giản không cần kinh nghiệm chỉ nhanh nhẹn chút là được”. (PV sinh viên Hiếu, năm nhất ngành Kỹ thuật công trình xây dựng ĐH Tôn Đức Thắng). Nhưng nhóm sinh viên đang học năm thứ ba và năm thứ tư hầu hết hướng đến tìm kiếm một công việc làm thêm phù hợp với ngành đang theo học ở trường, vì mục đích thực hành được các kiến thức đang học và tích lũy kinh nghiệm để có cơ hội tìm một công việc phù hợp sau khi ra trường. Điều này đồng nghĩa với công việc làm thêm của họ đòi hỏi có kinh nghiệm chiếm tỷ lệ tương đối cao (65,4%), trong khi nhóm sinh viên năm nhất và năm hai công việc làm thêm đòi hỏi có kinh nghiệm chỉ chiếm 38,7%. Sinh viên Mai Anh, năm tư ngành ngôn ngữ Anh, ĐH Văn Hiến cho rằng: “Em làm dịch thuật cho công ty luật họ kiểm tra trình độ của em và yêu cầu em phải có kinh nghiệm làm thêm trước đây như kỹ năng sắp xếp thời gian,
phải biết cách phân bổ công việc hợp lý…cho dù công việc ở đây lương không cao
bằng khi em đi bán hàng nhưng em vẫn cố gắng đáp ứng những yêu cầu ở đây để xin vào làm vì công việc này phù hợp với ngành em đang theo học và em muốn tích lũy kinh nghiệm để tìm công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp”. Điều này phù hợp với giả thuyết thứ nhất: Hầu hết nhóm sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai đi làm thêm là để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nhưng sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư mục đích chính khi đi làm thêm là muốn tích lũy kinh nghiệm và cọ sát với thị trường lao động.
Một yếu tố khác khẳng định được rằng phần lớn sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư xác định rõ hơn về mục đích đi làm thêm là để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng sau khi ra trường. Trên thực tế, các nhà tuyển dụng đều ưu tiên cho người lao động có kinh nghiệm, cho nên hướng lựa chọn đâu tiên là chọn một công việc làm thêm để tích lũy kinh nghiệm.
Ông Vinh - GĐ Công ty du lịch Kim Phong cho biết: “Thị trường hiện nay rất cạnh tranh nên đòi hỏi nhân viên phải biết làm, có thể ít người nhưng làm việc phải hiệu quả. Vì vậy, mà công ty tôi tuyển dụng thường ưu tiên người đã có kinh nghiệm để không mất thời gian đào tạo lại. Sinh viên mới ra trường có nhiều bạn cũng rất năng động, giao tiếp tốt vì đã tiếp xúc và làm thêm ở nhiều nơi… Tôi chưa đòi hỏi là kinh nghiệm trong công việc nhưng ít nhất cũng phải có kinh nghiệm trong việc bố trí sắp xếp công việc, giao tiếp và cách làm việc nhóm thì sẽ thuận lợi hơn các bạn chỉ biết học không biết thực tế là gì”.
Công việc làm thêm đúng với ngành sinh viên đang theo học cũng đã đòi hỏi có kinh nghiệm, yếu tố này cũng là một trở ngại lớn đối với sinh viên muốn tìm một công việc làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Nên trước tiên muốn tìm một công việc làm thêm phù hợp với ngành sinh viên đang theo học thì phải bắt đầu từ những công việc tay chân chỉ để tích lũy những kinh nghiệm, kinh nghiệm ở đây chưa mang tính chuyên ngành mà chủ yếu thuộc những kinh nghiệm mang tính xã hội như cách giao tiếp, rèn luyện tính kiên trì, tự tin cho bản thân.
2.5.2. Yêu cầu công việc làm thêm theo nhóm ngành học
Biểu đồ 2.6: Yêu cầu kinh nghiệm khi đi làm thêm theo nhóm ngành Nguồn: Kết quả điều tra thực địa của đề tài năm 2017
Khi sinh viên tìm một công việc làm thêm, tùy thuộc vào khối ngành đang học mà nhà tuyển dụng có những yêu cầu cụ thể hơn về kinh nghiệm mà sinh viên từng làm. Yêu cầu có kinh nghiệm khi đi làm thêm đối với nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ là 57,1% và nhóm ngành Kinh tế là 57,7%, vì khi sinh viên hai nhóm ngành này tìm đến những công việc gần với ngành đang học thì thường đòi hỏi phải có kinh nghiệm.“Em xin vào làm sửa chữa máy tính rất khó khăn vì họ yêu cầu em phải có kinh nghiệm, nhưng nếu không cho em cơ hội bắt đầu thì em tìm đâu ra kinh nghiệm nên em xin vào làm bán hàng cho một cửa hàng bán linh kiện máy tính, người ta cũng bắt em phải có kinh nghiệm đã từng làm trong lĩnh vực máy tính, cuối cùng em phải xin vào bán hàng cho cửa hiệu đồ chơi, rồi nhờ bạn bè giới thiệu em đã tìm được công việc bán hàng trong linh kiện máy tính” (PV sinh viên Toàn, ngành công nghệ thông tin ĐH Văn Hiến). Cũng theo lời của SV Ngân, ngành Quản trị kinh doanh ĐH Tôn Đức Thắng cho biết: “Em muốn đi làm cho công ty nghiên cứu thị trường nhưng vì yêu cầu có kinh nghiệm ít nhất 6 tháng đã từng làm trong lĩnh vực này nên em đành xin vào bán hàng cho một tiệm quần áo nhỏ lẻ để bắt đầu khắc phục cách giao tiếp của bản thân trước khi muốn xin vào làm thêm cho công ty nghiên cứu thị trường mà em thích”.
Để tìm một công việc làm thêm phù hợp với thời gian đi học, cộng thêm phải có kinh nghiệm là một khó khăn cho mỗi sinh viên, khi yêu cầu của thị trường lao động đòi hỏi phải tích lũy kinh nghiệm, nhưng khi còn là sinh viên họ muốn tìm đến một công việc làm thêm phù hợp với ngành đang theo học thì không phải đơn giản, vì vậy phần lớn họ phải bắt đầu từ những công việc chân tay như phục vụ quán cà phê, nhà hàng tiệc cưới… trước khi tìm đến công việc mang tính chất gần với ngành theo học. Đối với nhóm ngành Khoa học xã hội và Nhân văn, phần lớn sinh viên làm những công việc như dạy kèm thì không cần phải có kinh nghiệm (chiếm 60.3%). “Em đi dạy kèm hai cua cũng có thêm thu nhập và không cần kinh nghiệm chỉ cần dạy nhiệt tình, nhẹ nhàng với học sinh là được, em tích lũy kinh nghiệm dần dần để đến năm tư em đi thực tập tại trường Trung học phổ thông” (PV sinh viên Thư, ngành Văn học ĐH Văn Hiến).