Ket quả nghiên cứu cho thấy vốn chủ sở hữu bình quân trên tổng tài sản bình quân có tác động tích cực tới sự ổn định tài chính của ngân hàng. Do đó, để nâng cao năng lực tài chính, các NHTM có thể gia tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản theo lộ trình phù hợp và phương pháp phù hợp với tình hình cụ thể tại từng NHTM tránh gây áp lực trong việc duy trì suất sinh lời cho chủ đầu tư. Quy mô vốn lớn hơn giúp cho khả năng ổn định tài chính cao hơn. Bên cạnh đó, vốn của NHTM được xem là chiếc “đệm” để đối phó có hiệu quả với các cú sốc từ bên ngoài, bảo đảm một sự an toàn trong hoạt động kinh doanh, đồng thời giúp hỗ trợ cho hoạt động mở rộng thị phần, mở các chi nhánh, phòng giao dịch, gia tăng khả năng cạnh tranh. Các NHTM có thể tăng vốn thông qua nhiều kênh khác nhau như: cổ phần hóa, phát hành thêm cổ phiếu, sáp nhập, hợp nhất các NHTM.
Trong hoạt động ngân hàng, lợi nhuận thường là tiêu chí đầu tiên và nổi bật khi so sánh giữa các thành viên. Thế nhưng, ở góc độ quản trị điều hành và theo chiến lược đường dài, tổng tài sản mới là yếu tố cạnh tranh ngầm quyết liệt (Trần Thuý, 2019). Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ ổn định tài chính của các ngân hàng có quy mô tổng tài sản (BANKSIZE) lớn sẽ cao hơn các ngân hàng còn lại trong quá trình hoạt động. bên cạnh việc duy trì tăng trưởng quy mô hợp lý thì các NHTM Việt Nam cần có những giải pháp để đảm bảo khả năng sinh lời giúp duy trì sự ổn định tài chính bao gồm: (i) Tăng trưởng quy mô đi kèm với các giải pháp tăng cường kiểm soát đảm bảo an toàn của hệ thống. (ii) Tăng trưởng quy mô kết hợp với việc đa dạng hóa thu nhập nhằm duy trì khả sinh lời một cách hợp lý. (iii) Tăng trưởng quy mô đi cùng với các biện pháp kiểm soát chất lượng các tài sản sinh lời.
Kết quả nghiên cứu cho thấy đa dạng hóa thu nhập (DIV) có tác động tích cực tới sự ổn định tài chính của ngân hàng. Do đó, để đẩy mạnh đa dạng hóa thu nhập thì các NHTM cần đa dạng hóa danh mục cho vay có thể thực hiện thông qua
việc tăng các chi nhánh của ngân hàng, cho phép tăng sự liên kết ngân hàng, khuyến khích tham gia thị trường nợ thứ cấp nhưng phải kiểm soát chặt chẽ các khoản vay. Rõ ràng việc đẩy mạnh thu từ các hoạt động ngoài lãi sẽ giảm bớt áp lực tăng trưởng tín dụng của các nhà băng, nhất là trong bối cảnh rủi ro nợ xấu đang rất lớn vì dịch bệnh. Tuy nhiên, để tăng dần tỷ lệ thu nhập từ phí dịch vụ, chuyên gia khẳng định chắc chắn sản phẩm dịch vụ ngân hàng phải cải tiến, nâng cấp, ngày càng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, thì mới kỳ vọng có lãi từ hoạt động này. Điều này gắn với tiến trình số hoá sản phẩm dịch vụ, số hoá quy trình hoạt động trong chiến lược ngân hàng số của các nhà băng. Ngày nay, nhu cầu của khách hàng đổi với sản phẩm và dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng và phong phú, do đó các ngân hàng cần phát triển và cung cấp sản phẩm đáp ứng các nhu cầu này. Đồng thời có những giải pháp tăng cường hiệu quả công tác Marketing thông qua xác định đúng phân khúc thị trường và đối tượng khách hàng mục tiêu, từ đó có biện pháp phù hợp để tiếp cận khách hàng, hoàn thiện hệ thống danh mục sản phẩm, gia tăng tiện ích cho các sản phẩm và xây dựng các chính sách ưu đãi và khuyến mãi phù hợp nhằm phục vụ tốt các đối tượng khách hàng khác nhau.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ cho vay khách hàng trên tổng tiền gửi (LTD) của khách hàng có tác động ngược chiều tới sự ổn định tài chính của ngân hàng. Do đó, để đảm bảo tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động, các NHTM cần đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mực quốc tế, quy định của NHNN Việt Nam và theo tiêu chuẩn của Basel II, III. Các NHTM cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, và cần có các biện pháp tích cực xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng, thu hồi nợ từ khách hàng, gia tăng chất lượng tài sản cho vay, từ đó tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự ổn định của các ngân hàng.
Ngoài ra, Cải thiện năng lực quản trị chiến lược cho đội ngũ cán bộ quản lý lãnh đạo NHTM theo trình độ cao hơn. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản trị rủi ro ngân hàng gắn với tăng cường năng lực tổng hợp đội ngũ cán bộ ở các cấp (kiến thức, kỹ năng, thái độ và đạo đức nghề nghiệp). Tăng cường công tác đào tạo
cán bộ NHTM cùng với đánh giá hiệu quả các quy định, chuẩn mực, thông lệ về quản trị ngân hàng hiện hành. Xây dựng và ban hành các chuẩn mực về quản trị rủi ro dựa trên các chuẩn mực quốc tế. Theo OECD, năng lực người lao động cần được bao gồm cả thái độ nghề nghiệp. Đạo đức và thái độ nghề nghiệp phù hợp sẽ đảm bảo để người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội cũng là yêu cầu phát triển của xã hội đi liền với khái niệm tăng trưởng kinh tế toàn diện.
Các ngân hàng và tổ chức tài chính cần chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng dễ dàng với chi phí rẻ hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, luôn đổi mới và thích ứng với chuyển đổi số ngân hàng. Tuy nhiên, không có một nền tảng công nghệ nào tuyệt đối bất khả xâm phạm. Vì vậy, bên cung cấp dịch vụ phải không ngừng nâng cấp, nâng cao tính an toàn, chắc chắn của hệ thống. Đặc biệt, phải có những kịch bản để xử lý sự cố khi xảy ra.
Trong tương lai, mạng xã hội hay mạng gì đó khác nữa sẽ thay thế các công cụ giao tiếp ngân hàng và khách hàng đang có, nhưng rõ ràng trung tâm của dịch vụ vẫn là cá nhân hóa mỗi khách hàng. Chất lượng dịch vụ chính là nền tảng và nhân tố quyết định đến thị phần của mỗi ngân hàng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Như vậy rõ ràng là việc triển khai các chiến lược, hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ không chỉ vì quyền lợi của khách hàng mà còn chính vì quyền lợi và tương lai phát triển của các ngân hàng TMCP. Khi các ngân hàng ngày càng chú trọng hơn đến từng giao dịch với khách hàng, khách hàng được hưởng lợi đầu tiên. Tuy nhiên, theo chiều ngược lại, các ngân hàng cũng đã và đang có lời giải hiệu quả cho bài toán win - win, giúp chất lượng sản phẩm dịch vụ trở thành yếu tố góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của các ngân hàng.