4.1.7.1. Kết quả đạt được
Nhìn chung, các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, pháp luật Đất đai đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và sử dụng đất đai; công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật đã được ngăn chăn, xử lý nghiêm minh, có chiều hướng giảm; quyền lợi của người sử dụng đất được đảm bảo; một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tiếp tục được tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất; việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai ngày càng được tăng cường, phát huy dân chủ; bộ máy quản lý từng bước được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành đồng bộ và kịp thời, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; các văn bản được ban hành đều bám sát chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; giúp cho Luật sớm đi vào cuộc sống, giải quyết kịp thời các vấn đề bức thiết mà thực tế đang đòi hỏi. Góp phần phát huy nguồn lực tài nguyên và môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, ngăn ngừa, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực đất đai, đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn đi vào nền nếp.
4.1.7.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
a. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn cho thấy vẫn còn có một số nội dung pháp luật về đất đai chưa có quy định điều chỉnh; một số nội dung mặc dù đã có quy định nhưng khó khả thi vì chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Khó khăn khi giải quyết đối với trường hợp phát sinh các dự án, công trình chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện do chưa có quy định về việc điều chỉnh kế hoạch. Thiếu các quy định để xử lý chuyển tiếp giữa Luật cũ và Luật mới về các trường hợp giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
b. Nguyên nhân
- Việc đo đạc lập bản đồ địa chính trên địa bàn huyện chưa thực hiện được chỉ là trích đo nên còn khó khăn trong công tác quản lý đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai.
- Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch lại hệ thống giao thông nông thôn, rất nhiều trường hợp đã hiến đất để thực hiện mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi dẫn đến thay đổi cơ bản so với các giấy chứng nhận đã cấp; do đó, phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý lại bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận cho người dân.
- Việc thu thập thông tin, tài liệu có liên quan phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra gặp nhiều khó khăn do quy định, điều kiện về lưu trữ hồ sơ những năm trước đây chưa được quan tâm. Do tâm lý nể nang, ngại va chạm
đặc biệt là khu vực nông thôn nên việc xác minh về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất phục vụ cho công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai gặp rất nhiều khó khăn.
- Trong triển khai thực hiện các quyền của người sử dụng đất, vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất như đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.