Mua sắm trực tuyến được định nghĩa là một giao dịch được thực hiện bởi người tiêu dùng thông qua giao diện trên máy tính bằng phương thức sử dụng máy tính được kết nối với internet của người mua tương tác với các gian hàng được số hóa của các nhà bán lẻ (Haubl & Trifts, 2000). Theo Monsuwe, Dellaert và K. D. Ruyter, (2004), mua sắm trực tuyến là hành vi của người tiêu dùng trong việc mua sắm thông qua các cửa hàng trên internet hoặc website sử dụng các giao dịch mua hàng trực tuyến.
Mua sắm qua mạng đã trở thành một phương thức mua sắm phổ biến và ngày càng phát triển trên thế giới trong những năm gần đây (Wu, L., Cai, Y. & Liu, D., 2011). Hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng được dựa trên giao diện các website, hình ảnh về sản phẩm được đăng tải trên internet (Lohse and Spiller 1998). Monsuwe et al. (2004) chỉ ra rằng mua sắm trực tuyến có nhiều thuận tiện hơn so với hình thức mua sắm truyền thống.
2.2.2. Ý định mua hàng trực tuyến
Ý định là một yếu tố tạo động lực, nó thúc đẩy một cá nhân sẵn sàng thực hiện hành vi (Ajzen, 1991). Ý định mua hàng có thể được đo bằng mong đợi mua sắm và sự xem xét của người tiêu dùng về mặt hàng/ dịch vụ đó (Laroche, Kim and Zhou, 1996). Ý định là một yếu tố được sử dụng để đánh giá khả năng thực hiện một hành vi trong tương lai (Blackwell, Miniard & Engel, 2001). Theo Pavlou (2003), khi một khách hàng dự định sẽ dùng các giao dịch trực tuyến để mua sắm, đó được gọi là ý định mua hàng trực tuyến . Delafrooz & cộng sự (2011), ý định mua sắm trực tuyến là khả năng chắc chắn của người tiêu dùng sẽ thực hiện việc mua sắm qua Internet.
2.2.3. Thị trường Thương mại điện tử Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020-2025 là 29%. Theo báo cáo này, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến
tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt 52 tỷ USD.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cũng vừa công bố báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2020. Theo đó, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Do đó, quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019.
Năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 với 67,6 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 55,7 điểm. Đứng thứ ba trong bảng xếp hạng là Đà Nang với 19,0 điểm. Địa phương đứng thứ ba này có khoảng cách rất xa so với hai địa phương dẫn đầu. Điểm trung bình của Chỉ số năm nay là 8,5 điểm, phản ảnh khoảng cách rất lớn giữa hai đầu tàu là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với 61 tỉnh thành khác.