Hà tĩnh
Mitraco là một doanh nghiệp chủ chốt của tỉnh Hà Tĩnh, trong các nhóm ngành mà Mitraco tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh cần chia làm hai nhóm: những ngành nghề kinh doanh cốt lõi, tạo thu nhập và tích lũy vốn cho TCT phát triển sau này; và nhóm những ngành giải quyết việc làm cho địa phương hoặc thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội của địa phương.
Đối với nhóm ngành thứ nhất, Mitraco cần phải dựa vào năng lực cạnh tranh của TCT, bối cảnh kinh tế của đất nước và của tỉnh, mức độ sinh lời của các ngành này, tiềm năng trong trung hạn và dài hạn. Đối với nhóm ngành nghề thứ hai, TCT cần phải tận dụng tối đa những chủ trương chính sách của Trung ương, của Tỉnh để cùng chia sẻ khó khăn đồng thời có kế hoạch thoái vốn khỏi những ngành này ngay khi có điều kiện.
Đối với các ngành nghề có liên quan với nhau thì cần phải liên kết với nhau để từng bước xây dựng chuỗi giá trị của ngành đó.
Hiện nay năng lực cốt lõi của TCT vẫn là ngành khai thác khoáng sản. Tuy nhiên vòng đời của ngành này tại Hà Tĩnh đang vào giai đoạn suy thoái. Trong 5 năm tới Mitraco cần phải có kế hoạch từng bước thoái lui khỏi ngành này, hoặc chỉ duy trì có chừng mực mức độ hoạt động của các công ty con đang làm ăn có lãi và từ bỏ những ngành nghề hết khả năng khai thác (như Mangan, thạch anh, v.v…)
Đối với hoạt động khai thác và chế biến Titan, là hoạt động truyền thống và tạo ra doanh thu và lợi nhuận chính cho Mitraco trong nhiều năm vừa qua, có thể sẽ không còn là lĩnh vực hoạt động chính trong thời gian tới do một số lý do sau:
- Việc khai thác titan trên địa bàn Hà Tĩnh là không thể, do những hạn chế về nguồn nguyên liệu, hạn chế về trữ lượng mỏ;
- Để tiếp tục ngành khai thác titan, Mitraco cần tìm kiếm nguồn nguyên liệu tại các tỉnh khác. Việc Mitraco tự tìm kiếm mỏ trên các địa phương là một thách thức lớn. Trong khi đó để tiếp cận các mỏ ở các nước khác như Lào, Campuchia, Myanmar… đòi hỏi Mitraco phải có năng lực cạnh tranh quốc tế về vốn, công nghệ và trình độ quản lý, đây lại là những điểm yếu của Mitraco hiện nay;
Để nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh titan đã qua chế biến sâu đòi hỏi một quá trình đầu tư dài hơi về công nghệ và con người. Hiện nay nguồn lực về vốn của Mitraco là khá mỏng, Mitraco cần phải có một lựa chọn chiến lược: đầu tư vào những ngành nghề mà Mitraco đang có lợi thế, không đòi hỏi công nghệ quá cao và có khả năng thu lợi nhanh để tích luỹ tư bản, đồng thời từng bước nâng cao năng lực của ngành chế biến khoáng sản. Trong thời gian này, Mitraco cần có những nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng hơn về nguồn khai thác, về công nghệ, đối tác chuyển giao công nghệ, thị trường và đánh giá khả năng thu xếp vốn, khả năng lợi nhuận của dự án này trước khi có quyết định đầu tư đối với dự án.
Lựa chọn ngành khai thác và chế biến khoáng sản làm chủ đạo đòi hỏi một quyết tâm chiến lược lớn đối với Mitraco. Thêm vào đó, chủ trương của nhà nước cấm xuất khẩu khoáng sản thô và đòi hỏi chỉ được xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu là một thách thức rất lớn đối với không chỉ Mitraco mà còn với hơn 1400 doanh nghiệp đang khai thác và chế biến khoáng sản tại Việt Nam. Cho nên trong 5 năm tới Mitraco hầu như không có khả năng đầu tư cho công nghệ chế biến sâu, có đủ nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ đó. Trữ lượng quặng Titan của Hà Tĩnh cũng không còn nhiều để hấp dẫn các nhà đầu tư có tiềm năng về công nghệ và vốn đầu tư vào chế biến sâu quặng titan tại Hà Tĩnh.
Trong vòng 5 năm tới Mitraco không nên tăng đầu tư vào các ngành khai thác và chế biến thô quặng titan và các sản phẩm liên quan; từng bước rút ra khỏi ngành khai thác khoáng sản thô không hiệu quả và hợp thời để chuyển hướng phát
triển dựa vào những lợi thế mới của tỉnh như cảng biển và các dịch vụ cảng biển, chăn nuôi, v.v….
Các ngành, nghề khác cần được lựa chọn trong các ngành lợi thế của địa phương và các ngành nghề, cơ hội kinh doanh mới nổi cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa diễn ra trên địa bàn tỉnh. Các ngành nghề đó có thể bao gồm:
1. Kinh doanh dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics, dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa
2. Phát triển chăn nuôi lợn, bò, hươu, trồng các loại rau củ quả công nghệ cao, trồng rừng và chế biến gỗ, lâm sản khác. Trên lĩnh vực này, Mitraco sẽ tham gia vào các công đoạn có tính mở đường, đặc biệt là phát triển giống cây trồng, vật nuôi; lôi kéo và hỗ trợ đầu tư, kinh doanh của các hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ và vừa có liên quan; chỉ tạo thêm chứ không cạnh tranh, tranh dành cơ hội kinh doanh của các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của khu vực tư nhân. Các công đoạn đó có thể là sản xuất và cung cấp các loại giống có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, chuyển giao công nghệ và hướng dẫn áp dụng phương thức tổ chức sản xuất hiện đại, bao tiêu sản phẩm một cách ổn định và bền vững v.v…Mitraco đã có công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và đang xây dựng nhà máy giết mổ gia súc sẽ làm tăng giá trị tăng thêm trong toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm.
3. Công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp luyện kim, nhiệt điện, 4. Dịch vụ và hàng hóa phụ trợ, thầu phụ cho công nghiệp nặng,
5. Cơ sở hạ tầng: giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp, nhà ở dân dụng bằng nhiều nguồn vốn thích hợp.
6. Kinh doanh và khai thác khoáng sản từ thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Myanmar, Philippine…
Ngay cả trong các ngành nghề khác như được đề xuất ở trên, đến năm 2015, Mitraco cần lựa chọn xác định được hai ngành nghề cốt lõi chính để phát triển thành ngành nghề chính của công ty trong dài hạn. Riêng hai ngành nghề mới này phải đảm bảo được khoảng 50-80% lợi nhuận của Mitraco vào năm 2017-2018.
Đối với ngành khai thác khoáng sản, cương quyết từ bỏ những sản phẩm kinh doanh thua lỗ, hoặc thị trường bị hạn chế kinh doanh bởi các quyết định của nhà nước như quặng Mangan, v.v... Chỉ tập trung vào những sản phẩm mà Mitraco đang có năng lực cạnh tranh và có triển vọng thị trường phát triển như: Ilmenit, Zicon, Rutile, thạch cao.